Đơn tố cáo của công dân cho thấy, ngày 1/6/2022 Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội ban hành Văn bản số 1688/SVHTT-DTDT khẳng định: Thời điểm ngày 22/3/1988, Bộ Văn hóa đã có Quyết định số 191-VH/QĐ xếp hạng Đình- Chùa La Phù, xã La Phù là di tích lịch sử cấp Quốc Gia.
Trước đó, ngày 4/12/1986, Cục Di sản, UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức và UBND xã La Phù đã kiểm tra hiện trạng, đối chiếu các tài liệu pháp lý thống nhất lập ra bản đồ khoanh vùng bản vệ di tích đình- chùa La Phù. Theo Sở Văn hoá, về phân cấp quản lý, trách nhiệm quản lý di tích lịch sử chùa La Phù (hay còn gọi là chùa Trung Hưng) thuộc UBND huyện Hoài Đức và UBND xã La Phù.
Tuy nhiên, năm 2003, tức 15 năm sau ngày chùa La Phù được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, phía UBND huyện Hoài Đức vẫn tiến hành cấp giấy chứng nhận QSD đất cho cá nhân và tập thể.
Văn bản số 1688/SVHTT-DTDT, ngày 1/6/2022 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội do Giám đốc Sở Đỗ Đình Hồng ký nêu rõ một số hộ dân đã được UBND huyện Hoài Đức cấp giấy chứng nhận QSD đất ngay trên đất di tích lịch sử chùa La Phù, sau thời điểm chùa được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Chùa La Phù. Ảnh: K.H.
Cũng tại Văn bản số 1688/SVHTT-DTDT, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định: “Căn cứ biên bản và bản đồ khoanh vùng bản vệ di tích đình- chùa La Phù (lập ngày 4/12/1986) hiện lưu tại Cục Di sản Văn hóa- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”, các công trình này đều: “nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ I của di tích. Việc những công trình trong khu vực này đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân là không tuân thủ quy định tại Điều 32 Luật Di sản văn hóa và các quy định của Thành phố về di sản văn hóa…”.
Cuối năm 2018 và đầu năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đã làm các thủ tục sang tên một số thửa đất nói trên và cấp giấy chứng nhận QSD đất số hiệu CQ152550 cho thửa đất số 687, tờ bản đồ số 04, diện tích 219,2m2, địa chỉ xóm Thống Nhất, xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội. Giấy chứng nhận QSD đất này do ông Lê Thanh Nam, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ký. Thời điểm này, thửa đất có số hiệu CQ 152550 đang nằm trong khuôn viên Khu vực I chùa La Phù đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong giấy chứng nhận QSD đất số hiệu CQ152550, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có nhận định đây là “Đất ở tại nông thôn”; Hình thức sử dụng là: “Sử dụng riêng”.
Sau khi có được giấy chứng nhận QSD đất, hộ gia đình ở đây đã xây dựng công trình nhà ở kiên cố 4 tầng. Ngày 25/8/2023, tại Kết luận nội dung tố cáo số 3021/KL-UBND, UBND huyện Hoài Đức khẳng định: “Đối chiếu với bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích (bản sao lưu tại Cục Di sản Văn hóa) thì công trình xây dựng này nằm trong khu vực bảo vệ I của di tích chùa La Phù”.
Mới đây, UBND TP Hà Nội có văn bản số 1260/VP-BTCD chỉ đạo Thanh tra TP Hà Nội: “kiểm tra, đề xuất giải quyết đơn tố cáo của công dân ở thôn Độc Lập, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội tố cáo Sở Tài nguyên và Môi trường và ông Lê Thanh Nam, Phó giám đốc Sở thời điểm năm 2018-2019 (nay là Giám đốc Sở) vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận QSD đất số CQ152550 ngày 15/1/2019 tại thửa đất số 687, tờ bản đồ số 04, diện tích 219,2m2 ở xóm Thống Nhất, xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội…”.
Liên quan đến việc nhiều tổ chức, cá nhân được UBND huyện Hoài Đức cấp giấy chứng nhận QSD đất trên đất di tích lịch sử chùa La Phù, trước đó, ngày 12/12/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương có Công văn số: 7333-CV/BTGTW gửi UBND huyện Hoài Đức, Hà Nội. Công văn có nội dung: “Đồng chí Trần Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận được đơn của… Ban Tuyên giáo Trung ương chuyển kèm đơn nêu trên để các đồng chí xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền và đề nghị thông báo cho Ban Tuyên giáo Trung ương biết kết quả giải quyết”.
Khắc Hạnh