Văn phòng Tập đoàn GFS tại tầng 16 Tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Dự án Five Star Mỹ Đình do Tập đoàn GFS (văn phòng tại tầng 16 Tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội) làm chủ đầu tư, được xây dựng trên lô đất DD, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội có diện tích khu đất: 7.605 m2 (bao gồm hệ thống đường, vỉa hè và cây xanh). Dự án thiết kế với 53 lô bao gồm các căn liền kề có diện tích sử dụng từ 59m2 đến 107m2 xây dựng 05 - 06 tầng. Dự án được chia làm 4 khối nhà A, B, C, D nằm trong quần thể Khu đô thị The Manor - Mỹ Đình - Sông Đà.
Tuy nhiên, tại dự án nêu trên đang tồn tại hàng loạt ngôi nhà ngang nhiên sửa chữa, xây dựng không đúng với thiết kế ban đầu, tự ý thay đổi kết cấu công trình nhằm tư lợi cá nhân, phá nát quy hoạch cả khu đô thị, gây nhiều bức xúc cho người dân và cấp quản lý.
Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đang diễn ra tràn lan, ngang nhiên giữa ban ngày, vậy mà dường như chủ đầu tư dự án và chính quyền sở tại lại là UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Mỹ Đình 1 bị “bịt tai, che mắt” khi để hàng loạt công trình vô tư cơi nới, xây dựng vượt tầng nhưng không hề có biện pháp ngăn chặn.
Mặt bằng phân lô khu đất tỷ lệ 1/500 của dự án Fivestar Mỹ Đình. (Nguồn ảnh: fivestarsmydinh.net)
Phối cảnh dự án Fivestar Mỹ Đình. (Nguồn ảnh: fivestarsmydinh.net)
Đáng nói hơn, những sai phạm của các chủ sở hữu đã được phát hiện từ sớm, thậm chí đã thiết lập hồ sơ để xử lý nhưng chính quyền địa phương vẫn “làm ngơ” cho các công trình xây dựng sai phép vô tư hoàn thiện, tăng quy mô vi phạm “khủng” như thách thức pháp luật. Vậy điều gì có thể vô hiệu hóa cả một bộ máy khi xử lý các sai phạm về trật tự xây dựng tại Dự án Five Star Mỹ Đình?.
Mục sở thị tại hiện trường, phóng viên không khỏi giật mình chứng kiến tình trạng bát nháo của hàng loạt các căn hộ xây dựng trái phép nêu trên không những không bị chính quyền cưỡng chế, mà ngược lại chủ sở hữu của các công trình này còn ngang nhiên cho công nhân cấp tập xây dựng.
Nhiều công trình đã tự ý thay đổi công năng ở một số hạng mục như thang máy, thang bộ, làm thêm tầng tum, biến sân thượng thành “chuồng cọp”.
Theo quan sát, nhiều công trình đã tự ý thay đổi công năng ở một số hạng mục như thang máy, thang bộ, làm thêm tầng tum, biến sân thượng thành “chuồng cọp”, thậm chí có chủ sở hữu còn cấy thêm dầm sắt, dựng cột thép hộp… không đúng với hồ sơ cấp phép và thiết kế đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt khiến người dân đi qua đây không khỏi “ngao ngán” vì độ liều lĩnh, coi thường pháp luật của những chủ sở hữu các căn hô liền kề này. Đến nay, nhiều công trình trong số đó đã thi công xong, “cửa đóng, then cài” như chưa có chuyện gì xảy ra.
Chính sự “chơi trội” của các chủ sở hữu đã khiến toàn bộ dự án méo mó, biến dạng nghiêm trọng, tạo nên tác động rất xấu làm thay đổi cảnh quan khu dân cư, gây mất mỹ quan và phá vỡ quy hoạch chung của thành phố. Ngoài ra, trong quá trình thi công, công trình này không có biển báo xây dựng, bạt che chắn sơ sài cũng như lưới đỡ vật cứng rơi được quây lại tùy tiện. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn tới các hộ dân xung quanh và người đi đường, gây ô nhiễm môi trường, cản trở việc đi lại...
Căn hộ liền kề được chủ sở hữu cấy thêm dầm sắt, dựng cột thép hộp… không đúng với hồ sơ cấp phép và thiết kế đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Rõ ràng, các hạng mục thi công sai phép có thể ảnh hưởng nghiêm trọng kết cấu, khả năng chịu lực của tòa nhà cũng như an toàn các hộ dân xung quanh, thế nhưng các tốp công nhân vẫn đang thi công thoải mái, còn các công trình không hiểu sao vẫn được “lờ đi” để hoàn thiện tiếp.
Một người dân sinh sống gần đó bức xúc cho biết, ban đầu chỉ có vài căn hộ xây dựng trái phép. Nhưng có lẽ được chủ đầu tư “bật đèn xanh”, “thả cửa” cho làm, cộng với việc các căn hộ trước đó xây dựng trái phép mà không bị chính quyền xử lý nên đã xảy ra tình trạng đua nhau xây dựng sai phép.
Vậy đâu là tính thượng tôn pháp luật trong việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Dự án Five Star Mỹ Đình? Chủ đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm gì trong vụ việc này hay chủ đầu tư bán nhà xong là phủi tay trách nhiệm? Động cơ nào khiến chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để vi phạm trật tự xây dựng kéo dài, chậm xử lý? Giải pháp nào để kiên quyết chấn chỉnh, lập lại kỷ luật, kỷ cương trong việc quản lý trật tự xây dựng, xử lý, khắc phục hậu quả?
Liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng chúng ta không thiếu chế tài để xử lý, nhưng xuất phát từ tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, sự vô cảm, thờ ơ, đùn đẩy trách nhiệm của chính quyền cấp quận, cấp phường đã khiến chủ đầu tư, chủ sở hữu tỏ ra “nhờn luật”.
Tại Hà Nội, không một kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố chất vấn về vấn đến quản lý trật tự xây dựng trở nên “nguội lạnh”. Trong kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân thành phố khóa XV, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng khẳng định, hiện nay, các quy định pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm trật tự xây dựng đã rất đầy đủ, cụ thể là Luật Xây dựng, Nghị định xử lý vi phạm trật tự xây dựng và thành phố cũng có những quy định rất rõ ràng. Vấn đề là chúng ta thực hiện thế nào.
“Trong quy định cũng thể hiện rất rõ về thẩm quyền và trách nhiệm. Nếu nói rằng, Thành ủy, HĐND, UBND không chỉ đạo quyết liệt thì không đúng. Chỉ thị Thành ủy đã có, chỉ một bài báo đăng thôi, UBND thành phố đã lập tức có chỉ đạo xuống các đơn vị, các địa phương yêu cầu xử lý, chứ không có chuyện là để đấy, thậm chí, chỉ nghe tin nhắn của nhân dân, UBND thành phố đều có chỉ đạo trực tiếp, có trường hợp chuyển lại tin nhắn cho lãnh đạo các địa phương” - ông Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nói về thực trạng và giải pháp quản lý trật tự xây dựng tại Hà Nội. (Nguồn: Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội).
“Trách nhiệm chính quyền địa phương ở đâu, chính quyền cơ sở thế nào, lực lượng thanh tra xây dựng như thế nào thì đều đã được quy định rõ. Tôi nhận thấy rằng, để làm tốt quản lý công tác trật tự xây dựng, thì các Sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương… cũng đều phải vào cuộc, tham mưu thành phố. Vấn đề, chất lượng bộ máy quản lý, chất lượng cán bộ trực tiếp quản lý địa bàn, thái độ kiên quyết của bộ phận tham mưu với chính quyền địa phương để xử lý vi phạm. Chắc chắn chất lượng chưa đạt yêu cầu, có nơi không có hiệu lực, hiệu quả trong xử lý. Nhiều chủ đầu tư có hiểu biết pháp luật, được giáo dục tuyên truyền nhưng vẫn cố tình thì cần có giải pháp để xử lý… Để làm được việc này cần phải cương quyết xử lý nghiêm chủ đầu tư, đồng thời xử lý cả các đơn vị quản lý để xảy ra vi phạm. Nếu xảy ra vi phạm nghiêm trọng, có tính liên tục thì chuyển sang cơ quan Thanh tra hoặc cơ quan Công an xử lý các vấn đề về hình sự” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng chỉ ra những điểm yếu kém trong công tác quản lý trật tự xây dựng của Hà Nội.
Đích thân Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nhiều lần đăng đàn, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Thành phố trong xử lý vi phạm trật xây dựng, văn minh đô thị. Minh chứng rõ ràng nhất làm việc, trong năm 2017, thành phố đã chuyển các vụ việc vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng trên địa bàn sang Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ.
Trong lần tiếp xúc cử tri, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng thông tin: “HĐND thành phố chất vấn rất căng về vấn đề này. Tới đây, HĐND sẽ giám sát mạnh hơn và lãnh đạo thành phố, cũng như các quận, huyện sẽ xử lý nghiêm hơn vấn đề này”.
Thâm chí trước đó, ngày 26/5/2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô. Đây là chỉ thị có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh vi phạm trật tự xây dựng đang là thách thức lớn của Hà Nội và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong quản lý lĩnh vực và quản lý địa bàn phải thực hiện.
Vậy, quay lại trở lại vụ việc vi phạm trật tự xây dựng dự án Five Star Mỹ Đình, thì chính quyền địa phương là UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Mỹ Đình và cơ quan quản lý chuyên ngành là Đội Thanh tra Xây dựng quận Nam Từ Liêm đã có những biện pháp gì để xử lý và ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã đến UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Mỹ Đình 1 để tìm hiểu thông tin vụ việc; tuy nhiên, sau nhiều ngày chờ đợi, vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi chính thức từ các cơ quan này.
Trước những bất thường trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Five Star Mỹ Đình, đã đến lúc Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm… cần chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xác minh, xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng ngang nhiên tồn tại thách thức dư luận, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Tạp chí điện tử Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.
Phan Anh Tuấn