Vận dụng tư tưởng truyền thống về quyền con người ở Việt Nam hiện nay

Quyền con người là phẩm giá của mỗi người và mọi người, được biểu hiện ở nhu cầu, lợi ích cụ thể. Nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng có tính riêng tư, riêng rẽ đó phải được chuẩn mực hóa dưới dạng khế ước xã hội. Việc kết hợp tư tưởng truyền thống về quyền con người phù hợp với yêu cầu của chuẩn mực khách quan cho toàn xã hội hiện nay trên cơ sở thực thi nghiêm minh pháp luật là cần thiết.

Tư tưởng truyền thống về quyền con người

Về khái niệm, có thể hiểu, tư tưởng về quyền con người là phức hợp những quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan coi trọng, đề cao nhân phẩm con người với nhu cầu về quyền sống, lao động, tự do, hạnh phúc của mỗi người và mọi người. Về phạm vi, ở Việt Nam, tư tưởng truyền thống về quyền con người được thể hiện trong quan hệ ứng xử, sinh hoạt thường nhật; trong phong tục, tập quán về vòng đời con người; trong văn chương như: hò, vè, tục ngữ, ca dao, truyện thơ, ngụ ngôn,...; trong nghệ thuật dân gian: dân ca (chèo, tuồng, cải lương), mỹ thuật (hội họa, điêu khắc,...), kiến trúc (đình, chùa,...); trong tôn giáo: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo,...; trong văn hóa: giá trị, chuẩn mực, quy tắc ứng xử,...; trong lệ: luật tục, hương ước, quy ước cộng đồng,...; trong pháp luật của Nhà nước phong kiến.

Về đặc điểm, tư tưởng truyền thống về quyền con người chủ yếu được thể hiện gián tiếp và dưới hình thức định tính:

Một là, tư tưởng về quyền con người gắn với các mối quan hệ của con người trên các phương diện bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Đối với bản thân và gia đình, nhất là kẻ sĩ, ‎thể hiện ở cái tính, cái tình, cái tâm, cái đức, cái tài; về “gia đạo”; về “giấy rách mà giữ lấy lề”; về quân tử và tiểu nhân; về bổn phận, danh phận, chức phận; về quan và về dân; .... Đối với cộng đồng (gia đình, làng xã, quê hương) và với xã hội (đất nước), gắn người với cảnh, gắn người với cộng đồng và với xã hội, tôn trọng tôn ti, trật tự xã hội, tôn trọng quyền lợi của cộng đồng, của dân tộc,...

Hai là, tư tưởng về quyền con người gắn với luân lý và gắn với nền tảng của đạo đức là luân lý, cụ thể là xem xét quyền con người trong mối quan hệ giữa là người với làm người, đạo và đời, lương tâm - bổn phận, thiện - ác, tốt - xấu, đúng - sai theo những quan niệm, lễ nghĩa (nghi lễ) nhất định, mà nhiều khi mang tính tín ngưỡng, tôn giáo. Do gắn với những giá trị, chuẩn mực và quy phạm đạo đức, nên tư tưởng về quyền con người trước tiên và chủ yếu thể hiện thuộc tính nhân văn (nhân đạo).

Ba là, tư tưởng về quyền con người gắn với đạo học, tức triết l‎ý có tính đạo đức hay triết học kết hợp với đạo đức. Trong truyền thống, tư tưởng về tính cá nhân, chủ nghĩa cá nhân, quyền cá nhân và quyền con người, nhìn chung không được thể hiện trực tiếp, mà được trình bày một cách chung chung, thông qua đạo học.

Tư tưởng về quyền con người cũng được thể hiện trực tiếp có tính định lượng thông qua lệ (luật tục, hương ước) và pháp luật của nhà nước phong kiến. Đó là quy định trong lệ làng (luật tục, hương ước) của làng, xã (thôn, bản, buôn, ấp,...): về quan hệ nông dân với pháp luật; về quyền lợi, nghĩa vụ đối với ruộng đất, ao, hồ, suối, bãi cỏ, rừng cây hay với thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo, giáo dục, và với cảnh quan, môi trường; về phong tục, tập quán, sinh hoạt và đời sống cộng đồng nói chung trong làng, xã. Và cả quy định trong pháp luật của nhà nước phong kiến: về quyền sống, quyền của phụ nữ, trẻ em, người già và các đối tượng dễ bị tổn thương khác; về quyền sở hữu đối với ruộng đất; về quyền khiếu nại tố cáo; về xây dựng thể chế nhà nước, tuyển chọn, sử dụng, giám sát, xử phạt quan lại; về các khía cạnh của đời sống xã hội phong kiến; đặc biệt về nghĩa vụ của bộ máy quan lại trong quá trình thi hành công vụ để bảo vệ quyền lợi của người dân. Ví như, Bộ luật Hồng Đức vào thế kỷ XV, ở Việt Nam, ngoài biện pháp nghiêm trị tội tham ô, tham nhũng còn có sự gắn kết nhiều biện pháp khác như khuyên bảo, răn đe, cho đến trừng trị bằng pháp luật, để bảo vệ quyền lợi cho người dân.

Về tính chất nội tại của quyền con người: Trong lịch sử, tư tưởng quyền con người tập trung vào các nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; quyền tập thể (cộng đồng, xã hội) cao hơn quyền cá nhân hay quyền cá nhân tồn tại trong quyền tập thể; bổn phận cao hơn nghĩa vụ (trách nhiệm) và bổn phận, nghĩa vụ cao hơn quyền. Khác với ở phương Tây, xã hội Việt Nam không xác định quyền mà mỗi cá nhân cần phải có. Thay vào đó, nó quy định những nghĩa vụ mà các cá nhân phải thực hiện, và các cá nhân tự giác thực hiện các nghĩa vụ này với tính cách là những bổn phận: Người có bổn phận, nhà có gia phong (hay gia pháp), làng có hương phong (hay hương ước), quân có quân phong, nước có quốc pháp.

Giá trị của tư tưởng truyền thống về quyền con người ở Việt Nam

Tư tưởng quyền con người phản ánh giá trị truyền thống của dân tộc. Theo GS. Trần Văn Giàu (1), các giá trị truyền thống đặc thù của dân tộc Việt Nam thể hiện ở 7 đức tính: yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Theo Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (tháng 7-1998) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, 5 chuẩn mực của con người Việt Nam, đó là: Yêu nước, tự cường dân tộc; Ý thức tập thể, đoàn kết; Lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh; Lao động chăm chỉ; Thường xuyên học tập. Còn Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam (tháng 6-2014) xác định 7 đặc tính cơ bản của con người Việt Nam, đó là: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Các đức tính, chuẩn mực này về cơ bản là kết quả kế thừa, phát triển, phát huy tư tưởng truyền thống Việt Nam về con người và quyền con người.

Tư tưởng “chính danh”: Tam cương hay Ngũ thường của Nho giáo đều đòi hỏi mỗi người phải hành động “chính danh”, tức là đúng danh phận, danh nghĩa hay bổn phận của mình, giữ gìn tôn nghiêm danh tiết (phẩm giá) con người. Tư tưởng “chính danh” giữ cho cá nhân luôn có vị trí khiêm nhường trong cộng đồng hoặc cân bằng với cộng đồng; giữ cho quyền cá nhân luôn có vị trí khiêm nhường trong quyền của cộng đồng. Thông qua đó, xã hội có thể điều chỉnh các quyền và lợi ích một cách thống nhất và ổn định. Nhưng cũng vì thế mà Nho giáo quá chú tâm tới các bổn phận luân lý và coi nhẹ quyền cá nhân của con người nhằm giữ gìn tôn ti xã hội có tính đẳng cấp.

Tư tưởng tôn trọng “người trên kẻ dưới”: Đối với “người trên” là tôn trọng hàng chi trên trong gia đình, họ mạc; trọng xỉ (trọng lão hay người già); trọng tước (trọng những người có chức tước, địa vị, có học thức); trọng nghề nghiệp, đặc biệt là thầy lang, thầy bói, thầy đồ, thầy chùa...

Đối với “kẻ dưới” là tình thương và bao dung (độ lượng) đối với mẹ góa, con côi, người hành khất (lang thang, cơ nhỡ), người khuyết tật (bị thương tật), người bị bệnh, kẻ bần hàn,...

Tư tưởng luân lý về quyền con người: Đạo “Trung dung” của Nho giáo hay tư tưởng “tu nhân, tích đức” của Phật giáo đều xác định cái cá nhân, quyền con người phải dựa vào luân lý và gắn với nền tảng của đạo đức là luân lý. Vì thế có ‎ý‎ kiến cho rằng, sở dĩ quan điểm về quyền con người ở phương Tây cứng nhắc vì dựa vào ‎ý chí pháp luật, còn ở phương Đông, quan điểm về quyền con người dựa trên những mối quan hệ đạo đức, có khả năng điều chỉnh sự hiểu biết về bản chất của quyền con người (2).

Tư tưởng công bằng: Lệ làng coi trọng nguyên tắc phân phối lợi ích công bằng, thậm chí cào bằng (phân chia mức đóng góp với làng, chia phần sau ăn cỗ,,...); và có cả công bằng theo đẳng cấp, như việc canh tác đất công, phu phen, tạp dịch, chỗ ngồi tại đình làng theo đẳng cấp địa vị, thứ hạng,... nhằm điều chỉnh quan hệ người với người trong các lĩnh vực xã hội, đạo đức,… Nguyễn Trãi còn yêu cầu trách nhiệm theo phép công bằng của người cầm quyền: “Phàm người có chức vụ coi quan, trị dân đều phải theo phép công bằng,... đổi bỏ thói tham ô, sửa trừ tệ lười biếng, coi công việc của quốc gia là công việc của mình; lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỷ”. Các khía cạnh về công bằng như vậy vừa tạo nên trạng thái ổn định của cộng đồng, xã hội, vừa tạo nên những điều kiện cần thiết thúc đẩy cộng đồng, xã hội phát triển.

Tư tưởng thân dân, dựa vào dân, đề cao vai trò của nhân dân: Từ thời nhà Lý đã chủ trương xây dựng một mô hình chính quyền thân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, sử dụng kế sách “ngự binh ư nông”. Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn khẳng định: “Muốn mưu việc lớn, tính kế muôn đời cho con cháu thì trên phải vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”. Nhà Trần nhấn mạnh tư tưởng “chúng chỉ thành thành” (ý chí của dân chúng là bức thành giữ nước) (3). Thời Lê, Nguyễn Trãi đã đề cao tư tưởng “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” (4) hay “phúc chu thủy tín dân do thủy” (thuyền bị lật mới biết sức dân như nước); “Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”.

Quyền con người không chỉ liên quan đến cá nhân, mà liên quan đến quyền lợi chung của toàn cộng đồng, toàn xã hội: Truyền thống văn hóa Việt Nam không khuyến khích các cá nhân đưa ra những đòi hỏi cực đoan nhằm thực hiện các quyền cá nhân. Tư tưởng và cách thức thực hiện quyền con người phổ biến trong lịch sử là không dành tất cả các quyền cho các cá nhân, và cũng không xây dựng các thể chế cho phép cá nhân bảo vệ quyền của mình với tất cả các khả năng sẵn có. Do đó, quyền con người không chỉ liên quan đến cá nhân, mà liên quan đến lợi ích chung của toàn cộng đồng, toàn xã hội. Tư tưởng đó định hướng cho con người và xã hội phòng, chống được những thứ “giặc nội xâm”, như trộm cướp, đánh người, tham nhũng,... để có thể “ngủ đêm mọi nhà không đóng cửa, ngoài đường không ai nhặt của rơi” (Nhận xét về Bộ luật Hồng Đức vào thế kỷ XV).

Tư tưởng tôn trọng quyền lực nhà nước, quốc gia, dân tộc: Trong tư tưởng truyền thống Việt Nam, nhà nước mạnh là một điều kiện không thể thiếu đối với sự ổn định, phát triển thịnh vượng của xã hội; trong đó có việc bảo đảm quyền con người. Vì thế, quyền con người trong lịch sử thường được thể chế hóa dưới dạng những nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước và các cộng đồng xã hội đối với các cá nhân; còn các cá nhân thực hiện quyền lợi của mình thông qua bổn phận luân lý. Mục đích chung là ưu tiên giữ cho các cộng đồng và xã hội vận hành một cách ổn định.

Hạn chế của tư tưởng truyền thống về quyền con người

Thứ nhất, tư tưởng quyền con người hầu như đều ẩn sau các tư tưởng mang tính đạo học, tôn giáo.

Ở Việt Nam nói riêng, vùng Đông Á nói chung, Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo,... bàn về triết lý nhân sinh của cá nhân con người bằng những nhận định hay quy phạm có tính đạo đức và thông qua những lễ giáo (Nho giáo, Đạo giáo) hay nghi lễ tôn giáo (Phật giáo, Hồi giáo). Như vậy, các tư tưởng đạo học, tôn giáo này không lảng tránh, không phủ nhận tư tưởng cá nhân chủ nghĩa vốn là bản chất của tư tưởng quyền con người, song lại không bàn luận trực tiếp, mà phải thông qua các quy phạm, nghi lễ có tính đạo đức, tôn giáo. Do đó, muốn nắm bắt được tư tưởng cá nhân chủ nghĩa hay tư tưởng quyền con người phải tìm chúng trong các quy phạm, nghi lễ có tính đạo đức và tôn giáo.

Thứ hai, tư tưởng quyền con người được thể hiện đa dạng nhưng rời rạc, có khi không thống nhất trong các hình thức khác nhau (văn chương, nghệ thuật, phong tục, tập quán,...) và thể hiện tính đẳng cấp trong lệ và cả luật. Ví dụ, trong ca dao, văn chương, nghệ thuật chèo có bàn về bình đẳng và ủng hộ sự phản kháng của phụ nữ cũng như về thân phận người phụ nữ lầm lỡ với thái độ cảm thông, nhưng trong lệ làng lại có hình phạt “cạo gáy bôi vôi”, “thả bè chuối trôi sông” đối với phụ nữ “chửa hoang”. Và đặc biệt luật tục, pháp luật phong kiến Việt Nam, về nguyên tắc, luôn phân chia xã hội thành những đẳng cấp khác nhau và quy định cho mỗi đẳng cấp những đặc quyền khác nhau. Luật tục, pháp luật phong kiến, nhìn chung đều sử dụng những nghi lễ, biện pháp, quy định có tính hà khắc, thậm chí còn cho phép sử dụng bạo lực đối với con người; có nhiều quy định mang tính chất tôn giáo và nghi lễ khắc nghiệt. Hạn chế lịch sử này, trong nhiều trường hợp, không phù hợp với tư tưởng, pháp luật hiện đại, văn minh về quyền con người. Nó rõ ràng gây khó khăn cho việc kế thừa tư tưởng truyền thống về quyền con người trong điều kiện hiện nay.

Thứ ba, tư tưởng về quyền mờ nhạt so với tư tưởng về bổn phận và lợi ích cộng đồng, xã hội.

Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ chỉ toàn thể cộng đồng và toàn thể xã hội là có quyền, còn cá nhân chỉ có bổn phận. Vì thế, các quyền con người trong lịch sử thường được thể chế hóa dưới dạng những nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước và các cộng đồng xã hội đối với những cá nhân; còn các cá nhân thực hiện các quyền của mình thông qua bổn phận có tính đạo đức, luân lý.

Tình hình đó gây khó khăn cho việc xây dựng thể chế pháp quyền vì pháp luật phải cạnh tranh gay gắt với tư tưởng, quy phạm, nghi lễ của đạo học, tôn giáo. Cho nên, việc kế thừa một di sản như vậy là rất khó khăn và phức tạp, nhất là phải đáp ứng thuộc tính “thượng tôn pháp luật”, “minh bạch” của pháp luật hiện đại, văn minh.

Vận dụng tư tưởng truyền thống về quyền con người ở Việt Nam hiện nay

Một là, kế thừa tư tưởng quyền con người gắn với quyền dân tộc, chủ quyền quốc gia. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cốt lõi của quyền con người và quyền dân tộc là các quyền độc lập, tự do và hạnh phúc, trong đó, quyền độc lập của đất nước chỉ có ý nghĩa khi người dân được sung sướng (hạnh phúc). Ngày nay, bảo đảm quyền con người có tính khách quan và tất yếu, nhưng để hiện thực hóa được trong thực tế, nó phải được các chủ thể có nghĩa vụ thực thi nghiêm minh, mà trước tiên và cơ bản là nhà nước. Bởi lẽ, nhà nước đại diện cho chủ quyền quốc gia - dân tộc, và pháp luật của nhà nước là công cụ “tối thượng” trong quá trình bảo đảm quyền con người.

Theo Luật nhân quyền quốc tế, dân tộc là một chủ thể quyền cơ bản. Việc giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, hải phận, không phận trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm độc lập về kinh tế, chính trị, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, an ninh, quốc phòng, tạo lập môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và bảo đảm quyền con người bền vững.

Hai là, kế thừa tính nhân văn, đặc biệt quyền của những người yếu thế.

Quyền con người sở dĩ mang tính nhân văn vì nó bắt nguồn và hiện thân của phẩm giá, đạo đức của mỗi người và mọi người. Đặc biệt trong điều kiện tác động của cơ chế thị trường cạnh tranh như hiện nay, công tác bảo đảm quyền con người càng phải kế thừa, phát huy truyền thống nhân văn của nó. Trong đó, việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền lợi cho những người yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật, người nghèo,...) có ý nghĩa cốt lõi trong công tác bảo đảm quyền con người. Bởi lẽ, do những nguyên nhân khách quan, chủ quan, những người yếu thế rất khó thụ hưởng được đầy đủ quyền lợi của mình một cách bình đẳng như những người khác. Coi trọng việc bảo đảm quyền lợi cho họ không chỉ có ý nghĩa nhân văn theo kiểu “lá lành đùm lá rách”, mà còn là cách thức phát triển công bằng, bền vững hiện nay.

Ba là, kế thừa tư tưởng quyền con người phải được công nhận, bảo vệ và thực hiện nghiêm minh bằng pháp luật.

Quyền con người là phẩm giá của mỗi người và mọi người, được biểu hiện ở nhu cầu, lợi ích cụ thể, kể cả nguyện vọng, thậm chí khát vọng nhưng chủ yếu mang tính riêng tư, riêng rẽ, rời rạc của các cá nhân, tập thể (nhóm xã hội, cộng đồng). Vì thế, phẩm giá, nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng, khát vọng có tính riêng tư, riêng rẽ, rời rạc đó phải được chuẩn mực hóa dưới dạng khế ước xã hội.

Với tính cách là một dạng khế ước xã hội, pháp luật cơ bản thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, song nó phải đáp ứng được yêu cầu của chuẩn mực khách quan cho toàn xã hội. Nó là đại lượng mang tính phổ biến có thể bảo đảm công bằng xã hội trong thực tế có sự phân hóa xã hội. Khi trở thành công pháp, nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng, khát vọng về quyền con người trở thành ý chí chung của toàn xã hội, được cả xã hội, kể cả cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và văn bản quản lý của Nhà nước phải phục tùng. Do pháp luật là công cụ, phương thức tổ chức vận hành của Nhà nước nên pháp luật về quyền con người, được quyền lực nhà nước với bộ máy, nguồn lực và tư cách pháp nhân thống nhất trong cả nước cũng như trong quan hệ quốc tế, công nhận, tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy trong thực tế. Thông qua pháp luật, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và doanh nghiệp,... phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm quyền con người tại tất cả khu vực kinh tế, giai tầng xã hội./.

------------------

(1) Trần Văn Giàu, Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011

(2) Xem Nguyễn Thanh Tuấn: Phật giáo với văn hóa Việt Nam và Nhật Bản - qua một cách tham chiếu, Nxb. Từ điển bách khoa và Viện văn hóa, Hà Nội, 2009, tr.51 - 64

(3) Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, tr. 80

(4) Xem: Lịch sử Việt Nam, t.1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,1971, tr. 254

Theo PGS, TS. Nguyễn Thanh Tuấn/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều