Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Quân đội
Với tầm nhìn chiến lược, tư duy nhạy bén, sắc sảo về chính trị, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng, trong điều kiện bị thực dân Pháp thống trị, nhân dân bị áp bức, bóc lột nặng nề thì vấn đề xây dựng một đội quân vũ trang cách mạng được đặt ra cấp thiết, có vai trò quyết định đối với tiến trình phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Với vị thế là cán bộ Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản trong giai đoạn 1924 - 1927, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn những thanh niên Việt Nam tiêu biểu, gửi đi học Trường Quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu. Tại đây, các học viên được học những kiến thức cơ bản về quân sự như: Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về quân đội, nguyên tắc tổ chức quân đội theo kiểu Hồng quân Liên Xô và kinh nghiệm tác chiến phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.
Chánh cương vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam (được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, vạch rõ tính chất, nhiệm vụ đối tượng của cách mạng Việt Nam, trong đó khẳng định sự cần thiết phải “tổ chức ra quân đội công nông”1… Trong phong trào cách mạng 1930 -1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, các đội tự vệ công nông (Tự vệ Đỏ) đã ra đời. Đó chính là mầm mống đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
Trong phong trào giải phóng dân tộc (1939 - 1945), vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang càng đặt ra yêu cầu cấp thiết.
Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã về nước trực tiếp hoạt động cách mạng. Người đã chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), hoàn chỉnh việc “thay đổi chiến lược”, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên cao nhất; thành lập Việt Nam độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Hội nghị cũng quyết định tiến hành một cuộc khởi nghĩa vũ trang do toàn dân tộc tham gia. Nguyễn Ái Quốc chủ trương: Trên cơ sở xây dựng và phát triển lực lượng chính trị quần chúng, từng bước tổ chức ra các đội tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu (tiểu tổ du kích) rộng rãi để chuẩn bị tiến lên thành lập quân đội công - nông.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), lực lượng vũ trang Bắc Sơn được duy trì để làm vốn quân sự cho cách mạng. Bước sang năm 1941 những đội du kích ở khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai lớn mạnh lên và thống nhất thành Trung đội Cứu quốc quân I (14/2/1941) và Trung đội Cứu quốc quân II (15/9/1941). Sự ra đời và hoạt động của lực lượng vũ trang Bắc Sơn - Võ Nhai đã góp phần phát triển lực lượng chính trị quần chúng, xây dựng các đoàn thể, các tổ chức cứu quốc trên địa bàn này.
Tính đến cuối năm 1944, trên cả nước đã xuất hiện các đội du kích - những hạt giống quân sự của Đảng, đóng vai trò nòng cốt trong đấu tranh cách mạng tại địa phương. Đó là các Đội tự vệ đỏ ra đời trong Cao trào cách mạng 1930-1931, Đội du kích Bắc Sơn, Cứu quốc quân, Quân du kích Nam Kỳ, Đội du kích Pắc Bó ở Cao Bằng… Tuy nhiên, đây là đội du kích của từng địa phương, ảnh hưởng chưa thật lớn. Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và trưởng thành của phong trào đấu tranh cách mạng đòi hỏi cách mạng Việt Nam lúc này phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc.
Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với sự ra đời của “Đội quân chủ lực” đầu tiên
Cuối năm 1944, phong trào cách mạng ở Cao Bằng phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh các đoàn thể cứu quốc, lực lượng tự vệ cứu quốc được xây dựng khắp nơi. Ủy ban liên tỉnh Cao Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn (Cao - Bắc - Lạng) chủ trương phát động một cuộc khởi nghĩa ở địa phương. Tháng 9/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ Trung Quốc về nước. Trước tình hình đó, Người chỉ thị hoãn ngay cuộc khởi nghĩa, bởi vì “Chủ trương phát động du kích ở Cao - Bắc - Lạng là mới chỉ căn cứ vào tình hình ở địa phương mà chưa căn cứ vào tình hình cụ thể trong cả nước, mới chỉ thấy bộ phận mà chưa thấy toàn cục. Trong điều kiện bây giờ, nếu phát động ngay nhân dân nổi lên đánh du kích theo quy mô và phương thức đã định trong Nghị quyết, thì sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể còn khó khăn hơn thời kỳ bị khủng bố vừa rồi”2. Quân khởi nghĩa Cao - Bắc - Lạng đơn độc dấy lên nhất định đế quốc sẽ mau chóng tập trung lực lượng đàn áp. Riêng về mặt quân sự thì cũng không theo đúng nguyên tắc tập trung lực lượng; cán bộ, vũ khí đều phân tán, thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt”3.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: Hiện nay Chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức đấu tranh thích hợp mới có thể đẩy phong trào tiến lên…”4. Thực tế lịch sử đòi hỏi phải có một hình thức đấu tranh linh hoạt hơn, đó là hình thức vũ trang tuyên truyền. Đây chính là một sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhằm chống lại những đội quân xâm lược nhà nghề của phát xít Nhật và thực dân Pháp, việc sớm tổ chức một “đội quân chủ lực” để giáng những đòn quân sự mạnh đánh bại ý chí xâm lược của quân thù trở nên cấp thiết. Người Chỉ thị: “Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Tác chiến phải gây được ảnh hưởng tốt về chính trị, do đó mà mở rộng cơ sở phát triển lực lượng vũ trang. Chúng ta sẽ lập đội quân giải phóng…”5.
Người trực tiếp giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ này. Khi trao đổi với đồng chí Võ Nguyên Giáp, Người phác thảo ra những nét chính về đội quân chủ lực, từ tổ chức đến phương châm hành động và vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược, quan hệ giữa đội quân chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương. Đặc biệt, tổ chức phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo. Người nhắc nhở, quán triệt phương châm: “Người trước, súng sau”. Các đội viên phải là những người kiên quyết, hăng hái trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu, có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Phải cân nhắc từng người một, các cán bộ chỉ huy tiểu đội, trung đội chủ yếu lấy trong số cán bộ đi học quân sự ở nước ngoài về. Đa số họ đã trải qua chiến đấu, ít nhiều đã biết về kỹ thuật và kinh nghiệm quân sự. Trong đội phải có đầy đủ thành phần dân tộc Tày, Nùng, Mán, Kinh, người địa phương nào cũng có nhằm phục vụ cho hoạt động sau này của Đội được thuận lợi. Trước lúc đi, Người còn dặn thêm: “Phải dựa chắc vào dân. Dựa chắc vào dân thì không kẻ địch nào tiêu diệt được ta”6.
Ngày 21/12/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao một bức thư đặt trong bao thuốc lá cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Bức thư đó chính là Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Trong bản Chỉ thị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra các nguyên tắc xây dựng đội quân chủ lực: “chính trị trọng hơn quân sự” và “tập trung lực lượng”: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng”7.
Quan điểm chỉ đạo xây dựng lực lượng nòng cốt, coi “chính trị trọng hơn quân sự”, “coi tuyên truyền trọng hơn tác chiến” không có nghĩa là Người tuyệt đối hóa yếu tố này mà xem nhẹ yếu tố kia. Trong cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc giác ngộ, vận động tổ chức quần chúng là một công tác hàng đầu, và trên cơ sở xây dựng lực lượng chính trị hung hậu, có thể hình thành và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng. Trên cơ sở xây dựng đội quân chủ lực có phẩm chất chính trị vững chắc, tư tưởng cách mạng đúng đắn, để có thể đảm đương nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, làm cho quần chúng giác ngộ, tin tưởng và đi theo cách mạng. Theo Người, quân sự phải phục tùng chính trị, phải hướng vào hoàn thành nhiệm vụ chính trị: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”8.
Nguyên tắc “tập trung lực lượng” là nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật chiến tranh, được thực hiện nhằm tăng cường sức mạnh cho các tập đoàn lực lượng chủ yếu trong quá trình tác chiến, vận dụng trong tiến công để hình thành tập đoàn lực lượng, tạo ưu thế quyết định so với địch; trong phòng ngự để hình thành tập đoàn lực lượng trên hướng phòng ngự chủ yếu, giữ vững khu vực phòng thủ then chốt… Nguyên tắc này tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh; kết hợp đánh du kích với đánh tập trung; kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn.
Chỉ thị còn xác định phương thức tuyển chọn, huấn luyện, xây dựng lực lượng 3 thứ quân, chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ của đội quân chủ lực và chỉ rõ mối quan hệ giữa đội quân chủ lực với các đội vũ trang địa phương: “sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”9. “Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên”10. “Đối với các đội vũ trang địa phương: đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến”11. Người nhấn mạnh trong khi tập trung xây dựng đội quân chủ lực, tuyệt đối không được xem nhẹ, sao nhãng việc xây dựng lực lượng vũ trang địa phương: “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác”12. Việc xây dựng đồng bộ lực lượng 3 thứ quân - bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã hình thành quân chủ lực và quân địa phương, lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ… đã làm cho các lực lượng vũ trang nhân dân ta trước kia cũng như ngày nay luôn hùng hậu và vững mạnh.
Qua bản Chỉ thị, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu lên tư tưởng về cuộc kháng chiến toàn dân. “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện”13. Người đã kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc, truyền thống đoàn kết chiến đấu trong dựng nước và giữ nước; đồng thời vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử…
Bản Chỉ thị còn chỉ ra phương thức hoạt động của lực lượng vũ trang phải kết hợp quân sự với chính trị; về chiến thuật của Đội phải vận dụng lối đánh du kích, về nguyên tắc hành động của quân đội, phải đánh thắng trận đầu: “Về chiến thuật: vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”14.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định việc không ngừng xây dựng, phát triển lực lượng làm cho đội quân nhỏ bé ban đầu tiến lên nhanh chóng, trở thành một đội quân hùng mạnh. “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”15. Đây vừa là mong muốn, vừa là dự đoán thiên tài của Hồ Chí Minh về sự trưởng thành và phát triển lớn mạnh của quân đội. Qua 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quân đội ta từ lực lượng nhỏ bé (với 34 chiến sĩ) tiến lên lớn mạnh; từ vũ khí trang bị thô sơ tiến lên vũ khí ngày càng hiện đại; từ một đội quân chỉ có bộ binh tiến lên một đội quân có nhiều quân binh chủng (Hải-Lục-Không quân); từ hoạt động phân tán, tác chiến du kích là chính, tiến lên hoạt động tập trung, tác chiến chính quy hợp đồng binh chủng, quân chủng quy mô ngày càng lớn…
Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thể hiện tầm nhìn chiến lược của thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với xây dựng và phát triển đội quân chủ lực – lực lượng nòng cốt của cuộc đấu tranh cách mạng; đánh dấu bước hoàn chỉnh về lý luận về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong thời kỳ chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
Chỉ thị đã kịp thời đáp ứng những đòi hỏi khách quan của lịch sử dân tộc trong nửa đầu những năm 40 của thế kỷ XX. Chỉ thị “là một tài liệu ngắn gọn, súc tích, có tính chất Cương lĩnh quân sự của Đảng như kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang và phương châm xây dựng ba thứ quân của lực lượng vũ trang, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng vũ trang; nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của các lực lượng vũ trang nhân dân”16… Những quan điểm thể hiện trong Cương lĩnh quân sự đầu tiên này đặt cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển, hoàn chỉnh đường lối quân sự của Đảng, xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện Chỉ thị trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - “Đội quân chủ lực” đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức tại khu rừng Sam Cao (còn gọi là Trần Hưng Đạo) thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, gồm 34 đội viên được biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, toàn Đội long trọng tuyên đọc “Mười lời thề danh dự của Đội”.
Sau lễ thành lập, đêm ngày 22/12/1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng toàn Đội tổ chức một bữa cơm nhạt, không muối nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ của người chiến sĩ cách mạng và tổ chức “đêm du kích” liên hoan với đồng bào địa phương để thắt chặt mối tình đoàn kết quân dân.
Thực hiện lời căn dặn: “Trận đầu phải thắng” của Người, Đội đã lập liên tiếp hai chiến công oanh liệt: Hạ đồn Phai Khắt (đóng tại tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình) ngày 25/12/1944 và đồn Nà Ngần (đóng tại xã Cẩm Lý, châu Nguyên Bình nay thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình) ngày 26/12/1944, mở đầu truyền thống “đánh thắng trận đầu”, “đánh tiêu diệt gọn”, “đánh thắng nhanh, giải quyết nhanh” của quân đội ta.
Cùng với sự phát triển của phong trào Việt Minh, việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và các lực lượng vũ trang tại các địa phương, cùng khí thế quần chúng dâng cao đã làm cho các lực lượng phản động ngày càng hoang mang, lo sợ, tạo ra những thuận lợi mới cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Ra đời và hoạt động trong một thời gian ngắn17, nhưng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã đảm đương và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Những thắng lợi cả về chính trị và quân sự của Đội đã góp phần tích cực vào việc củng cố và mở rộng khu căn cứ Cao - Bắc - Lạng, cổ vũ nhân dân thêm tin tưởng ở con đường khởi nghĩa vũ trang, con đường cách mạng của Đảng. Thực tiễn đã chứng minh: Những hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã đáp ứng kịp thời những yêu cầu của lịch sử, những yêu cầu của công cuộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở nước ta. Hoạt động của Đội cũng làm phong phú thêm bài học kinh nghiệm về chỉ đạo hình thức đấu tranh cách mạng của Đảng.
Ba năm sau ngày thành lập, đánh giá về “Đội quân chủ lực” đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đội thứ nhất của Giải phóng quân ngày trước là cái hạt giống bé nhỏ, do đó mà nảy nở thành cái rừng to lớn là Vệ quốc quân ngày nay, nếu người ngoài trông thấy bước đầu của Giải phóng quân thì chắc họ sẽ cho rằng đó là một trò chơi của trẻ con, hay là công việc của mấy người "không tưởng", chắc họ sẽ mỉa mai rằng:
"Vài chục thằng thanh niên học trò và dân cày, Thổ có, Nùng có, Trại có, Kinh có. Với vài khẩu súng quèn, mươi con dao mã tấu, mà cũng dám tự gọi là quân, cũng dám gánh cái trách nhiệm giải phóng cho dân tộc".
Nhưng chúng ta đã quyết tâm làm cho kỳ được kế hoạch gây dựng Giải phóng quân, đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thi hành.
Kết quả đã chứng tỏ rằng: chính sách của chúng ta rất đúng, chính sách đúng là vì ta dựa theo cái chân lý giản đơn và thiết thực này: Dân tộc Việt Nam nhất định phải được giải phóng. Muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự. Muốn có lực lượng thì phải có tổ chức. Muốn tổ chức thành công thì phải có kế hoạch, có quyết tâm”.
Từ đội quân chủ lực đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng phát triển, thể hiện đội quân vững vàng về chính trị, tài giỏi về quân sự, chiến đấu và chiến thắng trong Cách mạng Tháng Tám, trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và là nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ năm 1975 đến nay. Đúng như tiên đoán của Bác Hồ: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”. Đó là Đội quân Anh hùng của Dân tộc Anh hùng.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, kính yêu Bác Hồ và yêu mến Quân đội nhân dân Việt Nam, dân tộc ta, xưa, nay và mai sau gọi ngày 22/12/1944 là “Ngày khai sinh của Bộ Đội Cụ Hồ”.
Hồ Nam Trân*
TS, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Đặng Công Thành**
ThS, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Chú thích:
1, 7, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.1, 539, 540.
2, 3, 4, 5, 6. Võ Nguyên Giáp, Từ nhân dân mà ra, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969, tr.130-133.
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.217.
16. Trường Chinh, Hồ Chủ tịch và những vấn đề quân sự của cách mạng Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1971, tr.9.