Hình tượng rồng trong mỹ học phương Đông

(Mặt trận) - Trong khuôn khổ trưng bày “Năm Thìn kể chuyện rồng”, sáng ngày 11/3, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm “Hình tượng rồng trong mỹ học phương Đông” nhằm làm rõ hơn các hình tượng rồng và ảnh hưởng của rồng trong đời sống văn hóa Việt.

Hình tượng rồng từ lâu đã là biểu tượng gần gũi của người Việt Nam nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung. Rồng là con vật được xếp đầu Tứ Linh: Long – Ly – Quy – Phụng. Vì thế, hình tượng rồng luôn được thể hiện ở tư thế uy nghi, mạnh mẽ trong chốn cung đình, biểu tượng cho bậc đế vương. Trong dân gian, rồng được coi là con vật linh thiêng, vẻ đẹp hoàn mỹ và sức mạnh phi thường, đại diện cho quyền lực, sự may mắn, thịnh vượng, sự thăng tiến; là tín hiệu tốt lành cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đối với người Việt Nam, rồng còn là biểu tượng thiêng liêng, gắn liền với nguồn gốc “Con Rồng cháu Tiên”. Vì vậy, rồng luôn có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Năm Thìn là năm được người Việt quan niệm mang lại nhiều điều tốt lành, thịnh vượng cho mỗi cá nhân, cho toàn dân tộc; mang lại sức mạnh hùng cường cho đất nước. 

3 vị diễn giả tại buổi tọa đàm 

Tham dự tọa đàm, về phía Bảo tàng Hà Nội, có sự xuất hiện của ông Đặng Minh Vệ - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội. Về phía khách mời, có sự góp mặt của các diễn giả: PGS. TS Lê Thời Tân – Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; TS. Trần Hậu Yên Thế - Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Ngô Viết Hoàn – Giảng viên bộ môn Lí luận văn học, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

 Tọa đàm thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia

 

Nói về sự khác biệt trong ý thức thẩm mỹ, quan niệm thẩm mỹ giữa phương Đông và phương Tây, TS. Ngô Viết Hoàn cho biết: “Nếu nói đến phương Đông với sự hàm xúc, cảm tính, trung dung, hài hòa thì phương Tây lại được nhắc đến với sự khai phóng, lí tính và tự chủ. Trong khi phương Đông chú ý đến những yếu tố thiên về nội tâm con người, thiên về tư duy tổng hợp, hình tượng thì phương Tây chú trọng nhiều đến logic, lí tính và tính khoa học”. Từ đó, chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt về hình tướng, hình thái biểu thị cũng như hàm ý rồng xuất hiện trong văn hóa của mỗi nền văn hóa.

Theo TS. Trần Hậu Yên Thế, hình tượng rồng trong văn hóa phương Tây mang tính ác, thường đại diện cho sự xấu xa, trong khi đó, rồng trong văn hóa phương Đông mang biểu tượng làm nên vũ trụ, đại diện cho sức mạnh tâm linh. Chính yếu tố thuần hư cấu đã giúp rồng trở nên đặc biệt, hấp dẫn, thiêng liêng và đáng sợ. Vì thế, rồng phương Đông thường mang hình tượng dữ dội với bộ mặt già nua, đại diện cho vua chúa, được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đình, đình chùa, trang phục của vua chúa ngày xưa.

 

Ngày nay, thời buổi công nghiệp văn hóa, xu hướng sáng tạo hình tượng các linh vật con giáp theo năm luôn nhận được nhiều sự quan tâm. Nếu như trong truyền thống, chúng ta ít có các hình tượng linh vật ngộ nghĩnh, đáng yêu thì trong công nghiệp sáng tạo hôm nay, họ tạo ra rất nhiều những linh vật dễ mến. 

Trong văn hóa Việt Nam, rồng gắn với văn hóa sinh kế, văn hóa tín ngưỡng. Rồng xuất hiện nhiều trong mỹ học, kiến trúc, điêu khắc, ngôn ngữ và văn chương. Từ đó, rồng dần trở nên thân thuộc đối với cuộc sống người dân. Từ hình tượng của rồng, sẽ có thêm nhiều gợi dẫn về xu hướng công nghiệp văn hóa sáng tạo đối với các linh vật mang màu sắc truyền thống và thể hiện nhiều nội hàm giá trị văn hóa dân tộc.


 

Trịnh Trang

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều