Cuộc đời cao đẹp của một người Cộng sản

(Mặt trận) - Chủ tịch Lê Quang Đạo tên thật là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8/8/1921 tại xã Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, một địa danh nổi tiếng của vùng đất Kinh Bắc ngàn năm văn hiến.

Đình Bảng chính là quê hương của Thái tổ Lý Công Uẩn, người đã khai sáng Kinh đô Thăng Long và lập nên Vương triều Lý thái bình thịnh trị suốt hơn 200 trăm năm. Quê hương Kinh Bắc cũng là nơi sản sinh ra những bậc tài danh như Lê Văn Thịnh, Lê Thị Ỷ Lan, Lý Đạo Tái, Nguyễn Thiên Tích, Nguyễn Đăng Đạo, Lê Ngọc Hân, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều... còn mãi mãi lưu danh cùng đất nước. Từ Sơn cũng là quê hương của các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, những nhà cách mạng kiệt xuất của Đảng ta. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, hai lần Đình Bảng được đón Bác Hồ kính yêu về thăm làng và dâng hương tại đền thờ 8 vị vua triều Lý...

Được thừa hưởng truyền thống quý báu đó của quê hương, Lê Quang Đạo đã giác ngộ và tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, đến năm 19 tuổi ông đã trở thành đảng viên Cộng sản. Từ năm 1941, ở tuổi 20, ông được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao trọng trách lần lượt làm Bí thư Ban Cán sự các tỉnh Bắc Ninh, Phúc Yên, Xứ uỷ viên rồi Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến không lâu, ông đã vào quân đội và người lính ấy đã cầm súng đi suốt hai cuộc chiến tranh vệ quốc, có mặt ở những chiến trường nóng bỏng với những trọng trách: phụ trách công tác tuyên huấn chiến dịch Biên giới 1950, Phó Chủ nhiệm chính trị Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Năm 1955, ông được phân công làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Uỷ viên Quân uỷ Trung ương.

 Đồng chí Lê Quang Đạo (giữa) cùng thư ký và bảo vệ. Ảnh tư liệu
Đến nay, nhiều người lính còn nhớ hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ - vị tướng Lê Quang Đạo với cương vị Bí thư Đảng uỷ và Chính uỷ các chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968, Đường 9 - Nam Lào năm 1971, Giải phóng Quảng Trị năm 1972. Cán bộ, nhân dân, chiến sỹ các dân tộc vùng Tây bắc, Việt Bắc, Duyên hải Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên cho đến vùng đất mũi Cà Mau vẫn không quên hình ảnh vị tướng với dáng người bé nhỏ, vị Chủ tịch Quốc hội dản dị, gần gũi, vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chan hoà, cởi mở, luôn ân cần thăm hỏi từ cụ già đến em nhỏ nơi bản làng, xóm ấp, những khu dân cư vùng sâu, vùng xa.

Khi giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong những chuyến đi cơ sở chúng tôi thấy, bao giờ ông cũng dành nhiều thời gian để tiếp xúc với đồng bào, trực tiếp nghe bà con phản ánh mọi mặt đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội và tâm tư, nguyện vọng của mình. Với tác phong tỷ mỉ, sâu sát, gần gũi, hóm hỉnh, dễ gần, tại những thôn, bản, cụm dân cư đến thăm, Chủ tịch Lê Quang Đạo luôn được cán bộ và nhân dân địa phương tiếp đón nồng nhiệt như người thân đi xa lâu ngày trở về quê hương. Tại những nơi Chủ tịch đã từng hoạt động trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhiều bà con đã nhận ra "anh Đạo", tay bắt, mặt mừng và Chủ tịch cũng nhận ra nhiều người quen cũ dù mấy chục năm mới được gặp lại. Tiếp xúc với đồng bào tại các địa bàn dân cư đến thăm, Chủ tịch Lê Quang Đạo đều khảo sát tỉ mỉ và đặt ra nhiều câu hỏi trao đổi với cán bộ cơ sở và nhân dân. Chủ tịch vui mừng trước những phát triển tiến bộ, ghi nhận những cố gắng của cán bộ, nhân dân các địa phương, đồng thời Chủ tịch cũng chỉ ra những thiếu sót, hạn chế mà các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ cũng như các ban, ngành, đoàn thể địa phương cần phối hợp khắc phục giải quyết. Chủ tịch thường nhắc nhở các đồng chí cán bộ lãnh đạo địa phương cần lưu ý: "Khi chưa có chính quyền thì Mặt trận và các đoàn thể cách mạng làm thay công việc của chính quyền. Khi đã có chính quyền, nhất là những nơi giành được chính quyền sớm, đã có hiện tượng coi nhẹ vai trò công tác vận động quần chúng, coi nhẹ Mặt trận và các đoàn thể. Vì vậy, cần phải đoàn kết tập hợp nhân dân, lấy sức dân bồi dưỡng, xây dựng cuộc sống cho dân ngày càng tốt hơn. Công tác quần chúng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá cần được chú trọng hơn bao giờ hết."

Cuộc đời hoạt động hơn 60 năm của Chủ tịch Lê Quang Đạo gắn bó máu thịt với Đảng, Nhà nước, Mặt trận, với nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Với những công lao to lớn đối với dân tộc, Đảng, Nhà nước đã tặng ông Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý. Ông đã sống và cống hiến cho đất nước đến hơi thở cuối cùng và để lại cho chúng ta tấm gương cao đẹp về nhân cách của một người Cộng sản Việt Nam mẫu mực. Hình ảnh ông luôn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam - Một người lãnh đạo, một người đồng chí gần gũi, khiêm tốn, chân thành, thuỷ chung, đầy lòng nhân ái, sống giản dị, trong sáng như những làn điệu quan họ đằm thắm, dịu dàng vùng quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc của ông./.

Tuấn Anh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều