KỲ 2
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tham quan triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh với các văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học" nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 - 1-8-2020) _Nguồn: zing.vn
2.3. Kịch
Kịch đương đại có sự đột phá vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới, đây được coi là “bước ngoặt” quan trọng thứ nhất với các tác giả điển hình, như Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Tất Đạt, Hoài Giao, Thanh Hương, Nguyễn Khắc Phục, Doãn Hoàng Giang, Tào Mạt, Xuân Đức, Chu Thơm, Nguyễn Huy Thiệp... Trong khoảng gần 10 năm từ 1978 đến năm 1988, Lưu Quang Vũ sáng tác hơn 50 vở kịch gây ảnh hưởng lớn trong dư luận bởi những vấn đề xã hội nổi cộm, bức xúc đề cập đến sự lỗi thời của cơ chế quản lý cũ, sự xuất hiện của những mô hình tổ chức sản xuất mới; vấn đề đấu tranh chống tiêu cực trong mọi lĩnh vực; đấu tranh đẩy lùi nạn tham nhũng, tệ quan liêu, cửa quyền; nhất là thân phận con người trong đời sống xã hội... Những vở kịch của ông đã góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới văn học, đổi mới tư duy nghệ thuật của các nhà văn, nhà thơ và đông đảo công chúng. Kịch Lưu Quang Vũ không né tránh những vấn đề “nhạy cảm”, bắt đúng mạch của cuộc sống, cùng trăn trở, với bao thân phận con người, nên thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Nhiều vở kịch của ông cho đến tận hôm nay vẫn được các đoàn kịch tiếp tục diễn lại và vẫn thu hút đông đảo khán giả.
Có thể nói, kịch đương đại đã làm thay đổi đời sống sân khấu, khiến cho loại hình nghệ thuật này gắn bó mật thiết với hiện thực cuộc đời, trong đó “khát vọng nhân bản của người nghệ sĩ đã hòa đồng cùng trách nhiệm của người công dân”. Năm 2000, hai vở kịch Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9 của Lưu Quang Vũ đã nằm trong danh sách các tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật. Cùng với Lưu Quang Vũ là Xuân Trình (Giấc mơ mầu hồng ngọc, Nửa ngày về chiều, Nghĩ về mình, Hai người mẹ...), Xuân Đức (Nhiệm vụ hoàn thành, Cuộc chơi, Người mất tích, Chuyến tàu tốc hành trong đêm, Cái chết chẳng dễ dàng gì...), Chu Lai (Hà Nội đêm trở gió, Ký ức lửa, Sóng muôn đời thao thức (viết chung với nhà biên kịch Chu Thơm), Võ Khắc Nghiêm (Bi kịch ngược chiều, Quy luật muôn đời, Bỉ vỏ...), Nguyễn Huy Thiệp (Suối nhỏ êm dịu, Xuân hồng, Còn lại tình yêu, Gia đình, Nhà tiên tri, Hoa sen nở ngày 29 tháng 4...), các tác giả này đã ghi dấu ấn những năm trước thời kỳ đổi mới.
“Bước ngoặt” thứ hai được tính từ năm 1997, khi chủ trương xã hội hóa được đẩy mạnh và năm 2002 sân khấu thực hiện cơ chế tự chủ. Giai đoạn này, kịch đã hướng giới sáng tác vào hai khuynh hướng: Khuynh hướng dựng lại những vở cũ, đi vào đề tài cổ tích, dân gian, đề tài lịch sử; khuynh hướng đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả và kiếm tiền nuôi các đoàn nghệ thuật. Khuynh hướng sáng tác thứ nhất được coi là “dòng mạch chính” của kịch đương đại đi vào khai thác đề tài cổ tích dân gian (Dã Tràng, Ngày xửa ngày xưa, Cây tre trăm đốt...), bên cạnh đó, các nghệ sĩ đương đại tiếp tục chú ý nhiều hơn đến mạch cảm xúc dành cho đề tài lịch sử và đề tài đấu tranh cách mạng, thông qua đó gửi gắm thông điệp về cuộc sống đương đại. Đó là nghệ sĩ Hữu Danh - với quan niệm phải mang hơi thở vùng đất mình đang sống vào tác phẩm, ông thực sự để lại dấu ấn phương Nam trong những kịch bản, như Lưu danh, Nước mắt quyền thần, Lê Công...; là Phạm Văn Quý - ghi dấu sự nghiệp năm 1986 với Dòng đời vô tận, Người thi hành án tử... góp phần tạo nên “kỳ tích” sáng đèn ở một số nhà hát sân khấu phía Nam...; là Nguyễn Quang Vinh với Hồ Chí Minh, Hồi ức màu đỏ, Chuyện tình bên dòng sông, Vú cát, Mắt phố...; là Nguyễn Thế Kỷ - “đau đáu nỗi niềm” về đề tài lịch sử, văn hóa, về sự cách tân nghệ thuật. Ngay từ tác phẩm đầu tay - Chuyện tình Khau Vai - đến những tác phẩm sau đó khẳng định một hướng đi đáng khích lệ trong lĩnh vực sân khấu (Mai Hắc Đế, Hừng Đông, Thầy Ba Đợi, Hoa lửa Truông Bồn, Huyền Thoại Gò Rồng Ấp, Ngàn năm mây trắng). Khuynh hướng thứ hai dù không có đóng góp nhiều cho sự phát triển của kịch đương đại nhưng đã làm nên sự đa dạng về diện mạo của kịch giai đoạn 1997 đến nay. Khuynh hướng sáng tác của kịch ở giai đoạn “bước ngoặt” này là sáng tạo theo “bầu chủ” - “bầu chủ” tự chủ toàn phần dưới hình thức phi nhà nước và mang tính thương mại, giải trí theo cơ cấu nhỏ lẻ, kiếm sống. Các tác phẩm: Phục diện pháp y, Trăng non, Xóm trọ 3D, Đàn ông ơi - anh là ai, Giấc mơ, Hồn bướm mơ tiên... được sáng tác theo khuynh hướng này đều hướng tới tiếng cười sinh lý, bỏ qua hay gần như bỏ qua mọi tiêu chí nhân bản, nhận thức, giáo dục của văn học, nghệ thuật.
2.4. Lý luận phê bình văn học
Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, việc tiếp nhận các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu, phê bình lý luận hiện đại trên thế giới và vận dụng vào nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam đã có những thành tựu đáng khích lệ, khiến cho công tác lý luận phê bình văn học khởi sắc và có nhiều thành tựu mới mẻ. Các lý thuyết hiện đại, như Thi pháp học, Văn học so sánh, Loại hình học, Tự sự học, Lý thuyết diễn ngôn, Phân tâm học... đã trở thành công cụ quen thuộc của đa số các nhà phê bình. Các thế hệ những nhà nghiên cứu, phê bình, như Trần Đình Sử, Lê Ngọc Trà, Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thúy, Huỳnh Như Phương, Phan Trọng Thưởng... và nhiều cây bút khác đã tạo nên một xu thế đổi mới trong phê bình và nghiên cứu văn học. Trong số đó, Trần Đình Sử với Thi pháp học, Tự sự học và Đỗ Lai Thúy với Phê bình phân tâm học, Nhân học văn hóa đã tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều thế hệ các nhà phê bình và nghiên cứu sau họ.
Các giá trị văn học, văn hóa truyền thống trước đây chưa được nhìn nhận với một quan điểm hợp lý thì nay đã được mở rộng nghiên cứu, tìm hiểu trở lại dưới góc độ giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật, đem lại những tác động xã hội sâu rộng. Nhiều nhà văn, nhà thơ có liên quan đến vụ án Nhân văn - Giai phẩm trước đây được đánh giá lại, được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, như các nhà thơ: Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần,... cho thấy một không khí dân chủ, khá cởi mở trong đời sống văn học, nghệ thuật đương đại. Ngay cả bộ phận văn học, miền Nam từ năm 1954 đến năm 1975 cũng được nghiên cứu một cách hệ thống, đánh giá một cách khoa học và công bằng hơn. Bộ phận văn học của người Việt Nam ở nước ngoài, với những giá trị nhân văn tích cực, cũng được các nhà phê bình, nghiên cứu quan tâm ghi nhận.
Từ thành tựu của các công trình lý luận, phê bình văn học, chúng ta có thể khẳng định rằng lý luận, phê bình văn học đương đại Việt Nam đã đạt được những bước phát triển mới. Những thập niên cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, sự xuất hiện của những công trình, chuyên luận nghiên cứu có giá trị của các tác giả Hà Minh Đức, Phong Lê, Phương Lựu, Nguyễn Văn Hạnh, Trần Đình Sử, Mai Quốc Liên, Mã Giang Lân, Đinh Xuân Dũng, Trần Đăng Suyền, Phan Trọng Thưởng,... trong việc vận dụng có sáng tạo những phương pháp nghiên cứu văn học trên thế giới vào nghiên cứu tác giả, tác phẩm, khuynh hướng, trào lưu, trường phái của văn học Việt Nam một cách hiệu quả.
Từ thời kì đầu đổi mới đến nay, lĩnh vực lý luận, phê bình văn học đã chứng kiến sự chuyển giao thế hệ hợp quy luật. Một thế hệ các nhà lý luận, phê bình trẻ có trình độ văn hóa, ngoại ngữ và khả năng tiếp kiến, tiếp biến các tư tưởng mới từ các hệ thống lý thuyết phương Tây (dù có lúc thái quá, vượt ngưỡng) và vận dụng vào từng không gian văn học tương thích để giải mã tác phẩm. Đó là Trần Mạnh Tiến, Trần Huyền Sâm, Phùng Gia Thế, Phùng Ngọc Kiên,... Những lợi thế về trình độ văn hóa, ngoại ngữ và sự nhạy bén trong tư duy khoa học, thao tác khoa học... đã giúp họ có những bứt phá, tạo đà khá vững chắc khi đi vào từng không gian văn học, từng đối tượng văn học cụ thể. Điều đáng ghi nhận là mỗi người đều có ý thức tự làm mới, không lặp lại mình và không chồng lấn, dẫm đạp lên nhau. Trong “lối đi” riêng và lộ trình riêng của mình, từng người đều coi trọng việc học tập, kế thừa truyền thống lý luận, phê bình của các thế hệ đi trước; biết phát hiện và đề xuất nhiều hướng nghiên cứu mới.
Đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học đương đại đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, vẫn chưa có được những tác động thật sự mạnh mẽ, mang tính định hướng cho đời sống văn học. Nhiều tác phẩm phê bình văn học vẫn mang nặng tính hàn lâm. Một số cây bút từng khẳng định uy tín, vị thế của mình trong giới lại thưa và yếu dần vì sức khỏe, tuổi tác; ngại va chạm, sợ bị “ném đá” lùi dần về “hậu trường” để nghiên cứu, khảo cứu, viết lịch sử văn hóa - văn nghệ, viết chân dung.
Trong khoảng hơn 10 năm gần đây, hoạt động lý luận, phê bình văn học chưa đồng đều ở các địa hạt (văn học dân gian, văn học hiện đại, văn học các dân tộc thiểu số...) và diễn ra ở những mức độ không giống nhau. Có thể nhận thấy các khuynh hướng phê bình chủ yếu hiện nay gồm: Phê bình truyền thống, phê bình dựa vào các lý thuyết nước ngoài và phê bình quy chụp, cực đoan thái quá. Trong đó, phê bình truyền thống là khuynh hướng dựa vào các nguyên lý của mĩ học mác-xít, đường lối văn học, nghệ thuật của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khuynh hướng này bám sát thực tiễn sáng tác, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phê bình dựa vào các lý thuyết nước ngoài, như Thi pháp học, Chủ nghĩa cấu trúc, Ký hiệu học, Phân tâm học, Chủ nghĩa hiện đại, Mĩ học tiếp nhận, Chủ nghĩa hậu hiện đại, Phong cách học, Ngữ học, Tự sự học, Sinh thái học... áp dụng vào phân tích tác phẩm (cũ và mới), mở ra cho người đọc những hướng tiếp cận mới đối với tác phẩm và tác giả. Nhìn chung, các công trình theo khuynh hướng này đa phần là những công trình còn mang tính thử nghiệm, tìm tòi về phương pháp và kỹ thuật phê bình. Biểu hiện rõ nhất của phê bình quy chụp, cực đoan thái quá là lối nói ngược, phản tỉnh, phủ định sạch trơn. Lối phê bình này thường lợi dụng dân chủ, nhân danh ‘‘phản biện”, “tìm tòi cái mới” để cổ động cho lối sáng tác lệch lạc, sai trái.
Nếu phân nhóm các bộ phận phê bình văn học, nghệ thuật nước ta thời kỳ vừa qua, có thể thấy 3 khuynh hướng chính sau: phê bình chuyên nghiệp, phê bình truyền thông và phê bình của giới sáng tác. Tính chuyên nghiệp là căn cứ vào chất lượng bài viết và sự đóng góp tích cực của của đội ngũ lý luận, phê bình đối với sáng tạo văn học cũng như đối với nhận thức và thẩm mỹ của công chúng. Trong khi phê bình chuyên nghiệp có vẻ trầm lắng thì phê bình truyền thông được đà lấn lướt. Phê bình truyền thông có mặt tích cực là sự nhanh nhạy để điểm mặt tác phẩm và điểm tên tác giả, nhiều cuốn sách qua lăng kính của những biên tập viên và “phê bình viên” đã đến được với công chúng. Tuy nhiên, do thiếu tính chuyên nghiệp nên độ tin cậy, độ sắc sảo, độ hiểu biết của thẩm bình trở thành điểm yếu của loại phê bình truyền thông. Bên cạnh đó, là lăng-xê cánh hẩu, quảng cáo không đúng thực chất. Đáng tiếc là tình trạng này vẫn thường xảy ra, chưa được kiểm soát và điều chỉnh.
Các xu hướng vận động của lý luận, phê bình văn học đương đại cũng khá đa dạng. Có xu hướng nhận thức lại, đánh giá lại những thành tựu của phê bình, lý luận và sáng tác quá khứ; có xu hướng bổ sung hoặc đề xuất mới từ những nội dung chỉnh thể của tác phẩm để làm đầy nghĩa cho chúng; có xu hướng vận dụng các lý thuyết hiện đại, hậu hiện đại trên thế giới để giải mã những không gian văn học, nghệ thuật tương ứng. Các công trình của các tác giả có tên tuổi, như Trần Đình Sử, Đỗ Lai Thúy..., các luận án tiến sĩ văn học đã được bảo vệ theo hướng tiếp cận những lý thuyết mới, với các phương pháp tiếp cận khác nhau là những minh chứng khẳng định sự phát triển, đổi mới của đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình và nghiên cứu văn học ở nước ta những năm vừa qua. Từ khi bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới (năm 1986) đến nay, các phương pháp nghiên cứu, trào lưu nghiên cứu và khuynh hướng nghiên cứu của các nhà lý luận, phê bình rất đa dạng và luôn cập nhật, có những sáng tạo nhất định. Các hệ hình sáng tác, hệ hình nghiên cứu đa dạng trên thế giới được nhìn nhận, đánh giá và vận dụng khá hợp lý, từ các lý thuyết quen thuộc, như Thi pháp học, Phong cách học, Văn hóa học, Phân tâm học đến những lý thuyết mới du nhập, như Mỹ học tiếp nhận, Tự sự học, Chủ nghĩa cấu trúc, Chủ nghĩa hiện sinh, Nữ quyền luận, Phê bình hậu thực dân, Phê bình sinh thái, Văn học phi lý, Văn học huyền ảo, Hiện tượng học, Tường giải học/Thông diễn học... Không chỉ quan tâm đến các trào lưu, khuynh hướng lý luận, phê bình văn học thế giới, mỗi tác giả đều có ý thức lựa chọn một vài lĩnh vực chuyên sâu phù hợp với sở trường của mình để định hình phong cách và xác lập vị thế của mình trong giới nghiên cứu lý luận, phê bình.
Công tác thông tin, dịch thuật, tiếp nhận các thành tựu, văn hóa, văn học từ nước ngoài có sự chuyển biến nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu đời sống văn học và xã hội. Tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, được giải thưởng Nobel gần như được cập nhật, nghiên cứu và dịch thuật trong một thời gian ngắn để phục vụ nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, vấn đề dịch tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài, giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng. Hạn chế này, một phần do chúng ta còn yếu và thiếu năng lực trong việc giao lưu, quảng bá các giá trị văn hóa, văn học.
Trong bức tranh văn học đương đại, nhất là ở mảng lý luận, phê bình văn học, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương có những đóng góp đáng ghi nhận. Hội đồng đã chủ động triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu lý luận, nắm bắt thực tiễn, kịp thời tư vấn giúp Ban Bí thư, Chính phủ, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương những vấn đề thuộc về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Hội đồng đã triển khai một số đề án, đề tài khoa học lớn, như Lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam - Thực trạng và định hướng phát triển; Tư tưởng lý luận trung - cận đại ở Việt Nam; Tư tưởng lý luận văn nghệ ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay; Quá trình tiếp thu các tư tưởng lý luận văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX; tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học, tập huấn nghiệp vụ; tổ chức xét tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản hằng năm; góp phần tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật...
3. Những vấn đề đặt ra cho sự phát triển văn học đương đại
Thực trạng của văn học đương đại, đặc biệt là bộ phận văn học từ đầu thế kỷ XXI đến nay, đang đặt ra những vấn đề cấp thiết cho công tác quản lý, sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá. Vào thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ, theo kinh nghiệm cho thấy, thường là giai đoạn có những chuyển giao lịch sử quan trọng dẫn tới sự chuyển giao thế hệ, chuyển giao thời đại. Văn học cũng không ngoại lệ. Càng lùi thời gian càng cho chúng ta thấy rõ những chuyển đổi lịch sử quan trọng của văn học dân tộc đã và đang diễn ra từ thời điểm quan trọng này. Để thúc đẩy đời sống văn học phát triển mạnh mẽ hơn, nhiều thành tựu nghệ thuật hơn, chúng tôi xin nêu ra một số vấn đề được đặt ra từ đời sống văn học trong vài thập niên qua như sau:
Một là, cần nâng cao hơn nữa chất lượng các sáng tác văn học, hướng văn học đến những vấn đề nhân văn trong cuộc sống, đến nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước; nâng cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, tinh thần yêu nước, tinh thần dân chủ. Các cơ quan ngôn luận và quản lý văn nghệ cần có sự cổ vũ, khích lệ, tổ chức tốt các giải thưởng, tiến hành tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đánh giá một cách công bằng mặt được và chưa được... để định hướng, tạo đà, hỗ trợ các sáng tác có chất lượng tư tưởng và nghệ thuật.
Chúng ta đánh giá cao những thành tựu văn học đương đại đã đạt được từ năm 1986 đến nay trên nhiều phương diện, nhưng về cơ bản, những thành tựu ấy vẫn nằm ở hiện tượng, cần thúc đẩy để có thể làm xuất hiện những trào lưu nghệ thuật theo xu hướng nhân văn mới, đem lại vị thế mới cho đời sống văn học. Văn học đương đại đã xuất hiện một số tác phẩm tốt, nhưng chưa có những đỉnh cao thật sự, chưa đáp ứng sự mong đợi của cả giới sáng tác và giới lý luận, phê bình.
Hai là, cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng những người viết văn, viết lý luận, phê bình trẻ; bồi dưỡng, đào tạo, mở các lớp nâng cao kỹ năng cho người viết; đầu tư thỏa đáng cho những sáng tác có chất lượng. Tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho những người theo đuổi nghề văn, nâng cao ý thức công dân, trách nhiệm và đạo đức nghệ sỹ của họ.
Các nhà văn, nhà thơ tham gia Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” năm 2019 trao đổi kinh nghiệm trong sáng tác _Nguồn: dangcongsan.vn
Ba là, giúp những người viết văn nắm bắt kịp thời hơi thở đời sống, nhịp sống thời đại trên tinh thần nhân văn và vì lợi ích dân tộc. Tôn trọng các xu hướng tìm tòi sáng tạo, dám thể hiện; uốn nắn các xu hướng lệch lạc, sai trái. Tạo điều kiện tốt nhất có thể để các nhà văn có điều kiện hội nhập văn học khu vực và thế giới. Tổ chức việc dịch thuật và giới thiệu một cách có tổ chức các tác phẩm tiêu biểu của văn học đương đại ra thế giới như một trong những giá trị tinh thần nhằm cổ xúy cho sự phát triển văn học dân tộc. Đẩy mạnh xuất bản sách, báo, tạp chí bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác để quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài và tinh hoa văn học nước ngoài vào Việt Nam.
Bốn là, làm cho văn học trở thành một trong những phương tiện để đoàn kết và hòa hợp dân tộc, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xoa dịu và xóa dần nỗi đau chiến tranh, nỗi đau chia cắt đất nước; cảnh báo những tác động mặt trái cơ chế thị trường vào trong văn học, nghệ thuật. Hàn gắn những chia cắt, cố kết lòng người, đem lại cảm thông, sẻ chia và hiểu biết đầy đủ hơn cho các thế hệ nhà văn mới, trong đó có các nhà văn hải ngoại tiến bộ có mong muốn được hòa nhập vào dòng chảy văn hóa, văn học trong nước.
Văn học luôn luôn đồng hành cùng văn hóa, chính trị và kinh tế; cần trở thành nhân tố quan trọng trong giao lưu và hội nhập văn hóa trong khu vực và thế giới, cần trở thành một thành tố văn hóa quan trọng trong công cuộc hội nhập và phát triển.
Năm là, phát huy vai trò sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ và quần chúng nhân dân để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Cần tiếp tục tạo điều kiện giúp các văn nghệ sĩ đi sâu vào đời sống nhân dân, công cuộc đổi mới đất nước để tìm tòi, nắm bắt thực tiễn, phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật. Có cơ chế khuyến khích, động viên, tôn vinh văn nghệ sĩ, các tác phẩm có giá trị cao, thông qua các cuộc thi, giải thưởng, tặng thưởng...
Sáu là, tăng cường tính chiến đấu của mảng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, nhất là ở các cơ quan chỉ đạo, quản lý và các cơ quan văn nghệ chủ lực; kịp thời định hướng sáng tác, định hướng dư luận, giáo dục thẩm mĩ, làm “bà đỡ” mát tay cho các tác phẩm tốt; đấu tranh kiên quyết với quan điểm, khuynh hướng sai trái, cực đoan.
Coi trọng việc đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm với thông tin, quan điểm sai trái, phản động trong văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản mà các thế lực thù địch, cơ hội tung lên mạng in-tơ-nét hoặc các phương tiện truyền thông hiện đại./.
Theo PGS, TS. NGUYỄN THẾ KỶ/Tạp chí Cộng sản