Tuyên ngôn độc lập - Bản Tuyên ngôn về các giá trị làm người

(Mặt trận) - Tuyên ngôn độc lập gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ý chí và khí phách của dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu làm nô lệ”.

Bản Tuyên ngôn ấy thực sự là Tuyên ngôn lập quốc của dân tộc Việt Nam trong thời hiện đại. Nó kế thừa truyền thống anh hùng, bất khuất của ông cha ta qua mọi triều đại, tiếp nối và phát triển sức sống mãnh liệt, giá trị và bản sắc văn hóa cũng như bản lĩnh chính trị của dân tộc ta qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước để làm thăng hoa trí tuệ và tâm hồn Việt Nam, chân lý và đạo lý Việt Nam trong kỷ nguyên độc lập, tự do, trong thời đại mới mang tên thời đại Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh:Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Trong đời, Người đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy.

Điều này hoàn toàn chính xác. Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 là một trong những sự kiện sáng chói nhất của thế kỷ XX. Bởi vì, chính với bản Tuyên ngôn đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được khai sinh, khẳng định thắng lợi trọn vẹn của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao hy sinh xương máu của đồng bào và những người con anh dũng của Việt Nam. Nó được phôi thai từ bản Yêu sách tám điểm năm 1919, Chương trình Việt Minh năm 1941 và của những bản tuyên ngôn khác của các vị tiền bối. Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam. Bản Tuyên ngôn độc lập đã kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử, mà điểm sáng chói là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc; là trí tuệ và bản lĩnh văn hóa Việt Nam với khát vọng cháy bỏng là đấu tranh vì nền độc lập dân tộc và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Với tinh thần đó, Tuyên ngôn độc lập, thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám, xứng đáng là văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa lịch sử to lớn và giá trị thời đại sâu sắc.

Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố quyền tự do của dân tộc, khẳng định thắng lợi của cách mạng nước ta. Bản Tuyên ngôn đó không còn chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam mà còn là sự cổ vũ, lời khẳng định thiêng liêng của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các dân tộc nhược tiểu. Như vậy, có thể khẳng định, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mang tính dân tộc, nhân văn, vừa mang tính thời đại. Tính thời đại ấy được thể hiện rất rõ ràng và súc tích trong tư tưởng chủ đạo của bản Tuyên ngôn, đó là Tuyên ngôn độc lập đã vạch trần bản chất gian xảo và tội ác của thực dân Pháp với đồng bào ta. Nêu bật truyền thống nhân ái, lòng yêu độc lập, tự do; ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

 Trong phần đầu của bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh nêu nguyên tắc tự do, bình đẳng và dẫn chứng ra hai bản tuyên ngôn nổi tiếng trong lịch sử nhân loại của hai nước lớn là bản “Tuyên ngôn độc lập 1776” của Mỹ và bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Pháp. Sử dụng hai bản tuyên ngôn này, Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc ta bằng chính quan điểm của người Mỹ và người Pháp về vấn đề này. Đây là sự kế thừa hết sức khéo léo, chặt chẽ; và từ bản tuyên ngôn của Mỹ và Pháp, Người đã nêu những quy luật bất biến, được thừa nhận chung về quyền con người, quyền làm người, khái quát lên thành quyền độc lập, tự do của cả một dân tộc.

Việc trích dẫn hai bản tuyên ngôn nổi tiếng này có dụng ý của Bác. Thứ nhất, Bác đã mượn hai bản tuyên ngôn kia để xây dựng nguyên tắc lý luận, đặt cơ sở pháp lý khách quan cho Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam. Thứ hai, đây là cách đặt ba cuộc cách mạng, ba nền độc lập, ba bản tuyên ngôn ngang hàng nhau, thể hiện một niềm tự hào, tự tôn dân tộc… Thứ ba, Bác đã thể hiện một nguyên tắc chính trị khéo léo bằng phương pháp “gậy ông đập lưng ông”, dùng ngay lý lẽ của đối thủ để đẩy chúng vào thế “tự vạch mặt”.

Một tài tình nữa của Bác nằm trong ba chữ “suy rộng ra”, từ quyền con người nói chung, Bác đã phát triển thành quyền dân tộc cụ thể. Đây là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với dân tộc Việt Nam, nhất là khi độc lập dân tộc đang bị các lực lượng thù địch bao vây tứ phía. Đây cũng là mối bận tâm lớn nhất trong cuộc đời của Bác: “Ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Nâng quyền con người thành quyền dân tộc là một sáng tạo đáng quý của Bác, thể hiện tâm huyết lớn của Bác dành cho dân tộc mình. Ý kiến “suy rộng ra” ấy còn là một đóng góp rất lớn và đầy ý nghĩa của Bác đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Cống hiến nổi tiếng của Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết lấy vận mệnh của mình.

Phần thứ hai, về lý lẽ, dẫn chứng, ngữ điệu để tiến công đối thủ, Bác có cách làm riêng: Trước hết, lý lẽ của Bác bao giờ cũng ngắn gọn và sắc sảo: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do bình đẳng bác ái đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Chỉ với hai câu văn Bác đã lột được mặt nạ địch thủ, tương phản giữa khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” mà Pháp rêu rao với thực tế chà đạp lên tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam. Bản chất của thực dân Pháp lộ hẳn ra: Lời nói đối nghịch với việc làm, khẩu hiệu đẹp là cái mặt nạ rơi xuống đất để trơ ra bộ mặt phi nhân bất nghĩa.

Về thực tế khách quan, dẫn chứng của Bác cũng rất phong phú, cụ thể, chính xác, được rút ra từ những sự thật không thể chối cãi được ở những phương diện rất cơ bản: Chính trị, văn hóa, kinh tế; sự bán rẻ nước ta hai lần cho Nhật, tội “giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”. Chỉ một câu “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị” mà chứa đựng được những biến động lớn nhất của Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, nó đã đặt dấu chấm hết cho một thể chế, mở ra một thời đại mới.

Về thực tế chủ quan, Bác đã viện dẫn. Dân tộc ta - nhân dân ta vốn yêu chuộng hoà bình, khao khát tự do - độc lập; từng kêu gọi Pháp liên minh chống Nhật; gan góc chống ách nô lệ của Pháp trên 80 năm...; Gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít; khoan hồng với kẻ thù bị thất thế; giành độc lập từ tay Nhật chứ không phải từ Pháp; dân tộc ta nổi dậy giành chính quyền, đánh đổ chế độ phong kiến - thực dân, lập nên chế độ Dân chủ cộng hoà; thoát ly quan hệ với thực dân Pháp; xoá bỏ mọi hiệp ước, mọi đặc quyền - đặc lợi của Pháp trên đất nước Việt Nam.

Tuyên Ngôn độc lập đã hoàn toàn phủ nhận vai trò của Pháp ở Việt Nam. Đồng thời, nêu cao tinh thần yêu nước và truyền thống anh dũng của dân tộc ta; khẳng định quyền tự do và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Một chế độ xã hội đảm bảo các giá trị làm người đã được lịch sử gọi tên và thừa nhận. Bác đã tạo ra một biên bản lịch sử từ sự thật hiển nhiên không thể chối cãi của đời sống.

Đến cuối bản Tuyên ngôn, Bác đưa ra những tuyên bố về lập trường của dân tộc Việt Nam. Có các nội dung tuyên bố quan trọng: Phủ nhận triệt để vai trò của thực dân Pháp ở Việt Nam, tuyên bố lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà, yêu cầu Quốc tế công nhận độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”

Trong lời kết luận, sự khẳng định nền độc lập còn được tăng lên một bậc nữa: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Và vì thế, bản Tuyên ngôn đã khẳng định ý chí của người Việt Nam quyết bảo vệ nền độc lập dân tộc ấy bằng mọi giá “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, cũng có nghĩa là bảo vệ chân lý, quyền sinh tồn và các giá trị làm người!

Tuyên ngôn độc lập có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Việt Nam đã có một bề dày mấy ngàn năm lịch sử chống ngoại xâm hào hùng với một ý thức quốc gia độ̣c lập có chủ quyền thuộc loại vững chắc. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh mới là người Việt Nam đầu tiên đã thống nhất hai nội dung “nước độc lập” và “dân tự do, hạnh phúc” làm một. Chế độ mới này được khai sinh bởi bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lịch sử, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại soạn thảo và công bố.

Bản Tuyên ngôn độc lập được viết và hoàn thành trong một thời gian rất ngắn. Nhưng nhất định Tuyên ngôn độc lập - một văn bản chính luận hiện đại với hệ thống lý lẽ đanh thép và hệ thống dẫn chứng hùng hồn không thể chối cãi, có sức thuyết phục cao - phả̉i là kết quả của cả một quá trình trăn trở, suy ngẫm trong hành trình tìm đường cứu nước qua nhiều quốc gia trên thế giới của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là kết quả của thực tiễn lãnh đạo tài tình đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi của Người. Tuyên ngôn Độc lập đã thể hiện sự sáng suốt, nhạy bén và tầm nhìn chiến lược sâu rộng, khả năng dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là kết quả của tầm nhìn sâu rộng, của bao suy nghĩ trăn trở, và hơn cả là của một tấm lòng luôn luôn hướng về đất nước, về nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bản Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử có giá trị về mọi mặt, nhất là về chính trị, tư tưởng.

Những lời trong Tuyên ngôn là kết tinh những giá trị tinh thần và văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Thể hiện truyền thống đấu tranh bất khuất chống xâm lược và tư tưởng không có gì quý hơn độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Tuyên ngôn độc lập là một văn bản pháp lý hiện đại, mang một giá trị đặc biệt, không chỉ giới hạn về quyền độc lập, tự chủ của dân tộc ta đối với nước láng giềng, mà còn khẳng định với toàn thế giới về sự ra đời một nước Việt Nam hiện đại, thoát ly chế độ thuộc địa của thực dân Pháp đã đầu hàng và chủ nghĩa phát xít Nhật đã bại trận, đồng thời chấm dứt luôn chế độ quân chủ từng tồn tại cả ngàn năm bằng sự thoái vị của ông vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn.

Bản Tuyên ngôn độc lập còn khẳng định chủ quyền và địa vị pháp lý của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Nâng quyền con người thành quyền dân tộc là một sáng tạo thiên tài của Hồ Chủ tịch, thể hiện tâm huyết lớn của Người dành cho dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên thế giới. Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc; khẳng định tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình.

Về mặt thực tiễn, sự ra đời bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực sự là một mốc son trong lịch sử của dân tộc Việt Nam; đã khẳng định những quyền dân tộc cơ bản của dân tộc Việt Nam và trở thành một cuộc đối thoại lớn có ý nghĩa lịch sử trọng đại: Tuyên bố với thế giới về việc chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và hàng nghìn năm phong kiến ở Việt Nam; tuyên bố sự ra đời và yêu cầu Quốc tế công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; khẳng định quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập của Việt Nam; thể hiện quyết tâm cao nhất của dân tộc trong đấu tranh giữ gìn độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc của nhân dân.

Ngay sau Lễ tuyên thệ của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, Người nói: “Độc lập, tự do là của quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần cố gắng giữ gìn, bảo vệ”. Ngay sau tuyên bố trịnh trọng với dân tộc và toàn thế giới về quyền bình đẳng thế giới của dân tộc, quyền mưu cầu tự do, sung sướng của nhân dân và tuyên bố quyết tâm cao nhất của dân tộc Việt Nam để quyết giữ gìn độc lập tự do ấy, là những tuyên bố đanh thép khác của Người: “Nước độc lập mà dân không được tự do hạnh phúc thì độc lập đó chẳng có ý nghĩa gì”; “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”... đã khích lệ dân tộc Việt Nam đánh thắng các đế quốc to, hùng mạnh nhất thế giới và thời đại ở thế kỷ XX, giữ vững độc lập dân tộc và đang từng bước mang lại ngày càng nhiều các hạnh phúc to lớn cho nhân dân.

Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong một thời điểm trọng đại và phức tạp của lịch sử, có ý nghĩa xác lập tính hợp pháp và hợp hiến của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; là tác phẩm bất hủ của Hồ Chủ tịch; là bản anh hùng ca mở đầu kỷ nguyên mới Độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, Tuyên ngôn độc lập đồng thời còn có giá trị đấu tranh bác bỏ những lý lẽ láo xược cùng âm mưu tái chiếm Việt Nam của các lực lượng thù địch, tranh thủ sự đồng tình rộng rãi của dư luận quốc tế vì một nước Việt Nam độc lập có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Bản Tuyên ngôn độc lập không còn chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam mà đó còn là sự cổ vũ, lời khẳng định thiêng liêng của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các dân tộc kém và chưa phát triển. Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thế giới coi như là Tuyên ngôn nhân quyền của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Đó là một đạo luật mới của nhân dân thế giới khẳng định quyền tự do, độc lập bất khả xâm phạm của các dân tộc bị áp bức.

Trong bối cảnh ngày nay, những giá trị của Tuyên ngôn Độc lập 1945 của Việt Nam: Thống nhất độc lập dân tộc với tự do, hạnh phúc của nhân dân là đồng thời giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thống nhất biện chứng quyền con người với quyền dân tộc, đặt cơ sở khoa học và nền móng pháp lý cho công cuộc xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, xác lập nền văn hóa chính trị dân chủ mới – dân là gốc; khẳng định quyền tự quyết và thể hiện quyết tâm cao nhất của mỗi dân tộc trong đấu tranh giữ gìn độc lập dân tộc;… cùng với tinh thần đấu tranh không mệt mỏi và không khoan nhượng cho độc lập, tự do của dân tộc và quyền sống, quyền hạnh phúc của con người của nhân dân và dân tộc Việt Nam không chỉ có ý nghĩa lịch sử, mà mãi mãi còn nguyên tính thời đại.

Với giá trị về nhiều mặt, mà hạt nhân cốt lõi là các giá trị làm người, Tuyên ngôn độc lập trở thành một văn kiện chính trị - pháp lý và thấm nhuần sâu sắc các giá trị nhân văn của thời đại mới đề cao dân chủ và tự do, công bằng và bình đẳng xã hội. Với con người - đó là quyền được tồn tại thực sự xứng đáng với những con người tự do, quyền được phát triển như một chủ thể nhân cách sáng tạo, ở đó, phẩm giá làm người được tôn trọng và những đè nén, áp bức, bất công làm nhục con người, thống trị dân tộc trong tình cảnh nô lệ bị xóa bỏ. Đi vào lịch sử và sống mãi với thời gian. Tuyên ngôn độc lập mang tinh thần cách mạng triệt để, thấm đượm một triết lý phát triển đồng thời là thông điệp phát triển của Việt Nam trong thời đại mới. Đó là một áng thiên cổ hùng văn tiếp nối liền mạch với các áng thiên cổ hùng văn trước đó của ông cha ta với những âm hưởng hào sảng của Lý Thường Kiệt, dũng khí mãnh liệt của Trần Quốc Tuấn, trí tuệ và nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, trù tính định liệu việc lớn để an dân trị quốc của Nguyễn Huệ - Quang Trung.

Phạm Ngọc Anh

PGS.TS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo:

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều