|
Quang cảnh Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam năm 1977. Ảnh: Tư liệu.
|
Đại hội là sự kiện lịch sử chính trị trọng đại, có tầm quan trọng đặc biệt và có ý nghĩa to lớn đánh dấu bước trưởng thành về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, mở ra một thời kỳ phát triển mới của khối đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện đang lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật về Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận trong cả nước thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1977. Trong số đó có nhiều thư, điện chúc mừng và quyết tâm thư của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các dân tộc, tôn giáo và các tầng lớp nhân dân bày tỏ sự quan tâm, mong chờ, niềm hân hoan, phấn khởi, niềm tin, hy vọng và biểu thị tinh thần đoàn kết, ý chí thống nhất, quyết tâm gửi đến Đại hội.
“Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam họp lần này là một đại hội lịch sử sau Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam thành công rất tốt đẹp. Đại hội Mặt trận lần này sẽ tổng kết hoạt động của các tổ chức Mặt trận trong giai đoạn cách mạng vừa qua, thống nhất các tổ chức Mặt trận, vạch ra chương trình chính trị, Điều lệ Mặt trận trong giai đoạn mới và cử ra Mặt trận toàn quốc, góp phần thống nhất nước nhà. Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một sinh hoạt chính trị quan trọng của nhân dân ta, đánh dấu bước phát triển mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4 của Đảng” - (Quyết tâm thư của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Phú ngày 15/1/1977).
Từ cao nguyên Đồng Văn, nơi địa đầu Tổ quốc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Tuyên gửi điện chúc mừng ngày 2/2/1977 với nội dung: “Được tin Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất khai mạc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Tuyên là một huyện cao nguyên cực Bắc Tổ quốc xin thay mặt 11 dân tộc anh em gửi tới đại hội lời chào mừng nhiệt liệt, đoàn kết, thành công”.
Thư của Tiểu ban Khmer vận tỉnh An Giang ngày 1/2/1977 gửi đến Đại hội thể hiện niềm vui mừng và niềm tin son sắt: “Cũng như nhân dân trong tỉnh, đồng bào Khmer tỉnh An Giang chúng tôi vô cùng phấn khởi và hướng về Đại hội đại đoàn kết lần này như hoa hướng dương hướng về mặt trời với niềm tin sắt đá rằng Đại hội Mặt trận sẽ quyết định những vấn đề lớn đối với toàn dân Việt Nam ta bảo đảm đại đoàn kết toàn dân chung quanh Đảng, Chính phủ và Mặt trận để cùng nhau đoàn kết xây dựng Tổ quốc Việt Nam ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” trong đó có đồng bào Khmer chúng tôi”.
Thư của Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh An Giang ngày 31/1/1977 đánh giá cao về những đóng góp to lớn trong suốt chặng đường lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam từ khi thành lập đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất, bày tỏ niềm tin tưởng vào sự thành công của Đại hội. Toàn thể giai cấp công nhân tỉnh An Giang xin hứa sẽ làm một thành viên tích cực trong Mặt trận Dân tộc thống nhất ra sức thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tăng năng suất lao động góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta…
Điện văn của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Bình Trị Thiên ngày 31/1/1977 biểu thị sự đồng tâm nhất trí: “Chúng tôi xin thay mặt cho trên 23 vạn cán bộ Hội viên Phụ nữ tỉnh Bình Trị Thiên gửi tới Đại hội lời chào mừng nồng nhiệt và lời hứa quyết tâm phát động quần chúng phụ nữ đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm, thực hiện tốt mọi chương trình chính trị và điều lệ của Đại hội đề ra”.
Thư của Chi hội Phật giáo tỉnh Hải Hưng ngày 27/1/1977 gửi đến Đại hội với nội dung: “Chúng tôi hơn 100 đại biểu gồm Hòa thượng, Thượng tọa, tăng ni đại diện cho gần 400 tăng ni các chùa trong các huyện, thị thuộc tỉnh Hải Hưng vô cùng phấn khởi hướng về Đại hội và xin hứa trước Đại hội: Nguyện đoàn kết cùng toàn dân phát huy truyền thống “phụng đạo, yêu nước”, yêu chủ nghĩa xã hội, thi đua thực hiện Nghị quyết của Đại hội phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy tinh thần vô ngã, vị tha của đạo Phật”...
Điện văn của các giới đồng bào Thiên Chúa Giáo tỉnh Kiên Giang ngày 31/1/1977 khẳng định: “Toàn thể đồng bào Thiên Chúa Giáo tỉnh Kiên Giang thuộc mọi thành phần quyết tâm đoàn kết chặt chẽ chung quanh Mặt trận để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên quê hương, Tổ quốc Việt Nam anh hùng”…
Điện của Hội Việt kiều yêu nước tại Mỹ ngày 2/2/1977 gửi đến Đại hội bày tỏ niềm vui mừng và sự quyết tâm: “Hội Việt kiều yêu nước tại Mỹ xin chúc mừng Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất thành công rực rỡ. Tất cả đồng lòng cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa tốt đẹp nhất”.
Những lời chúc mừng và những bức tâm thư đầy tâm huyết và trách nhiệm của các tổ chức, địa phương gửi tới Đại hội đã thể hiện niềm tin sắt đá của các tầng lớp nhân dân về tương lai tươi sáng của đất nước và quyết tâm đoàn kết chặt chẽ trong tổ chức Mặt trận, dưới sự lãnh đạo của Đảng chung sức đồng lòng xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, giàu mạnh; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Niềm tin đó cũng là cơ sở lòng dân vững chắc cho sự thành công của Đại hội, làm cho Đại hội thực sự hội tụ, gắn kết giữa ý Đảng với lòng dân.
Hồng Lam