Ảnh minh họa.
Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, kế thừa và phát triển truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm của dân tộc, trong chiến tranh cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến tranh ngày nay rất gian khổ và khó khăn. Nếu không dùng toàn lực của nhân dân mà đánh thì không thể nào thắng được giặc”.
Trong thời kỳ 1954-1975, nhân dân Việt Nam phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đế quốc có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất thế giới1. Sau Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương được ký kết, Mỹ vào thay Pháp ở miền Nam, xây dựng và sử dụng chính quyền và quân đội Sài Gòn làm công cụ thực hiện chính sách thực dân mới, nhằm chia cắt lâu dài nước Việt Nam. Mỹ muốn biến miền Nam thành một quốc gia riêng biệt. Vì thế, Việt Nam trở thành nơi diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử mang tính chất thời đại và có tầm vóc quốc tế. Một lần nữa, nhân dân Việt Nam phải tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân vừa mang tính chất giải phóng dân tộc, vừa mang tính chất bảo vệ Tổ quốc.
Để giành thắng lợi trong chiến tranh, nhân dân Việt Nam cần có sức mạnh vật chất và tinh thần hơn quân xâm lược. Một trong những yếu tố chiến lược tạo nên sức mạnh chống lại những thế lực chia rẽ dân tộc và chia cắt đất nước là khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Khối đại đoàn kết dân tộc là cơ sở để thực hiện chủ trương của Đảng về động viên toàn dân, vũ trang toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang, ba thứ quân làm nòng cốt để phát động toàn dân đánh giặc toàn diện, bằng mọi vũ khí có trong tay.
Để đoàn kết toàn dân, tập hợp lực lượng toàn dân tộc, hai tháng sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Tuyên ngôn kêu gọi các tầng lớp nhân dân, không phân biệt gái trai, già trẻ, dân tộc, thành phần xã hội, khuynh hướng chính trị và tín ngưỡng tôn giáo, không phân biệt trước đây đã đứng về phe nào, nhưng ngày nay tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, hãy xiết chặt hàng ngũ trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc, vì sự nghiệp đấu tranh hoà bình thống nhất đất nước.
Ở miền Nam, do việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, so sánh lực lượng thay đổi không có lợi cho cách mạng. Từ thế tiến công chiến lược trong thời kỳ chống Pháp (1945-1954), cách mạng miền Nam phải lui về thế giữ gìn lực lượng; nhân dân miền Nam phải chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị hòa bình. Trong bối cảnh đó, hình thức tập hợp lực lượng có sự thay đổi nhưng khá phong phú, đa dạng; nhiều tổ chức đoàn, hội công khai ra đời. Qua thực tiễn đấu tranh thi hành Hiệp định Giơnevơ, thực hiện hòa bình thống nhất đất nước; đấu tranh chính trị có vũ trang tự vệ chống những chính sách khủng bố tàn bạo của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, lực lượng chính trị được bảo tồn và phát triển, lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng được xây dựng lại ở nhiều nơi. Đó là điều kiện để tiến lên “Đồng khởi”, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Yêu cầu bức thiết của cách mạng miền Nam là tăng cường đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.
Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa II (1/1959) chỉ rõ: Mặt trận ở miền Nam phải “đoàn kết tất cả các dân tộc đa số và thiểu số, các đảng phái, các tôn giáo và những cá nhân yêu nước, đoàn kết với ngoại kiều, đặc biệt là Hoa kiều; không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, điều cốt yếu là chống Mỹ - Diệm, tán thành tự do dân chủ, cải thiện dân sinh và hòa bình thống nhất Việt Nam. Phải tranh thủ đoàn kết mọi người có thể đoàn kết được, phải trung lập mọi người có thể trung lập được, kể cả những người có ít nhiều khuynh hướng chống Mỹ - Diệm trong chính quyền miền Nam, đặc biệt chú ý những tầng lớp bên dưới trong cơ quan hành chính và quân đội miền Nam”. “Mặt trận miền Nam tuy là riêng của miền Nam, không nằm trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng phải cùng thực hiện mục tiêu chung của Mặt trận Tổ quốc là nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”2.
Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam (9/1960) xác định, “nhân dân miền Nam cần ra sức xây dựng khối công nông binh liên hợp và thực hiện một Mặt trận Dân tộc Thống nhất rộng rãi chống Mỹ - Diệm, lấy liên minh công nông làm cơ sở”. Mặt trận này phải đoàn kết được các giai cấp và tầng lớp yêu nước, dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số, các đảng phái và tôn giáo yêu nước, và tất cả những người có khuynh hướng chống Mỹ - Diệm. Mục tiêu của Mặt trân Dân tộc Thống nhất chống Mỹ - Diệm ở miền Nam là hòa bình, độc lập dân tộc, tự do dân chủ, cải thiện dân sinh và hòa bình thống nhất Tổ quốc”3.
Từ trong thắng lợi của phong trào “Đồng khởi”, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Mặt trận ra lời kêu gọi: “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại. Hãy siết chặt hàng ngũ chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm”4.
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam giương cao ngọn cờ đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân miền Nam chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, phấn đấu cho một miền Nam Việt Nam độc lập, hòa bình, dân chủ, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Nhân dân miền Nam đủ các tầng lớp, không phân biệt chính kiến, tín ngưỡng, dân tộc đã tham gia vào các tổ chức của Mặt trận. Lực lượng của Mặt trận còn bao gồm đông đảo kiều bào ở nước ngoài,hướng theo ngọn cờ cứu nước. Mặt trận liên hiệp với nhiều tổ chức và cá nhân có khuynh hướng khác nhau, kể cả những người không cộng sản. Có hơn 20 tổ chức chính trị, quân sự, tôn giáo đã gia nhập Mặt trận, tiêu biểu là “Nhóm những người đấu tranh cho hòa bình thống nhất độc lập Tổ quốc Việt Nam” của những binh sĩ yêu nước trong quân đội Sài Gòn (4/1/1961)5, Hội Liên hiệp học sinh, sinh viên giải phóng (9/1/1961), Đảng Dân chủ miền Nam Việt Nam (31/1/1961), Hội Nông dân giải phóng (20/2/1961), Hội Phụ nữ giải phóng (8/3/1961), Hội chấn hưng Đạo đức của Phật giáo Hòa Hảo (30/3/1961), Hội Liên hiệp thanh niên giải phóng (24/4/1961), Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam (1/1/1962), Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam (20/11/1963)…
Dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố và phát triển, cô lập cao độ đế quốc Mỹ và tay sai. William Colby - một nhân viên tình báo cấp cao của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam viết: “Một hệ thống đủ màu sắc: thanh niên, phụ nữ, nông dân, trí thức, không cộng sản... đã được xây dựng theo mô hình và kiểu cách tốt nhất của cộng sản. Nhờ có hệ thống này, cộng sản đã có thể tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ - Diệm và thời cơ đã đến để đưa tất cả các tổ chức đó vào một cấu trúc có kỷ luật hơn, có khả năng trương lên làm biểu tượng cho một cuộc tổng khởi nghĩa chống Mỹ - Diệm”6.
Với hệ thống tổ chức chặt chẽ, Mặt trận đã xây dựng được một đội quân chính trị và tổ chức phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi, đều khắp trên tất cả các địa bàn7. Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam không những phát triển mạnh ở nông thôn, mà còn phát triển rộng khắp ở đô thị. Các cuộc đấu tranh của công nhân, lao động, học sinh, sinh viên, trí thức, đồng bào Phật giáo và các tầng lớp nhân dân thành thị không khi nào dứt. Sức mạnh đoàn kết đấu tranh sôi nổi và rộng khắp đã làm cho chính quyền Sài Gòn bị lung lay đến tận gốc rễ, làm rối loạn sào huyệt của Mỹ và tay sai.
Trên cơ sở đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp xã hội, Mặt trận là nơi tổ chức, xây dựng lực lượng chính trị, tạo cơ sở vững chắc để phát triển lực lượng vũ trang. Ngày 15/2/1961, Quân Giải phóng miền Nam được thành lập. Các lực lượng vũ trang giải phóng ngày càng trưởng thành, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ khởi nghĩa từng phần tiến lên chiến tranh cách mạng, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; kết hợp ba mũi giáp công: Quân sự, chính trị và binh vận; kết hợp ba vùng chiến lược: Nông thôn rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị… tạo ra sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn, đánh thắng từng chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, thực hiện giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Nhân dân miền Nam từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng lên miền núi đều chung một bóng cờ, hết lòng, hết sức ủng hộ cách mạng; động viên con em tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu; ra sức xây dựng và bảo vệ căn cứ cách mạng; che chở, đùm bọc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang giải phóng; tổ chức đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, cất giấu vũ khí; cùng lực lượng vũ trang vận động, thức tỉnh anh em nhân viên chính quyền và sĩ quan, binh sĩ quân đội Sài Gòn về với cách mạng. 14 triệu đồng bào miền Nam là 14 triệu chiến sĩ anh dũng diệt Mỹ, đoàn kết như một, sát cánh đấu tranh, một tấc không đi, một ly không rời, cùng quân giải phóng “nắm thắt lưng địch mà đánh”, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp.
Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã thừa nhận: “Cuộc chiến tranh thực sự đã bắt đầu với việc thành lập Mặt trận Giải phóng Dân tộc ở Nam Việt Nam... Đó cũng là một lực lượng chính trị đấu tranh với chúng tôi để tranh thủ tình cảm của nhân dân”8.
Từ khi Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam ra đời (4/1968) và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập (6/1969), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có thêm lực lượng đồng hành để mở rộng đại đoàn kết dân tộc, có thêm tổ chức để chuyển giao chức năng nhà nước, cùng những nhiệm vụ đối nội và đối ngoại. Tuy nhiên, Mặt trận vẫn đảm đương một cách đầy đủ nhiệm vụ quan trọng là đoàn kết mọi lực lượng kháng chiến, đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu của cách mạng miền Nam. Những thành công của Mặt trận đã góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Với những hình thức Mặt trận khác nhau, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường, thể hiện trong tình cảm Bắc - Nam một nhà, quân - dân một ý chí chiến đấu với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, hậu phương thi đua với tiền phương, cả dân tộc gồng sức, anh dũng vượt qua mọi khó khăn gian khổ và hy sinh ác liệt trong một cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, với tư tưởng chiến lược tiến công, phương châm chiến lược đánh lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Đoàn kết dân tộc là điều kiện để đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ đến mức cao nhất và sử dụng có hiệu quả mọi sự giúp đỡ có thể tranh thủ được từ bên ngoài, làm tăng thêm sức mạnh dân tộc.
Quân dân miền Bắc kết thành một khối, đẩy mạnh các phong trào thi đua: "Ba sẵn sàng'” trong thanh niên, “Ba đảm đang” trong phụ nữ, "Tay cày tay súng" trong nông dân, “Tay búa, tay súng” trong công nhân, “Hai tốt” trong giáo dục, “Tiếng hát át tiếng bom” trong giới văn nghệ sĩ, “Làm nghìn việc tốt” trong thiếu niên, nhi đồng…
“Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người!”, “Tiền tuyến gọi, hậu phương trả lời!”, “Miền Nam gọi miền Bắc sẵn sàng!” là những khẩu hiệu hành động của nhân dân miền Bắc, không chỉ thể hiện ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, mà còn thể hiện tình cảm ruột thịt Bắc - Nam. Trên những tuyến đường chi viện chiến lược từ Bắc vào Nam, người và của ngày đêm tuôn ra tiền tuyến, kể cả mùa khô và mùa mưa, kể cả ngày và đêm.
Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 thể hiện ở khí thế cả nước ra trận. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã tập trung đến mức cao nhất mọi lực lượng, đẩy mạnh sự chuẩn bị để đánh chắc thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng trên quy mô lớn và nhịp độ khẩn trương chưa từng thấy.
Cả hậu phương miền Bắc hùng hậu dồn sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam. Toàn bộ lực lượng vận tải trên miền Bắc được huy động phục vụ chiến trường, đưa 15 vạn bộ đội chủ lực cùng hàng chục vạn tấn vật chất vào miền Nam, nhất là các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hạng nặng. Nhiều nhà máy, công trường, cơ quan, xí nghiệp rút bớt từ 30% đến 50% số người trong biên chế để phục vụ chiến dịch. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc đề nghị Chính phủ dừng kế hoạch vận chuyển gạo, muối về địa phương mình, dành tất cả cho miền Nam.
Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ tiền tuyến và hậu phương, kết hợp khởi nghĩa vũ trang với chiến tranh cách mạng, kết hợp ba thứ quân, lấy tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng của bộ đội chủ lực làm chủ yếu, nhất là trong Chiến dịch Hồ Chí Minh với sự tham gia của các lực lượng chính trị, vũ trang tại chỗ cùng hầu hết lực lượng cơ động chiến lược của cả nước, tạo ra ưu thế áp đảo kẻ thù, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 thực sự là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh, rửa sạch nỗi nhục mất nước, xóa bỏ họa chia cắt đất nước, thu non sông về một mối, mở ra kỷ nguyên cả nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.
Thành công, thành công, đại thành công”.
Ngày 30/4/1975 - ngày hội thống nhất non sông, ngày Bắc, Nam sum họp một nhà trong hòa bình và độc lập tự do. Truyền thống đoàn kết toàn dân tộc được xây đắp qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước mãi mãi được Đảng và nhân dân Việt Nam kế thừa và phát huy cao hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đoàn kết và quyết tâm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn Đảng toàn dân đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”9.
Vũ Quang Hiển
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội
Chú thích:
1. Mỹ đã huy động 70% lực lượng lục quân, 60% lính thuỷ đánh bộ, 40% lực lượng hải quân, 60% lực lượng không quân, 6,5 triệu lượt thanh niên Mỹ tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam, trực tiếp đổ vào miền Nam 53 vạn quân.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 20, tr. 785.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t. 21, tr. 526.
4. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1961, tr. 9.
5. PGS.TS. Trần Đức Cường (Chủ biên): Biên niên lịch sử Chính phủ Việt Nam 1945-2005, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2006, t. 5, tr. 21.
6. William Colby: Một chiến thắng bị bỏ lỡ, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 109.
7. Từ năm 1961 đến năm 1969, ở miền Nam đã có hơn 140 triệu lượt đồng bào tham gia đấu tranh chính trị. Xem: Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời, Nxb. Giải phóng, 1969, tr. 9.
8. Hồi ký của Nguyễn Cao Kỳ: Chúng ta đã thua trận ở Việt Nam như thế nào?, Nxb. Thông tin, 1990, tr. 26.
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 614.