|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu"
và Bằng khen của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho các cá nhân |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của tầng lớp trí thức, Người rất quan tâm đến việc đào tạo, phát hiện và sử dụng người tài giúp dân, giúp nước. Vận động trí thức, những người có đức, có tài tham gia gánh vác việc nước luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng. Ngay trong những ngày đầu trứng nước của chính quyền cách mạng non trẻ, tháng 11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho ra đời Chỉ thị “Tìm người tài đức”. Trong bài “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên báo Cứu quốc ngày 14/11/1945, Người viết: “Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành thì sẽ thực hành ngay”. Kêu gọi những người hiền tài ra giúp nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Sau Cách mạng Tháng Tám, trong lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến và xây dựng chế độ mới, kiến thiết nước nhà, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động chiến dịch xoá nạn mù chữ, Người cho rằng, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai giảng năm học mới, năm học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (9/1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò của việc học hành của học sinh có ý nghĩa quyết định để nước Việt Nam có thể phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”1. Để thu phục nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh chân thành nói với đồng bào cả nước: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân”, và Người yêu cầu “các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”2. Trả lời báo Độc lập ngày 28/8/1947 về việc Chính phủ mở rộng, Người nói: “Chính sách của Chính phủ trước sau vẫn là đại đoàn kết đối với các vị quan lại cũ cũng như đối với tất cả các giới đồng bào, những người có tài, đức thì Chính phủ đều hoan nghênh ra gánh vác việc nước”3. Sự hoan nghênh thành tâm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đầu mới giành độc lập dân tộc đã phát huy vai trò to lớn của trí thức đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học và cả các quan lại cũ của triều đình nhà Nguyễn trước kia đã tìm về với cách mạng, tích cực ủng hộ và tham gia các hoạt động của chính quyền cách mạng. Trong Chính phủ lâm thời được thành lập sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có rất nhiều vị bộ trưởng, thứ trưởng là trí thức, tiêu biểu như: Nguyễn Văn Tố (Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội), Trần Huy Liệu (Bộ trưởng Bộ Thông tin, Tuyên truyền), Vũ Đình Hòe (Bộ trưởng Bộ Giáo dục), Vũ Trọng Khánh (Bộ trưởng Bộ Tư pháp)… và sau này tiêu biểu có cụ Huỳnh Thúc Kháng, một bậc đại nho, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm quyền Chủ tịch nước khi Người sang Pháp. Nhiều trí thức đã tham gia tích cực, có đóng góp to lớn trong phong trào “Bình dân học vụ” và xóa nạn mù chữ trong cả nước. Người còn vận động và kêu gọi được nhiều trí thức và các nhà khoa học nổi tiếng đang sống ở nước ngoài, như kỹ sư Phạm Quang Lễ, bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Quý Huân… trở về Tổ quốc tham gia kháng chiến và xây dựng nền khoa học nước nhà.
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về trí thức. Nghị quyết đã đề cập một cách toàn diện từ vai trò, khái niệm về trí thức đến việc đánh giá thực trạng đội ngũ trí thức và công tác xây dựng đội ngũ trí thức; đồng thời xác định rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đó là:
- Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế trí thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững.
- Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định. Trí thức có vinh dự và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
- Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của trí thức. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến, có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước4.
Những quan điểm chỉ đạo xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nêu trên, có ý nghĩa chiến lược sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong công tác xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiếp tục được khẳng định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng là: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”.
Trải qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ X - XIII, các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ban hành đã tạo ra những chuyển biến rất tích cực, góp phần tạo động lực cho sự phát triển đội ngũ trí thức xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân. Đội ngũ trí thức trong cả nước đã tăng thêm khoảng 2,8 triệu người có trình độ đại học trở lên, chiếm 4,5% lực lượng lao động, trong đó có 18.000 thạc sỹ, 16.000 tiến sỹ và tiến sỹ khoa học, hơn 6.000 giáo sư và phó giáo sư. Ngoài trí thức trong nước còn có khoảng hơn 400.000 trí thức Việt kiều (trong đó có hơn 6.000 tiến sĩ và hàng trăm trí thức tên tuổi được đánh giá cao). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ trí thức đã tích cực tham gia trong mọi lĩnh vực và có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển đất nước. Trong công tác xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến cơ sở đều có sự đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức. Điều này được minh chứng qua việc chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục được cải thiện, đến năm 2019 đã đứng vị trí thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng mạnh so với vị trí thứ 71 của năm 2014.
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của đất nước, sự phát triển của đội ngũ trí thức Việt Nam còn những hạn chế. Việt Nam đang thiếu các nhà lãnh đạo quản lý tầm cỡ, các chuyên gia giỏi, các nhà khoa học thực sự tâm huyết với nghề, các công chức trong bộ máy chính quyền các cấp tinh thông nghề nghiệp và đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về đạo đức công vụ. Cơ chế, chính sách đãi ngộ dành cho đội ngũ trí thức còn dàn trải, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, mức lương và phụ cấp thấp, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ và thu hút nhân tài của Việt Nam còn nhiều hạn chế và bất cập. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức còn thiếu, chưa đồng bộ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Bởi vậy, nhiều người có tài lại thường vươn lên rất khó khăn, dẫn đến một bộ phận thoái chí, ít hy vọng thay đổi hoàn cảnh. Một bộ phận trí thức có trình độ chuyên môn cao đã lựa chọn việc phục vụ các cơ quan nghiên cứu khoa học, công nghệ nước ngoài để phát huy tối đa năng lực công tác. Việc đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học vừa ít, vừa chia xẻ manh mún, phương thức quản lý lạc hậu, bất cập, quá câu nệ vào những thủ tục rối rắm, không chú ý khuyến khích hiệu quả. Những chính sách và cơ chế quản lý hoạt động khoa học, kỹ thuật và công nghệ cũng đã lạc hậu, chậm đổi mới… Về tổ chức thì chưa có một tổ chức thống nhất đại diện cho đội ngũ trí thức Việt Nam, mà chỉ có nhiều tổ chức đại diện riêng lẻ mang tính đặc thù cho từng lĩnh vực như: Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội Văn học - nghệ thuật Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam... Vai trò, vị thế của đội ngũ trí thức đôi lúc, đôi nơi vẫn còn bị xem nhẹ, chưa bình đẳng, chưa ngang tầm với các tổ chức chính trị - xã hội khác. Một vấn đề nữa đó là thực tế cho thấy chính quyền các cấp chưa quan tâm đúng mức việc tham khảo ý kiến của đội ngũ trí thức trong việc tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như ý kiến phản biện của đội ngũ trí thức ở địa phương đối với các chương trình, dự án quan trọng liên quan đến quốc kế - dân sinh.
|
Công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2021 |
Để đánh giá đúng tầm quan trọng và vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển của đất nước cũng như hạn chế, bất cập về chính sách, chế độ dành cho đội ngũ trí thức trong thời gian qua, tìm ra những giải pháp tích cực để xây dựng đội ngũ trí thức trong thời gian tới, để đội ngũ trí thức phát huy được hết trí tuệ, công sức, tâm huyết của mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến cơ sở cần chú trọng một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:
1. Xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030. Việc xây dựng chiến lược này dựa trên yêu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn phát triển mới, chú trọng đến những ngành, lĩnh vực đang thiếu, mất cân đối, bất hợp lý về cơ cấu; ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số, trí thức nữ. Tiếp tục thực hiện tốt việc đưa cán bộ, công chức, nhà khoa học trẻ, sinh viên có đạo đức, triển vọng được giải thưởng quốc tế đi đào tạo ở nước ngoài. Thể chế hóa các chủ trương, chính sách xã hội nhằm xây dựng một môi trường thực sự dân chủ, tôn trọng và bảo vệ các điều kiện lao động sáng tạo, các chế độ đãi ngộ thích đáng đối với trí thức.
2. Có chính sách và cơ chế để tạo điều kiện phát huy năng lực chuyên môn, khoa học của các chuyên gia, các nhà khoa học và công nghệ trình độ cao, những tài năng lớn trong các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật... Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, xây dựng những khu công nghệ, các trường đại học trọng điểm, các cơ sở phục vụ nghiên cứu và thực nghiệm, cũng như mở rộng hợp tác quốc tế, mở ra nhiều khả năng cho đội ngũ trí thức học tập, nâng cao trình độ và cống hiến.
3. Có cơ chế, chính sách để động viên và sử dụng có hiệu quả những trí thức có sức khỏe, có trình độ, năng lực chuyên môn tốt nhưng đã hết tuổi lao động. Cùng với chế độ ưu đãi về lương, điều kiện làm việc cho trí thức trong nước, Nhà nước xây dựng chính sách để thu hút các trí thức Việt kiều tham gia công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; đổi mới cơ chế quản lý, vận hành các trường đại học, các viện nghiên cứu; thực hiện tốt việc đưa sinh viên có triển vọng đi đào tạo ở nước ngoài; bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ và mở ra nhiều hình thức, huy động các nguồn lực xã hội tham gia bồi dưỡng, đào tạo lại để đội ngũ trí thức đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
4. Củng cố và phát triển các hội trí thức nhằm nâng cao vai trò của các tổ chức này trong việc tập hợp, đoàn kết, góp phần phát huy năng lực chuyên môn, khoa học, nâng cao và cập nhật tri thức, giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân của đội ngũ trí thức. Tạo điều kiện và cơ chế để các hội trí thức thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia tích cực vào quá trình hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.4, tr. 33.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 504.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.196.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X , Nxb. Chính trị quốc gia, H.2008, tr. 90-91.
Đỗ Thị Vân An
ThS, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam