|
Ảnh minh họa.
|
Trong nỗ lực để phòng, chống tham nhũng, rất nhiều quốc gia đã ban hành đạo luật chuyên biệt về chống tham nhũng và Việt Nam cũng nằm trong xu hướng này. Bên cạnh Bộ luật Hình sự quy định các tội phạm tham nhũng và hình phạt cho các tội phạm đó, thì Luật Phòng, chống tham nhũng được coi như đạo luật khung, góp phần tạo ra một hệ thống pháp luật đồng bộ, trở thành công cụ pháp lý quan trọng để đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Điều chỉnh pháp luật Việt Nam về phòng, chống tham nhũng về cơ bản tạo thành một trục 3 chân: điều chỉnh pháp luật về phòng ngừa, điều chỉnh pháp luật về phát hiện, điều chỉnh pháp luật về xử lý tham nhũng.
Khái niệm và mục đích của xử lý tham nhũng
Xử lý tham nhũng là các biện pháp chế tài của Nhà nước dành cho những người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, xử lý tham nhũng còn bao gồm của xử lý đối với tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.
Mục đích của việc áp dụng các biện pháp xử lý tham nhũng trước hết nhằm “trừng phạt” đối với những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trên cơ sở đảm bảo việc áp dụng chế tài phù hợp với tính chất và mức độ của hành vi vi phạm. Pháp luật đã dự trù một hệ thống các biện pháp xử lý tham nhũng có thể nói là tương đối đầy đủ và nghiêm khắc dành cho những đối tượng vi phạm pháp luật. Bên cạnh mục đích này, thực tiễn áp dụng chế tài đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật nói chung và những người có hành vi tham nhũng luôn tạo ra sự răn đe cần thiết và hữu hiệu đối với các chủ thể khác trong xã hội, đặc biệt nhóm chủ thể có nguy cơ tham nhũng cao, thông qua việc tác động vào ý thức và gián tiếp định hướng hành vi của họ theo hướng tránh thực hiện những hành vi bị coi là tham nhũng.
Vì vậy có thể nói rằng, bên cạnh mục đích “trừng phạt”, việc áp dụng các biện pháp xử lý tham nhũng còn nhằm hướng tới mục đích “răn đe”, “phòng ngừa” tham nhũng. Pháp luật càng nghiêm minh, thực hiện pháp luật càng nghiêm khắc, xã hội sẽ càng ổn định và trật tự.
Bên cạnh đó, việc xử lý đối với tài sản tham nhũng sẽ góp phần khắc phục hậu quả của tham nhũng, bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân.
Về đối tượng xử lý tham nhũng
Theo quy định tại Chương IX, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 về xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thì đối tượng xử lý tham nhũng có thể chia thành 2 nhóm như sau:
Thứ nhất, những người đã thực hiện hành vi tham nhũng.
Những người đã thực hiện hành vi tham nhũng là những người đã thực hiện ít nhất một trong số mười hai hành vi tham nhũng ở khu vực nhà nước được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng hoặc thực hiện một trong ba hành vi tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước theo định tại Khoản 2 Điều 2 của Luật này.
Như vậy, đối tượng đã thực hiện hành vi tham nhũng có thể là những người có chức vụ quyền hạn làm việc trong khu vực nhà nước hoặc làm việc ở khu vực ngoài nhà nước. Cũng cần lưu ý rằng, nếu hành vi vi phạm của họ ở mức độ cấu thành tội phạm hình sự, thì họ sẽ bị xem xét xử lý theo các quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về các tội phạm tham nhũng.
Thứ hai, những người có hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Đây là nhóm đối tượng không thực hiện hành vi tham nhũng nhưng họ có những hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng và như vậy theo nguyên tắc họ cũng bị xem xét trách nhiệm pháp lý trước pháp luật. Cụ thể Khoản 1, Điều 94 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định:
1. Hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng là những hành vi không thuộc trường hợp quy định tại Điều 2 của Luật bao gồm:
a) Vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
b) Vi phạm quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ;
c) Vi phạm quy định về quy tắc ứng xử;
d) Vi phạm quy định về xung đột lợi ích;
đ) Vi phạm quy định về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn;
e) Vi phạm quy định về nghĩa vụ báo cáo về hành vi tham nhũng và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng;
g) Vi phạm quy định về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm;
h) Vi phạm quy định về thời hạn kê khai tài sản, thu nhập hoặc vi phạm quy định khác về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Điều 95 quy định về xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, cụ thể như sau:
Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện vi phạm quy định tại Điều 80 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý như sau:
1. Doanh nghiệp, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
2. Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức bị xử lý theo điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức đó.
Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện các biện pháp xử lý đối với người giữ chức danh, chức vụ quản lý thì bị cơ quan có thẩm quyền thanh tra công bố công khai về tên, địa chỉ và hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc và các chế tài xử lý tham nhũng
Nguyên tắc xử lý tham nhũng là nhũng tư tưởng, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành các biện pháp xử lý tham nhũng. Các nguyên tắc xử lý tham nhũng thể hiện trong pháp luật về phòng, chống tham nhũng chính là sự thể chế hoá những chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác xử lý tham nhũng hiện nay. Những chủ trương lớn của Đảng như phòng chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không có “hạ cánh an toàn” hay chủ trương tăng cường hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng… đều đã được thể hiện đầy đủ trong các nguyên tắc xử lý tham nhũng của pháp luật cũng như thực tiễn phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam những năm gần đây.
Thứ nhất, người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác. (Khoản 1, Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018).
Thứ hai, trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật (Khoản 3, Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018).
Thứ ba, người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (Khoản 4, Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018).
Thứ tư, người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (Khoản 5, Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018).
Ngoài ra đối với xử lý tài sản tham nhũng, Điều 93 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định nguyên tắc như sau:
1. Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật.
2. Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Những nguyên tắc xử lý tham nhũng nêu trên đều thể hiện quan điểm nghiêm khắc của Nhà nước trong xử lý tham nhũng, tuy nhiên vẫn có những nguyên tắc thể hiện tính khoan hồng, tính linh hoạt của Nhà nước khi xử lý tham nhũng, tạo điều kiện cho những người đã sai phạm được chủ động khai báo, khắc phục hậu quả, nộp lại tài sản đã hưởng lợi không chính đáng cho tham nhũng, thì sẽ được coi như những tình tiết để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm.
Việc áp dụng nguyên tắc này trong thực tiễn phòng chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, khi pháp luật có những quy định nhằm khuyến khích sự tự giác, tự nguyện nộp lại tài sản, khắc phục hậu quả đã gây ra của những người đã có hành vi tham nhũng. Đặc biệt, với quy định tại Điểm c, khoản 3, Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về không thi hành tử hình đối với những “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”, đã có hiệu lực được áp dụng khá phổ biến trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về tham nhũng ở nước ta.
Về các biện pháp chế tài xử lý tham nhũng
Khoản 2 Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về xử lý đối với tội tham nhũng như sau:“Người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.”
Như vậy tùy vào mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội của hành vi tham nhũng, người có hành vi tham nhũng có thể bị xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Xử lý kỷ luật
Theo quy định của Nghị định 112/2020/NĐ-CP, nếu công chức có hành vi tham nhũng chưa ở mức độ tội phạm, thì dựa vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị kỷ luật như sau:
- Khiển trách: Nếu công chức tham nhũng phạm lần đầu và gây hậu quả ít nghiêm trọng.
- Cảnh cáo: Nếu công chức tham nhũng vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị kỷ luật bằng khiển trách mà còn tái phạm.
- Giáng chức: Nếu công chức tham nhũng đã bị kỷ luật cảnh cáo mà tái phạm hoặc công chức tham nhũng vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Cách chức: Nếu công chức tham nhũng đã bị giáng chức mà tái phạm hoặc công chức tham nhũng vi phạm lần đầu và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức phải bị buộc thôi việc; công chức tham nhũng có thái độ sửa chữa, tiếp thu, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
- Buộc thôi việc: Nếu công chức tham nhũng đã bị cách chức mà tái phạm; Nếu công chức tham nhũng vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, tùy vào tính chất của từng hành vi cùng với mức độ vi phạm (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng) để có thể áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp nhất công chức tham nhũng.
Truy cứu trách nhiệm hình sự người tham nhũng
Nếu hành vi tham nhũng ở mức độ cấu thành tội phạm, người tham nhũng sẽ bị áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về nhóm tội phạm tham nhũng bao gồm 7 tội danh được quy định từ Điều 354 tới Điều 360.
Về hình phạt áp dụng đối với nhóm tội phạm tham nhũng bao gồm các hình phạt chính và các hình phạt bổ sung. Các hình phạt chính dành cho nhóm tội phạm này thể hiện quan điểm rất nghiêm khắc của Nhà nước, có thể là những biện pháp nhằm hạn chế tự do của người phạm tội như tù có thời hạn, tù chung thân, thậm chí cao nhất có thể là tử hình (Đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ).
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như Cấm đảm nhiệm chức vụ, phạt tiền, tịch thu toàn bộ hoặc một phần tài sản.
Có thể nói rằng, hiện nay khung điều chỉnh pháp luật về xử lý tham nhũng đã khá đầy đủ, đồng bộ, hoàn thiện, góp phần tạo dựng cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn cần có những quan tâm từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác tổng kết thi hành pháp luật để nhanh chóng kịp thời có những kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng nói chung và pháp luật về xử lý tham nhũng nói riêng.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ luật Hình sự 2015 (sđ, bs 2017);
- Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;
- Luật Cán bộ, công chức năm 2008;
- Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019.
Ths. Vũ Hoàng Quỳnh
Bệnh viện Phổi Trung ương