Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(Mặt trận) - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân đang tiến hành ở nước ta. Trên cơ sở lý luận về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, bài viết đưa ra một số giải pháp tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực sự là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu chủ trì Hội nghịTriển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết của Đảng, tháng 8/2021. Ảnh: Quang Vinh. 

 

Cơ sở lý luận về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện

Kế thừa vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên minh tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu, trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài” (Điều 9 Hiến pháp năm 2013 và Điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015).

1. Trước hết, xét về bản chất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị. Điều đó có nghĩa là một tổ chức liên kết giữa các lực lượng (bao gồm tổ chức và các cá nhân) với nhau thành một khối thống nhất để nhằm thực hiện một mục tiêu chính trị chung. Mục tiêu chính trị chung mỗi giai đoạn có sự khác nhau, phù hợp với nhiệm vụ cách mạng và lợi ích cơ bản của các tổ chức và cá nhân tham gia liên minh chính trị. Mục tiêu chung trong giai đoạn cách mạng hiện nay là giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ vững môi trường hoà bình ổn định, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, không chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị duy nhất là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) cùng các thành viên khác của Mặt trận (các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cá nhân tiêu biểu) đều phải phối hợp và thống nhất hành động vì mục tiêu chung.

Với bản chất là liên minh chính trị, Mặt trận Tổ quốc là bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với vai trò to lớn là “cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Điều 9 Hiến pháp năm 2013).

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức liên hiệp tự nguyện. Đây là yếu tố thể hiện tính chất xã hội, tính chất nhân dân rộng lớn của Mặt trận. Tính chất tự nguyện của các lực lượng tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được khẳng định ngay từ ngày mới ra đời (ngày 18/11/1930) trong bản Chỉ thị của Đảng về thành lập “Hội phản đế đồng minh” - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo đó, các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tự nguyện tham gia làm thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tự nguyện thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hoạt động vì mục tiêu chung là xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Với tính chất tự nguyện, Mặt trận Tổ quốc là tổ chức rộng lớn bao gồm nhiều lực lượng xã hội, nhiều tầng lớp dân cư khác nhau về lợi ích, nguyện vọng, địa vị xã hội, về ý thức và chính kiến,… thành một khối thống nhất cùng hoạt động nhằm đáp ứng những lợi ích đa dạng của các thành viên, vì một mục đích chung, không có sự đối lập. Trong điều kiện một Đảng cầm quyền như nước ta thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chính là một tổ chức thống nhất trong đa dạng, dựa trên sự liên hiệp mang tính tự nguyện. Đây chính là diễn đàn để đoàn kết và hiệp thương ý chí của các tổ chức quần chúng nhân dân. Vì thế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính chất xã hội và tính chất nhân dân rộng lớn. Một mặt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, mở rộng và đa dạng hoá các hình thức tập hợp, đoàn kết Nhân dân; động viên hỗ trợ Nhân dân thực hiện dân chủ, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (khoản 1 Điều 8 Luật Mặt trận Tổ quốc năm 2015); Mặt khác, Nhân dân tham gia tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua các tổ chức thành viên của Mặt trận, cá nhân tiêu biểu là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và tham gia hoạt động do Mặt trận Tổ quốc phát động (khoản 2 Điều 8 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015). Đồng thời, Nhân dân tham gia ý kiến phản ảnh kiến nghị với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về những vấn đề Nhân dân quan tâm để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước (khoản 3 Điều 8 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015).

3. Trong liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các lực lượng cấu thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì Đảng là tổ chức chính trị duy nhất, đồng thời là tổ chức lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là lực lượng hạt nhân trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc. Đảng giữ vị trí, vai trò lãnh đạo Mặt trận bằng Cương lĩnh, Chiến lược, các định hướng về chủ trương, chính sách phát triển đất nước nói chung, trong đó có công tác Mặt trận. Đảng lãnh đạo Mặt trận bằng tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hoạt động gương mẫu của Đảng viên trong tổ chức Mặt trận; bằng công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ chủ chốt của Mặt trận,… Thước đo hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận thể hiện ở kết quả Mặt trận Tổ quốc các cấp phát huy vai trò làm chủ của các tầng lớp Nhân dân, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy dân chủ, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Là thành viên, Đảng tham gia Mặt trận một cách bình đẳng và có nghĩa vụ như mọi thành viên khác. Đại diện cấp uỷ Đảng tham gia Mặt trận Tổ quốc có trách nhiệm sinh hoạt đầy đủ, thực hiện hiệp thương dân chủ và phối hợp thống nhất hoạt động. Các cấp uỷ Đảng phải giáo dục Đảng viên gương mẫu thực hiện Chương trình hành động chung đã được các tổ chức thành viên thoả thuận và tích cực tham gia công tác Mặt trận tại khu vực dân cư - Đảng tôn trọng độc lập về tổ chức và hoạt động sáng tạo của Mặt trận. Đảng lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc đối với sự lãnh đạo của Đảng và đối với cán bộ, Đảng viên.

4. Với tư cách là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các lực lượng trong xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với Nhà nước. Đây là mối quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mỗi bên theo quy định của Hiến pháp và pháp luật và quy chế phối hợp công tác do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan nhà nước có liên quan ở từng cấp ban hành (khoản 1 Điều 7 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015). Mối quan hệ này giữa một bên là Mặt trận Tổ quốc - cơ sở chính trị của Nhà nước, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân và có trách nhiệm tham gia xây dựng Nhà nước, và bên kia là Nhà nước nói chung, các cán bộ công chức nhà nước nói riêng có trách nhiệm và tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động theo quy định của pháp luật. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân đang tiến hành ở nước ta.

5. Các thành viên gia nhập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, tán thành Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp xem xét công nhận. Quan hệ giữa các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là quan hệ hợp tác, bình đẳng, chủ động phối hợp, tôn trọng lẫn nhau để cùng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Đảng, Nhà nước và các chương trình của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong sinh hoạt, các thành viên được tự do bày tỏ chính kiến của mình, cùng nhau bàn bạc, hiệp thương dân chủ để đạt tới sự nhất trí, không dùng mệnh lệnh áp đặt. Nếu có những ý kiến khác nhau trên những vấn đề cụ thể thì cùng nhau trao đổi, thuyết phục, giúp nhau giải quyết. Khi phối hợp và thống nhất hành động, các thành viên phải thoả thuận với nhau về Chương trình hành động chung và có nghĩa vụ phối hợp giúp đỡ nhau để thực hiện Chương trình hành động đã được thoả thuận, đồng thời các tổ chức thành viên của Mặt trận vẫn giữ tính độc lập của tổ chức mình.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực sự là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Một là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tổ chức thành viên phải phát huy hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Theo định hướng này, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã bổ sung nội dung, phương châm thực hiện dân chủ, như thêm “Dân giám sát, dân thụ hưởng” trong phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên phải góp phần cùng với Nhà nước tiếp tục thể chế hoá, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần của Cương lĩnh (bổ sung và phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Thực hành đúng đắn hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở, góp phần thực hiện có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội phải là lực lượng nòng cốt để Nhân dân làm chủ. Theo đó, Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị pháp lý cho việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị phải nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật đề cao đạo đức xã hội. Động viên Nhân dân tham gia phát triển kinh tế, góp phần quản lý xã hội thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các hoạt động tự quản cộng đồng xây dựng quản lý, thụ hưởng văn hoá.

Hai là, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Theo định hướng này, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các thành viên cần hướng các hoạt động của mình vào các nội dung, như: Tập trung làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; Đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, gắn với đô thị hoá nông thôn. Huy động và phát huy mọi nguồn lực để thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; Góp phần tập hợp, động viên, cổ vũ đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới; Cổ vũ, động viên, khuyến khích phát triển đội ngũ doanh nhân ngày một lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hoá, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị kinh doanh giỏi; Quan tâm, động viên, khuyến khích tạo động lực cho thế hệ trẻ khát vọng vươn lên, xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp lập nghiệp, phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Góp phần hoàn thiện và thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; Động viên, cổ vũ đoàn kết với đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Một số giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Một là, tiếp tục đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân. Tuyên tryền, vận động để các tầng lớp Nhân dân ở trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài biết và ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Phát huy vai trò chủ động các cơ quan báo chí của Mặt trận và các tổ chức thành viên, phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông của Đảng, Nhà nước để thường xuyên tuyên truyền, định hướng dư luận và vận động tập hợp đoàn kết hội viên và đoàn viên. Thông qua các hoạt động kỷ niệm các sự kiện chính trị của đất nước để tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn kết các tầng lớp Nhân dân.

Hai là, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, như: “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau”. Tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Ba là, tăng cường công tác giám sát trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là giám sát các hoạt động quản lý nhà nước liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân. Tổ chức và thực hiện có chất lượng công tác phản biện xã hội đối với các dự thảo về đường lối, chủ trương của cấp ủy Đảng; chính sách, pháp luật của chính quyền các cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bốn là, đổi mới nội dung và phương thức tham gia xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền: Tăng cường phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức các diễn đàn nhân dân, định kỳ gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền với Nhân dân, nhất là ở cơ sở để trao đổi, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của Nhân dân.

Năm là, phối hợp chặt chẽ giữa Uỷ ban Mặt trận và các tổ chức thành viên với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và phát huy vai trò của Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam trong hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Sáu là, đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư.

Trần Ngọc Đường

GS.TS, Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ - Pháp luật, UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều