Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Người hiện thực hóa tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về công hội

Công đoàn Việt Nam đã trải qua chặng đường gần một thế kỷ hình thành và phát triển với tầm vóc ngày càng lớn mạnh. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng nền tảng lý luận về tổ chức Công đoàn cách mạng và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chính là người đã hiện thực hóa, tạo nên những giá trị cốt lõi, nhất là về quy trình hình thành tổ chức, công tác cán bộ, phương thức hoạt động.

 Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Chủ tịch Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (năm 1929) Tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay - Nguồn: bvhttdl.gov.vn

Tổ chức Công đoàn cách mạng là tổ chức có sự gắn bó máu thịt giữa công đoàn với dân tộc, giai cấp, có sự trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập; thể hiện vai trò tiên phong trong công cuộc giải phóng dân tộc, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội; không ngừng phấn đấu sáng tạo về nội dung hoạt động, hướng vào tập hợp, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam, bảo đảm, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có tinh thần quốc tế trong sáng, xây dựng được quan hệ quốc tế với thế giới và trong khu vực trên cơ sở đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.

Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là sự vận dụng sáng tạo lý luận “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc

Tổ chức Công hội mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thiết kế là “Tổ chức công hội phải thống nhất với hệ thống từ cơ sở, cấp tỉnh và toàn quốc”, là “Tiểu tổ, chi bộ, bộ ủy viên, tỉnh hội, quốc hội”(1). Như vậy, vấn đề quyết định là xây dựng một tổ chức có tính hệ thống và thống nhất. Trên cơ sở đồng nhất về nhiệm vụ của tổ chức Công hội cách mạng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp biên soạn, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng các thành viên ưu tú của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tích cực thâm nhập phong trào công nhân, kết nạp hội viên, thành lập tổ chức Công hội. Năm 1928, công hội phát triển mạnh mẽ nhất, chủ yếu là ở các nhà máy, xí nghiệp. Đến cuối năm 1928 thì thành lập công hội cấp tỉnh. Bước đi này không chỉ xây nền móng của tổ chức mà thông qua hoạt động còn làm cho quần chúng lao động nhận thấy sứ mệnh của tổ chức.

Hội nghị đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập và chủ trì vào ngày 28-7-1929, thông qua Chương trình, Điều lệ, Phương hướng hoạt động, thành lập cơ quan tuyên truyền, cơ quan lý luận và bầu ra Ban Chấp hành lâm thời đã cơ bản hình thành một tổ chức thống nhất, có tầm vóc to lớn chứ không chỉ là một tổ chức Công hội trong phạm vi một xứ. Quyết định lịch sử này còn cho thấy, đồng thời với sự phát triển công hội, phong trào đấu tranh của công nhân chuyển biến mạnh, yêu cầu thống nhất các tổ chức công hội không chỉ là mục tiêu tự thân của tổ chức mà cũng chính là đòi hỏi của phong trào công nhân.

Hội nghị đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất đã tạo ra bước ngoặt của Công hội Đỏ, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ tổ chức Công hội, từng bước tạo thành một hệ thống trong phạm vi cả nước. Nhiều công hội ghép và công hội tổ chức theo đường phố phát triển lên thành công hội xí nghiệp. Đến đầu năm 1930, Công hội Đỏ ở miền Bắc có Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Yên, Hòn Gai, Bắc Ninh; ở miền Trung có Nghệ An, Quảng Nam; ở miền Nam có Gia Định, Biên Hòa(2). Trên báo “Lao động” số 1 (tháng 8-1929), đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã viết bài phản ánh tính đúng đắn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của việc ra đời Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ: “Chúng ta đoàn kết với nhau đã đấu tranh kịch liệt vì chúng ta khổ lắm rồi chịu không nổi nữa. Công việc của chúng ta tuy vậy còn phôi phai. Đường đi còn dài nên trách nhiệm Đại hội này to tát, mong anh chị em hết sức bàn bạc để công việc chóng tiến nhanh. Nhân thể lại có cố vấn đại biểu ở đây để bày vẽ cho chúng ta. Ta có thể chắc được rằng sau khi đại hội này thế lực của vô sản giai cấp chúng ta sẽ bành trướng”(3).

Đầu tháng 12-1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ tại một làng gần Quốc Tử Giám (Hà Nội). Hội nghị quyết định việc thống nhất các công hội địa phương lên xứ và bầu Ban Chấp hành chính thức. Sự kiện này cho thấy bước quá độ đúng đắn của Hội nghị đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất. Hội nghị đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất tạo đột phá về sự xuất hiện một tổ chức và sự lan rộng tự nguyện của tổ chức ấy chính là kiểm nghiệm thành công trong thực tiễn. Khi đã đủ điều kiện cần nhanh chóng hình thành một bộ máy chính thức để dẫn dắt tổ chức phát triển mạnh mẽ hơn.

Điều lệ Công hội, Điều lệ Tổng Công hội Đông Dương năm 1930, đã nêu rõ nhiệm vụ cụ thể của Công hội sản nghiệp và Tổng Công hội. Nếu như mục đích của Công hội sản nghiệp là: “Tập hợp công nhân nhà máy… đoàn kết họ với công nhân các công hội của tất cả các sản nghiệp khác để đấu tranh cùng họ chống lại bọn chủ và để bảo vệ những yêu sách hằng ngày của họ và những yêu sách của tất cả những người vô sản” thì mục đích của Tổng Công hội Đông Dương là: “T.c.h(4) Đông Dương thống nhất các công hội cách mạng của vô sản giai cấp Đông Dương thực hành giai cấp tranh đấu để bênh vực quyền lợi hằng ngày cho công nhân, phản đối lao tù đề huề và làm cho công nhân hoàn toàn giải phóng”. Như vậy, nhiệm vụ chung của các cấp công hội là đấu tranh vì lợi ích thiết thực của công nhân và giải phóng giai cấp; nhưng đối với Công hội sản nghiệp thì tập trung nhiệm vụ tập hợp công nhân, đoàn kết giữa các nhà máy; còn nhiệm vụ trung tâm của Tổng Công hội là thống nhất các công hội, các cấp công hội. Sự khác biệt cần thiết này dẫn đến biện pháp xử lý cũng khác nhau. Nếu như “Hội viên… không chịu tuân thủ lệnh của công hội thì khai trừ khỏi công hội”(5) còn “Công hội nào làm trái án nghị quyết hoặc Điều lệ của T.c.h.Đ.D(6) thì ủy viên T.c.h cảnh cáo, nếu không sửa đổi thì sẽ bị khai trừ”(7).

Để tổ chức Công đoàn thật sự vững mạnh, đảm đương tốt nhiệm vụ đại diện cho đông đảo người lao động là phải có đường lối đúng đắn, vừa quan tâm thường xuyên nhiệm vụ cốt lõi là quyền lợi thiết thực của đoàn viên, người lao động, vừa gắn với sự tiến bộ của xã hội; có một hệ thống tổ chức chặt chẽ, từng bước hoàn thiện sát hợp tình hình thực tiễn, lấy cơ sở làm nền tảng và có sự chỉ huy thống nhất.

Cán bộ công đoàn là những người gắn bó, thấu hiểu và một lòng hành động vì đoàn viên, vì người lao động

Những tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về cán bộ công đoàn trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” đã được kiểm nghiệm bằng chính hành động của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đó cũng chính là mong muốn gửi lại của đồng chí đối với các thế hệ cán bộ công đoàn.

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã có ba lưu ý cơ bản về cán bộ công hội(8): Thứ nhất, đó là những người làm việc trực tiếp, am hiểu tình hình đơn vị: “Mỗi chi bộ phải cử ba hoặc năm người làm ủy viên (phần nhiều nên cử những người làm trong lò đã lâu, thuộc tình hình nhiều)”. Thứ hai, khi phải chọn lựa cán bộ tham gia quyết định công việc của công đoàn thì: “Đại biểu nên cử công nhân làm, không nên cử những người chức việc trong hội”. Thứ ba, cán bộ công đoàn phải là những người nói lên tiếng nói của công nhân và có trách nhiệm báo cáo công việc của công đoàn cho công nhân: “Khi khai hội, đại biểu phải báo cáo tình trạng và ý kiến của công nhân (không phải ý kiến riêng mình), đề nghị và bàn bạc các việc. Khai hội rồi, phải về báo cáo việc hội cho công nhân”.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh không chỉ là người thực hành xuất sắc tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về xây dựng đội ngũ cán bộ đại diện cho công nhân mà còn là hiện thân sinh động của người cán bộ công đoàn gắn bó chặt chẽ với công nhân, một lòng hành động vì công nhân. Ngay khi học trường Thành Chung (Nam Định), đồng chí đã có sự đồng cảm với cuộc sống của công nhân. Khi làm việc tại xưởng in Lê Văn Tân (Hà Nội), đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã trở thành công nhân, trải nghiệm cuộc sống của công nhân. Đặc biệt, sau khi tham dự lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí vừa làm thợ quai búa ở xưởng cơ khí Ca-rông, sau đó làm phu khuân vác ở bến cảng Hải Phòng, vừa trực tiếp hoạt động, dẫn dắt phong trào đấu tranh của công nhân theo tư tưởng cách mạng. Từ đây, tư tưởng về cán bộ đại diện cho công nhân được triển khai trong thực tiễn, hình thành một đội ngũ lớn mạnh, chắc chắn làm bệ đỡ cho sự phát triển của phong trào công nhân.

Trong tác phẩm “Công nhân vận động”, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã đúc kết ba vấn đề cơ bản của người cán bộ đại diện cho công nhân: Một là, cán bộ đại diện cho công nhân phải là những người gắn bó mật thiết với cuộc sống và lao động của công nhân, trải nghiệm cuộc sống của công nhân. Muốn vận động công nhân, trước hết phải thâm nhập quần chúng công nhân: “Vô sản hóa - vào làm trong xí nghiệp của tư bản để hiểu sự bóc lột của chúng và đời sống của công nhân mà tuyên truyền vận động. Tìm cách sống trong các xóm lao động, nếu không có điều kiện vô sản hóa”; Hai là, cán bộ đại diện cho công nhân phải tìm đến công nhân tốt, tuyên truyền vận động công nhân, tiến đến giác ngộ giai cấp, kết nạp vào công hội và lan tỏa đến các công nhân khác: “Bắt mối với anh em công nhân tốt để giác ngộ và qua những người đó mà tiến hành vận động. Cách tuyên truyền: khêu gợi cảnh sống cơ cực. Lấy việc bị áp bức trực tiếp mà tuyên truyền. Nâng dần lên trình độ giác ngộ giai cấp, tìm người tốt kết nạp vào Công hội Đỏ”; Ba là, hoạt động công hội là đối mặt với thách thức, muốn thành công phải tập hợp, lôi cuốn được số đông công nhân và có biện pháp bảo vệ cán bộ công đoàn: “Cách vận động và tổ chức đấu tranh: khi đã giác ngộ được số đông quần chúng thì chuẩn bị đấu tranh. Phải nhận việc gì chủ hay tay sai gây công phẫn anh em mà nổ ra bãi công. Khi bãi công phải nêu khẩu hiệu thiết thực. Phải cử đại biểu trình bày và có kế hoạch bảo vệ đại biểu”.

Phát hiện công nhân tốt, tiến hành đào tạo, tin tưởng đề cử, nhận trọng trách đối với công nhân lâu năm là phẩm chất đặc trưng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Tại Hội nghị Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ vào đầu tháng 12-1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã đề cử đồng chí Trần Văn Lan, công nhân lâu năm, cán bộ Công hội Đỏ Nam Định làm Hội trưởng, đồng thời lựa chọn một số đồng chí khác là công nhân tham gia Ban Chấp hành Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ. Khi được giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam, một lần nữa đồng chí Nguyễn Đức Cảnh nói: “Tôi cũng là công nhân. Nhưng thời gian làm thợ chưa nhiều. Vì vậy, tôi xin đề cử đồng chí Trần Văn Lan, công nhân lâu năm vào Trung ương. Đồng chí Lan xứng đáng hơn tôi”(9).

Những đóng góp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trong xây dựng đội ngũ cán bộ công hội là minh chứng sinh động về công tác cán bộ công đoàn. Là người đại diện cho người lao động, cán bộ công đoàn phải thấu hiểu cuộc sống của người lao động; được đào tạo cần thiết và rèn luyện, kiểm nghiệm qua thực tiễn để chắt lọc một đội ngũ ưu tú có tính đặc trưng và từ đó gánh vác trọng trách phù hợp là yêu cầu cơ bản trong xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ phẩm chất để được số đông người lao động tin tưởng giao nhiệm vụ đại diện.

Tuân thủ, vận hành sinh động nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động công đoàn

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thiết lập nguyên tắc tập trung dân chủ làm cơ sở để xây dựng tổ chức Công hội là một tổ chức “chỉ huy phải mau mắn…”. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc yêu cầu hoạt động công hội phải theo nguyên tắc tập trung dân chủ: “Từ tiểu tổ đến Đại hội đều theo cách dân chủ tập trung”, dân chủ là hội viên có quyền và trách nhiệm bàn việc công hội, quyết định theo số đông: “Nghĩa là có việc gì thì ai cũng được bàn, cũng phải bàn. Khi bàn rồi thì bỏ thăm, ý kiến nào nhiều người theo hơn thì được. Ấy là dân chủ”; đồng thời, thực hiện tốt yêu cầu của tập trung là nghĩa vụ chấp hành của hội viên: “Đã bỏ thăm rồi, thì giao cho hội ủy viên làm, khi ấy thì tất cả hội viên phải theo mệnh lệnh hội ấy. Ấy là tập trung. Ai không nghe lời thì ủy viên hội có quyền phạt”; đặc biệt coi trọng việc phát huy vai trò của người đứng đầu: Gặp việc bất thường không kịp khai hội, thì ủy viên có quyền xử trí, sau báo cáo cho hội. Gặp việc bất thường lắm, thì hội ủy viên cứ phép giao quyền cho một người, người này có quyền quyết định, rồi báo cáo với hội.

Hội nghị đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập và chủ trì đã phản ánh một cách sinh động việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, cụ thể các đại biểu được triệu tập, nhưng không thể tham dự phải thực hiện ủy quyền cho ban tổ chức hội nghị, các đại biểu tham dự được yêu cầu dân chủ thảo luận…

Dân chủ là nguyên tắc được đồng chí Nguyễn Đức Cảnh rất chú trọng để phát huy trí tuệ, tạo sự thống nhất của cán bộ công hội ở các cấp. Báo chí của Công hội Đỏ là diễn đàn trao đổi về lý luận, về đường lối cũng như kinh nghiệm hoạt động của công hội. Tạp chí “Công hội Đỏ” số 2 mở đầu cho diễn đàn trao đổi về nhiệm vụ của tổ chức Công hội: “Công việc vận động tổ chức công-hội ở Đông dương - Tính mệnh của anh em, chị em ta đều ở việc này. Sau bài này của anh VS tất cả các anh em phải hết sức suy nghĩ xem ý kiến của anh ấy có đúng không. Nếu còn sai lầm thì bản chí yêu cầu anh em bàn thêm và góp cả ý kiến của nhiều anh em, chị em thì kế hoạch của mình mới có thể đúng được”. Báo “Lao động” đảm nhận nhiệm vụ trao đổi kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của công hội trong nước và quốc tế. Trên báo “Lao động” số 4, có bài viết chỉ rõ bài học kinh nghiệm trong tổ chức cuộc đấu tranh ở Nam Định thành công là do: “... mình đoàn kết lại, đồng tâm mà phấn đấu thì việc gì cũng làm được”; thẳng thắn nêu lên bài học thất bại của cuộc đấu tranh ở nhà máy gạch Hưng Ký, Bắc Ninh ngày 30-9: “Chỉ vì anh chị em tổ chức công hội chưa vững, chưa có quỹ bãi công, lại không kịp thông tin cho anh em, chị em các tỉnh biết”; nêu bài học của cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy tơ Thượng Hải đạt kết quả chưa cao vì: (i) Các chị em cứ ở trong nhà không ra ngoài tuyên truyền cổ động, nên không đâu biết mà hưởng ứng; (ii) các chị em không phái đại biểu đến giao tiếp với chủ; (iii) các điều yêu cầu của chị em không xác thực đến lợi ích của mình; (iiii) chính phủ Quốc dân Đảng - (tức chính phủ quân phiệt, Tưởng Giới Thạch đứng đầu) làm chó săn cho tụi tư bản, đem quân lính đến đàn áp.

Cơ sở rất quan trọng để tổ chức Công hội vận hành tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, chính là phương thức lãnh đạo của Đảng. Nghiên cứu Án nghị quyết của Trung ương toàn thể Đại hội năm 1930 của Đảng đã phản ánh một cách xuyên suốt quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trình bày trong “Đường Kách mệnh” về tổ chức Công hội cách mạng: “... việc tổ chức công hội cho vững bền và công tác cách mạng trong công hội để lãnh đạo thợ thuyền tranh đấu, là công việc cốt yếu và cần kíp của Đảng. Nếu đảng viên và những người chỉ huy công hội không nhận rõ ý nghĩa và sự quan trọng của công nhân vận động thì trong công tác hằng ngày không tránh khỏi những điều sai lầm lớn”. Đảng lãnh đạo công hội, nhưng có những khác biệt nhất định về tổ chức Đảng với tổ chức Công hội và điều quan trọng là Đảng thực hiện lãnh đạo không phải bằng mệnh lệnh: “Công hội với Đảng quan hệ với nhau lại càng cốt yếu. Đảng phải lãnh đạo công hội, nhưng tổ chức của Đảng và tổ chức của hội phải riêng nhau. Đảng phải do đảng đoàn mà lãnh đạo công hội. Khi đảng đoàn muốn đem ý kiến gì của Đảng mà thi hành trong công hội thì phải dùng cách đề nghị và giải thích, chớ không được lấy danh nghĩa Đảng mà hạ mệnh lệnh”.

Qua quá trình tổ chức và lãnh đạo Công hội Đỏ của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, nhận thấy, việc sử dụng nhuần nhuyễn nguyên tắc tập trung dân chủ đã tạo nên sức mạnh của tổ chức Công hội. Sức mạnh từ mỗi hội viên có trách nhiệm thảo luận, quyết định và thực hiện nhiệm vụ tạo nên sức mạnh tổng hợp, sức mạnh bên trong của tổ chức. Sức mạnh tự giác ấy phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội tạo nên sự bền vững của một tổ chức trước mọi sự tấn công của các thế lực thù địch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xếp đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vào hàng “tiên liệt”, anh dũng hy sinh vì Đảng, vì giai cấp công nhân, vì dân tộc. Dù tình hình thực tế ở mỗi giai đoạn lịch sử có sự khác biệt nhất định, nhưng nhiều vấn đề lớn của tổ chức Công hội được đồng chí Nguyễn Đức Cảnh xây dựng vẫn là bài học sinh động, nhất là bài học về xây dựng tổ chức, công tác cán bộ và nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây thật sự là những bài học có giá trị bền vững để cán bộ công đoàn hiện nay tiếp tục suy ngẫm, tiếp tục phát triển trong bối cảnh mới - khi mà đoàn viên công đoàn khu vực ngoài nhà nước trở thành số đông và ở đó công đoàn muốn thật sự có chỗ đứng trong lòng của đông đảo quần chúng lao động thì không thể không đảm nhận tốt vai trò đại diện được luật pháp quy định, được thực tiễn kiểm chứng và được người lao động tin tưởng giao phó và mong muốn./.

-----------------------------------------------------------------

(1), (8), (10) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, t.1, tr. 71, 69; tr. 68 - 70; tr. 68

(2) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Lịch sử Công đoàn Việt Nam, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2003, t.1, tr. 96 - 98

(3) Báo “Lao động”, cơ quan thông tin tuyên truyền của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, số 1 ra mắt ngày 14-8-1929

(4) Ghi chú: “T.c.h” viết tắt của từ “Tổng Công hội”

(5) Điều lệ Công hội sản nghiệp năm 1930

(6) Ghi chú: “T.c.h.Đ.D” viết tắt của từ “Tổng Công hội Đông Dương”

(7) Điều lệ Tổng Công hội Đông Dương năm 1930

(9) Theo lời kể của đồng chí Trịnh Đình Cửu, ngày 14-3-1976

Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Theo Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều