Quan điểm của Đảng về xây dựng nền văn hóa từ sau đổi mới đến nay - thành tựu và những vấn đề đặt ra

Trải qua gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã định hướng phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa có những bước vận động rất quan trọng. Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, trong đó con người được nhìn nhận là trung tâm trong chiến lược phát triển bền vững. Việc nhấn mạnh đến vấn đề con người thể hiện sự phù hợp với quan điểm tiến bộ về văn hóa trên thế giới hiện nay.

Quan điểm của Đảng về văn hóa từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) đã mở đầu công cuộc đổi mới. Đại hội VII tiếp tục chủ trương đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để nhằm đưa đất nước đi vào thế ổn định và phát triển. Sau một thời gian khủng hoảng kinh tế - xã hội và sau những biến động phức tạp của tình hình chính trị quốc tế, hai kỳ đại hội trên ưu tiên tập trung xác định đường lối phát triển kinh tế, ổn định xã hội; văn hóa mặc dù được quan tâm phát triển, nhưng chưa được xem là vấn đề trọng tâm.

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 7-1998) đã ban hành nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, cho thấy chuyển biến hết sức mạnh mẽ trong nhận thức của Đảng về tầm quan trọng của văn hóa bên cạnh vấn đề phát triển kinh tế và xây dựng Đảng. Nghị quyết khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội”(1).

 

Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (Trong ảnh: Đua thuyền trong lễ hội truyền thống chùa Bạch Hào, tỉnh Hải Dương)_Ảnh: Tư liệu

Đại hội IX của Đảngtiếp tục khẳng định, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Mọi hoạt động văn hóa nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Bước phát triển trong quan điểm của Đảng về văn hóa thời kỳ này là nhấn mạnh mục tiêu hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Đại hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Để đạt được mục tiêu đề ra, các chương trình hành động phải được triển khai đồng bộ, chú trọng việc mở rộng và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hóa”, phong trào “Người tốt, việc tốt”, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người…

Đến Đại hội X của Đảng, với quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, những yêu cầu về tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và việc xây dựng, hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế,… được khẳng định lại, tiếp nối quan điểm về văn hóa từ kỳ đại hội trước. Đại hội lần này cũng đề ra yêu cầu đa dạng hóa các hình thức hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng và nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống nhà văn hóa, bảo tàng, nhà truyền thống…

Đại hội XI khẳng định phương hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển, coi “con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”(2). Đại hội đề ra mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo là xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã khẳng định mục tiêu: xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Văn hóa tiếp tục là vấn đề quan trọng, có tính thời sự và dành được sự quan tâm sâu sắc.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và mục tiêu “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”(3). Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người có bước chuyển biến quan trọng: Gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước; gắn xây dựng môi trường văn hóa với xây dựng con người; bước đầu hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên. Mục tiêu được đề ra là: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, trong đó, “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển.

 

Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn dân chủ và khoa học_Ảnh: Tư liệu

Kết quả và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII nhấn mạnh đến phương hướng, nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Quan điểm này tiếp tục được khẳng địnhtrong các giai đoạn tiếp theo và các chương trình hành động tương ứng được triển khai nhằm đạt mục tiêu đặt ra... Trong đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”được khởi xướng và phát động từ năm 2000 với mục đích tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Cùng với việc phát động phong trào là việc thành lập ban chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương để triển khai thực hiện.

Mặc dù phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần ổn định an ninh chính trị, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tiến bộ và giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào vẫn còn những hạn chế. Đại hội X của Đảng đã đánh giá: “Việc xây dựng nếp sống văn hóa chưa được coi trọng đúng mức. Tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống, sự gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm đáng lo ngại, nhất là trong lớp trẻ. Quản lý nhà nước về văn hóa còn nhiều sơ hở, yếu kém. Đấu tranh ngăn ngừa văn hóa phẩm độc hại chưa được chú ý đầy đủ, còn nhiều khuyết điểm, bất cập”(4); phong trào triển khai chưa đồng đều; hoạt động của ban chỉ đạo ở một số địa phương còn nặng tính hành chính; cách thức triển khai phong trào còn có những điểmchưa phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra.      

Tại Đại hội XI của Đảng nhận định, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục, thể thao ngày càng mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Phong trào từng bước đi vào chiều sâu, nhưng “văn hóa phát triển chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Quản lý văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản còn thiếu chặt chẽ. Môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh, thiếu niên, rất đáng lo ngại”(5).

Đến Đại hội XII, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đánh giá: “Bước đầu hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên. Hệ thống thể chế và thiết chế văn hóa từng bước được tăng cường… Đời sống văn hóa của nhân dân được cải thiện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã khơi dậy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng. Việc xây dựng môi trường văn hóa đã được chú trọng hơn”(6). “Tuy nhiên, so với những thành quả trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng...”(7).

Tại Đại hội XI và Đại hội XII, văn kiện của Đảng đều đánh giá, văn hóa phát triển chưa tương xứng với các lĩnh vực khác. Một trong những nguyên nhân quan trọng đó là quan điểm tiếp cận trong xây dựng chính sách và triển khai hành động còn nhiều bất cập. Văn hóa luôn đa dạng và vận động không ngừng. Mỗi một vùng, miền lại có đặc thù văn hóa riêng và luôn biến đổi theo nhu cầu của con người - chủ nhân của văn hóa. Tuy nhiên, một số chính sách và việc triển khai chính sách liên quan đến văn hóa còn cứng nhắc, chưa phù hợp. Việc xây dựng một nền văn hóa theo mô hình chung, không căn cứ vào tính đa dạng và tính thường biến của đối tượng sẽ dẫn đến sựnhất thể hóabất biến hóa văn hóa một cách khiên cưỡng. Do đó, các chính sách đưa ra cần phù hợp với nguyên tắc tôn trọng đặc trưng văn hóa của từng vùng, miền cụ thể và tôn trọng quyền tự chủ của người dân. Nói cách khác, các chính sách này nên được xây dựng trên tinh thần “tạo điều kiện”, chứ không phải “làm thay” như trước. Cần tạo điều kiện để người dân tham gia một cách chủ động, tích cực vào việc xây dựng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa.Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, bởi xét đến cùng, văn hóa là của nhân dân, do nhân dân sáng tạo nên.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền văn hóa mới cần hội tụ tính dân tộc, khoa học và đại chúng. Trong đó, nền văn hóa mang tính đại chúng được hiểu là nền văn hóa do nhân dân xây dựng. Ở góc độ này, việc xây dựng con người là nhiệm vụ quan trọng nhất. Nhìn cụ thể hơn vào mục tiêu xây dựng con người Việt Nam, vốn đã được xác định là nhiệm vụ hàng đầu trong các nhiệm vụ về văn hóa, có thể thấy nhữngkết quả đạt được chưa như mong muốn. Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII lần đầu đặt ra yêu cầu việc xây dựng con người Việt Nam đi liền với xây dựng nền văn hóa dân tộc. Các kỳ đại hội tiếp theo xác định cụ thể hơn vấn đề này. Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã khẳng định, việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển, đồng thời cũng là nhiệm vụ hàng đầu trong các mục tiêu, nhiệm vụ về văn hóa. Tuy vậy, kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế. Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp nghiêm trọng”(8). Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế, yếu kém trên là “do nhiều cấp uỷ, chính quyền nhận thức chưa đúng tầm quan trọng và chưa quan tâm đầy đủ lĩnh vực này; lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật quyết liệt. Việc cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới, có lúc, có nơi bị xem nhẹ, thậm chí buông lỏng. Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng và còn dàn trải”(9). Đối với việc xây dựng con người Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, đó là do hệ thống giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu. “Xét cho đến cùng, những sai lầm, khuyết điểm, hạn chế của con người Việt Nam nói chung đều là do những sai lầm, khuyết điểm, hạn chế của công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực này mà ra”(10). Con người là kết quả quá trình xã hội hóa thông qua giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội, là nền tảng để tạo nên con người văn hóa. Với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa, mỗi cá nhân trong cộng đồng sẽ góp phần tạo nên văn hóa của cộng đồng. Mặt khác, văn hóa luôn mang tính đa dạng và biến đổi, nhưng các chính sách về văn hóa lại chưa quan tâm đúng mức đến sự đa dạng văn hóa ở một đất nước vốn có nhiều dân tộc và nhiều vùng địa lý mang những đặc điểm khác biệt.

Thực tiễn xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam đặt ra nhiều thách thức trong giai đoạn mới. Đảng ta luôn khẳng định quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực phát triển bền vững đất nước, con người là trung tâm trong chiến lược phát triển. Chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa là nền tảng vững chắc để tạo ra những chuyển biến tích cực trong xây dựng nền văn hóa và con người hiện nay./.

-------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng”, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 356 - 357
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)”,Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI)Sđd, tr. 738
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 126
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: “Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X”, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI)Sđd, 2013, tr. 680
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng”, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI)Sđd, tr. 790
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIISđd, tr. 123, 124
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIISđd, tr. 124, 125
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 61
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 126
(10) Mạch Quang Thắng: “Một số vấn đề về xây dựng con người Việt Nam”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 8, 2018, tr. 12.

Theo TS. NGUYỄN GIÁO/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều