Bác Hồ với Đại đoàn quân tiên phong tại Phú Thọ. Ảnh tư liệu
Bác Hồ về với Đền Hùng
Trong mọi thời kỳ lịch sử, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn luôn được Bác Hồ, các thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, thường xuyên thăm viếng.
Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ gian khổ thắng lợi, mặc dù rất bận việc nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhớ về Đền Hùng và thời đại các Vua Hùng, quan tâm đến tư tưởng giáo dục truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Ngày 18/9/1954, trên đường từ Thái Nguyên trở về tiếp quản giải phóng Thủ đô, Bác Hồ đã về thăm và nghỉ lại một đêm tại Đền Hùng. Ngày 19/9/1954 tại Đền Giếng, Bác Hồ đã có cuộc gặp gỡ lịch sử, nói chuyện thân mật với các chiến sĩ Đại Đoàn quân tiên phong 308 và căn dặn:
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lần thứ hai, ngày 19/8/1962, nhân dịp Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, Bác Hồ trở lại thăm Đền Hùng, trong chuyến về thăm lần này Bác đã nói: “Leo núi phải lên đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng, đã đi phải tới đích cuối cùng”, đồng thời Bác nhắc nhở, căn dặn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành một công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.
Lời dạy thiêng liêng thể hiện ý chí sắt đá vì độc lập tự do cho dân tộc của Bác Hồ cũng là những dòng cảm tưởng bất hủ đầu tiên về Đền Hùng được lưu truyền qua các thế hệ người Việt Nam, đã đi vào lịch sử của dân tộc như một chân lý, một tuyên ngôn bất hủ về ý chí chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, thể hiện quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Đây cũng là lời hiệu triệu thiêng liêng được khắc ghi sâu nặng trong mỗi người Việt Nam đều chung một cội nguồn dân tộc.
Trước đó, vào thời điểm lịch sử ngày mồng 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, nêu bật một chân lý sáng ngời muôn thuở “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nếu như đây là thời điểm lịch sử Bác tuyên bố quyền độc lập tự do của dân tộc ta, thì tại Đền Hùng, vào thời điểm năm 1954, Bác lại khẳng định một chân lý lịch sử “Dựng nước phải đi liền với giữ nước”, đây là hai nhiệm vụ thiêng liêng luôn được thực hiện song hành. Lời dạy thiêng liêng của Bác như một dự báo chiến lược trong lịch sử dựng nước, giữ nước, gìn giữ độc lập tự do của dân tộc. Hai câu nói nổi tiếng của Bác trong 2 thời điểm lịch sử đã trở thành chân lý cho chúng ta và các thế hệ mai sau học tập và thực hiện. Chính lời dạy của Người đã trở thành nguồn lực nội sinh vô giá tiếp thêm sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân ta kiên trì đấu tranh đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Năm 2001, tại ngã năm Đền Giếng dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, nơi Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong, Bộ Quốc phòng đã xây dựng bức phù điêu tạc lại hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong. Đây là một công trình có quy mô hoành tráng được ghép từ 81 khối đá xanh có trọng lượng 253 tấn, cao 7m, rộng 12m, đặt trang trọng trong khuôn viên có diện tích hơn 4000 m2, thể hiện tình cảm của Quân đội và Nhân dân ta đối với chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc Việt Nam1. Trong suốt thời gian qua, tại bức phù điêu có ý nghĩa lịch sử này, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đoàn khách trong nước, quốc tế và Nhân dân cả nước về thăm Đền Hùng nhân dịp ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng vào dịp mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã dâng hoa tại bức phù điêu để tỏ lòng thành kính biết ơn vô hạn đối với Bác, đồng thời tri ân các Vua Hùng. Bức phù điêu trở thành điểm gặp gỡ, hội tụ tình đoàn kết Quân - Dân để cùng thực hiện nguyện ước của Bác quân dân đoàn kết cùng chung một lòng “cùng nhau giữ lấy nước”.
Lời tri ân của các thế hệ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các Vua Hùng
Trong các giai đoạn cách mạng, Đền Hùng luôn được các thế hệ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước quan tâm thăm viếng như các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Nông Đức Mạnh, Phan Văn Khải, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc... và các thế hệ lãnh đạo nối tiếp đều trở về viếng thăm Đền Hùng. Trong mỗi lần về thăm Đền Hùng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này, nơi hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, người có công khai sơn phá thạch để xây dựng nên nhà nước Văn Lang, đồng thời căn dặn Nhân dân Phú Thọ có trách nhiệm trông coi giữ gìn thái miếu, thờ cúng tổ tiên. Trong mỗi chuyến thăm Đền Hùng, các đồng chí đã lưu bút ghi lại những dòng cảm tưởng sâu nặng nghĩa tình bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước, trong lý trí của riêng mình đều thấy được trách nhiệm đối với vận mệnh dân tộc và chủ quyền Tổ quốc, thể hiện quyết tâm cần phải “giữ lấy nước”, đồng thời có ý kiến chỉ đạo tỉnh Phú Thọ và Quân - Dân cả nước cùng có trách nhiệm “xây dựng khu di tích lịch sử này thành di tích lịch sử lớn của dân tộc ta”.
Ngày 9/5/1971, đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam lên thăm Đền Hùng, đồng chí đã viết: “Đời Vua Hùng đã mở đầu cho lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam ta, một dân tộc có truyền thống cần cù lao động và anh dũng chiến đấu chống ngoại xâm… Uống nước nhớ nguồn, chúng ta phải luôn luôn phát huy tinh thần tự lập, tự cường của dân tộc Việt Nam. Từ đời Hùng Vương và các đời tiếp theo…”.
Ngày 5/5/1977, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi lên thăm viếng Đền Hùng và thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng, với tình cảm từ Đền Hùng nhìn ra cả nước và từ cả nước hướng về Đền Hùng, đồng chí đã viết: “Phú Thọ là cái nôi của đất nước dân tộc Việt Nam. Là người Việt Nam không ai không nhớ đến tổ tiên. Đồng bào ta ở khắp mọi miền rất tha thiết được viếng thăm đất Tổ Hùng Vương và chắc chắn rồi đây hàng năm sẽ có hàng vạn người đến Phú Thọ. Vì vậy các đồng chí phải xây dựng tỉnh nhà thành một tỉnh thật giàu thật đẹp”2.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhiều lần trở về thăm Đền Hùng, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3/1969, Thủ tướng đã khẳng định: “Trong truyền thống tốt đẹp, dân tộc Việt Nam ta luôn giữ vững một truyền thống có ý nghĩa hay và đẹp vô cùng tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những người đã có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước… Nhân dịp Giỗ Tổ vua Hùng, chúng ta hãy nhìn kỹ lại những điều đó trong tâm hồn của dân tộc Việt Nam ta. Thật là kỳ diệu”.
Năm 1978, khi lên thăm Đền Hùng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã căn dặn: “Đây là khu di tích lịch sử quý báu nhất của nước ta và dân tộc Việt Nam ta, vậy chúng ta phải có ý thức gìn giữ nó cho thế hệ mai sau, các đồng chí có trách nhiệm trực tiếp cũng phải có ý thức làm tốt việc gìn giữ đó. Chú ý cảnh thiên nhiên xung quanh khu vực này, chăm lo trồng cây, trồng rừng, làm cho cảnh thiên nhiên thêm xanh tươi, ngoài ra phải coi trọng việc tổ chức phục vụ người đi tham quan một cách chu đáo”3.
Tháng 4/1995, khi trở về thăm Đền Hùng, liên tưởng đến lời nguyện ước của Bác: “Thắng Giặc Mỹ ta sẽ xây dựng đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết tiếp: “Bây giờ nước nhà đã được độc lập, tự do, con cháu các Vua Hùng, con cháu Bác Hồ phải phấn đấu xây dựng Tổ quốc Việt Nam “Mười lần to đẹp hơn xưa”.
Ngày 28/3/1993, Tổng Bí thư Đỗ Mười khi về thăm Đền Hùng đã ghi lại cảm tưởng: “Về thăm Đền Hùng, chúng ta lại có dịp ôn lại truyền thống anh hùng và ý chí quật cường bất khuất của dân tộc ta; lại nhớ lời Bác Hồ đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngày nay, phát huy truyền thống của tổ tiên, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đồng tâm nhất trí, kiên định vững vàng, vượt qua mọi khó khăn thử thách; đề cao tự cường, tự lực, dựa vào sức mạnh của dân tộc, của khối đại đoàn kết toàn dân, nắm vững thời cơ, tiếp tục sự nghiệp đổi mới… nhằm đưa đất nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu tiến lên quốc phú, dân cường, xã hội văn minh, thịnh trị”.
Ngày 7/4/1995, đồng chí Đỗ Mười tiếp tục lưu bút và căn dặn: “Các Vua Hùng dựng nước văn Lang - Nhà nước đầu tiên của Việt Nam ta. Sự nghiệp các Vua Hùng sánh với non cao biển cả. Mỗi người Việt Nam chúng ta luôn luôn nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, các thế hệ dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau phải có trách nhiệm xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu, mạnh, xã hội công bằng văn minh, tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Ngày 16/2/1998, đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trong chuyến thăm Đền Hùng đã viết: “Công lao to lớn của các Vua Hùng, các thế hệ cha ông đã bảo vệ, gìn giữ, xây đắp nên Tổ quốc Việt Nam ta. Các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau phải làm rạng rỡ, xứng đáng với truyền thống dựng nước, giữ nước vẻ vang của tổ tiên, ông cha ta. Nhất định chúng ta sẽ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc”. Ngày 16/12/2001, đồng chí viết tiếp: “Tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện đoàn kết một lòng xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần trở về thăm Đền Hùng. Ngày 10/4/2000, thay mặt đoàn đại biểu Hà Nội, đồng chí đã viết: “Chim có tổ, cây có cội, suối có nguồn, người có tông. Cả nước luôn luôn hướng về cội nguồn dân tộc… Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội nguyện mãi mãi giữ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc. Chúng tôi luôn sát cánh cùng đồng bào các dân tộc tỉnh Phú Thọ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta… góp sức mình để xây dựng địa phương để làm rạng rỡ non sông nước Việt”.
Ngày 5/4/2014 (tức ngày 6/3 năm Giáp Ngọ), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết tiếp: “Thời đại Hùng Vương đã mở đầu cho thời đại phát triển rực rỡ của dân tộc Việt Nam. Chúng ta nguyện mãi mãi gìn giữ và phát huy những giá trị thiêng liêng của tổ tiên và những di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Nguyện thực hiện thật tốt lời căn dặn của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước; Phấn đấu xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh; xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; nhà nhà ấm no, đời đời hạnh phúc”.
Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1994, phát biểu cảm nghĩ sâu sắc về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã nói lên ý chí nguyện vọng lớn lao của Nhân dân ta: “… Về với ngày hội Giỗ Tổ tại Đền Hùng hôm nay, tôi cùng đồng bào, đồng chí kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của vua Hùng và nguyện quyết tâm thực hiện Di chúc của Bác Hồ: ”Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Cần, kiệm, liêm, chính, trung, dũng, kiên, cường là đức tính, là tiền đề quan trọng để giữ vững nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, để xây dựng cuộc sống ấm no, tự do cho nhân dân, hạnh phúc ngày càng nhiều cho mọi gia đình. Đó là ý nguyện, là lời thề của mọi người con Việt Nam. Trước hết là của các thế hệ lãnh đạo cao nhất của đất nước và lời thề đó thành hành động thiết thực, đó mới thực sự là thế hệ con cháu các Vua Hùng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta”.
Ngày 5/8/2006 (tức ngày 2/7 năm Bính Tuất) Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã viết: ”Ngày trước các Vua Hùng dựng nước. Ngày nay Chủ tịch Hồ Chí Minh làm rạng danh non sông đất nước. Thế hệ chúng con mãi mãi đi theo Người. Vì Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trường tồn. Vì Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh”.
Ngày 2/6/2012, đồng chí Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã viết: “Di tích lịch sử Đền Hùng là tài sản vô cùng quý giá của đời đời các thế hệ người Việt Nam chúng ta! Về thăm Đền Hùng lần này, tôi rất xúc động và cũng rất phấn khởi được chứng kiến khu di tích Đền Hùng đang được tôn tạo, tu bổ ngày càng khang trang, đẹp đẽ và bề thế hơn!.
Để mãi mãi ghi nhớ công đức của các Vua Hùng đã có công dựng nước, trách nhiệm của con Hồng cháu Lạc chúng ta - trong đó có Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ, là phải mãi mãi và gìn giữ và bảo vệ thật tốt di sản lịch sử quý giá này”.
Ngày 28/4/2015 (ngày mồng 10/3 năm Ất Dậu), đồng chí Trương Tấn Sang đã viết tiếp: “Con cháu hôm nay và muôn đời mai sau ghi nhớ công lao của đức Tiên Tổ Lạc Long Quân, người đã có công khai sơn, phá thạch, biến vùng đất hoang vu thành nơi trù phú, thống nhất các bộ lạc thành một cộng đồng cư dân, tạo nền, đắp móng cho Vua Hùng dựng nước Văn Lang đã có được dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam tươi đẹp hôm nay. Những con Lạc, cháu Hồng trong thời đại Hồ Chí Minh nguyện đem hết sức mình xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam, giữ gìn trọn vẹn non sông, gấm vóc do tổ tiên để lại, xây dựng nước Việt Nam vẻ vang, sánh vai cùng bè bạn năm châu như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”4.
Đồng chí Võ Văn Kiệt, Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam viết: “… được về thăm đất Tổ dâng hương các vua Hùng thấy trào dâng nghĩa tình đồng bào, ngút trời hồn thiêng sông núi. Giữa chốn địa linh, vẳng nghe trống đồng âm vang giục gọi toàn Đảng, toàn dân muôn người như một đoàn kết tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thắng lợi, tiếp tục đổi mới tất cả vì dân giàu, nước mạnh, sánh cùng bạn bè năm châu, xứng đáng là con Hồng cháu Lạc, cùng nhau viết tiếp sử vàng dân tộc mãi sáng ngời theo thời gian, tôn nền văn hiến Việt Nam lưu truyền muôn thuở”.
Ngày 12/5/1996, trở về thăm Đền Hùng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết cảm tưởng như một lời hứa quyết tâm trước anh linh linh thiêng của các Vua Hùng: “… Về Đền Hùng để thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng lại nhắc về một cội nguồn oanh liệt mà mãi mãi là niềm tự hào của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Các Vua Hùng đã dựng nên đất nước và tiếp theo các thế hệ Việt Nam đã, đang và sẽ viết nên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam. Đền thờ các Vua Hùng là di sản lịch sử thiêng liêng nhất của nước ta…”.
Thủ tướng Phan Văn Khải thể hiện trách nhiệm và quyết tâm của Chính phủ đối với Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng “Chính phủ phải xây dựng khu di tích lịch sử này - thành di tích lịch sử lớn của dân tộc ta”.
Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhiều lần về thăm Đền Hùng. Ngày 13/2/2011, Thủ tướng đã viết cảm tưởng thể hiện nguyện vọng, tâm huyết quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp: “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng. Nguyện chung sức chung lòng xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - Dân giàu nước mạnh dân chủ công bằng văn minh”. Ngày 8/2/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn luôn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã viết tiếp: “Mãi mãi nhớ ơn các Vua Hùng”. Chỉ trong vòng 7 năm, 3 vị lãnh đạo Chính phủ về thăm Đền Hùng đều có những suy nghĩ tương đồng, đều thể hiện nguyện vọng và trách nhiệm của mình trước vận mệnh Tổ quốc, dân tộc, bày tỏ lòng tôn kính các Vua Hùng, tôn kính tổ tiên bằng tâm huyết và trách nhiệm thiết thực “Chính phủ có trách nhiệm xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng thành di tích lịch sử lớn của dân tộc”.
Ngày 18/2/2012, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam viết: “Tưởng nhớ Vua Hùng - Tất cả chúng ta nhớ ơn tiên tổ, càng ra sức công tác, học tập theo các bậc tiền bối và Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Chúng tôi cũng mong bảo tàng Hùng Vương gìn giữ, quảng bá, đền thiêng nơi đây để phấn đấu là di sản văn hóa thế giới… ”5.
Ngày 2/4/2011, đồng chí Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam viết: “Là con dân đất Việt, chúng ta luôn tự hào và biết ơn các Vua Hùng, nguyện phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm xây dựng nước Việt ta sánh vai cùng năm châu, muôn dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Ngày 28/2/2015 (tức ngày mồng 10 tháng giêng năm Ất Mùi), đồng chí Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam viết: “Chúng con xin dâng hương thành kính tổ tiên, tưởng nhớ công lao xây dựng non sông gấm vóc. Chúng con nguyện gìn giữ và xây dựng đất nước ngày càng hùng cường”…
Di tích lịch sử Đền Hùng là tài sản vô cùng quý giá của đời đời các thế hệ người Việt Nam chúng ta, các thế hệ người Việt Nam phải có trách nhiệm xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng thành di tích lịch sử lớn của dân tộc. Mỗi dòng ghi cảm tưởng thể hiện sự xúc động và những suy nghĩ chân thành, hàm chứa những tình cảm thiêng liêng sâu sắc, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, lẽ sống cao đẹp, tình cảm và trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước dành cho mảnh đất cội nguồn, đồng thời đây cũng là lời hứa, lời tri ân báo hiếu tổ tiên, lời thề sắt son nặng nghĩa tình với nước non nguồn cội. Trong các lời ghi cảm tưởng đều bộc lộ rất thấm thía và ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn, nhắc nhớ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc dựng nước và giữ nước “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, đồng thời thể hiện ý thức trách nhiệm rất cao của các thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đó là lý trí phải thực hiện bằng được lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ, giữ gìn bờ cõi giang sơn đất nước, thái miếu tổ tiên, cần phải quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, giàu đẹp xứng đáng với công lao của các thế hệ cha ông, xứng đáng với công lao của các Vua Hùng đã có công dựng nước. Vấn đề giữ nước theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt ra cho các thế hệ hiện tại và tương lai một trọng trách vinh quang và một sứ mệnh lịch sử hết sức vẻ vang. Những lời tri ân, trân quý hơn cả là lời dạy thiêng thiêng cao quý của Bác Hồ và những dòng lưu bút cảm tưởng vô cùng xúc động, tri ân công đức các Vua Hùng của các thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã khắc ghi thiêng liêng trong tâm trí tình cảm của mỗi người Việt Nam, để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau biết kế thừa, noi theo và thực hiện. Quân và Dân phát triển tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, nguyện đoàn kết một lòng, phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn, tự tin đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu đẹp hơn, thỏa lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu.
Chú thích:
1. Phạm Bá Khiêm, Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng, Sở Văn hóa - Thông tin Phú Thọ xuất bản, Phú Thọ, 2008, tr.52-53.
2,3. Lê Tượng - Phạm Hoàng Oanh (2010), Đền Hùng di tích lịch sử văn hóa đặc biệt Quốc gia, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, tr.122, 123.
4,5. Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Sổ vàng lưu niệm, Quyển năm 2015.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quốc gia Đền Hùng (1969 - 2020), Bộ Sổ vàng lưu niệm 25 quyển, (Quyển 1- Quyển 25, giai đoạn từ 1969 - 2020), Phú Thọ.
2. Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quốc gia Đền Hùng, Sổ vàng lưu niệm, Quyển năm 2015, Phú Thọ.
3. Phạm Bá Khiêm (2008), Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng, Sở Văn hóa - Thông tin Phú Thọ xuất bản, Phú Thọ.
4. Lê Tượng - Phạm Hoàng Oanh (2010), Đền Hùng di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quốc gia, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
Trần Thị Tuyết Mai
TS, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội