Nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa biển, đảo Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Để thực hiện được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển bền vững, thịnh vượng thì một trong những giải pháp cấp thiết hiện nay là nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa biển, đảo, qua đó giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển, đảo, xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển, là cơ sở cho sự bảo vệ chủ quyền quốc gia.

1- Với 3.260km đường bờ biển cùng nhiều đảo và quần đảo, Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh trong phát triển kinh tế biển. Hiện có trên 31% dân số cả nước sinh sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển, các trung tâm công nghiệp lớn, nhiều sân bay, cảng biển quan trọng, các căn cứ hải quân, kho tàng, các công trình kinh tế, cơ sở sửa chữa, đóng tàu, đánh bắt hoặc chế biến hải sản, làm muối... thu hút hơn 13 triệu lao động. Để thích ứng với điều kiện tự nhiên và lao động, sản xuất, văn hóa ở khu vực biển, đảo hình thành những đặc trưng riêng và có sự khác biệt nhất định so với khu vực đất liền.

Hiện nay, theo cách hiểu phổ biến, văn hóa biển, đảo là tập hợp các biểu hiện văn hóa vật thể và phi vật thể của một cộng đồng người sinh sống ở khu vực ven biển hoặc đảo, gồm những tri thức, thực hành phong tục, tín ngưỡng, lối sống,... để ứng xử với các tác động từ biển (như ứng phó với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, cách thức làm nông nghiệp, nghề thủ công phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khai thác nguồn lợi từ biển, đảo, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc...).

 Lễ hội đua thuyền Tứ linh trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi_Nguồn: toquoc.vn 
Quản lý văn hóa biển, đảo là việc thực thi các chính sách để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển, đảo - một hình thức văn hóa đặc thù gắn với yếu tố biển. Hoạt động quản lý này không chỉ của Nhà nước, mà còn của cả cộng đồng.

Với người Việt Nam, trước kia, các nhà nước phong kiến và các cộng đồng cư dân đã có những hình thức quản lý văn hóa biển, đảo một cách hết sức đặc biệt, như phong thần cho các vị thần biển, tổ chức các hải đội đánh bắt và quản lý nguồn lợi từ biển, tổ chức các lễ khao lề thế lính hay cầu ngư... Ngày nay, quản lý văn hóa biển, đảo cần phải đặt trong việc nghiên cứu phát triển toàn diện khu vực biển, đảo. Các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, du lịch, ngư nghiệp... cần được đặt trong mối quan hệ có tác động qua lại, tương hỗ lẫn nhau. Các khu vực biển, đảo ở nước ta rất đa dạng. Nhiều khu vực rất phát triển, trong khi đó cũng có khu vực còn gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, quản lý văn hóa biển, đảo cần đặt con người vào vị trí trung tâm, thực hiện được mục tiêu cải thiện điều kiện sống của người dân vùng biển, đảo, hướng tới sự phát triển bền vững đất nước.

2- Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành tương đối đồng bộ hệ thống các chủ trương, chính sách về văn hóa nhằm phát huy vai trò của văn hóa, làm cho văn hóa thực sự là mục tiêu và động lực của sự phát triển, trong đó có những nội dung liên quan đến văn hóa biển, đảo. 

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đề ra phương hướng phát triển văn hóa là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người... Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” xác định mục tiêu xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Gắn các hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, giữa các giai tầng xã hội, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng, hoàn thiện đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XII (năm 2018) “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định, biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chiến lược phát triển văn hóa, trong đó có văn hóa biển, đảo, cùng hệ thống các văn bản luật liên quan. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020(1), được coi là văn bản quan trọng có ảnh hưởng đến hoạt động quản lý văn hóa biển, đảo. Chiến lược xác định mục tiêu tạo mọi điều kiện nâng cao mức hưởng thụ và tham gia hoạt động, sáng tạo văn hóa của nhân dân; phấn đấu từng bước thu hẹp sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trong định hướng phát triển các chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, Chiến lược xác định: Xây dựng các chương trình nghệ thuật đi phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới, hải đảo. Chiến lược cũng chỉ rõ nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp nâng cao hưởng thụ và hoạt động văn hóa; đẩy mạnh phát triển thư viện ở cấp xã và phòng đọc sách ở xã, phường, cụm văn hóa, bưu điện - văn hóa xã; đầu tư phương tiện, trang thiết bị và có chế độ khuyến khích các đội chiếu bóng lưu động đi phục vụ ở khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo; xây dựng và tổ chức thực hiện đề án tổng thể về việc đưa các chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Cùng với sự ra đời của Chiến lược, các quy hoạch ngành trong lĩnh vực văn hóa cũng được hình thành, trong đó có văn hóa biển, đảo. Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, cải tạo các công trình nghệ thuật biểu diễn có quy mô phù hợp, ưu tiên cho các địa phương thuộc các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực.

So với các lĩnh vực khác, di sản văn hóa được xem là một lĩnh vực có nhiều tiến bộ hơn cả trong quản lý văn hóa biển, đảo. Điều 6, Luật Di sản văn hóa quy định: Mọi di sản văn hóa ở trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc sở hữu toàn dân. Nghị định số 86/2005/NĐ-CP, ngày 8-7-2005, của Chính phủ, về “Quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước” là văn bản quản lý liên quan trực tiếp nhất tới biển, đảo. Nghị định có 7 chương, 43 điều, quy định các hoạt động quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, bao gồm di sản văn hóa ở vùng nước nội địa, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, công dân và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.

Ngoài các văn bản trên còn có Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020 được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ký Quyết định số 1706/QĐ-BVHTT, ngày 24-7-2001, kèm theo danh sách 32 di tích ưu tiên đầu tư chống xuống cấp và tôn tạo đến năm 2020. Dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng các dự án cụ thể về bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh ở nước ta hiện nay, trong đó có các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh vùng biển, đảo...

3- Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, công tác quản lý văn hóa biển, đảo ở nước ta đã có những bước phát triển nhất định trên một số mặt cụ thể sau:

Về bảo vệ và phát huy giá trị các nghề truyền thống, phong tục, tập quán, di sản văn hóa vùng biển, đảo

Cư dân biển, đảo Việt Nam có cuộc sống gắn liền với môi trường biển cả bao la, thường xuyên đối mặt với nhiều sóng gió, bất trắc nên họ có tục thờ cúng các vị thần linh, các thế lực siêu nhiên mong tìm sự bảo trợ, an lành khi đi biển với tôm cá đầy khoang. Trong quá trình sinh sống và hoạt động nghề nghiệp, cư dân vùng biển, đảo Việt Nam đã dần hình thành nên đặc trưng văn hóa, phong tục, tập quán, những lễ hội đặc sắc; qua đó gia tăng tinh thần cố kết cộng đồng để hỗ trợ, hợp tác cùng nhau bám biển, bảo vệ ngư trường cũng như chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong những năm gần đây, nhiều phong tục, tập quán, lễ hội vùng biển, đảo nước ta được đầu tư kinh phí, trở thành những sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc, những nhu cầu tinh thần không thể thiếu, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời trở thành tài nguyên du lịch đặc biệt, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Đó là các lễ hội gắn với nghề biển, với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, như Lễ hội cầu ngư và Lễ nghinh Ông gắn với tục thờ cá Ông (cá voi) ở nhiều nơi, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), Lễ hội đền Độc cước, đền Bà Triệu (Sầm Sơn, Thanh Hóa), Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Lý Sơn, Quảng Ngãi), Lễ hội vía Bà (Cà Mau)...

 Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng)_Nguồn: vapa.org.vn
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn là nghi lễ truyền thống, đã tồn tại hàng trăm năm và trở thành một trong những sinh hoạt văn hóa tinh thần tiêu biểu của cư dân trên đảo để tri ân những người lính Hải đội Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước đã vượt sóng gió ghi dấu mốc chủ quyền trên biển. Trong những năm gần đây, người dân Lý Sơn lại càng quan tâm hơn bao giờ hết về những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của chính cộng đồng mình. Bên cạnh các thiết chế văn hóa vật thể từng bước được đầu tư phục hồi, nghi lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được cả cộng đồng chung tay bảo vệ và phát huy. Với nhiều nét đặc thù, hội tụ đầy đủ những giá trị văn hóa cổ truyền và có tác động sâu rộng đến đời sống tinh thần của cư dân vùng biển, đảo, lễ hội cầu ngư ở các làng biển Khánh Hòa tổng hợp các hình thức nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian, các trò chơi dân gian... tạo thành một bức tranh sinh động, đa sắc màu của ngày hội làng biển; qua đó bồi đắp lòng tự hào, tình yêu quê hương cho mỗi người dân cũng như ý thức bảo vệ, phát huy những giá trị di sản văn hóa quý báu của cha ông đã sáng tạo và lưu truyền.

Bên cạnh đó, vùng biển, đảo nước ta còn có các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh rất đa dạng, phong phú, vừa mang đậm hơi thở của biển, vừa gắn bó chặt chẽ với chiếc nôi văn hóa trên đất liền, là minh chứng cho công lao to lớn của các thế hệ đi trước. Đó là những công trình xây dựng gắn liền với tín ngưỡng, tôn giáo, thờ người có công đánh giặc giữ biển đảo, có công giúp dân khai phá biển, đảo hoặc phục vụ nhu cầu tâm linh của bà con ngư dân, như đình Trà Cổ (Quảng Ninh); đền thờ thần Độc Cước (Thanh Hóa); đền Cờn (Nghệ An); Vạn An Thạnh, Vạn Thương Hải, Linh Quang Tự, đình làng Triều Dương, Bà Chúa Ngọc, Công chúa Bàng Tranh (đảo Phú Quý, Bình Thuận); chùa Hang, đình Lý Hải, Âm Linh Tự (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi); lăng cá Ông ở các tỉnh miền Trung đền thờ Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang). Ngoài ra, còn có các di tích cách mạng, các di tích ghi dấu đường Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu không số, các bến tiếp nhận và giao vũ khí, quân trang quân dụng ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam; Khu di tích lịch sử Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)... Các di sản văn hóa trong không gian văn hóa biển, đảo nước ta có vai trò quan trọng trong việc xác định các giá trị văn hóa truyền thống và chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Thời gian qua, Nhà nước đã chú trọng đến công tác kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng các di tích, nghiên cứu sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể. Hầu hết các di tích được xếp hạng cấp quốc gia trên các đảo đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo, một số lễ hội truyền thống được phục hồi.

Tuy nhiên, hiện nay có không ít lễ hội truyền thống vùng biển, đảo bị mai một; di tích lịch sử, văn hóa kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên đang bị xuống cấp, bị biến dạng nghiêm trọng do sự tác động thường xuyên của thiên nhiên và con người. Một số công trình đã và đang bị chiếm dụng trái phép, tình trạng xâm phạm tại nhiều di tích vẫn tồn tại. Quá trình tăng dân số chưa được kiểm soát cũng như mặt trái của cơ chế thị trường cũng có những tác động mạnh mẽ đến các di tích lịch sử, văn hóa và môi trường cảnh quan vùng biển, đảo. Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị phong tục, tập quán các vùng biển, đảo còn gặp nhiều khó khăn. Người dân và bộ đội trên các huyện đảo và ngoài biển còn chịu nhiều thiệt thòi về đời sống văn hóa so với các vùng dân cư ở đất liền, chưa có những sản phẩm văn hóa, sự kiện văn hóa, dịch vụ văn hóa mới, đáp ứng kịp nhu cầu văn hóa ngày càng cao của đông đảo cư dân sinh sống ở vùng biển, đảo.

Về quản lý văn hóa trong phát triển du lịch biển, đảo

Tài nguyên du lịch, nhất là tài nguyên nhân văn ở vùng biển, đảo nước ta rất đa dạng và phong phú, là cơ sở để phát triển nhiều loại hình du lịch. 28 tỉnh, thành phố có biển ở nước ta sở hữu hơn 1.000 di tích được xếp hạng, 195 lễ hội dân gian truyền thống. Một số nơi đã hình thành những lễ hội văn hóa du lịch hiện đại, tổ chức định kỳ và có sức hấp dẫn du lịch cao; trên 150 làng nghề truyền thống ven biển với văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, văn hóa cư trú, ca múa nhạc, các thiết chế văn hóa, sắc thái văn hóa biển, đảo độc đáo.

Thời gian qua, du lịch biển, đảo nước ta đã khởi sắc, định hình rõ hơn vị trí của một ngành kinh tế biển. Hệ thống sản phẩm du lịch biển, đảo được hình thành, ngày càng đa dạng và phong phú. Các trung tâm du lịch biển được hình thành, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, như Hạ Long - Cát Bà; Huế - Đà Nẵng - Hội An; Nha Trang, Phan Thiết - Mũi Né; Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu; Phú Quốc... gắn với hệ thống đô thị du lịch ven biển ngày càng phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hiệu quả này có sức lan tỏa rất mạnh sang các ngành, các vùng, miền khác, tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy các ngành, nghề khác phát triển. Hằng năm, nhiều lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống được khôi phục, tổ chức dần nền nếp và lành mạnh, phát huy được thuần phong mỹ tục. Khu vực miền Bắc là Quảng Ninh với thương hiệu “Carnaval Hạ Long”, Hải Phòng với thương hiệu “Lễ hội hoa phượng đỏ”... Khu vực miền Trung - “Miền đất của các di sản” đã dần khẳng định vị trí với thương hiệu “Con đường di sản”. Các địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã nỗ lực xây dựng thương hiệu: “The Essence of Vietnam - Tinh hoa Việt Nam” với sự hỗ trợ từ dự án “Du lịch có trách nhiệm” do Cộng đồng châu Âu tài trợ. Quảng Nam là địa phương điển hình khá thành công trong việc đưa ra hình ảnh “Quảng Nam - Điểm đến 2 di sản thế giới”; thành phố Hội An nỗ lực xây dựng thương hiệu điểm đến gắn với nghề truyền thống mà điển hình là thương hiệu “Lễ hội đèn lồng”; tỉnh Thừa Thiên Huế thì giới thiệu hình ảnh địa phương với việc xây dựng thương hiệu “Festival Huế”, Đà Nẵng với “Lễ hội pháo hoa”... Nhờ đó, du lịch biển, đảo nước ta ngày càng phát triển, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương có biển; đồng thời tạo thêm nguồn thu để tôn tạo, trùng tu các di tích và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư giữ gìn, phát triển di sản văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế cũng như khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 Lễ hội Carnaval Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh)_Nguồn: toquoc.vn
Tuy nhiên, quá trình phát triển du lịch biển, đảo cũng nảy sinh một số vấn đề thể hiện thiếu tính bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Các tiêu chí phát triển ngành về kinh tế, như tỷ trọng khách, thu nhập du lịch biển, đảo so với du lịch cả nước không có sự bứt phá như mong muốn, chưa tương xứng với nguồn lực và sự đầu tư. Hệ thống các khu du lịch chuyên đề biển, đảo quốc gia chưa hình thành rõ nét. Việc khai thác giá trị cảnh quan, sinh thái và những tiềm năng khác trên các đảo, nhất là các đảo ven bờ, cho phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Chưa có nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang đậm đặc thù văn hóa biển, đảo, nên sự hấp dẫn và sức cạnh tranh còn hạn chế. Môi trường ở một số điểm du lịch biển, đảo bị ô nhiễm. Sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch biển, đảo còn mang tính tự phát. Công tác quản lý hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch, việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các quy định quản lý hành vi văn hóa trong hoạt động du lịch còn hạn chế (vẫn còn hiện tượng chèo kéo, đeo bám, “chặt chém” ở một số điểm du lịch, nhất là trong mùa du lịch, vào các dịp nghỉ lễ)...

4- Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa biển, đảo, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng các quan điểm, chủ trương của Đảng trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XII (năm 2018) “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”,... nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về văn hóa và quản lý văn hóa biển, đảo, về các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân biển, đảo, về trách nhiệm và tình yêu biển, đảo.

Phương pháp, hình thức tuyên truyền cần đa dạng, phong phú; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền thường xuyên với tuyên truyền theo chuyên đề, sự kiện, phù hợp với từng thời điểm và sát với đối tượng tuyên truyền. Duy trì tổ chức các lễ hội, các sự kiện với các chủ đề về văn hóa biển, đảo, các triển lãm ảnh, các hội thảo khoa học, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật ở vùng ven biển và hải đảo,... Tiếp tục nghiên cứu, đưa các nội dung về biển, đảo vào sách giáo khoa, tài liệu học tập trong các cơ sở giáo dục, đào tạo ở các bậc học; qua đó, tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với biển, đảo của Tổ quốc; tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hai là, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý văn hóa biển  đảo.

Hoàn thiện chính sách xã hội hóa, dịch vụ công trong văn hóa cho phù hợp đặc điểm tự nhiên - xã hội vùng biển, đảo. Có cơ chế xây dựng bộ máy quản lý văn hóa và nguồn nhân lực văn hóa phù hợp với từng loại huyện đảo; có chính sách đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ quản lý văn hóa công tác tại các huyện đảo và chính sách đặc thù hưởng thụ văn hóa của nhân dân hải đảo.

Quy hoạch hệ thống các thiết chế văn hóa (di tích lịch sử, tôn giáo, danh thắng, công trình kiến trúc nghệ thuật...) phù hợp với những đặc điểm riêng cho từng loại huyện, xã đảo. Phát triển các cơ sở văn hóa và dịch vụ văn hóa ngoài công lập ở những huyện đảo lớn và có điều kiện.

Ba là, huy động sự tham gia của cộng đồng cư dân biển, đảo trong quá trình quản lý văn hóa biển, đảo. Chú trọng các yếu tố sau: Cộng đồng phải được tham gia bàn bạc, lên kế hoạch tổ chức lễ hội, sự kiện (đây là điều kiện căn bản để người dân có thể chủ động, tích cực tham gia vào tổ chức lễ hội, sự kiện ngay từ ban đầu) để bảo đảm tính chân thực của lễ hội, sự kiện; được tham gia vào quá trình đánh giá hiệu quả của lễ hội, sự kiện, để qua đó hoàn thiện công tác tổ chức lễ hội, sự kiện; được hưởng lợi từ lễ hội, sự kiện (những lợi ích này có thể là việc củng cố và phát huy hình ảnh địa phương, niềm tự hào của người dân hay những lợi ích gián tiếp, lâu dài khác). Do đó, cần có chính sách tôn vinh những người có công chinh phục, khai thác, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; hỗ trợ nghề đi biển, tạo dựng tấm gương cho các thế hệ sau noi theo.

Rước kiệu truyền thống trên bãi biển tại Lễ hội Đền Cờn phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An_Nguồn: vapa.org.vn 
Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý văn hóa vùng biển, đảo.

Tăng cường cán bộ quản lý văn hóa vùng biển, đảo có trình độ đại học ngành quản lý văn hóa và có nhận thức tốt về văn hóa biển, đảo và vai trò của cán bộ phụ trách văn hóa ở biển, đảo. Xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ riêng và ưu tiên đối tượng cán bộ đang và sẽ công tác tại biển, đảo, như chế độ tiền lương, trợ cấp khó khăn, tặng thưởng khi hoàn thành tốt nhiệm vụ, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn... Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn/nghiệp vụ để nâng cao trình độ về văn hóa, văn hóa biển, đảo, quản lý văn hóa và văn hóa biển, đảo cho đội ngũ cán bộ. Đổi mới và tăng cường công tác đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên/thuyết minh viên có kiến thức sâu rộng về văn hóa biển, đảo, có kỹ năng nghiệp vụ du lịch chuyên nghiệp.

Năm là, có chính sách khuyến khích việc duy trì, phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu hoặc có nguy cơ bị mai một. Khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng địa phương sử dụng tri thức truyền thống, kinh nghiệm địa phương trong hoạt động khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, tạo điều kiện phát huy văn hóa địa phương. Kiểm kê, lập và công bố danh mục các di sản sản văn hóa vật thể, phi vật thể ở vùng ven biển và trên các đảo, lập các bảo tàng văn hóa biển. Lập hồ sơ khoa học và nghiên cứu phục hồi, duy trì các phong tục, tập quán, lễ hội cổ truyền. Xây dựng ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến biển, đảo Việt Nam. Lựa chọn một số lễ hội truyền thống có giá trị lịch sử - văn hóa vào các danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quốc tế, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu cho các lễ hội ở khu vực biển, đảo. Kết hợp giữa bảo vệ và phát huy giá trị của tín ngưỡng, lễ hội với phục hồi, tôn tạo di tích theo cơ chế đặc thù của vùng biển, đảo.

Sáu là, phát triển du lịch biển, đảo, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa vùng biển, đảo, tạo dựng sinh kế bền vững cho người dân và quảng bá văn hóa biển, đảo Việt Nam ra thế giới.

Có chính sách khuyến khích và xác định trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch đối với việc bảo vệ, tôn tạo phát triển tài nguyên du lịch nói chung, các di sản văn hóa nói riêng ở vùng ven biển và hải đảo; qua đó nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ tài nguyên du lịch nhân văn. Có những cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích việc bảo tồn, tôn tạo các nguồn tài nguyên du lịch, trong đó bao gồm cả các giá trị di sản văn hóa biển, đảo.

Quy hoạch xây dựng các vùng, điểm du lịch vùng biển, đảo gắn kết với xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù vùng biển, đảo. Có chính sách hỗ trợ cuộc sống người dân ở các làng Việt Nam còn lưu giữ được các giá trị văn hóa đặc trưng vùng biển trong quá trình chuyển đổi kinh tế từ nông nghiệp ngư nghiệp sang dịch vụ du lịch, hình thành các sản phẩm “du lịch làng quê Việt Nam”, “du lịch ngư dân Việt”. Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nghệ nhân truyền lại cho thế hệ con cháu những giá trị văn hóa truyền thống tạo nên “linh hồn” làng quê biển, đảo Việt Nam.

Có chính sách đặc biệt đối với việc đầu tư cho những di tích văn hóa, lịch sử cách mạng nổi tiếng trong kháng chiến chống ngoại xâm, như đường Hồ Chí Minh trên biển, nhà tù Côn Đảo...; tổ chức các sự kiện, sinh hoạt văn hóa gắn với truyền thống biển, đảo của dân tộc, như các lễ hội khao lề thế lính, tôn vinh các nhân vật lịch sử có công với quá trình khai khẩn các vùng biển, đảo, các sự kiện chiến thắng có liên quan đến các vùng biển, đảo... để xây dựng những sản phẩm du lịch biển, đảo đặc thù, hấp dẫn.

Hỗ trợ hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; xây dựng các không gian sáng tạo ở các vùng biển, đảo, tổ chức các sự kiện gần gũi với người dân, kết nối hiện đại và truyền thống, tạo ra bản sắc cho các sự kiện, phát huy vai trò của cộng đồng trong xác định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.

Theo PGS, TS. BÙI HOÀI SƠN/Tạp chí Cộng sản

--------------

(1) Được phê duyệt tại Quyết định số 581/QĐ-TTg, ngày 6-5-2009, của Thủ tướng Chính phủ

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều