Những kết quả quan trọng và thành tựu đó gắn liền với tên tuổi, quá trình hoạt động không mệt mỏi và đầy sáng tạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt, người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong suốt 13 năm (1970- 1983).
Nhìn lại chặng đường đấu tranh của thời kỳ đất nước đã thống nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cố gắng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình và đã thu được những kết quả quan trọng, đặc biệt là những thành tựu trong sự nghiệp củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Những kết quả quan trọng và thành tựu tốt đẹp đó gắn liền với tên tuổi và hoạt động không mệt mỏi và đầy sáng tạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong suốt 13 năm (1970-1983).
Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ với biết bao gian khổ, hy sinh, nhân dân ta đã giành được thắng lợi vẻ vang, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhân dân miền Bắc hăng hái bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế và hòa bình, xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ở miền Nam, nhân dân ta vẫn còn phải sống dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai của chúng.
Đặc điểm lớn nhất của cách mạng nước ta lúc này là đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược nhưng đều nhằm một mục đích chung là đấu tranh thống nhất đất nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tháng 9 năm 1954, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết "Tình hình và nhiệm vụ mới". Nghị quyết chỉ rõ 5 đặc điểm của cuộc đấu tranh trong giai đoạn mới, nêu lên nhiệm vụ chung của miền Bắc cũng như của cả nước. Nghị quyết đề ra phương hướng mở rộng Mặt trận trong giai đoạn mới là:
1. Củng cố, mở rộng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.
2. Đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền ở các vùng giải phóng, các đô thị mới tiếp quản.
3. Tranh thủ sự ủng hộ của công nhân, nông dân, trí thức ở những vùng mới tiếp quản, tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ để thực hiện một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi.
Tinh thần, phương châm, nguyên tắc chính sách chung của Mặt trận lúc này là: "Chính sách của ta lúc này là chính sách ôn hòa, Mặt trận thống nhất của ta là Mặt trận rộng rãi, nhưng Đảng ta thì cần phải trong sạch, chặt chẽ, vững mạnh"1.
Chủ trương tăng cường đoàn kết, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất trên còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Lễ mừng Trung ương Đảng và Chính phủ về Thủ đô ngày 1/1/1955: "Bất cứ người nào, bất cứ nhóm nào, nếu họ tán thành hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ thì chúng ta cũng sẵn sàng thật thà đoàn kết với họ"2.
Nghị quyết còn nêu rõ: Để cụ thể hóa Nghị quyết, Bộ Chính trị yêu cầu: Hội đồng Chính phủ sớm ban hành các chủ trương, chính sách nhằm tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc; đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác dân vận Mặt trận của Đảng sớm triển khai các chủ trương, phương hướng về Mặt trận dân tộc thống nhất trong giai đoạn mới của cách mạng.
Trên cơ sở tổng kết hoạt động của Mặt trận Liên Việt từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1951), đồng chí rút ra 5 nguyên tắc lớn trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới. Đó là thương lượng dân chủ; thống nhất hành động; tôn trọng tính độc lập của tổ chức; thân ái hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ.
Để mở rộng và củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất trong tình hình mới, đồng chí đề nghị Hội nghị bàn bạc, tìm ra một hình thức tổ chức mới của Mặt trận cho phù hợp với nhiệm vụ cách mạng trong giai đọan mới; kiến nghị những nội dung chủ yếu của Cương lĩnh mới và chỉ ra những nhược điểm chính hiện nay cần khắc phục trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận, như: tư tưởng hẹp hòi, đóng cửa; coi nhẹ công tác Mặt trận; không chịu gần gũi những người chưa giác ngộ để kiên trì thuyết phục, vận động họ tham gia Mặt trận, đồng thời khắc phục khuynh hướng đoàn kết vô nguyên tắc, thỏa hiệp với những phần tử hoạt động trái với Cương lĩnh, ngược lại mục đích hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ hoặc chỉ chú ý mở rộng Mặt trận mà buông lỏng những nguyên tắc và chính sách căn bản của Mặt trận dân tộc thống nhất. Vì vậy, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết "Mở rộng và củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất".
Trong các ngày 23 và 24/2/1955 dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Quốc Việt, phiên họp đầu tiên của Ban vận động chuẩn bị Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất toàn quốc với sự tham gia của đại biểu trong và ngoài Mặt trận Liên Việt cả hai miền Nam - Bắc, đại diện các tôn giáo, các dân tộc, đại diện Đảng Lao động Việt Nam, Đảng dân chủ, Đảng xã hội, các đoàn thể, các nhân sĩ dân chủ, các nhân sĩ yêu nước... để thảo luận kế hoạch tổ chức Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất toàn quốc.
Từ ngày 5 đến 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã họp. Được Đoàn Chủ tịch đại hội phân công, đồng chí Hoàng Quốc Việt trình bày Dự thảo Cương lĩnh và Điều lệ mới của Mặt trận. Đại hội đã thảo luận sôi nổi và nhất trí quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm kế tục sứ mệnh lịch sử của Mặt trận Liên Việt trong giai đoạn mới; thông qua Tuyên ngôn, Cương lĩnh 10 điều và Điều lệ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh được suy tôn là Chủ tịch danh dự, đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Lễ bế mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ:
"Cương lĩnh là cương lĩnh đại đoàn kết... Ai cũng phải nhận rằng: Cương lĩnh của Mặt trận rất vững chắc, rộng rãi và rất thiết thực"3.
"Mặt trận đã xây dựng một Cương lĩnh đúng đắn. Thế là rất tốt cho cuộc đấu tranh sau này. Nhưng đó chỉ là bước đầu trên con đường đi đến thắng lợi hoàn toàn. Từ nay chúng ta cần phải ra sức đấu tranh để cho Cương lĩnh được thực hiện. Cuộc đấu tranh này sẽ rất phức tạp, gay go. Chúng ta phải bền gan, quyết chí"4.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (2/9/1969), Chủ tịch Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Song trên thực tế, mọi hoạt động của dân vận Mặt trận là do đồng chí Hoàng Quốc Việt lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận - Mặt trận Trung ương đảm nhiệm (đặc trách công tác Mặt trận).
Có thể khẳng định, sau hơn 20 năm thực hiện Cương lĩnh với 3 kỳ Đại hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh; sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân được tăng cường và mở rộng đã góp phần quan trọng vào việc tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân để hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược. Mục đích mà Mặt trận đề ra trong Cương lĩnh là: "Xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ" đã được thực hiện trọn vẹn. Những thành tựu nêu trên gắn liền với vai trò chủ trì và công lao to lớn của đồng chí Hoàng Quốc Việt.
Một đóng góp quan trọng khác của đồng chí Hoàng Quốc Việt là đã góp phần thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước và tham gia chỉ đạo thực hiện thống nhất các tổ chức thành viên của Mặt trận, đề xuất và triển khai nhiệm vụ của Mặt trận trong điều kiện đất nước đã thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thể theo nguyện vọng của các tổ chức Mặt trận, ngày 27/10/1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở phiên họp đặc biệt bàn và quyết định chủ trương, biện pháp hoàn thành, thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, thảo luận thông qua Đề án và quyết định cử đoàn đại biểu miền Bắc gồm 25 thành viên, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các đảng phái do đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Trưởng đoàn, đồng chí Hoàng Quốc Việt và các ông Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yên... làm Phó đoàn đi dự Hội nghị Hiệp thương Chính trị với đoàn đại biểu miền Nam nhằm chuẩn bị mọi điều kiện tiến tới Tổng tuyển cử trong cả nước, bầu Quốc hội và các cơ quan lãnh đạo Nhà nước Việt Nam thống nhất.
Từ ngày 15 đến 21/11/1975 Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc họp tại Sài Gòn đã thảo luận và thông qua kế hoạch cụ thể về tổ chức Tổng tuyển cử, về kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, về việc soạn thảo Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử Quốc hội khóa VI và được cử vào ban soạn thảo Hiến pháp mới (Hiến pháp 1980).
Cùng với việc chỉ đạo triển khai các công việc nhằm hoàn thành thống nhất về mặt Nhà nước, ngày 24/5/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định việc thống nhất các đoàn thể nhân dân và các tổ chức Mặt trận và phân công đồng chí Hoàng Quốc Việt, Phó ban Dân vận - Mặt trận Trung ương cùng một số đồng chí khác chịu trách nhiệm thực hiện quyết định này.
Trong bối cảnh sau hơn 20 năm đất nước tạm thời bị chia cắt, đây là một việc làm không dễ dàng vì trong mỗi đoàn thể quần chúng ở miền Nam đã có khá đông nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, người ngoài Đảng, dân tộc thiểu số... Tất cả đều có một điểm chung là yêu nước, căm thù giặc, muốn quê hương đất nước sớm độc lập, thống nhất song nhận thức còn khác nhau về chủ nghĩa xã hội, về thời điểm thống nhất tổ chức... chưa kể bị ảnh hưởng bởi những tác động xấu của các thế lực thù địch.
Hội nghị thống nhất tổ chức Công đoàn hai miền được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 6 đến 8/6/1976 lấy tên Tổng Công đoàn Việt Nam và bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Chủ tịch. Hội nghị thống nhất Hội Liên hiệp phụ nữ toàn quốc được tiến hành từ ngày 10 đến ngày 12/6/1976 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã suy tôn bà Nguyễn Thị Thập làm Chủ tịch danh dự, bầu bà Hà Thị Quế làm Chủ tịch.
Sau khi thống nhất các tổ chức thành viên, ngày 15/6/1976 Hội nghị liên tịch giữa ba tổ chức Mặt trận của hai miền nhóm họp phiên đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh để bàn việc thống nhất Mặt trận, đoàn kết dân tộc trong cả nước và quyết định thành lập Ban trù bị Đại hội do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Trưởng ban, các luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo làm Phó ban.
Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận của cả nước được tổ chức tại Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh (từ ngày 31 đến 4/2/1977) đã thông qua Điều lệ mới của Mặt trận, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cử 191 vị vào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, suy tôn bác Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch danh dự, cử đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch nhiệm kỳ 1977-1982 (song do yêu cầu chuẩn bị Đại hội II nên nhiệm kỳ này đã kéo dài đến tháng 5/1983).
Nhiệm kỳ 1977-1983 do đồng chí Hoàng Quốc Việt đảm nhiệm chức Chủ tịch là thời kỳ đầy khó khăn. Cách mạng nước ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những thuận lợi cơ bản và cũng có những khó khăn, phức tạp mới nhưng với khí thế hào hùng của cả một dân tộc vừa chiến thắng, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi thách thức và giành những thắng lợi to lớn.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Chủ tịch đã động viên các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần yêu nước, tăng cường đoàn kết, tham gia cùng Đảng xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền nhân dân trong cả nước sau khi đã thống nhất nước nhà về mọi mặt, đánh bại hai cuộc chiến tranh đầy tội ác của bọn bành trướng phương Bắc bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Trên mặt trận kinh tế, nhân dân ta đã ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục hậu quả của thiên tai và phát triển sản xuất, từng bước cải tạo kinh tế và xã hội ở miền Nam, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất ở miền Bắc, xây dựng thêm cơ sở vật chất và kỹ thuật mới, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp văn hóa và giáo dục.
Thực hiện Chương trình hành động và Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong 6 năm (từ 1977 đến 1983) đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng Đoàn Chủ tịch và Ban Thư ký đã tổ chức, triển khai các hoạt động, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên phối hợp với các cơ quan của Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân về tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Mặt trận các cấp đã tích cực phối hợp hỗ trợ các cơ quan Nhà nước triển khai thực hiện các chính sách kinh tế-xã hội, chính sách đối với nhân sĩ, trí thức, dân tộc ít người, tôn giáo, giới công thương, người Hoa, tạo sự đồng tình, nhất trí trong các tầng lớp nhân dân cùng nhau đoàn kết đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên giành thắng lợi mới.
Nguyễn Túc
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, t. 15, tr.314.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, t. 7, tr. 429.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, t. 8, tr. 66, 67.