Tòa xử thắng kiện vẫn bị mất đất, mất nhà: Bài học kinh nghiệm trong công tác thi hành án dân sự và cấp GCNQSD đất tại quận Tây Hồ, Hà Nội

(Mặt trận) - Mặc dù Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân (TAND) tối cao tại Hà Nội đã xét xử, yêu cầu bị đơn phải trả lại toàn bộ nhà cho nguyên đơn, thậm chí Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quyết định Giám đốc thẩm giữ nguyên Bản án dân sự phúc thẩm; tuy nhiên, sau đó UBND quận Tây Hồ lại cấp “sổ đỏ” mới cho bị đơn bất chấp phán quyết trước đó của các cấp tòa. Vụ việc kéo dài hơn 10 năm khiến nguyên đơn đứng trước nguy cơ “trắng tay”, mất quyền sở hữu đối với khối tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng.
 
Ông Trần Tấn Hiệp bày tỏ sự bức xúc trước hành động vô trách nhiệm, có dấu hiệu cố ý làm trái, lạm quyền của Cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội và UBND quận Tây Hồ.

Theo phản ánh của ông Trần Tấn Hiệp (trú tại Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội), ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Trần Tấn Hiệp và bà Vũ Thị Thục Đức.

Vảo khoảng 9/2000, sau khi lấy lại ngôi nhà trước đây cho người nước ngoài thuê, ông Hiệp, bà Đức cho ông Lê Trọng Đỉnh (SN 1949) và bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh (SN 1952) ở nhờ. Do có quen biết nhau nhiều năm nên ông Đỉnh có cho ông Trần Tấn Hiệp vay nhiều lần tiền để kinh doanh, làm ăn.

 Do nợ số tiền lớn, đến thời điểm ngày 06/3/2001, vợ chồng ông Hiệp đã đồng ý và tạm thế chấp ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ cho ông Đỉnh bằng giấy biên nợ và cũng như giao cho ông Đỉnh toàn bộ giấy tờ nhà đất, trong giấy biên nợ còn thể hiện nếu như ông Đỉnh, bà Thịnh có nhu cầu lấy ngôi nhà này thì 2 bên sẽ bàn bạc thống nhất giá cả theo thời giá đó.

Ngày 26/5/2001, vợ chồng ông Hiệp bà Đức và vợ chồng ông Đỉnh bà Thịnh đã cùng nhau lập bản khai mua bán quyền sở hữu nhà, công trình và quyền sử dụng đất trong khuôn viên nhà đất số 6 đường Âu Cơ là 2,6 tỷ đồng.

Tại phiên tòa Phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã xác định về giá cả trong bản khai trên theo các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện không đúng với giá trị thực tế của nhà đất thời điểm đó, cả 2 bên đều khai không thống nhất về giá cả nhà đất.

Trên cơ sở đánh giá các khoản nợ giữa vợ chồng ông/bà Hiệp, Đức và vợ chồng ông/bà Đỉnh, Thịnh, cũng như giá trị ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ, tại Bản án số 172/2005/DSPT ngày 19/8/2005, Tòa án Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định xử: “Giao dịch chuyển nhượng nhà số 6 đường Âu Cơ, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội giữa ông Trần Tấn Hiệp, bà Vũ Thị Thục Đức với ông Lê Trọng Đỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh là hợp đồng vô hiệu.

Vợ chồng ông Lê Trọng Đỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh phải có trách nhiệm trả lại toàn bộ ngôi nhà số 6 Âu Cơ cho vợ chồng ông Trần Tấn Hiệp, bà Vũ Thị Thục Đức.

Ông Trần Tấn Hiệp bà Vũ Thị Thục Đức phải có trách nhiệm thanh toán trả ông Đỉnh bà Thịnh số tiền hơn 19,736 tỷ đồng”.

Sau đó, ngày 07/9/2006, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân tối cao đã có Quyết định giám đốc thẩm số 24/2006/DS-GDT không chấp nhận kháng nghị số 57/QĐ-KNGĐT-DS ngày 26/6/2006 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, giữ nguyên Bản án số 172/2005/DSPT ngày 19/8/2005, Tòa án Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

Sau khi bản án của các cấp tòa có hiệu lực pháp luật, ngày 10/10/2006, Quyền Trưởng Thi hành án Dân sự Thành phố Hà Nội Nguyễn Bá Nhã đã ký ban hành Quyết định tiếp tục thi hành án số 12/TH-THA có nội dung:

“- Buộc vợ chồng ông Lê Trọng Đỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh phải trả lại toàn bộ ngôi nhà  số 6 Âu Cơ cho vợ chồng ông Trần Tấn Hiệp và bà Vũ Thị Thục Đức;

- Ông Trần Tấn Hiệp bà Vũ Thị Thục Đức phải có trách nhiệm thanh toán trả ông Đỉnh bà Thịnh số tiền hơn 19,736 tỷ đồng…”.

 

Sổ đỏ được UBND quận Tây Hồ cấp cho ông Lê Trọng Đỉnh và bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh.

Văn bản trả lời ông Trần Tấn Hiệp của Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tây Hồ cho rằng đề nghị tạm dừng cấp sổ đỏ cho ông Đỉnh bà Thịnh là không có cơ sở.

Thế nhưng, đến khi thu xếp đủ số tiền để hoàn trả cho ông Đỉnh bà Thịnh thì gia đình ông Hiệp nhận được thông tin “sốc” từ Phòng Tài nguyên và Môi trường, thuộc UBND quận Tây Hồ khi Cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội đã can thiệp và có văn bản số 486/THA ngày 01/10/2007 với nội dung: Đề nghị tạo điều kiện cho ông Lê Trọng Đỉnh và bà Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh được làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (sổ đỏ) tại số 6 Âu Cơ do Thi hành án dân sự bàn giao theo thẩm quyền.

Đắng cay hơn, thời điểm đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tây Hồ còn cho rằng việc đề nghị tạm dừng sổ đỏ cho ông/bà Lê Trọng Đỉnh và Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh của ông Trần Tấn Hiệp là không có cơ sở, bởi lẽ hồ sơ kê khai xin cấp sổ đỏ của ông Đỉnh/bà Thịnh đủ điều kiện để được xem xét cấp sổ đỏ theo quy định.

Văn bản chuyển đơn, thư công dân của Văn phòng Chủ tịch nước gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp.

Theo ông Trần Tấn Hiệp cho biết, hành vi của Cơ quan thi hành án dân sự Hà Nội và các cơ quan chức năng UBND quận Tây Hồ là hoàn toàn sai trái, đi ngược với nội dung phán quyết của bản án phúc thẩm tối cao, chứa đựng nhiều nghi vấn tiêu cực. Thân phụ tôi là cụ Trần Tấn Thọ, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khóa I, thành viên Ban Soạn thảo Hiến pháp 1946. Tôi sống đến nay đã gần 80 tuổi nhưng chưa thấy trường hợp nào cơ quan thi hành án dân sự lại trắng trợn, thực hiện bản án trái ngược hẳn với nội dụng phán quyết của tòa như đối với vụ việc này. Việc Cơ quan Thi hành án dân sự của Hà Nội và UBND quận Tây Hồ cấp sổ đỏ mới cho gia đình ông Đỉnh, bà Thịnh thêm lần nữa đã đẩy gia đình tôi tiếp tục rơi vào xoáy của khiếu kiện, đứng trước nguy cơ mất trắng hàng chục tỷ đồng, cũng như quyền quản lý, sở hữu đối với khối tài sản là ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ, phường Quảng An, thành phố Hà Nội.

Đối vụ việc trên, dư luận hoài nghi đặt câu hỏi: Tại sao Cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội lại có văn bản gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tây Hồ để tạo điều kiện cho ông/bà Lê Trọng Đỉnh và Nguyễn Thị Kim Hồng Thịnh  được cấp sổ đỏ - thi hành bản án trái ngược hẳn với phán quyết của Tòa? Động cơ của Thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội khi ban hành văn bản số 486/THA ngày 01/10/2007 là gì? Có hay không hành vi cố ý làm trái trong vụ việc này? Trong khi đó, sau khi nhận được văn bản của Thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội, UBND quận Tây Hồ, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tây Hồ có nhận thấy sự bất thường của vụ việc? Trách nhiệm của lãnh đạo UBND quận Tây Hồ, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tây Hồ trong vụ việc này khi “răm rắp” làm theo văn bản của cơ quan thi hành án mà không “đếm xỉa” gì đến phán quyết của các cấp tòa án?

Bản thân là những người tham gia công tác ngoại giao, được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý, là con em gia đình có công với cách mạng (thân phụ ông Trần Tấn Hiệp là cụ Trần Tấn Thọ, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khóa I, thành viên Ban Soạn thảo Hiến pháp 1946, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; thân phụ bà Vũ Thị Thục Đức là cụ Vũ Trọng Kính, cán bộ lão thành cách mạng, 60 năm tuổi Đảng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại UNESCO, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hàng Nhì), để đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật, làm rõ hành vi, dấu hiệu cố ý làm trái, lạm quyền của một số cán bộ trong vụ việc, ông Trần Tấn Thọ và bà Vũ Thị Thục Đức đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội… có chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc, xác minh, điều tra, làm rõ các dấu hiệu sai phạm của Cơ quan thi hành án Thành phố Hà Nội trong vụ việc; làm rõ tính pháp lý, cơ sở pháp luật đối với việc UBND quận Tây Hồ cấp sổ đỏ cho ngôi nhà số 6 đường Âu Cơ, phường Quảng An cho ông Đỉnh, bà Thịnh; làm rõ, xử lý nghiêm các cán bộ để xảy ra sai phạm, có dấu hiện cố ý làm trái, lạm quyền (nếu có) trọng vụ việc trên.

Hai là, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương mà cụ thể ở đây là trên địa bàn Thành phố Hà Nội đối với việc thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật; phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên, góp phần giải quyết thỏa đáng những bức xúc, đòi hỏi quyền lợi chính đáng của người dân

Ba là, để làm sáng tỏ vấn đề và giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đã đến lúc Bộ Tư pháp, UBND thành phố Hà Nội… cần khẩn trương vào cuộc, lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để xác minh, làm rõ khiếu kiện của người dân đối với việc thi hành án dân sự và cấp sổ đỏ tại số 6 đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Bốn là, đề nghị Bộ Tư pháp có chỉ đạo đối với các đơn vị thi hành án có biện pháp giải quyết dứt điểm những khiếu kiện liên quan đến công tác thi hành, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc thi hành án có điều kiện, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều