Cách mạng Tháng Tám và bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã thắng lợi vẻ vang, đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Thắng lợi đó có ý nghĩa và giá trị rất to lớn, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - Kỷ nguyên đất nước được độc lập, dân ta được sống trong tự do, được là người chủ xã hội và tạo ra những tiền đề cần thiết, từng bước đưa nước ta đi lên con đường xã hội chủ nghĩa và phát triển, đổi mới như hiện nay. Ý nghĩa và bài học của Cách mạng Tháng Tám thật vô cùng to lớn và một trong những nguyên nhân đưa đến thành công đó chính là biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc

Nhân dân Hải Phòng mít tinh trong ngày giành chính quyền tháng 8/1945.(Ảnh tư liệu)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đi đến thành công là bởi sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cả về đường lối và phương pháp cách mạng; từ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sang khởi nghĩa vũ trang đánh đổ chính quyền đế quốc và tay sai.

Căn cứ vào tình hình thế giới và trong nước, tháng 11/1939, Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 6, nhận định tình hình và cho rằng con đường sinh tồn cho dân tộc chỉ có thể là đánh đuổi đế quốc Pháp, chống tất cả các ách ngoại xâm để giành lấy giải phóng dân tộc.

Lúc này, Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương là một hình thức của cách mạng tư sản dân quyền nên được Đảng hết sức quan tâm uốn nắn để hướng đến củng cố, phát triển các tổ chức đoàn thể quần chúng. Nguyên tắc chung được Đảng quán triệt lúc này là càng tập hợp được quần chúng rộng rãi và hình thức tổ chức càng giản đơn càng tốt, hơn thế phải biết lợi dụng cả các tổ chức tương tế, ái hữu, phường hội, hiếu hỉ nhằm thâu phục “thêm bạn, bớt thù”, đoàn kết được càng nhiều quần chúng ủng hộ và đứng lên làm cách mạng càng tốt.

Thực tế chỉ sau một thời gian ngắn đã có hàng loạt các hội mang tính quần chúng đoàn kết, tập hợp lực lượng Nhân dân tham gia được củng cố và phát triển như: Hội Phản đế, Hội Phản chiến của binh lính, Công hội, Nông hội... Nét mới chưa từng có trong các phong trào tập hợp, đoàn kết quần chúng kể từ năm 1940 trở đi, là sự phối hợp đấu tranh của quần chúng đã phát triển mạnh mẽ, tiến dần tới những hình thức cao chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang.

Đặc biệt, phải kể đến sự ra đời của Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh được thành lập ngày 19//5/1941 tại Pác Bó (Cao Bằng) do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên.

Mặt trận Việt Minh lấy ngọn cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh làm huy hiệu, có bản chương trình đưa ra hiệu triệu Nhân dân. Mục đích của Mặt trận Việt Minh lúc này là lấy việc cứu nước làm chính. Để đạt được mục đích của mình, Mặt trận Việt Minh đã tích cực hoạt động để tập hợp, đoàn kết được thật nhiều lực lượng dân tộc cùng đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật. Mọi cá nhân tham gia ủng hộ cách mạng đều phải hiểu và công nhận chương trình, điều lệ Việt Minh.

Để phù hợp với yêu cầu thực tế mở rộng mặt trận, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Mặt trận đã có sự thay đổi cho phù hợp như: “Công hội” lấy tên là “Công nhân cứu quốc hội” nhằm không chỉ thu nạp, đoàn kết thêm thợ Việt Nam, mà cả các hạng cai ký, đốc công.“Nông hội” cũng thay đổi, gọi là “Nông dân cứu quốc hội” để thu nạp hết thảy nông dân đến cả hạng phú nông, địa chủ căm ghét Pháp - Nhật.

Đảng và Mặt trận còn chủ trương với các hạng cai ký, đốc công, phú nông, địa chủ có thể lập và đưa vào các tổ chức xã hội khác cho phù hợp với địa vị xã hội của họ như lập ra các “Nhóm bạn”, “Phú hào cứu quốc hội” hay “Ủng hộ quỹ Việt minh”...

Với các đoàn thể cứu quốc như thanh niên, phụ nữ, giáo viên, học sinh... cũng đều có sự thay đổi, mở rộng miễn là tập hợp được đông đảo nhất hội viên là quần chúng tham gia ủng hộ cách mạng, giảm tất cả các thủ tục điều lệ phiền hà, không cần thiết “Điều kiện vào Việt minh: Việt minh kết nạp từng đoàn thể không cứ đảng phái, đoàn thể nào của người Việt Nam hay của các dân tộc thiểu số sống trong nước Việt Nam, không phân biệt giai cấp, tôn giáo và xu hướng chính trị, hễ thừa nhận mục đích tôn chỉ và chương trình của Việt minh và được Tổng bộ Việt minh thông qua thì được gia nhập Việt minh”1.

Với tư cách là “người thiết kế cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn nhiều bài thơ ca tuyên truyền, vận động đến hầu hết các giới quần chúng với những tên bài rất gần gũi thân quen như: “Dân cày”, “Phụ nữ”, “Trẻ con”, “Công nhân”, “Ca binh lính”, “Ca đội tự vệ”, tiêu biểu như bài thơ “Mười chính sách của Việt minh”, Người còn dùng hàng loạt các từ “đồng” gần hoặc cùng nghĩa với từ “đoàn kết” giúp nhân lên sức mạnh dân tộc:

“Khuyên ai xin nhớ chữ đồng,

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”2.

Đây được xem là một sáng tạo to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Hơn ai hết, Người thấu hiểu được sức mạnh của muôn người đoàn kết như một trong truyền thống dân tộc áp dụng vào cách mạng lúc này để trong một nước không có tầng lớp này chống lại tầng lớp kia; trong dân tộc không để có hận thù; không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo, sang hèn, già trẻ, gái trai... miễn là có sức, có lòng cùng vì một nền độc lập của dân tộc thì đều đáng quý, đáng trân trọng.

Công tác tuyên truyền cùng những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự ra đời cùng những hoạt động tích cực của Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc đã dấy lên phong trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân. Phong trào công nhân, nông dân, tiểu thương, thanh niên, học sinh... trong cả nước cũng có bước phát triển mới.

Nhiều cuộc rải truyền đơn, căng biểu ngữ chống Pháp - Nhật cướp thóc, cướp đất, chống khủng bố hay ủng hộ nhân dân Bắc Sơn... đã nổ ra. Trước tình hình đó, tháng 2/1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp bàn tăng cường đoàn kết các lực lượng, thành phần xã hội và mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất, cùng với phát động du kích chiến tranh, chuẩn bị các điều kiện cho khởi nghĩa vũ trang. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chính thức được thành lập, càng góp phần đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền, xây dựng và mở rộng cơ sở Việt Minh, căn cứ kháng chiến.

Điều đó cho thấy phương pháp lãnh đạo tài tình của Đảng ta, ở một số địa phương có khởi nghĩa vũ trang giải phóng sớm. Phương pháp lãnh đạo sáng tạo và linh hoạt của Đảng đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật cách mạng và cứ thế đi vào lòng người một cách dễ hiểu, tự nhiên và đầy sức thuyết phục, lôi cuốn.

Cùng với việc tập hợp, đoàn kết các lực lượng, thành phần xã hội trong nước, Đảng và Mặt trận Việt Minh còn chủ trương mở rộng, đoàn kết quốc tế, thực hiện liên minh, hợp tác với tất cả các bên có thiện chí như: Nhóm xã hội - cộng sản gồm một số đảng viên Đảng Xã hội Pháp, một số lính lê dương có cảm tình với Việt Nam cùng hành động chung chống phát xít Pháp - Nhật.

Từ ngày 9 đến 12/3/1945, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp mở rộng và sự ra đời của bản Chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã đẩy cao trào khởi nghĩa vũ trang lên một bước mới. Hàng loạt các cuộc khởi nghĩa vũ trang đã nổ ra từ Ba Tơ (Quảng Ngãi) đến khởi nghĩa giải phóng hàng loạt châu, huyện, xã thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang...

Ngày 14/8/1945, Tổng bộ Việt Minh ra lời hiệu triệu quốc dân đồng bào đứng lên khởi nghĩa vũ trang đổi lấy tự do, độc lập.

Tại Đại hội quốc dân Tân Trào (Tuyên Quang) khai mạc ngay sau đó (ngày 16/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào, các đoàn thể cứu quốc, chiến sỹ cả nước nổi dậy khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền và khẳng định Việt Minh là cơ sở cho sự đoàn kết phấn đấu của dân tộc Việt Nam trong lúc này. Thời cơ đã đến, ở khắp 3 miền: Bắc, Trung, Nam đều sục sôi không khí cách mạng, nhiều địa phương đã nổi dậy giành chính quyền thành công.

Sáng ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân Thủ đô Hà Nội đã tập hợp tại Nhà hát lớn để nghe đại biểu Uỷ ban quân sự cách mạng đọc lời hiệu triệu của Việt Minh, rồi chuyển thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền đã cổ vũ nhiều tỉnh thành còn lại trong cả nước tiếp tục đứng lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân.

Cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã hoàn toàn thắng lợi vẻ vang trên phạm vi cả nước. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã diễn ra cuộc mít tinh lớn lịch sử chào mừng Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà, nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, chấm dứt ách nô lệ của chế độ thực dân gần trăm năm, chế độ phong kiến hàng ngàn năm trên đất nước Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới, đưa nước ta đi lên con đường xã hội chủ nghĩa.

Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới

Thứ nhất, Mặt trận Việt Minh là kết quả lãnh đạo, định hướng đúng đắn của Đảng về chỉ đạo chiến lược nhằm thực hiện mục tiêu cách mạng đã đề ra.

Trong điều kiện cách mạng diễn biến rất phức tạp lúc bấy giờ, việc giữ vững nguyên tắc, song linh hoạt, uyển chuyển trong phương pháp cách mạng là rất sáng tạo và đúng đắn. Việc Mặt trận Việt Minh không chỉ phát triển mang hình mẫu của một tổ chức, một thực thể, do Đảng lãnh đạo mà còn là hình thức phát triển mang tính phong trào, hiệu triệu cách mạng nhằm tập hợp được tối đa mọi giai cấp, dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội tham gia cách mạng là hết sức quan trọng và cần thiết.

Đây chính là đỉnh cao của sự phát triển song hành giữa mặt trận về tổ chức với mặt trận phong trào đã góp phần nhân lên sức mạnh tập hợp, đoàn kết lực lượng làm tiền đề đưa đến cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công.

Thứ hai, trong điều kiện chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, Đảng ta đã tỏ rõ vai trò là người lãnh đạo Mặt trận, vừa là thành viên Mặt trận. Hơn thế, trong tình thế cách mạng “thù trong, giặc ngoài”; xã hội với nhiều giai cấp, dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội rất khác nhau lúc bấy giờ, Đảng đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, thể hiện vai trò của mình, không chỉ lãnh đạo Mặt trận mà còn thật sự hoá thân vào Mặt trận.

Nhờ thế mà một mặt, Đảng bảo đảm được nguyên tắc lãnh đạo, mặt khác, Đảng tôn trọng tính độc lập, tự chủ, khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho Mặt trận phát huy vai trò, thực hiện liên minh, tập hợp, đoàn kết được nhiều nhất lực lượng của mình và cũng chính là lực lượng của Đảng. Đây là một nét rất đặc sắc, độc đáo trong lịch sử cách mạng của Đảng và Mặt trận.

Chính vì vậy, từ trong nước đến ngoài nước lúc bấy giờ đều suy tôn vị thế, vai trò Mặt trận Việt Minh, là ngọn cờ tập hợp lực lượng giúp cho chủ trương, đường lối của Đảng về khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám đi đến thành công.

Thứ ba, Đảng và Mặt trận Việt Minh đã tranh thủ tối đa các giai cấp, tầng lớp xã hội đối lập hoặc chưa nghiêng hẳn về phía cách mạng để họ đứng về phía cách mạng nhằm “thêm bạn, bớt thù”, tập trung lực lượng đánh Pháp, đuổi Nhật.

Đây là một trong những đường lối, phương pháp cách mạng hoàn toàn đúng đắn và đầy sức sáng tạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, một trong những yếu tố quan trọng góp phần đưa đến thắng lợi của cuộc vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Bài học kinh nghiệm này đã được Đảng ta tiếp nối áp dụng sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc năm 1975: Thực hiện đoàn kết với tất cả những ai đã tham gia chế độ cũ, cả những ai chưa am hiểu về cách mạng, về Đảng Cộng sản, về chủ nghĩa xã hội trên cơ sở xoá bỏ mặc cảm, hận thù, đồng thời chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích, mục tiêu chung về xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, lấy đó làm điểm tương đồng để cùng nhau hướng đến tương lai tươi sáng của dân tộc, đất nước.

Thứ tư, vai trò lãnh đạo và sự chuyển hướng chiến lược kịp thời của Đảng khi tình hình cách mạng đã có nhiều thay đổi là yếu tố then chốt.

Đây cũng chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với chủ nghĩa yêu nước, trong đó nổi lên tính dân tộc sâu sắc, đồng thời vẫn giữ vững lập trường giai cấp và luôn nhất quán đoàn kết, tập hợp tối đa mọi lực lượng tham gia và ủng hộ cách mạng đã tạo nên sự thay đổi về chất mới của cách mạng Việt Nam.

Việc Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam không chỉ tập hợp tối đa mọi giai cấp, dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội trong nước mà còn tranh thủ đoàn kết gắn tổ chức hoạt động của mình với Mặt trận của nhân dân 3 nước Đông Dương, Mặt trận chống đế quốc của nhân dân thế giới là một mẫu hình, đỉnh cao về đoàn kết quốc tế, tranh thủ được dư luận và sự ủng hộ, tạo thuận lợi cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đi đến thành công.

Chú thích:

1.  Văn kiện Đảng về Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tập 1, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, H. 1999, tr. 435.

2.  Hồ Chí Minh: Toàn tập. tập 3. Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002, tr. 206.

Trần Thị Hường - Thạc sĩ, Học viên An ninh nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều