Nhếch nhác, bát nháo tại Chợ đầu mối Hóc Môn: Bài học đối với chính quyền địa phương và đơn vị khai thác, quản lý chợ

(Mặt trận) - Mặc dù được điều hành bởi các “lão tướng” có nhiều thâm niêm trong lĩnh vực quản lý chợ, tuy nhiên thực tế hoạt động của Chợ Đầu mối Nông sản Thực phẩm Hóc Môn lại đang bộc lộ nhiều bất cập gây bức xúc cho một số tiểu thương dẫn đến phát sinh khiếu kiện phức tạp, kéo dài.

Sở Công Thương chỉ rõ nhiều bất cập tại Chợ đầu mối Hóc Môn

Thông báo số 2238/TB-SCT ngày 20/4/2020 thông báo kết luận của Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Huỳnh Trang tại cuộc họp giải quyết đơn phản ảnh của tập thể tiểu thương đang kinh doanh tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn.

Ngày 20/4/2020, Sở Công Thương ban hành Thông báo số 2238/TB-SCT thông báo kết luận của Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Huỳnh Trang tại cuộc họp giải quyết đơn phản ảnh của tập thể tiểu thương đang kinh doanh tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Nội dung văn bản nêu rõ:

“Ngày 07/4/2020, Sở Công Thương đã chủ trì, tổ chức cuộc họp với UBND huyện Hóc Môn, Công ty Cổ phần Thương mại Hóc Môn về các nội dung có liên quan đến đơn phản ánh của tiểu thương kinh doanh tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến tại văn số 670/VP-KT ngày 31/1/2020 của Văn phòng UBND Thành phố.

Sau khi nghe ý kiến của đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Hóc Môn về tình hình kinh doanh khai thác và quản lý thực tế tại chợ cũng như ý kiến của đại diện UBND huyện Hóc Môn về tình hình thực tế tại địa phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Huỳnh Trang kết luận như sau:

1. Yêu cầu Công ty Cổ phần Thương mại Hóc Môn chỉ đạo Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối Nông sản Hóc Môn:

1.1. Thực hiện tháo dỡ 08 kios đã xây dựng ở phía Nam dãy 31 kios trong khuôn viên chợ dọc đường Nguyễn Thị Sóc theo chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản số 1929/UBND-ĐTMT ngày 23/4/2013.

1.2. Tạm thời đình chỉ việc kinh doanh tại 8 kios thuộc khu vực căn tin (đang cho thuê kinh doanh, làm nơi chứa trữ các mặt hàng rau, củ, quả). Đồng thời, tổ chức họp các thương nhân ngành hàng rau củ quả để lấy ý kiến và có biên bản rõ ràng  để tránh khiếu kiện kéo dài của các thương nhân. Theo đó:

- Trường hợp các thương nhân đồng thuận việc chuyển đổi mục đích kinh doanh của 08 kios trên: Công ty liên hệ UBND huyện Hóc Môn để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng.

- Trường hợp các thương nhân không đồng thuận việc chuyển đổi mục đích kinh doanh của 08 kios trên: Công ty có trách nhiệm thực hiện theo đúng mục đích kinh doanh ban đầu của khu vực trên là kinh doanh ăn uống.

1.3. Thực hiện nghiêm về lập lại trật tự kinh doanh, bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và an toàn thực phẩm,… trong phạm vi chợ theo quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 ngày 23/12/2009 của Chính phủ.

1.4. Báo cáo cụ thể các khoản thu liên quan đến việc cho thuê các kios (theo phản ánh trên các báo) và việc hạch toán các nguồn thu này, đính kèm hồ sơ, hóa đơn chứng từ cụ thể có liên quan.

1.5. Báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công Thương trước ngày 22//4/2020.

2. Đề nghị UBND huyện Hóc Môn hỗ trợ, phối hợp thực hiện giải quyết các nội dụng phản ánh của tiểu thương, cụ thể:

2.1. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện theo dõi việc tháo dỡ 08 kios đã xây dựng không phù hợp quy hoạch của Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn theo ý kiến của Sở Xây dựng tại văn bản số 2913/SXD ngày 20/3/2020 về việc phối hợp thực hiện Văn bản số 670/VP-KT ngày 31/1/2020 của Văn phòng UBND Thành phố.

2.2 Chỉ đạo Công an huyện kiểm tra việc thực hiện thẩm duyện bổ sung về hồ sơ phòng cháy, chữa cháy đối với phần kios mở rộng thêm tại chợ đầu mối Hóc Môn; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và kiểm tra về công tác phòng cháy, chữa cháy tại chợ đầu mối Hóc Môn.

2.3. Xây dựng kế hoạch với Công an Thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh thực phẩm xung quanh chợ đầu mối; đặc biệt là lập các đoàn kiểm tra liên ngành về điều kiện kinh doanh, an toàn thực phẩm, an toàn thực phẩm, quản lý thị trường, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy…

2.4. Phối hợp với lãnh đạo chợ đầu mối vận động các hộ có giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, số hộ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước… vào kinh doanh trong chợ”.

Chợ đầu mối Hóc Môn là của ai?

 

Trụ sở Công ty Cổ phần Thương Mại Hóc Môn tại số 53/1D Lý Thường Kiệt, Thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn nằm dưới sự quản lý, khai thác và kinh doanh của Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Doanh nghiệp này có trụ sở tại 14/7A đường Nguyễn Thị Sóc, Ấp Mỹ Hòa 1, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM do ông Lê Văn Mỵ làm Chủ tịch, ông Nguyễn Tiến Dũng làm Giám đốc - người đại diện pháp luật với tỷ lệ vốn điều lệ mà Công ty Cổ phần Thương mại Hóc Môn nắm giữa là 100%.

Nói về Công ty Cổ phần Thương mại Hóc Môn (công ty mẹ của Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn), ông Lê Văn Mỵ lại nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc, ông Nguyễn Tiến Dũng cũng giữ chức Phó Tổng Giám đốc “công ty mẹ”.

 

Danh sách cổ đông nhà nước, cổ đông lớn do ông Lê Văn Mỵ, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Hóc Môn ký ban hành gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Theo danh sách thông tin về cổ đông lớn, cổ đông nhà nước do chính Công ty Cổ phần Hóc Môn công bố gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngày 16/1/2020 cho thấy, Tổng Công ty Bến Thành - TNHH MTV giữ 23,86% tỷ lệ cổ phiếu, ông Lê Văn Mỵ nắm giữ 9,95%, xếp tiếp theo sau là Công ty Xăng dầu khu vực II – MTV và Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại có tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu lần lượt là 9,55% và 8,67%.

Thế nhưng, trái với ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Hóc Môn, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn đã có quyết định nghỉ hưu từ 1/7/2020 tới đây, dù sinh năm 1953 nhưng ông Lê Văn Mỵ vẫn đang giữ các chức danh chủ chốt của Công ty Cổ phần Thương mại Hóc Môn.

Ở độ tuổi 67 - lứa tuổi đáng lẽ phải nghỉ hưu theo chế độ tại các đơn vị nhà nước (trừ các trường hợp đặc thù) nhưng câu chuyện ở Công ty Cổ phần Thương mại Hóc Môn lại hoàn toàn khác, là một doanh nghiệp cổ phần, nhân sự công ty sẽ không bị ràng buộc bởi các giới hạn tuổi hưu.

Với đặc điểm là một doanh nghiệp đã được tư nhân hóa cơ bản, ông Lê Văn Mỵ hay bất kỳ lãnh đạo nào đều có thể cống hiến cho Công ty Cổ phần Thương mại Hóc Môn thêm nhiều năm nữa, chỉ cần có đủ năng lực và có sự tín nhiệm của các cổ đông. Có thể thấy, dù ở độ tuổi khá cao nhưng kinh nghiệm, quan hệ, kỹ năng quản trị điều hành của ông Mỵ là một điểm rất giá trị với các cổ đông còn lại.

 Bãi tập kết rác thải khổng lồ nằm ngày trong Chợ đầu mối Hóc Môn.

Xe lôi ngang nhiên chắn giữa đường đi, lối lại.

Xe cộ dừng độ tràn lan ngay trước các kios.

Mặt hàng thịt được bày ra giữa đường nội bộ của khu chợ.

Cả khu chợ ngập ngụa trong rác thải.

Cảnh hàng hóa, người mua, người bán tấp nập tại các kios không số, không tên.

Tuy nhiên, trong thực tế quản lý đối với Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn lại có sự khác biệt. Bất chấp việc Sở Công Thương TP.HCM đã ban hành Thông báo Kết luận của Phó Giám đốc Nguyễn Huỳnh Trang tới UBND huyện Hóc Môn và các đơn vị quản lý chợ thì trong và ngoài khu vực chợ vẫn tái diễn cảnh hỗn loạn, nhếch nhác, mất vệ sinh môi trường, tắc nghẽn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Đặc điểm là 1 trong 3 khu chợ đầu mối lớn nhất của TP.HCM, càng về đêm kẻ buôn người bán trong chợ càng diễn ra tấp nập. Ngoài khu vực lồng chợ chính, các kios chạy dọc các đường nội bộ của chợ mọc lên như nấm, xe máy, xe lôi, xe ô tô tải dừng đỗ ngổn ngang, bát nháo khắp các con đường làm hạn chế tầm nhìn, cản trở việc đi lại.

Hàng hóa được bày bán tràn lan ra ngoài các khu vực kios, túi nilong sau khi sử dụng cũng bị vứt bỏ dưới lòng đường, dưới chân nơi có người đi lại tấp nập.

Chưa dừng lại ở đó, tại khu chợ thịt có kí hiệu P, cảnh pha lóc thịt lợn diễn ra ngay trên khu vực đường nội bộ của chợ, ngay trước các kios của các tiểu thương.

Cả khu chợ đầu mối rộng lớn ngập ngụa ngập trong rác thải. Ngay trong chợ là bãi tập kết rác thải khổng lồ, mùi xuế bốc lên nồng nặc khiến khung cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu hiện lên kinh hoàng.

Bên trong chợ đã vậy, tại các con đường chính dẫn vào chợ chịu sự quản lý của các cấp chính quyền huyện Hóc Môn cũng chẳng khá khẩm hơn.

Đường vào chợ đầu mối Hóc Môn, huyện Hóc Môn, TP.HCM được mở rộng để tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa ra vào chợ. Tuy nhiên, nhiều người đã lợi dụng để buôn bán ngay trên lòng đường gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường.

Tại những con đường này, rác thải bị đổ thành đống sau các buổi họp chợ dưới lòng đường, gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị cho cả khu dân cư liền kề tại đây. Tình trạng lợi nhuận bỏ túi, rác thì làm ngơ đã thể hiện sự vô trách nhiệm của những người buôn bán tự phát ở nơi này.

Không chỉ có rác, việc bày bán hàng hóa, dừng đỗ xe container, xe tải ngay tại lòng đường cũng là điều đáng lo ngại. Lòng đường bỗng nhiên trở thành mặt bằng lý tưởng cho việc buôn bán tự phát mặc cho xe cộ lưu thông. Tai nạn giao thông có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào đối với người đi đường cũng như người bán hàng tại đây.

Điều đáng nói, việc gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông… khu vực trong và ngoài chợ đã diễn ra trong suốt một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương và đơn vị quản lý chợ lại không có biện pháp xử lý dứt điểm, hiệu quả, thậm chí tình hình tắc nghẽn giao thông còn diễn ra phức tạp hơn.

Theo ý kiến của người dân địa phương, tình cảnh bát nháo, lộn xộn diễn ra như hiện nay phần nào cũng thể hiện sự yếu kém, bất lực của các cấp chính quyền huyện Hóc Môn và đơn vị quản lý chợ. Thứ nữa, việc “sinh ra” hệ thống các kios nằm ngoài khu vực lồng chợ chính mà không có biện pháp quản lý hiệu quả cũng khiến tình hình ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường diễn ra trầm trọng hơn.

Ngoài ra, theo ý kiến của một số tiểu thương, việc Sở Công Thương ban hành kết luận, cho một số ý kiến đối với hoạt động của Chợ đầu mối Hóc Môn khiến không ít thương nhân rơi vào trạng thái tâm lý vui mừng đan xen tâm tư, băn khoăn, lo lắng. Bởi lẽ, các tiểu thương cho rằng, việc lãnh đạo Sở Công Thương kết luận và chỉ ra nhiều điểm bất cập trong quản lý, điều hành Chợ đầu mối Hóc Môn cho thấy ý kiến, kiến nghị của một bộ phận tiểu thương đã được cấp chính quyền thành phố lắng nghe, thấu hiểu.

Tuy nhiên, thực tế tại Chợ đầu mối Hóc Môn, việc thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Sở Công Thương diễn ra rất chậm, chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Thêm nữa, việc lấy ý kiến của các tiểu thương để hợp thức hóa việc chuyển đổi mục đích của một số kios từ kinh doanh ăn uống sang kinh doanh rau củ quả là chưa thật sự khách quan. Bởi lẽ nhu cầu và yêu cầu của mỗi thương nhân là hoàn toàn khác nhau. Nếu khu chợ tiếp tục mở rộng ra phía ngoài thì sẽ là “thảm họa” đối với các thương nhân buôn bán ở vùng trung tâm, vùng lõi của lồng chợ.

Nếu cứ tiếp tục mở rộng chợ như đã làm thì rõ ràng thói quen, thị hiếu người mua có thể sẽ tìm đến các kios ở phía ngoài, khu vực gần cổng chợ. Từ đó sẽ gây nên sự cạnh tranh bất bình đẳng, không công bằng cho các thương nhân kinh doanh nằm sâu bên trong chợ. Do đó, đây là bài toán mà Sở Công Thương TP.HCM cần tính đến đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh giữa các tiểu thương.

Cũng liên quan đến phản ánh, kiến nghị của các thương nhân kinh doanh tại Chợ đầu mối Hóc Môn, ngày 06/3/2020, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có văn bản số 89/XLĐ-MTTW-BTT, gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương và Chủ tịch UBND TP.HCM về việc chuyển đơn kiến nghị, phản ánh của các tiểu thương đang kinh doanh tại Chợ đầu mối nông sản sản Hóc Môn.

Theo đó, văn bản của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam có nêu: “Phản ánh và kiến nghị xử lý những sai phạm của Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn trong quá trình hoạt động gây thiệt hại lớn cho các tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán tại chợ. Theo đơn trình bày thì tập thể thương nhân đang kinh doanh, buôn bán tại Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn đã nhiều năm nay gửi đơn phản ánh và kiến nghị xử lý sai phạm của Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn nhiều lần đến UBND huyện Hóc Môn, UBND TP.HCM, Sở Công Thương TP.HCM; trực tiếp trình bày vụ việc với Thanh tra Bộ Công Thương và đại diện Vụ Thị trường trong nước tại phòng tiếp dân cơ quan Bộ Công Thương (ngày 17/12/2019). Tuy nhiên, cho đến nay các cơ quan trên chưa giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật dẫn tới công dân khiếu kiện tập thể, vượt cấp lên cơ quan Trung ương

Sau khi xem xét nội dung đơn và căn cứ theo quy định của pháp luật, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ chuyển đơn của công dân đến đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương và Chủ tịch UBND TP.HCM để chỉ đạo giải quyết kịp thời vụ việc. Đồng thời, khi có kết giải quyết đề nghị gửi văn bản báo cáo cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ theo quy định”.

 

Cảnh tượng ùn ứ, tắc nghẽn tại các con đường xung quanh Chợ đầu mối Hóc Môn lúc 3 giờ sáng.

Xe container ngang nhiên đỗ dười lòng đường nhưng không bị các lực lượng chức năng nhắc nhở, xử lý.

Các con đường xung quanh khu chợ ngập ngụa trong rác thải và mùi xú uế.

Do đó, để giải dứt điểm các vấn đề dân sinh gây bức xúc, khiến kiện kéo dài, làm ảnh hưởng chung đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, kiến nghị thực hiện những giải pháp sau:

Một là, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương mà cụ thể ở đây là trên địa bàn TP.HCM và huyện Hóc Môn trong giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên, góp phần giải quyết thỏa đáng những bức xúc, đòi hỏi quyền lợi chính đáng của người dân.

Hai là, đề nghị các cơ quan chức năng dẹp bỏ triệt để, tháo dỡ toàn bộ những kios phát sinh không đúng quy hoạch của chợ theo tinh thần tại Thông báo số 2238/TB-SCT ngày 20/4/2020 của Sở Công Thương TP.HCM.

Ba là, đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Công an TP.HCM vào cuộc, xác minh, điều tra làm rõ thông tin có hay không những khoản tiền bất hợp pháp từ việc xây dựng các ô vựa trái phép, nằm ngoài quy hoạch.

Bốn là, tiến hành xử lý, kiểm tra các dấu hiệu sai phạm của một số cán bộ, đảng viên buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng lộn xộn, bát nháo trong hoạt động, kinh doanh tại Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn. Sau đó, công khai kết quả thanh tra, kiểm tra để người dân, các đoàn thể chính trị - xã hội được biết và giám sát.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều