Để Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

(Mặt trận) - Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Đây là văn bản rất quan trọng, cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến việc xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”; để dân chủ ở nước ta ngày một trở thành giá trị đích thực, vừa là mục tiêu vừa là động lực chủ yếu của phát triển xã hội, của công cuộc đổi mới đất nước.

Hơn 25 năm qua, tính từ khi Quy chế dân chủ ở cơ sở được ban hành theo Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII), việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nước ta đã thu được nhiều kinh nghiệm quý báu và đạt kết quả tốt đẹp. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, những đặc trưng cơ bản nhất của nền dân chủ ở nước ta bước đầu đã hình thành và từng bước được ghi nhận, được khẳng định trong cuộc sống.

Việc Đảng và Nhà nước ban hành và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là minh chứng rõ nhất cho thấy, chẳng những vai trò, năng lực làm chủ của Nhân dân ngày càng được đề cao, Nhân dân từng bước được sử dụng, được thực hành dân chủ mà còn cho thấy vai trò nhà nước do Nhân dân lập ra, được Nhân dân uỷ quyền cũng từng bước được củng cố và hoạt động có nhiều tiến bộ.

Qua thực tế, Nhà nước ngày một thể hiện rõ hơn trách nhiệm bảo đảm để mọi công dân thực hiện tốt các quyền dân chủ và làm chủ cơ bản của mình. Đây không chỉ là bước chuyển mà còn đánh dấu sự tiến bộ vì nó xác lập được vị trí, vai trò Nhân dân trong xây dựng Nhà nước; đánh giá được mức độ dân chủ và tiến bộ, văn minh của một xã hội mới, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Việc Đảng, Nhà nước cho ban hành và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã giúp cho những đặc trưng, đặc điểm cơ bản của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta như: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân và việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân dần được sáng rõ và đang từng bước được khẳng định. Nói cách khác, địa vị của người dân làm chủ không chỉ được ghi nhận thể hiện qua các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước, mà còn được hiện thực hoá trong thực tế cuộc sống thông qua cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; bằng sự vào cuộc và nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị nước ta, đã có tác động động viên Nhân dân phát huy tối đa ý chí tự lực tự cường, tinh thần sáng tạo tham gia phát triển kinh tế -xã hội, bảo vệ an ninh chính trị ở cơ sở, góp phần vào thành công chung của công cuộc đổi mới đất nước.

Quy chế dân chủ ở cơ sở từ khi ra đời đã để lại dấu ấn sâu đậm, thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đưa đông đảo quần chúng nhân dân tham gia ngày một nhiều hơn vào công việc của nhà nước và xã hội.

Năm 2007, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (khoá XI) đã thông qua và ban hành Pháp lệnh số 34/2007 -PL/UBTVQH11 về Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tiếp theo, Chính phủ cũng ban hành các nghị định về thực hiện dân chủ trong các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã giúp có thêm những căn cứ, bổ sung thêm nội dung góp phần tạo nên bầu không khí dân chủ chung thật sự trong xã hội.

Bên cạnh những nội dung dân chủ như: Được công khai trao đổi thông tin; mạnh mẽ phân cấp và giải quyết nhanh đơn thư khiếu nại, tố cáo; việc tiếp công dân; xây dựng hương ước, quy ước cho các khu dân cư, cộng đồng dân cư; hình thành và nâng cao chất lượng hoạt động các hình thức tự quản của Nhân dân như: Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội có nhiều tiến bộ thì dân chủ về kinh tế được thể hiện rõ nhất và có tác động rất thiết thực. Người dân nói chung, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nói riêng đã được tự chủ, tự do phát triển kinh tế, làm giàu theo pháp luật, được làm những gì pháp luật không cấm; quyền sở hữu tài sản và lợi ích được pháp luật nhà nước bảo hộ, bảo đảm. Từ đó, không chỉ các khu dân cư, cộng đồng dân cư ở xã, phường, thị trấn, mà cả các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, các loại hình doanh nghiệp khác ngoài khu vực nhà nước đều dấy lên các phong trào thi đua yêu nước mạnh mẽ, góp phần tích cực vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước.

Tuy nhiên, sự nghiệp đổi mới nói chung, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói riêng vẫn là lĩnh vực có phạm vi rộng, bao quát và tác động không chỉ đến cơ sở xã, phường, thị trấn, từng khu dân cư, cộng đồng dân cư, mà còn được thực hiện, tác động và chi phối đến cả cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức có sử dụng lao động bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước.

Chính vì vậy, những năm qua để phát triển và mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn bản điều chỉnh như: Nghị quyết, chỉ thị của Đảng; pháp lệnh, các nghị định, quy chế, quy định của Chính phủ và các bộ, ngành với thực hiện dân chủ ở cơ sở, bao gồm các loại hình, đối tượng khác nhau, như: công dân ở xã, phường, thị trấn, công dân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tổ chức khác thuộc khu vực ngoài nhà nước.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khoá XV ban hành lần này, thay bằng điều chỉnh thực hiện dân chủ ở cơ sở qua nhiều chủ thể, loại hình văn bản như trước đây sẽ thống nhất điều chỉnh chung trong một văn bản có hiệu lực cao là luật. Điều này không chỉ cho thấy sự phát triển, từng bước hoàn thiện của pháp luật mà còn được nâng lên cả về giá trị, hiệu lực thực tế của pháp luật. Đây là sự điều chỉnh hợp lý và rất cần thiết có tác động, ảnh hưởng trực tiếp ngay đến sự phát triển và mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Ở khía cạnh khác cũng cho thấy tính thống nhất của nguyên tắc tập trung dân chủ, rằng quyền lực nhà nước của Nhân dân là thống nhất, tập trung. Phương hướng và mục tiêu hoạt động của hệ thống chính trị nước ta nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành càng chứng tỏ sự phát triển và đáp ứng được nhu cầu nâng cao về dân trí, dân quyền, dân sinh, là nhằm hướng đến mục tiêu “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta lúc sinh thời hằng mong muốn.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với tỷ lệ tán thành cao tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV 

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và được thực hiện có hiệu quả, để người dân được hưởng quyền làm chủ, biết dùng quyền làm chủ và đồng thời cũng biết rõ về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với tư cách là người chủ để thực hành dân chủ, đòi hỏi mỗi cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, từng địa phương, cơ sở cần nâng cao ý thức trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, triển khai và thực hiện luật một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đơn vị, tổ chức, cơ quan của mình.

Trách nhiệm và vai trò của hệ thống chính trị trong tổ chức triển khai, thực hiện Luật là đã rõ. Vấn đề đặt ra chỉ còn là làm sao vận động được mọi tổ chức đến mỗi người dân, không sót một ai để góp lại thành lực lượng toàn dân đoàn kết cùng chung tay thực hiện luật một cách có hiệu quả và thiết thực. Các cấp chính quyền là công cụ thực hiện quyền lực của Nhân dân phải thực sự tôn trọng và lắng nghe ý kiến Nhân dân, xứng đáng là trụ cột của hệ thống chính trị. Nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân thể hiện qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đòi hỏi các cấp chính quyền có cơ chế thực thi quyền lực nhà nước bảo đảm có sự phân công, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng triển khai thực hiện đưa Luật đi vào cuộc sống.

Ở nước ta, dân chủ và đoàn kết là hai yếu tố đóng vai trò hàng đầu, động lực quan trọng của phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, nhân tố tạo sức mạnh quyết định thắng lợi của mọi cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, của công cuộc đổi mới đất nước nói chung. Đặc biệt dân chủ được bảo đảm sẽ là điều kiện, tiền đề xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính vì vậy, Mặt trận muốn phát huy vai trò là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì phải góp phần tích cực thúc đẩy phát triển và mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở xác định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có “vai trò nòng cốt” trong thực hiện luật. Điều này không chỉ nói lên vị thế của Mặt trận mà còn có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng, cho thấy trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc triển khai và bảo đảm thực hiện luật đi đến thành công. Chính vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phải dân chủ hoá nhằm thực hành dân chủ rộng rãi, cần phát huy cao nhất vai trò phối hợp và thống nhất hành động của Mặt trận, các tổ chức thành viên; giữa các cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc; phối hợp tốt với các cấp chính quyền dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng để nâng cao hiệu quả hoạt động, xứng đáng với “vai trò nòng cốt” trong tổ chức triển khai và thực hiện luật. Làm được như vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thể hiện thực sự là tổ chức liên minh chính trị - xã hội rộng rãi nhất, có sự lan toả, thu hút nhiều nhất mọi lực lượng, thành phần xã hội cả ở trong nước và ở ngoài nước tham gia vào sự nghiệp cách mạng mà trọng tâm là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển và mở rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Với tư cách là đại diện cho lợi ích chung và lợi ích nhiều thành phần trong xã hội, Mặt trận không chỉ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, mà còn trực tiếp phát huy vai trò đại diện cho các tầng lớp nhân dân, người lao động thực hiện vai trò giám sát, tư vấn và phản biện xã hội đối với Đảng, Nhà nước, trong đó có giám sát, tư vấn và phản biện xã hội ngay đối với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về thực chất vai trò của Mặt trận ở đây chính là thay mặt cho Nhân dân kiểm soát quyền lực của Nhà nước do Nhân dân ủy quyền nhằm phát hiện những khiếm khuyết, hạn chế trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Làm được như vậy cũng chính là cách Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thể hiện được vai trò tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền một cách có hiệu quả và thiết thực nhất. Chính vì vậy, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhấn mạnh đến trách nhiệm của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải đẩy mạnh việc tổ chức, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, hướng và đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở cấp cơ sở là các thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố.

Điều quan trọng là hoạt động, công tác của Mặt trận phải trực tiếp tham gia hỗ trợ, hướng dẫn Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở. Mặt trận cũng cần quan tâm đến việc tiếp nhận, tổng hợp các thông tin về khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của Nhân dân về thực hiện dân chủ ở cơ sở để chuyển đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; thực hiện vai trò giám sát, quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân.

Để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt các yêu cầu và nhiệm vụ nói trên, cần đến sự đổi mới lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận. Ngoài thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong nội bộ đảng, mỗi cấp uỷ cần quan tâm lãnh đạo kết hợp với nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong hoạt động Mặt trận. Điều rõ ràng là, các cấp uỷ đảng phải gương mẫu làm trước, đẩy mạnh và thực hiện thật tốt quy chế dân chủ trong Đảng, đảng viên gương mẫu đi đầu làm bước đột phá đưa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống, góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Thực hiện và làm tốt những công việc nói trên chắc chắn ảnh hưởng, uy tín, vai trò của Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng và mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân sẽ ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Vũ Hải Vân - Tiến sĩ, Học viện An ninh nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều