Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cũng là dự án luật rất khó và phức tạp.
Sau một thời gian dài được chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu; trình Quốc hội tại 4 kỳ họp, 2 Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học... cùng trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân, sáng 18/1, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).
|
Ảnh minh họa. Nguồn: TH. |
Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 01/01/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nêu rõ: Những nội dung dự kiến xem xét, quyết định trong Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đều là những vấn đề lớn, quan trọng, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn hiện tại trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Nếu không được tháo gỡ kịp thời thì những điểm nghẽn này là lực cản lớn trong nỗ lực hoàn thành mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 nói riêng và của cả nhiệm kỳ nói chung.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương). Ảnh: QH |
Với Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu chỉ ra hiện nay chúng ta đang gặp quá nhiều điểm nghẽn trong quản lý đất đai do Luật Đất đai hiện hành đang có nhiều vướng mắc so với thực tiễn phát triển của xã hội. Những điểm nghẽn này phần nào tạo thành lực cản đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Thậm chí có cả những xung đột pháp lý giữa Luật Đất đai hiện hành với một số luật khác trong những quy định cụ thể.
Việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, giải toả khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai. Điều này là vô cùng cần thiết và cấp bách. Chính vì vậy, việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 có ý nghĩa rất then chốt trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới; là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mọi chỉ tiêu kế hoạch của cả nhiệm kỳ.
Theo đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (Đoàn Quảng Trị), Luật Đất đai là một trong những đạo luật quan trọng nhất, bởi đất đai là không gian sinh tồn của dân tộc và Luật đất đai ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. Nên kỳ họp bất thường được triệu tập để thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) lúc này là rất kịp thời và phù hợp. Nó sẽ tháo gỡ được rất nhiều vấn đề như: phát triển, khai thác và quản lý quỹ đất, phương pháp định giá đất...
|
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (Đoàn Quảng Trị). Ảnh: TH. |
Đối với tư cách một đại biểu đại diện cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Trị nói riêng, cả nước nói chung, đại biểu bày tỏ quan tâm đối với vấn đề giao đất cho người DTTS và các chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất cho đối tượng này. Đại biểu Hồ Thị Minh cho hay, thực tế hiện nay đất tự nhiên không còn, song đất cho người dân vùng DTTS mà nhất là đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng biên giới lại càng phải được quan tâm nhiều hơn.
“Với Luật đất đai (sửa đổi) được thông qua cùng với chương trình mục tiêu quốc gia vùng DTTS và miền núi sẽ tháo gỡ được những khó khăn hiện nay”, đại biểu chia sẻ.
Còn Luật sư Lê Thu Hà, Đoàn luật sư Hà Nội nhận định, Luật Đất đai được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đất chặt chẽ có hiệu quả, tháo gỡ các vấn đề là điểm nghẽn về nguồn lực đất đai như: quy hoạch, giá đất, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư. Cùng đó, chính sách về thuế liên quan đến việc sử dụng đất đai sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai.
Vấn đề đặt ra ngay bây giờ là cần bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật đi vào cuộc sống; qua đó góp phần quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai bền vững, hiệu quả..!./.
Theo Vy Anh/ĐCSVN