Phát huy tinh thần, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật và phối hợp hoàn thiện hệ thống pháp luật

(Mặt trận) - Ngày 6/9, tại Hội nghị triển khai luật, nghị quyết Kỳ họp thứ 5 thông qua; đánh giá nửa nhiệm kỳ thực hiện luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã trình bày tham luận về công tác triển khai thực hiện trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định tại Điều 6 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tại các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, trọng tâm là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trình bày tham luận tại Hội nghị

Trình bày tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, trong nửa nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, chủ động và sớm triển khai các nhiệm vụ đặt ra tại Kế hoạch, tập trung chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật và phối hợp hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Theo đó, đối với tình hình tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 403; đồng thời ban hành Kế hoạch, gửi yêu cầu báo cáo sơ kết theo đề cương tới MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ phối hợp xây dựng báo cáo về kết quả thực hiện NQLT số 403; thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát việc triển khai, thực hiện NQLT số 403 tại 04 tỉnh; tổ chức Hội nghị Tổng kết trực tuyến đến Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; xây dựng báo cáo kết quả 5 năm gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, ngày 26/10/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Để triển khai thực hiện Chỉ thị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, trong đó có nội dung cụ thể là Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực tiễn để đề xuất lập đề nghị xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân. Trong quý IV năm 2023, Ban Thường trực sẽ tiến hành khảo sát thực tiễn, tổ chức các hội nghị, xây dựng văn bản đề xuất, kiến nghị định hướng xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân.

Đối với hoạt động phối hợp hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, trong năm 2022, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối với 58 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề án về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị… Năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; góp ý kiến hồ sơ dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong toàn hệ thống, đã nhận được tổng số 8.363.162 ý kiến góp ý cụ thể vào từng điều khoản trong Dự thảo Luật của các tổ chức, cá nhân.  Tham gia vào dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy ban  Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia khâu lập đề nghị xây dựng Luật đến khi Luật được ban hành. Đã cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập của dự án; tham gia trực tiếp ý kiến tại các cuộc họp lấy ý kiến. Ban Thường trực đã chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với dự án luật này (tháng 4/2022).

Sau phản biện, Ban Thường trực đã có văn bản phản biện gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo. Luật có hiệu lực từ 01/7/2023, việc triển khai thực hiện Luật là một nhiệm vụ rất quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là MTTQ Việt Nam.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực tham gia góp ý nhằm hoàn thiện “Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” và “Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư”; hướng dẫn hệ thống tổ chức mình thực hiện các hoạt động phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đưa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hệ thống Mặt trận thông qua các hình thức phù hợp, hiệu quả.

Cũng theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã lựa chọn và thực hiện phản biện xã hội đối với nhiều dự án luật quan trọng như: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật nhà ở (sửa đổi)…

Đối với dự án Luật Đất đai và Dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ban Thường trực đã tổ chức phản biện 02 lần trước khi Quốc hội cho ý kiến. Các hội nghị phản biện đã huy động sự tham gia tích cực của đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận, các chuyên gia, nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, trong đó hội nghị phản biện xã hội dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đại biểu tham dự Hội nghị

Từ thực tế, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng nhắc tới những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như công tác phối hợp trong hoạt động phản biện xã hội của cơ quan chủ trì soạn thảo với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đôi lúc còn chưa nhịp nhàng, đồng bộ, kịp thời; Thiếu cơ chế huy động các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn tham gia vào công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng chính sách pháp luật của MTTQ Việt Nam…

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo tích cực, chủ động phối hợp với Ban Thường trực MTTQ Việt Nam để tổ chức phản biện xã hội ngay từ khâu lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong hoạt động phản biện xã hội của MTTQ với cơ quan chủ trì soạn thảo, trong đó cần bảo đảm sự tham gia đầy đủ của cơ quan phản biện trong các công đoạn soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền dự án, dự thảo văn bản; việc tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện xã hội phải được xác định là nhiệm vụ bắt buộc (đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng); văn bản phản biện cần được thể hiện rõ trong hồ sơ trình dự án, dự thảo văn bản.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xác định sẽ tập trung thực hiện một cách đầy đủ, kịp thời trách nhiệm của MTTQ Việt Nam được giao tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; trong đó tập trung vào việc tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm gửi đến Quốc hội, Hội đồng nhân dân; tiếp tục Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực tiễn để đề xuất lập đề nghị xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân; Luật điều chỉnh về hoạt động từ thiện, nhân đạo; Luật MTTQ Việt Nam.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật quan trọng đã có ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận để theo dõi, đề xuất kịp thời việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo các ý kiến phản biện; tham gia ý kiến vào các dự án, dự thảo văn bản. Về lâu dài, sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; cụ thể hóa đầy đủ quyền con người, quyền công dân, nghiên cứu để tiến tới xây dựng Luật/pháp lệnh về hoạt động giám sát của Nhân dân...

Hương Diệp

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều