Dân chủ là yếu tố quan trọng để bảo đảm công bằng, bình đẳng và tiến bộ xã hội, là tiêu chí để đánh giá hiệu quả của phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội…
Thực hiện dân chủ ở cấp cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Cơ sở là nơi diễn ra sự tiếp xúc trực tiếp mối quan hệ nhiều mặt giữa các tầng lớp nhân dân với chính quyền, các thiết chế của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị, với cán bộ, công chức, viên chức điều hành, xử lý công việc hàng ngày; các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên phát sinh giữa Nhà nước với công dân và giữa công dân với nhau.
Dân chủ, với ý nghĩa tối cao nhất là quyền tự nhiên của con người trong các mối quan hệ được thực hiện trước hết ở cơ sở. Nhân dân có quyền được biết, được bàn và được tham gia giải quyết, quyết định và kiểm tra, giám sát mọi hoạt động diễn ra ở cơ sở.
Theo khoản 2 Điều 2, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở 2022, thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được dựa trên các nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Luật Thực hiện dân chủ cơ sở 2022:
Một là, bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở;
Hai là, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở;
Ba là, thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động;
Bốn là, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
Năm là, bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở; Sáu là, tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.
|
Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực từ 01/07/2023. Ảnh minh họa |
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vào ngày 10/11/2022, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2023 đã ghi nhận rõ nội dung và hình thức công khai thông tin ở cấp cơ sở; nội dung, hình thức Nhân dân bàn và quyết định; nội dung, hình thức Nhân dân tham gia ý kiến; nội dung, hình thức Nhân dân kiểm tra, giám sát. Đây là những quy định thay cho pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn mà các chủ thể quản lý cần triển khai thực hiện trong quá trình quản lý ở cấp cơ sở.
Một là, nội dung, hình thức công khai thông tin ở cấp cơ sở
Công khai thông tin ở cấp cơ sở để Nhân dân hiểu và nắm rõ được chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật liên quan đến cuộc sống Nhân dân, vận mệnh đất nước, dân tộc là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định chính quyền địa phương cấp xã phải công khai 14 nội dung cho Nhân dân biết, đây là những nội dung liên quan trực tiếp đến người dân, gắn liền với quyền và lợi ích của Nhân dân, được Nhân dân quan tâm, bao gồm những nhóm nội dung chính, như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế hằng năm của cấp xã và kết quả thực hiện;...
Các thủ tục hành chính, thủ tục giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân do chính quyền địa phương cấp xã trực tiếp thực hiện; Nội dung khác theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn...
Nhân dân nắm được thông tin, biết để bàn bạc, đóng góp ý kiến, hoạch định, góp phần bảo đảm khi được ban hành, thực hiện trong đời sống, đem lại kết quả tốt. Nhân dân biết, nắm rõ, hiểu được chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, tạo cơ sở để thống nhất, đồng thuận, đồng lòng, đoàn kết tổ chức, thực hiện đạt kết quả cao trong cuộc sống.
Nhân dân hiểu rõ mục đích cuối của chủ trương, chính sách, pháp luật là phục vụ lợi ích của chính Nhân dân, thành quả của chủ trương, chính sách, pháp luật mang lại do Nhân dân thụ hưởng, tạo ra xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.
Để Nhân dân “biết” phải sử dụng hình thức: Niêm yết thông tin; Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã; Phát tin trên hệ thống truyền thanh của cấp xã; Thông qua Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến công dân; Gửi văn bản đến công dân; Thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; Thông qua việc tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật; Thông báo đến tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức, đoàn thể cùng cấp khác để tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên ở cơ sở; Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, tại thôn, tổ dân phố (Điều 12 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở).
Hai là, nội dung, hình thức Nhân dân bàn và quyết định
Nhân dân bàn là Nhân dân được thảo luận, bàn bạc, ý kiến, góp ý với Đảng và Nhà nước, để việc hoạch định, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật được thực hiện một cách chính xác, phù hợp, hiệu quả. Nhân dân bàn bạc, thống nhất cách thức, biện pháp tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả vào thực tiễn công việc, mang lại lợi ích cho Nhân dân, đất nước.
Nhân dân bàn và quyết định những nội dung theo quy định tại Điều 15 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm: Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức; việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộng đồng dân cư được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác; Nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội.
Dựa trên các nội dung Nhân dân bàn và quyết định, các hình thức cụ thể được sử dụng để Nhân dân bàn và quyết định đó là: Tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư; Phát phiếu lấy ý kiến của từng hộ gia đình và biểu quyết trực tuyến phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và được cộng đồng dân cư thống nhất lựa chọn theo quy định.
Ba là, nội dung, hình thức Nhân dân tham gia ý kiến
Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định thuộc mục 3, chương 2 trong quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Theo đó, Nhân dân được tham gia ý kiến tập trung vào những nội dung cơ bản sau:
1) Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; đề án định canh, định cư, vùng kinh tế mới và phương án phát triển ngành, nghề của cấp xã.
2) Dự thảo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và phương án điều chỉnh; việc quản lý, sử dụng quỹ đất được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.
3) Chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án di dân, tái định canh, định cư đối với việc quyết định đầu tư công...
4) Dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính; dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố, ghép cụm dân cư.
5) Dự thảo quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan đến lợi ích cộng đồng.
6) Dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng, dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn.
7) Dự thảo quy chế về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
8) Dự thảo quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành là công dân trên địa bàn cấp xã.
Khi Nhân dân góp ý kiến đúng, xác đáng chính quyền cấp cơ sở phải trân trọng, tiếp thu, hoàn thiện cho tốt hơn; khi Nhân dân góp ý kiến chưa xác đáng, chưa phù hợp phải giải thích, tuyên truyền, thuyết phục để Nhân dân hiểu, nắm rõ chủ trương, chính sách, pháp luật và những lợi ích đem lại.
Trên cơ sở những nội dung cơ bản này, các hình thức lấy ý kiến Nhân dân bao gồm: Hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; Tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư; Phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình; Thông qua hòm thư góp ý, đường dây nóng (nếu có); Thông qua Ban Công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở; Thông qua cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã; Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, tại thôn, tổ dân phố; Hoặc thông qua tổ chức đối thoại, lấy ý kiến công dân là đối tượng thi hành theo quy định.
Bốn là, nội dung, hình thức Nhân dân kiểm tra, giám sát
Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực Nhân dân trong quá trình hiện thực hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.
Nhân dân kiểm tra là việc Nhân dân xem xét, đánh giá thực tế thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, việc làm, qua đó phát hiện những sai lệch, thiếu sót, đề xuất, ngăn chặn, xử lý, đưa ra biện pháp điều chỉnh kịp thời, bảo đảm thực hiện có hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra. Mặt khác, qua kiểm tra để khuyến khích, biểu dương những việc làm tốt, mô hình hay.
Nhân dân giám sát là Nhân dân theo dõi, xem xét, đánh giá quá trình thực hiện, kết quả thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án, công việc thực hiện. Nhân dân theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình có đúng, có tuân thủ đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật không.
Nhân dân giám sát việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Nhân dân kiểm tra bằng cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện gián tiếp thông qua các cơ quan đại diện dân cử, nhất là dân chủ ở cơ sở. Để Nhân dân kiểm tra được cần có cơ chế cụ thể, cách thức tiến hành phù hợp.
Nhân dân giám sát bằng hình thức, phương pháp cụ thể, thường xuyên, theo nội dung công việc, trực tiếp, hoặc gián tiếp, theo đó, các hình thức kiểm tra giám sát được quy định cụ thể tại Điều 31 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đó là các hình thức thông qua:
Hoạt động lao động, sản xuất, học tập, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư; Quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và người dân ở cộng đồng dân cư; Tiếp cận các thông tin được công khai; các thông tin, báo cáo của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý hoặc thực hiện các nội dung Nhân dân đã bàn và quyết định; Tham dự hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân, hội nghị tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân; hội nghị định kỳ và các cuộc họp khác của cộng đồng dân cư.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng để Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng, từ đó góp phần hoàn thiện các thiết chế về dân chủ. Yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân đòi hỏi tuân thủ tính tối cao của Hiến pháp và pháp luật.
Việc thực hiện pháp luật về dân chủ trên tất cả các lĩnh vực diễn ra ở cơ sở không chỉ giúp cho pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, Nhân dân tự mình làm chủ trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội mà còn là nơi giám sát và phản ánh chất lượng, tính khoa học, khả thi, gần dân đối với các đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Cao Thị Dung - Tiến sĩ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền