|
Ảnh minh họa |
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến công tác lập pháp, đồng thời cũng rất chú trọng đưa pháp luật vào trong cuộc sống. Để đưa được pháp luật vào cuộc sống thì cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo Người, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền; là một bộ phận của công tác giáo dục; là khâu then chốt, quan trọng để pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, đi vào ý thức và hành động của từng chủ thể trong xã hội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc công bố đạo luật chưa phải đã xong, mà còn phải tuyên truyền giáo dục lâu dài đến mọi người dân thì mới thực hiện tốt được”1. Điều đó có nghĩa là cần phải nâng cao sự hiểu biết và năng lực sử dụng luật của người dân, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật trong nhân dân và phải “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền làm chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”2.
Mục đích của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà nước là hoạt động nhằm cung cấp những thông tin chân thực, những tri thức cần thiết và truyền đạt tinh thần, nội dung pháp luật giúp các đối tượng tác động hiểu rõ vấn đề, từ đó hình thành tri thức pháp luật phù hợp, tự giác chấp hành pháp luật, đồng thời xây dựng ý thức và tư tưởng của cán bộ, Nhân dân được thông suốt, ủng hộ và tự nguyện tuyên truyền, vận động người khác cùng thực hiện. Đồng thời, qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp cho cán bộ, Nhân dân có được những vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh tư tưởng để chống lại những âm mưu, thủ đoạn và hành vi thâm độc của các thế lực thù địch.
Để đạt được mục tiêu trên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh việc nắm vững đối tượng trong thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là rất quan trọng, bởi vì, tùy theo từng đối tượng, trình độ mà lựa chọn phương pháp phù hợp. Đối với từng đối tượng cụ thể, Người yêu cầu cán bộ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải có phương thức thích hợp và phải chú trọng ưu tiên cho đối tượng có trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp vì đồng bào có trình độ thấp đã hiểu thì các đối tượng khác đều nắm bắt được, nội dung ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo “Một là gì, hai là gì, rồi ba, bốn, năm là gì? Làm như thế nào”3.
Trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phương pháp tuyên truyền của cán bộ là rất quan trọng. Theo Người, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải cụ thể, thiết thực để mọi người hiểu đúng quy định của pháp luật. Định nghĩa về tuyên truyền, Người cho rằng: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”4. Trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cán bộ cần xác định rõ nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp như: “Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?”5. Mỗi cán bộ, đảng viên và những người trực tiếp làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải hiểu ngôn ngữ của quần chúng, tùy từng đối tượng mà tổ chức tuyên truyền, giáo dục với những nội dung, hình thức phù hợp, sao cho gần gũi, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đặc biệt, không nên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo kiểu áp đặt mà phải sử dụng đa dạng các hình thức thông tin phản hồi từ cơ sở, coi trọng ý kiến của quần chúng nhân dân. Thông tin phản hồi được thu nhận qua nhiều hình thức như: Toạ đàm, đối thoại, trao đổi, phê bình, góp ý… Thông qua các hình thức đó giúp cho các đối tượng được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nắm vững, hiểu rõ pháp luật của Nhà nước.
Nói về cán bộ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Người cho rằng, không chỉ riêng cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, mà bộ đội, công an, công nhân trong nông trường, lâm trường, công trường, xí nghiệp, cán bộ thương nghiệp, y tế, các giáo viên và cán bộ các ngành đều thấy trách nhiệm của mình trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Về phẩm chất của cán bộ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở, Người đòi hỏi phải có ý thức trách nhiệm và tinh thần chủ động trong công việc: “Đó là những vấn đề các chú cần tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm… không phải Trung ương bảo làm, tỉnh bảo làm, thì tôi làm”6, mỗi người phải nhận lấy phần trách nhiệm của mình, mà không nên nói lãnh đạo chung chung. Muốn đạt hiệu quả tuyên truyền, cán bộ phải tìm hiểu để có kiến thức, hiểu phong tục, tập quán của địa phương, nghĩa là phải nắm vững đối tượng, nắm chắc thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích và căn dặn rất tỉ mỉ: “Người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm, chứ tưởng rằng: Đi phớt qua địa phương, diễn thuyết một hai giờ đồng hồ mà có kết quả”7.
Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cán bộ là khâu quyết định thành công, nhưng theo Người, điều quan trọng nhất ở mỗi cán bộ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lại là đạo đức. Người căn dặn cán bộ phải có tình yêu thương và nhiệt tình cách mạng, nhắc nhở cán bộ trong mỗi việc làm không chỉ dừng lại ở việc biết làm tròn trách nhiệm, mà còn cần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Người cán bộ có nhiệt tình cách mạng, tìm tòi phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cụ thể, thiết thực, “không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện” và chỉ khi hết lòng yêu thương Nhân dân, cán bộ mới tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả.
Thực trạng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Trong quá trình đổi mới đất nước, xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, Nhân dân. Nhiều văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã đề cập đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định cần phải triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật; huy động lực lượng của các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt vận động thiết lập trật tự, kỷ cương và các hoạt động thường xuyên xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong cơ quan nhà nước và trong xã hội. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới yêu cầu: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức phong phú, sinh động, đặc biệt là thông qua các phiên toà xét xử lưu động và bằng những phán quyết công minh để tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân”8. Nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến việc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, như: Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 7/1/1998 về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay, Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Để tiếp tục đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ngày 9/12/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân. Chỉ thị đã nêu rõ phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cơ quan Đảng, chính quyền, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, đồng thời công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Chỉ thị thể hiện sự đổi mới về nhận thức của Đảng ta đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Qua xem xét báo cáo của Ban Chỉ đạo Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 20/6/2020, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. Để tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW. Ban Bí thư lưu ý thực hiện một số nội dung cụ thể là: (1) Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; (2) Thực hiện đầy đủ các thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật hiện hành; đồng thời hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; (3) Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở, gắn với việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; (4) Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh đến yêu cầu gắn chặt giữa công tác lập pháp với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật...”9. Trên cơ sở quan điểm, chủ trương của Đảng, việc ban hành thể chế, chính sách của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được hoàn thiện, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ với việc ban hành hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; hệ thống nghị định, quyết định thông tư, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật từng bước nâng cao chất lượng thông qua các đợt tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ, qua đó đóng góp tích cực vào việc đưa pháp luật đến với cán bộ, nhân dân. Công tác kiểm tra hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm, chú trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức với nhiều hình thức, như: Phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp thông qua các hội nghị phổ biến, tuyên truyền; Qua phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên sâu; Thông qua hoạt động của tổ chức hòa giải ở cơ sở, hoạt động trợ giúp pháp lý... Nhờ đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật đã được phổ biến tới các tầng lớp nhân dân, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và Nhân dân; nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn tồn tại những hạn chế: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa đồng đều, toàn diện; ở một số địa phương còn mang tính phong trào, chưa khắc phục được triệt để tính hình thức; nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chậm đổi mới, còn khô cứng, chưa thực sự phù hợp với trình độ hiểu biết của các đối tượng cụ thể nên dẫn đến hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở nhiều nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, trách nhiệm chưa rõ ràng. Nhiều báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật hoạt động chưa hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn chưa được hiệu quả và sâu rộng. Kinh phí từ ngân sách nhà nước bố trí cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên và huy động kinh phí xã hội hóa cho công tác này rất hạn chế, nhất là ở địa phương, cơ sở.
Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Một là, bám sát tình hình nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới để tập trung quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân; chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và coi đây là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị. Động viên, khuyến khích cán bộ, Nhân dân chủ động, tự giác tìm hiểu, học tập, nâng cao ý thức pháp luật, ý thức công dân.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là giữa các ngành Tư pháp, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức Đoàn thanh niên.
Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân. Về nội dung, phải theo hướng phù hợp với đặc điểm của các đối tượng cụ thể, trong đó cần chú trọng nội dung quy định pháp luật về: phòng, chống Covid-19; giao thông đường bộ; lao động, việc làm; bình đẳng giới; bạo lực học đường; hôn nhân và gia đình; bảo vệ trẻ em; phòng, chống các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm; nghĩa vụ quân sự; bảo vệ môi trường, biển đảo.
Bốn là, triển khai xây dựng và nhân rộng một số mô hình tiêu biểu; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng cụ thể, phát huy thế mạnh của các Trang thông tin điện tử, website, mạng Internet, đặc biệt là mạng xã hội (zalo, facebook, TikTok…), diễn đàn trực tuyến trao đổi về chính sách, pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng cán bộ, Nhân dân đặc thù theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012.
Năm là, nâng cao chất lượng tài liệu pháp luật, hiệu quả tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Chú trọng biên soạn, phát hành tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, như: mô hình, điển hình tiên tiến, tình huống, tiểu phẩm, câu chuyện pháp luật, sổ tay, đĩa hình, tờ gấp, tờ rơi, tranh cổ động, pa-nô…
Sáu là, bảo đảm kinh phí để triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và các chương trình, Đề án về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng. Kinh phí được bố trí hằng năm phải đáp ứng được nhu cầu về cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ và việc triển khai các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho người dân. Đồng thời, định kỳ sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời khen thưởng, tuyên dương các mô hình, tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Có thể nói, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và quá trình hiện thực tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới đất nước, giúp chúng ta nhận thức rõ giá trị tư tưởng của Người. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục vận dụng sâu sắc hơn nữa tư tưởng của Người trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân, nhằm hướng đến mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, phát huy đầy đủ tinh thần tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong cán bộ, Nhân dân.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.301.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.293.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.160.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.191.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.159.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.159.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.192.
8. Https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-so-08-NQ-TW-2002-nhiem-vu-trong-tam-cong-tac-tu-phap-165169.aspx
9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tập 1, tr.285.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, t.5, t.12, t.14, t.15.
2. Https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-so-08-NQ-TW-2002-nhiem-vu-trong-tam-cong-tac-tu-phap-165196.aspx
3. Ban Bí thư: Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, số: 32-CT/TW, ngày 9/12/2003.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.285.
Võ Thị Hoa - Tiến sĩ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền