Giao lưu văn hóa thế giới trong chiến lược phát triển văn hóa của Việt Nam

Giao lưu văn hóa với các quốc gia, dân tộc là nhu cầu, đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển xã hội hiện đại. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986, đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”, giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới được quan tâm, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, đổi mới về hình thức, phương pháp,… thu được nhiều kết quả quan trọng.
 Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đánh thử nhạc cụ dân tộc Việt Nam trong tiệc chiêu đãi trọng thể chào mừng Đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, ngày 1-3-2019, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì _Ảnh: TTXVN
Một số thành tựu và hạn chế về giao lưu văn hóa thế giới của Việt Nam

“Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” (ban hành theo Quyết định số 581/QĐ-TTg, ngày 6-5-2009, của Thủ tướng Chính phủ) và “Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 với tầm nhìn đến năm 2030” (ban hành theo Quyết định số 210/QĐ-TTg, ngày 8-5-2015, của Thủ tướng Chính phủ) đã khái quát rõ bối cảnh, tình hình trong và ngoài nước; những thành tựu, thách thức liên quan đến giao lưu văn hóa, văn hóa đối ngoại. Có thể nói, đó là hai vòng tròn đồng tâm nằm trong nhau.

Ngày nay, Việt Nam có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ ở cả 5 châu lục, trong đó có 30 nước là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; trở thành nước duy nhất tại khu vực Đông Nam Á xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với tất cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước lớn. Việt Nam là nước có nền văn hiến lâu đời, đặc sắc, đóng vai trò ngày càng quan trọng và có nhiều đóng góp trong các mối quan hệ ở bình diện quốc tế.

Sau khi đất nước được thống nhất và sau hơn 35 năm đổi mới, đặc biệt từ khi Chính phủ ban hành chiến lược, chính sách thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, hoạt động giao lưu văn hóa đã đạt được một số kết quả nổi bật. Việc mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại đã tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa nước ta với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với những quy mô, tầm mức khác nhau. Nhiều hoạt động, như ngày/tuần/tháng văn hóa Việt Nam, biểu diễn nghệ thuật, lễ hội văn hóa - du lịch, chiếu phim, triển lãm sách, ảnh, sản phẩm văn hóa - nghệ thuật, hội thảo, xúc tiến, quảng bá du lịch... nhằm giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam liên tục được tổ chức ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn hóa đối ngoại được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương liên quan, các cơ quan truyền thông đại chúng, các tổ chức đối ngoại nhân dân, các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài tổ chức đã đem lại sự thấu hiểu, cảm mến, thân thiện, để lại ấn tượng đẹp đối với cộng đồng quốc tế, tạo tiền đề, điều kiện để nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới mong muốn, tích cực đẩy mạnh giao lưu, hợp tác với nước ta. Tại các tổ chức, như Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO), Quỹ Văn hóa dân gian quốc tế (IGF), Tổ chức Triển lãm thế giới (BIE), Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế (WIPO), Tổ chức Văn hóa - Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO), Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP)…, đại diện Việt Nam đã thể hiện được sự năng động, tinh thần trách nhiệm, đóng góp một số sáng kiến được ghi nhận, góp phần nâng cao vị thế đất nước.

Không chỉ tổ chức ở nước ngoài, các cơ quan văn hóa còn chủ động phối hợp tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế ngay tại Việt Nam, để các tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao, nhà văn hóa, nhà báo, nghệ sĩ, doanh nhân, du khách,... có thể tiếp xúc, tương tác với văn hóa, con người Việt Nam. Thông qua nhiều hoạt động, Việt Nam từng bước nâng cao khả năng hội nhập văn hóa; tiếp nhận hiệu quả những giá trị văn hóa, nghệ thuật và phương thức thể hiện hiện đại, hấp dẫn, tiêu biểu của thế giới, làm phong phú và nâng tầm về cả hình thức, nội dung, giá trị các sản phẩm văn hóa dân tộc. Cùng với đó là việc thành lập và hoạt động của các cơ sở văn hóa của nhiều nước tại Việt Nam, như Viện Goethe của Đức, Thư viện Phòng Văn hóa Sứ quán Mỹ; các trung tâm văn hóa và ngôn ngữ của Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động giao lưu văn hóa của nước ta.

Tiết mục múa trong chương trình ngày hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật do các bạn sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một biểu diễn_ Ảnh: tdmu.edu.vn 
Các hoạt động giao lưu văn hóa ngày càng trở thành một kênh chuyên nghiệp, hiệu quả góp phần nâng tầm vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Giao lưu văn hóa không chỉ đẩy mạnh quan hệ với cộng đồng nước ngoài, mà còn truyền bá văn hóa nước nhà đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, gắn kết kiều bào với quê hương, đất nước, thẩm thấu văn hóa Việt Nam tới cộng đồng nước sở tại.

Một số lĩnh vực được thế giới quan tâm đặc biệt và đang là xu thế phát triển cũng được Việt Nam chú trọng. Ngành văn hóa đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2018/NĐ-CP, ngày 23-2-2018, “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, các quyền liên quan”; tổ chức triển khai kế hoạch hành động thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam, giao lưu với các nước là một nội dung quan trọng trong các “Năm Việt Nam” tại nhiều nước, như Liên bang Nga, Trung Quốc, Lào,… hay tổ chức năm chéo Việt - Pháp, Pháp - Việt; Việt - Nga, Nga - Việt… Các lễ hội Việt Nam hằng năm với lượng khách tham gia hàng trăm nghìn người tại Nhật Bản, Hàn Quốc đang trở thành kênh thu hút đầu tư, du lịch tới Việt Nam. Mô hình trung tâm văn hóa, nhà văn hóa Việt Nam tại Pháp, Đức, Thái Lan, Lào… góp phần tích cực kết nối, truyền bá các nét đặc sắc, điển hình của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tới người bản địa và cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước sở tại. Thực tế mỗi năm, nước ta ký khoảng 20 văn bản hợp tác văn hóa với các nước và ngày càng chú ý hơn tới hiệu quả của việc triển khai hợp tác.

Đối với hoạt động quảng bá du lịch, truyền thông thương hiệu đất nước, các ngành chức năng đã tích cực quảng bá các danh lam, thắng cảnh của Việt Nam tại nhiều trang tin điện tử, tạp chí, kênh truyền thông phổ biến, như CNN, Travel and Leisure, National  Geographic, Condé Nast Traveler, góp phần thu hút xấp xỉ 16 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong những năm gần đây. Các phương tiện truyền thông đại chúng của nhiều quốc gia trên thế giới đã nhiều lần đăng tin, bài, hình ảnh Việt Nam thông qua hình ảnh và thành tích của nghệ sĩ, vận động viên nước ta tại các cuộc thi quốc tế trên các lĩnh vực điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc, bóng đá, võ thuật… Nghệ thuật tạo hình, hội họa bước đầu được truyền thông quốc tế, sàn đấu giá uy tín ghi nhận. Nhiều bức tranh của các danh họa trong nước, như Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh… được định giá rất cao. Các sự kiện văn hóa quốc tế do Việt Nam tổ chức, như Festival Huế, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan Xiếc quốc tế, Liên hoan Rối quốc tế… được các nhà chuyên môn, nghệ sĩ, nhà báo, du khách quốc tế tham gia đông đảo, nhiệt tình ủng hộ.

Từ kết quả ngoạn mục của bộ phim Hollywood mang tên “Đảo đầu lâu”, với hơn 70% cảnh được quay tại Việt Nam, các đoàn truyền hình, làm phim thế giới đã tìm đến Việt Nam như một địa điểm lý tưởng cho việc quay phim có các tình huống thú vị, điển hình ở Đông Nam Á. Nhiều hãng truyền thông còn thực hiện các chương trình truyền hình thực tế, khám phá, khảo sát, nghiên cứu văn hóa, du lịch, đời sống, tập quán có bề dày lịch sử của Việt Nam và phát sóng trên các kênh truyền hình có uy tín quốc tế tại Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Australia… Việc tham gia các cuộc thi hoa hậu mang tính quốc tế, các sự kiện trình diễn thời trang, ẩm thực thuần Việt được tổ chức ở trong, ngoài nước cũng tạo thêm hương sắc Việt Nam trong giao lưu văn hóa quốc tế.

Bà Cecilia Piccioni, Đại sứ Ialia trong tà áo dài Việt Nam giao lưu tại đêm hội áo dài ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội_Ảnh: vietnam.vnanet.vn 
Các hoạt động giao lưu văn hóa đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác đối ngoại nói chung và hoạt động giao lưu văn hóa nói riêng cho các cấp, ngành và toàn xã hội; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế nhờ giao lưu văn học, nghệ thuật và các hình thức sáng tạo khác; thúc đẩy giao lưu quốc tế. Các phương tiện giao lưu văn hóa được các cấp, ngành, địa phương đầu tư căn bản, hiện đại, góp phần tăng thêm hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại. Hình thức, nội dung giao lưu văn hóa ngày càng đa dạng, gồm nhiều thể loại, có sự kết hợp giữa văn hóa đối ngoại với chính trị - kinh tế đối ngoại, ngoại giao công chúng, ngoại giao nhân dân… Xây dựng được thể chế, thiết chế cho hoạt động giao lưu văn hóa, kết nối hữu cơ với loại hình gần gũi là văn hóa đối ngoại.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng nhìn chung, các hoạt động giao lưu văn hóa của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế và sự nghiệp phát triển đất nước. Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đánh giá đúng vai trò của văn hóa và giao lưu văn hóa, văn hóa đối ngoại đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện ở các cấp, ngành còn có hạn chế, trước hết từ khâu nhận thức chưa đầy đủ; chưa có một cơ chế điều phối ở cấp quốc gia về các hoạt động giao lưu văn hóa. Do đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa trong nước và ngoài nước (các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài), giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân trong tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa còn thiếu tính chủ động và hiệu quả chưa cao.

Các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam còn non trẻ, các doanh nghiệp văn hóa có quy mô nhỏ, lẻ, phân tán, chưa tạo ra được những sản phẩm đủ sức cạnh tranh, nâng vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực giao lưu văn hóa ở các bộ, ngành, địa phương không đồng đều về trình độ, khả năng ngoại ngữ, cũng như sự am hiểu về văn hóa, luật pháp và phong tục, tập quán quốc tế. Công tác nghiên cứu, dự báo, định hướng hoạt động văn hóa đối ngoại còn yếu, gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động giao lưu văn hóa. Tiêu chí về trình độ, năng lực, hiệu quả công việc của cán bộ tác nghiệp giao lưu văn hóa chưa rõ ràng, một số cán bộ phụ trách công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Về tổng thể, mức độ đầu tư cho ngành văn hóa trong tổng chi ngân sách tương đối thấp so với các lĩnh vực khác. Các nguồn vốn xã hội hóa và nguồn vốn nước ngoài cho lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là công tác giao lưu văn hóa, chiếm một tỷ trọng nhỏ, chưa tương hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tầm quan trọng của lĩnh vực này. Chưa có các chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động giao lưu văn hóa.

Một số khuyến nghị, giải pháp thúc đẩy giao lưu văn hóa thế giới

Thứ nhất, với một lĩnh vực rộng, đa ngành, thiên về năng lực sáng tạo là giao lưu văn hóa, cần chú trọng lựa chọn cán bộ quản lý chủ chốt là các chuyên gia vừa có trình độ chuyên môn, vừa am hiểu cơ chế quản lý để chỉ đạo sát hợp, hiệu quả. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý liên quan lĩnh vực giao lưu văn hóa (Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông đại chúng, các địa phương…) cần chủ động phối hợp xây dựng một chiến lược cụ thể về giao lưu văn hóa, trong đó bao gồm toàn diện, đầy đủ về mục tiêu, nguyên tắc, nguồn lực, cách thức triển khai, trách nhiệm chi tiết giữa các đơn vị để thực hiện giao lưu văn hóa dài hạn sau năm 2020. Các thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao trong lĩnh vực văn hóa đối ngoại hay thúc đẩy giao lưu văn hóa/quảng bá văn hóa quốc gia (giai đoạn sau năm 2020) cần làm rõ sự phối hợp có tính đột phá. Sự chỉ đạo thống nhất ở cấp cao nhất cần được quan tâm đặc biệt, có văn phòng điều phối, có lãnh đạo cao cấp chỉ đạo, có chuyên viên kiêm nhiệm đủ năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực giao lưu văn hóa.

 Chương trinh giao lưu nghệ thuật chào mừng 50 năm thành lập ASEAN và 22 năm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN _ Ảnh: cucnghethuatbieudien.gov.vn
Thứ hai, cần kiện toàn công tác quản lý, giám sát các hoạt động quảng bá và tiếp nhận các giá trị văn hóa, không chỉ thông qua việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, điều chỉnh chính sách, mà còn là áp dụng công nghệ hiện đại trong lưu trữ, phân tích, xử lý, phân phối các sản phẩm văn hóa, chia sẻ thông tin và bảo đảm an toàn nội dung thông tin. Chính sách và văn bản pháp quy phải bảo đảm tính khả dụng, khoa học, hiệu quả lâu dài để không chỉ cán bộ chuyên môn, mà mọi công dân Việt Nam và kiều bào nước ngoài có thể lấy làm căn cứ để tùy theo điều kiện của mình tích cực sáng tạo, đóng góp cho giao lưu văn hóa của đất nước.

Thứ ba, cần chú ý đến yếu tố truyền thông, vai trò của truyền thông đại chúng trong giao lưu văn hóa. Trong thời kỳ hội nhập, các phương tiện truyền thông hiện đại có thể truyền bá, phổ cập liên tục, nhanh chóng, rộng rãi những thông tin, hình ảnh, âm thanh… của đời sống văn hóa, giá trị văn hóa cho công chúng. Công chúng ngày nay phân thành nhiều nhóm, không chỉ kết nối với cư dân trong nước, mà còn với cư dân nước ngoài qua internet, mạng xã hội, vì vậy cần có hình thức truyền tải phù hợp với các đối tượng. Cần xây dựng hệ giá trị văn hóa chuẩn mực người Việt Nam, vừa tiếp thu nét đẹp truyền thống, vừa gắn với các giá trị chân - thiện - mỹ, vừa hiện đại, để công chúng, nhất là người trẻ có định hướng đúng, có thể chủ động tiếp thu các giá trị văn hóa tiến bộ từ bên ngoài, nhưng vẫn có khả năng “miễn nhiễm” với văn hóa lai căng.

Thứ tư, giao lưu văn hóa gắn bó hữu cơ với ngoại giao văn hóa nên phải thống nhất nhận thức của mọi cấp, ngành, xã hội trong việc thúc đẩy sâu, rộng chính sách ngoại giao văn hóa, chú trọng kiện toàn bộ phận phụ trách giao lưu văn hóa, ngoại giao văn hóa ở các cơ quan đại diện nước ngoài (nhất là các đại sứ quán, nhà văn hóa…); coi ngoại giao văn hóa là lĩnh vực có thể tiếp xúc, mở đường, vận động, trao đổi, tiếp thu, quảng bá nhằm tăng cường sự hiểu biết, thân thiện, tín nhiệm giữa Việt Nam và các nước, từ đó giúp đẩy mạnh hợp tác, đầu tư, thương mại, du lịch, văn hóa - nghệ thuật, kinh tế, giáo dục, môi trường, xã hội… Thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW, ngày 26-3-2004, của Bộ Chính trị, “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”; Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19-5-2015, của Bộ Chính trị, “Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, của Bộ Chính trị khóa IX, “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” trong tình hình mới”, các ngành chức năng cần luôn quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để  truyền bá, giải thích về chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước, đưa văn hóa dân tộc đến với đồng bào để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vừa gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa là cầu nối lan tỏa các sản phẩm, giá trị văn hóa Việt Nam đến các nước sở tại.

Thứ năm, việc thưởng phạt, tôn vinh, sử dụng, đãi ngộ người tài trong hoạt động giao lưu văn hóa, văn hóa đối ngoại cần thực hiện công bằng, kịp thời. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ làm việc trong các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật, ngoại giao văn hóa; cải tiến chương trình giảng dạy theo kịp khu vực và quốc tế, cả về chuyên môn và ngoại ngữ; đồng thời vừa chọn lọc kỹ đầu vào trong công tác đào tạo, lại vừa có đầu ra bảo đảm chất lượng để người được đào tạo có thể đóng góp tích cực cho sự nghiệp giao lưu văn hóa. Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi chuyên môn giữa các nhà hoạt động về giao lưu văn hóa, học giả, văn nghệ sĩ, nhà sáng tác… Tăng cường chọn lọc giảng viên giỏi, tâm huyết để gửi đi đào tạo tại các nước có thành tựu giao lưu văn hóa. Đối với sinh viên, học viên tốt nghiệp loại giỏi ở nước ngoài, cần có chủ trương mời gọi, tuyển dụng về làm việc cho cơ sở đào tạo, đơn vị tác nghiệp giao lưu văn hóa Việt Nam. Đối với các ngành công nghiệp văn hóa, thủ công mỹ nghệ đặc sắc, cần chọn lọc những ngành, nghề có lợi thế về chế tác, nguyên liệu, truyền thống lâu đời, có thị trường tiêu thụ trên thế giới để xây dựng, phát triển.

Thứ sáu, cần đầu tư đầy đủ, kịp thời cả về con người và cải tiến bộ máy quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động giao lưu văn hóa. Không đầu tư theo kiểu bình quân, mà căn cứ vào kết quả đầu ra, thông qua đội ngũ thẩm định uy tín. Đối với một số lĩnh vực có tác dụng truyền thông, quảng bá văn hóa rõ nét, dễ kết nối với thế giới, như văn học, âm nhạc, nên chú trọng đầu tư nhiều hơn. Đơn cử, đầu tư cho dịch thuật từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh và phổ biến những tác phẩm văn học - nghệ thuật (nhất là thơ ca, tiểu thuyết) có giá trị nổi bật ra nước ngoài; tạo điều kiện để các ban nhạc hát tiếng Anh, nhạc sĩ sáng tác tiếng Anh có tác phẩm dự thi các giải khu vực và thế giới…/.

Theo PGS, TS. LÊ THANH BÌNH/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều