PV: Thưa ông, công tác giám sát của MTTQ Việt Nam đã có nhiều bước tiến và đạt được những kết quả quan trọng trong những năm qua. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?
Ông Ngô Sách Thực: Giám sát là nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam, gắn liền với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên, với thực hiện đồng bộ các giải pháp về xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả của nhà nước pháp quyền.
Từ năm 2014 đến nay, MTTQ các cấp đã giám sát khá toàn diện các nội dung về công tác lập pháp, bầu cử, thi hành án, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, giám sát cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, thực hiện dân chủ ở cơ sở... với hình thức giám sát khá phong phú.
Có thể nói 10 năm qua, thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, công tác giám sát, phản biện xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về giám sát, phản biện xã hội được nâng lên. Cơ sở chính trị, pháp lý của công tác giám sát, phản biện xã hội được củng cố, hoàn thiện.
Nội dung, phương thức thực hiện ngày càng thực chất, tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, bức xúc, góp phần tăng cường quyền làm chủ, sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát của Mặt trận còn những tồn tại, hạn chế nào chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra và hướng giải quyết như thế nào, thưa ông?
- Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể đã đánh giá những kết quả trọng tâm, nổi bật của công tác giám sát, nhưng đồng thời cũng chỉ ra hạn chế, thiếu sót, trên cơ sở đó đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức giám sát của Mặt trận.
Tôi cho rằng, hiện nay nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát của Mặt trận rất rộng, trong khi đó về nhân lực, thể chế và điều kiện bảo đảm thực hiện còn rất hạn chế, dẫn đến việc lựa chọn nội dung giám sát hàng năm rất khó khăn. MTTQ Việt Nam cần có sự đổi mới về nhận thức, chủ động xây dựng nội dung kế hoạch giám sát của MTTQ các cấp rõ nội dung Mặt trận chủ trì, từng tổ chức đoàn thể chủ trì, rõ hình thức giám sát, đối tượng, phạm vi, thời gian, thời điểm giám sát.
Bên cạnh đó, MTTQ các cấp cần có giám sát theo chuyên đề, bổ sung hình thức giám sát thường xuyên, đột xuất. Bởi trên thực tế có nội dung theo kế hoạch, nhưng cũng có nội dung đột xuất liên quan đến các vấn đề nóng, nổi cộm về môi trường, bồi thường giải phóng mặt bằng... xảy ra tại địa phương. Lúc đó, không thể nói rằng không có trong kế hoạch thì không giám sát mà phải giám sát ngay trong quá trình thực hiện, không chờ làm xong mới giám sát.
MTTQ các cấp cũng cần nâng cao chất lượng lắng nghe, kịp thời tổng hợp tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân. Cụ thể, cần phân công tổ chức thực hiện giám sát, phản biện xã hội rõ trong Mặt trận và các tổ chức thành viên, quan tâm phối hợp với các cơ quan tổ chức, sâu sát lắng nghe, tập hợp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân thông qua các hoạt động của Mặt trận, các tổ chức thành viên để phản ánh, kiến nghị kịp thời đến cấp có thẩm quyền mà không chờ giám sát xong mới kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề theo dõi việc tiếp thu, phản hồi các kiến nghị sau giám sát, ông có đề xuất gì nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này?
- Việc theo dõi, giám sát giải quyết, trả lời kiến nghị sau giám sát của cơ quan, tổ chức được giám sát có ý nghĩa rất quan trọng. Cơ quan, tổ chức trả lời kiến nghị đúng thời gian quy định của pháp luật và tiếp thu đầy đủ kiến nghị của Mặt trận, đó là kết quả và hiệu quả cao nhất trong hoạt động giám sát. Khi phát sinh trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân trả lời không đúng thời gian quy định của pháp luật, chỉ tiếp thu một phần và phản hồi lại những kiến nghị khác, thì tùy theo nội dung không tiếp thu, Ủy ban MTTQ cần gửi văn bản tiếp tục kiến nghị thực hiện các nội dung đã kiến nghị mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không tiếp thu.
Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn không tiếp thu thì mời đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân đến cơ quan Ủy ban MTTQ đối thoại. Trường hợp khác, nếu cơ quan, tổ chức vẫn không tiếp thu toàn bộ kiến nghị hoặc chỉ tiếp thu một nội dung nào đó thì Ủy ban MTTQ gửi văn bản đến cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó kiến nghị xem xét, giải quyết trả lời, đồng thời kiến nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật về kiến nghị này.
Trân trọng cảm ơn ông!
MTTQ Việt Nam cần có sự đổi mới về nhận thức, chủ động xây dựng nội dung kế hoạch giám sát của MTTQ các cấp rõ nội dung MTTQ chủ trì, từng tổ chức đoàn thể chủ trì, rõ hình thức giám sát, đối tượng, phạm vi, thời gian, thời điểm giám sát.
|
Tiến Đạt