Hoàn thiện chắc chắn, thận trọng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Về thời điểm thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc điều chỉnh thời gian trình Quốc hội thông qua dự án Luật từ Kỳ họp thứ Sáu sang kỳ họp tiếp theo để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhằm hoàn chỉnh một cách chắc chắn, thận trọng dự thảo Luật quan trọng này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Tiếp tục chương trình phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa hai đợt Kỳ họp thứ Sáu, sáng nay, 16.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến với Báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đề nghị chưa thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ Sáu

Trình bày Báo cáo tóm tắt về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến 49 ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu, 16 ý kiến tranh luận tại Hội trường và 17 ý kiến góp ý bằng văn bản, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Theo đó, đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung tại dự thảo Luật.

Đồng thời, qua tổng hợp ý kiến ĐBQH cho thấy, có 4/26 nội dung ý kiến ĐBQH tương đối tập trung; 15/26 nội dung có ít ý kiến ĐBQH tham gia, chưa rõ xu hướng ý kiến, ý kiến tham gia còn phân tán, chưa thống nhất; 7/26 nội dung không có ý kiến ĐBQH tham gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Do vậy, về phương án chính sách thể hiện tại dự thảo Luật, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, có 6/26 nội dung đã tiếp thu gọn còn một phương án (Mục II.1); 14/26 nội dung còn có 22 phương án; 01/26 nội dung cần có thông tin làm rõ (Mục II.3); 5/26 nội dung Đảng đoàn Quốc hội đã báo cáo cấp có thẩm quyền (Mục II.4).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, tiếp thu ý kiến đa số trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung lớn của dự thảo Luật trình Quốc hội và trên cơ sở ý kiến ĐBQH, ý kiến các cơ quan, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, thu gọn còn 1 phương án đối với 6 nội dung: Quy định tại khoản 7 Điều 45 theo hướng cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức quy định tại khoản 1 Điều 177; không quy định tại Luật (Điều 65 và Điều 66) về các loại đất cụ thể cần xác định chỉ tiêu tại quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện và giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định tại khoản 3 Điều 139 về xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 1.7.2014.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng thể hiện tại khoản 3 Điều 154 theo hướng tiền thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm được ổn định cho chu kỳ 5 năm tính từ thời điểm Nhà nước quyết định cho thuê đất, tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo được tính căn cứ bảng giá đất năm đầu tiên của chu kỳ tiếp theo, trường hợp tiền thuê đất tăng so với chu kỳ trước thì tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh theo tỷ lệ do Chính phủ quy định, nhưng không quá tổng chỉ số CPI của giai đoạn 5 năm trước đó. Quy định tại Điều 191 những nội dung mang tính nguyên tắc về hoạt động lấn biển phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật. Chỉnh sửa Điều 14, Điều 49 và Điều 254, quy định theo hướng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ xem xét, quyết định trong trường hợp việc giải quyết việc chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính dẫn đến việc nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

 

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ, hiện còn 14 nội dung còn 2 phương án, trong đó có nội dung về phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 28); quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm (Điều 34); nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp (khoản 9 Điều 60); mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước (điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 128); thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ (khoản 27 Điều 79, điểm b khoản 1 Điều 126, điểm a khoản 1 Điều 127, khoản 1 và khoản 6 Điều 128); phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng (Điều 159);  quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (khoản 3 Điều 202)…

Ngoài các nội dung trên đây, 5 nội dung trong số các nội dung lớn của dự thảo Luật đề nghị ĐBQH tập trung thảo luận tại Kỳ họp thứ Sáu đã được Đảng đoàn Quốc hội đã báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền gồm: quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; bổ sung quy định dự phòng, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo trình tự, thủ tục rút gọn; điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng liên quan; các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hằng năm; các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Về phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, trên cơ sở ý kiến ĐBQH thảo luận tại Hội trường, các quy định tại dự thảo Luật đã được tiếp tục hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, ý kiến ĐBQH về nhiều nội dung chính sách lớn có nhiều ý kiến hoặc cách thiết kế chính sách khác nhau còn chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất về nhiều vấn đề phức tạp. Một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.

Tổng hợp ý kiến ĐBQH thảo luận tại Hội trường cho thấy, có 5/22 ý kiến đề nghị thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 6, trong khi đó, 6/22 ý kiến nhận định rõ tính chất cần thiết sớm thông qua dự thảo Luật nhưng phải bảo đảm chất lượng, 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật một cách thấu đáo nhất, cân nhắc cẩn trọng việc thông qua dự án Luật khi còn quá nhiều ý kiến khác trong trong dự thảo Luật. Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp này.

“Với vai trò hết sức quan trọng của Luật Đất đai, chất lượng của dự án Luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, tránh trường hợp Luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Các dự thảo Nghị định và văn bản hướng dẫn Luật cũng cần thêm thời gian để hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực cùng lúc với hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành, nhất là một số nội dung mới về giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất... cần có quy định chi tiết để chính sách của Luật đi vào cuộc sống”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Đặt chất lượng lên hàng đầu

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, một số Ủy ban của Quốc hội để tiếp thu, giải trình và báo cáo các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời bày tỏ với Báo cáo một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc cũng tán thành với đề xuất của Thường trực Ủy ban Kinh tế về việc chưa thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Sáu nhằm tiến hành thận trọng, thực hiện theo Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

“Kết luận số 19 - KL/TW của Bộ Chính trị nêu rõ, việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đạt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng”. Nhấn mạnh điều này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành việc điều chỉnh thời gian trình Quốc hội thông qua Luật này từ Kỳ họp thứ Sáu sang kỳ họp tiếp theo để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các ĐBQH hoàn chỉnh một cách chắc chắn, thận trọng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, qua lấy ý kiến của nhân dân, các phát biểu của ĐBQH tại hội trường và tổ đã lọc ra được những vấn đề này. Tuy nhiên, do thời gian phát biểu ở hội trường và tổ cũng không nhiều, nhiều nội dung chưa được phát biểu, đề cập đến. Do vậy, cần phải tổng hợp thêm các nội dung để bảo đảm được tính toàn diện.

Về Quỹ phát triển đất (Điều 115), Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không nên đưa vào quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bởi sẽ liên quan đến Luật Đầu tư công. Chính phủ đang trình Phương án 2 là quỹ phát triển đất của địa phương là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do UBND cấp tỉnh thành lập để tiếp nhận và ứng vốn phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư… Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, quy định theo hướng này có nguy cơ sẽ trái với Luật Đầu tư công hiện hành, vì theo Luật này thì công tác giải phóng giải phóng mặt bằng đã được ghi trong vốn đầu tư và tổ chức thực hiện vốn theo quy định về giải ngân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đối với nội dung về quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài ngoài liên quan đến đất đai và các hình thức, loại đất để sử dụng nhà ở thương mại, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua tổng hợp các ý kiến của các cơ quan, thống nhất cao với phương án 1 đối với quyền và người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng vẫn là công dân Việt Nam có đầy đủ quyền và nghĩa vụ đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước. Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng nhận thấy, đây là một bước đổi mới mạnh mẽ, thực hiện chủ trương của Nghị quyết 36 nhằm thu hút sự đóng góp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài cả kiều hồi và đầu tư, tham gia đóng góp để phát triển đất nước.

Liên quan đến loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thống nhất cao với phương án bao gồm gồm đất ở, đất khác không phải đất ở, đất nông nghiệp và phi nông nghiệp và nhận chuyển tiền sử dụng đất ở thông qua thỏa thuận để thực hiện dự án nhà ở thương mại. Còn những trường hợp khác sẽ thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, nếu thống nhất cao được vấn đề này thì không nên nêu hai phương án để báo cáo Quốc hội.

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp hiệu quả trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đối với các nội dung đã được trình xin ý kiến các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã đạt được tinh thần đồng thuận, thống nhất cao, cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất như Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đã nêu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất đối với 6 nội dung đã tiếp thu gọn lại còn 1 phương án.

Đối với những nội dung có hai phương án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn phương án 1 như trong báo cáo giải trình do Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, rà soát lập luận kỹ hơn, xin ý kiến Chính phủ bằng văn bản, sau khi có ý kiến đồng thuận của Chính phủ sẽ trình một phương án để trình Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan tiếp tục tiếp thu nghiêm túc, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo luật, trong đó có ý kiến góp ý của Ban Kinh tế Trung ương về việc khắc phục tình trạng đất lãng phí, đất suy thoái; về những hành vi bị nghiêm cấm; về quyền chung của người sử dụng đất; điều tra đánh giá đất đai; bảo vệ cải tạo phục hồi đất… “Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, hệ trọng nên cần đặt sự ưu tiên chất lượng lên hàng đầu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Lê Bình/Báo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều