Tăng cường phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên với Bộ Công an trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

(Mặt trận) - Bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đây cũng được xác định là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vì vậy, công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được xem là biện pháp cơ bản, quan trọng, vừa cấp bách, vừa chiến lược, lâu dài trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ thực tiễn cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã xuất hiện nhiều phong trào quần chúng bảo vệ trật tự trị an với nhiều hình thức nhằm huy động sức mạnh toàn dân đấu tranh chống phản cách mạng và các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đồng hành với mọi phong trào cách mạng của dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn thể hiện vai trò quan trọng, hạt nhân chính trị trong phát huy mọi nguồn lực xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết, kiên trì bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tháng 6/1998 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ban Nội chính Trung ương và Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị "Trao đổi kinh nghiệm nhân điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc", những kinh nghiệm phong phú từ thực tiễn đã được đúc rút đó là: (1) Vấn đề then chốt của phong trào bảo vệ an ninh là xây dựng chế độ tự quản từ cơ sở, khu dân cư để người dân tự đứng ra giải quyết vấn đề, chính quyền ủng hộ giúp đỡ. (2) Xây dựng quy chế phối hợp đồng bộ và phân công trách nhiệm giữa các ban, ngành, đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc, trong đó lực lượng an ninh phải làm nòng cốt. (3) Chỉ có dựa vào dân mới có thể giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội2. Những kinh nghiệm từ phong trào của các địa phương đã trở thành nhiệm vụ, giải pháp và định hướng trọng tâm trong công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên với Công an trong xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" trong mọi giai đoạn.

Với truyền thống của 30 năm phối hợp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam và các tổ chức thành viên đã từng bước trở thành lực lượng lòng cốt trong xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Từ Nghị quyết liên tịch số 01 ngày 11/2/1991 về phối hợp "Vận động toàn dân xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc" đến Nghị quyết liên tịch số 01 ngày 4/12/2001 về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới” và nay là Chương trình phối hợp số 09 ngày 1/8/2013 về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Từng giai đoạn, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã được cụ thể hóa về nội dung và phương thức phối hợp. Từng bước phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng của khối đại đoàn kết toàn dân với ý thức tự quản của nhân dân trong bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chủ động phòng, chống hiệu quả với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; bảo vệ bí mật quốc gia; làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch; bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Qua sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, lực lượng Công an và các tổ chức thành viên, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức đảng, chính quyền, sự đồng tình hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" được đẩy mạnh, có bước phát triển mới với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả; khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân. Lực lượng Công an, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tích cực bám dân, bám địa bàn để xây dựng phong trào. Chủ động nắm chắc tình hình diễn biến trong tư tưởng nhân dân; tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao tinh thần cảnh giác trước thủ đoạn của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; sớm phát hiện, đấu tranh và phòng ngừa có hiệu quả với mọi hoạt động xuyên tạc, lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, người có uy tín ở cộng đồng, chức sắc các tôn giáo xây dựng các hình thức tự quản về an ninh trật tự; phân công các lực lượng tham gia cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật trở về địa phương đạt nhiều kết quả tích cực.

Đặc biệt, sau gần 20 năm tổ chức Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" và 15 năm Ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" đã trở thành Ngày hội của toàn dân, dịp để các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương gắn bó mật thiết với nhân dân; thăm hỏi, động viên và khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng của các địa phương. Qua đó đã có hàng triệu hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu, tập thể tiên tiến được các cấp, các ngành biểu dương khen thưởng trong thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" cơ sở quan trọng để xây dựng thế trận lòng dân gắn thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới.

Với tính chất là phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, thông qua phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận, lực lượng Công an các cấp không ngừng được rèn luyện và trưởng thành gắn bó mật thiết với nhân dân, sâu sát cơ sở, bám sát thực tiễn, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, vì lợi ích của nhân dân. Nhân dân đã tích cực phối hợp với lực lượng Công an, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn xã hội; tích cực tham gia tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, thực hiện các biện pháp tự quản, tự phòng, tự bảo vệ; xây dựng nội quy, quy ước về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường "An toàn về an ninh trật tự"; tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

 Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên và Công an có lúc, có nơi chưa được chặt chẽ; việc phân công trách nhiệm chưa được rõ ràng. Chất lượng tham mưu giúp lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn chưa kịp thời. Kết quả xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" chưa đồng đều, còn mang tính hình thức, chưa thực sự là phong trào tự giác của nhân dân; nội dung còn thiếu sức lôi cuốn và chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư khóa XII về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới đã khẳng định "đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, môi trường hoà bình, ổn định cho đất nước phát triển". Trên cơ sở đó, ngày 29/3/2021 Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 279/KH-MTTW-BCA tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW “Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” giai đoạn 2021 - 2023, nhằm đưa nội dung phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đi vào chiều sâu, với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng dân tộc. Kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế; phân công trách nhiệm, đổi mới hiệu quả nội dung và hình thức công tác phối hợp, giữa lực lượng Công an nhân dân với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở xã, phường, thị trấn trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại mỗi địa phương. Tạo cơ sở thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; kịp thời đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn hoạt động "diễn biến hoà bình", luận điệu xuyên tạc, lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch; phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Thông qua các giải pháp cơ bản sau:

Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công an và các tổ chức thành viên từ Trung ương đến các địa phương nghiêm túc quán triệt nội dung các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước trong xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong tình hình mới. Tập trung xây dựng Chương trình hành động ở từng cấp, ngành phù hợp với nhiệm vụ chính trị, đặc điểm về kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi địa phương, đơn vị. Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài; tổ chức hiệu quả các biện pháp đấu tranh với các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự, các loại hình tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội; kịp thời phát hiện, xây dựng các giải pháp giảm thiểu các nguyên nhân, điều kiện gây phức tạp về an ninh, trật tự; xây dựng các mô hình khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”. Tăng cường phối hợp giải quyết kịp thời, dứt điểm, ổn định các vụ mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, đình công, lãn công tại cơ sở, nhất là những vụ việc phức tạp, kéo dài, không để trở thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Phát động mỗi địa phương một sáng kiến trong thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” từ địa bàn cơ sở.

Hai là, vận dụng linh hoạt tác phong “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, xây dựng vững chắc "thế trận lòng dân" với "thế trận an ninh nhân dân" trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của quần chúng nhân dân; làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải hiệu quả các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân nhất là ở các địa bàn trọng điểm, chiến lược, phức tạp về an ninh, trật tự, tuyến biên giới, hải đảo. Trước mặt, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn xây dựng ít nhất một xã, thị trấn điển hình về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; một phường điển hình về bảo đảm trật tự đô thị.

Ba là, tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng đến nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, mọi đối tượng trong xã hội tham gia hoạt động trong các loại hình tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nội dung của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phải gắn liền với phát huy dân chủ, trợ giúp xã hội, khắc phục khó khăn, an sinh xã hội; đền ơn đáp nghĩa và xóa đói, giảm nghèo góp phần xây dựng đất nước phổn vinh, hạnh phúc.

Bốn là, tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp giữa cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên với nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Kịp thời hỗ trợ nhân dân đấu tranh trực tiếp và lên án, tố giác các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự, nhất là các tụ điểm tàng trữ, buôn bán các chất ma túy, tụ điểm hoạt động của ổ nhóm tội phạm; luận điệu xuyên tạc, âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, kích động, lôi kéo, chia rẽ tình đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo... của các thế lực thù địch.

Năm là, phát huy hiệu quả vai trò của cá nhân tiêu biểu, người có uy tín ở cộng đồng dân cư, chức sắc các tôn giáo làm nòng cốt trong thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" ở các địa phương. Chú trọng công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá chất lượng hoạt động đối với các mô hình. Xây dựng quy chế phối hợp trong việc đánh giá, tự đánh giá và phân loại hoạt động mô hình; rà soát loại bỏ những mô hình không hiệu quả, mang tính hình thức; chú trọng các hình thức sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng, phổ biến nhân rộng hoạt động của mô hình giữa các đơn vị, địa phương gắn với bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng nòng cốt làm công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp.

Nguyễn Quang Hòa

ThS, Ban Phong trào, UBTW MTTQ Việt Nam

Chú thích:

1. Biên niên sự kiện lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tập III (1975-2000), tr. 451.

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều