Năng động, sáng tạo, quyết liệt trong triển khai thực hiện đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế
Đồng chí Phan Văn Khải sinh ra, lớn lên, hoạt động cách mạng, làm việc ở cả hai miền Nam, Bắc. Nhờ được đào tạo bài bản, cố gắng rèn luyện, phấn đấu, đồng chí được cất nhắc làm công tác lãnh đạo, quản lý khi tuổi còn khá trẻ; được ở gần, cộng tác và giúp việc cho nhiều đồng chí lãnh đạo có trình độ, năng lực, tâm huyết, đã hun đúc nên trong con người đồng chí nhiều phẩm cách đáng quý. Bề ngoài là một con người thâm trầm, sâu sắc, nhưng bên trong lại luôn nhiệt huyết, trăn trở tìm tòi, học hỏi để làm việc và làm việc hiệu quả nhất. Từ năm 1976 đến năm 1985, khi làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Thành phố Hồ Chí Minh và đặc biệt khi giữ cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1985 đến tháng 3-1989, đồng chí có điều kiện phát huy sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố lớn nhất cả nước, nơi khởi phát và hình thành nhiều quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn đầu của quá trình đổi mới.
Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh suy nghĩ, tìm tòi để thực hiện đường lối đổi mới, cải thiện đời sống nhân dân, kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 1988, với trọng trách là người đứng đầu chính quyền thành phố, đồng chí đã đề xuất Bộ Chính trị cho phép thành lập đoàn đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh, xin visa với danh nghĩa Trưởng đoàn doanh nhân đi nghiên cứu, tìm hiểu mô hình kinh tế thị trường và kêu gọi thu hút đầu tư ở 4 nước Đông Nam Á. Đây là một việc làm thể hiện sự năng động, sáng tạo của ông khi ở thời điểm đó, việc kêu gọi đầu tư nước ngoài vẫn là một điều hết sức mới mẻ với Việt Nam. Nhưng đây là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp ông tích lũy kinh nghiệm, phát triển tư duy lãnh đạo, quản lý, điều hành để sau này khi đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo cao hơn, đặc biệt là khi làm Thủ tướng Chính phủ (1997 - 2006), ông có điều kiện thể hiện sự năng động, nhạy bén và quyết liệt của mình trong thực hiện đường lối đổi mới.
|
|
Trước hết, Thủ tướng Phan Văn Khải rất quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường, giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế, tạo nền tảng cho việc Nhà nước chuyển phương thức quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tổ chức, quản lý, giám sát theo nguyên tắc công khai, minh bạch. Đồng chí từng nói: “Trước đây, cơ quan kế hoạch làm kế hoạch cho toàn quốc, làm kế hoạch cho tất cả các ngành, các địa phương và giao chỉ tiêu cho đến xí nghiệp. Một câu hỏi đặt ra là mình phải hiểu kinh tế thị trường thì mới nói là mình đi theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mình phải hiểu thì mình mới rõ, mới biết được… Kinh tế thị trường chính là để thị trường nó quyết định, sản xuất cái gì là do thị trường quyết định..., chứ không phải từ chủ quan của Chính phủ, theo suy nghĩ tập trung của Chính phủ thì không phù hợp với thị trường, thì không thể có hiệu quả được”(1). Trong bài phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa X, ngày 30-9-1997, đồng chí nhấn mạnh một trong những ưu tiên trong định hướng chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ mới là “hoàn chỉnh khung pháp lý tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đi đôi với cơ chế kiểm soát độc quyền kinh doanh”(2). Thấu suốt định hướng này, trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Phan Văn Khải đã lãnh đạo Chính phủ lần đầu tiên xây dựng và đưa vào cuộc sống các văn bản quan trọng, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, văn kiện Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), văn kiện Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học - công nghệ… Đó là những cơ chế, chính sách rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 1999 có nhiều điểm mới, tiến bộ. Đồng chí mạnh dạn nêu quan điểm và ủng hộ quyết liệt các nội dung mới trong Luật, ví như quan điểm “người dân có thể làm bất kể việc gì mà pháp luật không cấm” thay cho quan điểm “người dân chỉ có thể làm những gì cho phép” đã tồn tại trong một thời gian dài trước đó hoặc tư tưởng “Nhà nước chỉ làm những gì người dân không làm được hoặc không muốn làm”. Có thể nói, đây là một văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cởi trói và mở đường cho sự phát triển kinh tế nói chung, cho sự phát triển của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế nói riêng, nhất là kinh tế tư nhân.
Một sáng tạo của Thủ tướng Phan Văn Khải vào thời điểm này là sau khi Luật Doanh nghiệp được thông qua, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thi hành Luật. Trong vòng 58 ngày sau khi Luật có hiệu lực thi hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn. Đồng chí ký quyết định thành lập Tổ thi hành luật do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đứng đầu. Nhờ sự hoạt động năng nổ, quyết liệt của Tổ thi hành luật và sự vào cuộc rất tận tâm, tận lực của Thủ tướng Phan Văn Khải, mà trong một thời gian rất ngắn đã xóa được một số lượng lớn các giấy phép con - nguồn cơn của cơ chế xin - cho hay vấn nạn lót tay (bằng khoảng 1/2 giấy phép con lúc bấy giờ)(3). Đây là một quyết định vô cùng kịp thời, dũng cảm của người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ, bởi thực chất việc cắt giảm giấy phép con là giảm bớt, thậm chí cắt bỏ quyền lực của nhiều bộ, ngành để cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt, tiến tới ngăn chặn, đẩy lùi cung cách làm việc còn quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu của bộ máy nhà nước, trước hết là của các cơ quan hành chính trong việc chấp hành thể chế và thủ tục liên quan trực tiếp đến đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, không ít bộ, ngành và những người có quyền lực trong bộ máy đã phản ứng quyết định này của Thủ tướng. Về điều này, tháng 8-2000, trả lời phỏng vấn Báo Diễn đàn doanh nghiệp, đồng chí chỉ rõ: “Một bộ máy vốn quen với cơ chế xin - cho, quen cấp phép, nay bỏ những cái không cần và gây hại, đương nhiên, không ít người bỡ ngỡ. Theo tôi, sự phản ứng là điều dễ hiểu”(4). Câu trả lời đó, hàm ý người đứng đầu Chính phủ đã lường đoán được sự phản ứng từ phía một số người đứng đầu bộ, ngành. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, xuất phát vì lợi ích chung, Thủ tướng đã quyết liệt thực hiện và thực tiễn chính là thước đo của những quan điểm sáng tạo, làm thay đổi dần suy nghĩ thiển cận trong quản lý của một số cán bộ lãnh đạo.
Hai là, Thủ tướng Phan Văn Khải rất quan tâm đến sự hình thành, phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân và kinh tế tư nhân.
Ngay từ khi phụ trách xây dựng Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 vào những năm 1989 - 1990, khi còn là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, ông đã nhận ra tầm quan trọng, vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Ông nói: “Nhân vật trung tâm để chấn hưng kinh tế đất nước là các nhà kinh doanh thuộc nhiều tầm cỡ từ người chủ kinh tế gia đình gắn với thị trường đến những nhà đầu tư và quản lý những doanh nghiệp lớn”(5).
Sau khi nhậm chức Thủ tướng Chính phủ không lâu, đồng chí Phan Văn Khải đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc gặp gỡ, đối thoại thẳng thắn và cởi mở với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, tổ chức tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng về hoạt động của các doanh nghiệp trong thời kỳ đổi mới để cùng nhau tìm ra các biện pháp mới, có hiệu quả hơn nữa, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp. Thông qua cuộc gặp gỡ này, các doanh nghiệp có cơ hội được trình bày tâm tư, nguyện vọng chính đáng và những đề xuất, kiến nghị với người đứng đầu Chính phủ về các điều kiện, môi trường kinh doanh. Ngược lại, người đứng đầu Chính phủ được lắng nghe trực tiếp tiếng nói của đội ngũ doanh nghiệp. Ngày 9-1-1998, trong bài phát biểu với đại diện các doanh nghiệp và các nhà khoa học - công nghệ tại Hà Nội, Thủ tướng Phan Văn Khải chia sẻ với những khó khăn, bức xúc từ phía doanh nghiệp và thấu hiểu: “Tôi rất hiểu rằng các thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp… Cần khắc phục tình trạng lâu nay không xử lý kịp thời những điểm không nhất trí giữa cơ quan chức năng với doanh nghiệp, trong đó có nhiều điểm về cơ chế, chính sách rất bức xúc đối với họat động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tôi thay mặt Chính phủ cam kết với các bạn rằng, những vụ việc như thế nhất định phải được đối thoại và xử lý kịp thời, tạo thuận lợi đến mức cao nhất cho doanh nghiệp tiến hành sản xuất, kinh doanh. Cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, những phiền hà đó sẽ được lọai bỏ dần dần”(6). Ngay trong năm 1999, Luật Doanh nghiệp ra đời và loại bỏ 50% giấy phép con chính là sự cụ thể hóa cam kết của người đứng đầu Chính phủ đối với việc tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp và loại bỏ sự nhũng nhiễu của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của các doanh nghiệp.
Thủ tướng nhiều lần khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cam kết tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện đến mức cao nhất cho các doanh nghiệp phát triển vì lợi ích cho mỗi doanh nhân, doanh nghiệp và của cả đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh, quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp là quan hệ gắn bó, hợp tác vì lợi ích chung, không phải là quan hệ cấp trên, cấp dưới. Theo tinh thần đó, “doanh nghiệp là nơi sản xuất ra sản phẩm cho xã hội, tiến hành các hoạt động kinh doanh có lợi cho mình và cho đất nước, còn cơ quan nhà nước có trách nhiệm tiến hành các dịch vụ, trước hết là dịch vụ hành chính phục vụ doanh nghiệp… Trong mối quan hệ đó, không nên có hàng rào ngăn cách giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp theo kiểu cấp trên, kẻ dưới, cơ quan quản lý và người bị quản lý dường như đối lập nhau”(7). Do vậy, “nếu doanh nghiệp có kiến nghị về cơ chế, chính sách mà công văn gửi theo đường hành chính bị “ngâm cứu” quá lâu, không được giải quyết kịp thời, xin đề nghị các bạn trực tiếp gửi thư cho Thủ tướng hoặc các Phó Thủ tướng”(8).
Thủ tướng Phan Văn Khải là người xác lập mục tiêu phấn đấu đến năm 2010, Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp; và quyết định lấy ngày 13-10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Thứ ba, năng động, sáng tạo trong hội nhập quốc tế.
Thủ tướng Phan Văn Khải là người có tư tưởng đổi mới và hội nhập, đi đầu trong việc thực hiện đường lối hội nhập quốc tế của Đảng, nhất là với Hoa Kỳ. Đồng chí dành nhiều thời gian và rất sát sao chỉ đạo các bộ, ngành đàm phán về Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ. Sau nhiều lần trì hoãn, Hiệp định này đã được ký kết vào tháng 7-2000, đánh dấu bước tiến lịch sử trong quá trình bình thường hóa toàn diện quan hệ giữa hai nước, mở ra một thị trường rộng lớn bậc nhất thế giới. Cũng trong nhiệm kỳ của đồng chí, các bộ, ngành của Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm 2006, chính thức hóa quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trên phạm vi toàn cầu, tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam phát triển trong các giai đoạn sau này.
Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là lãnh đạo cấp cao nhất, kể từ năm 1975 tính đến thời điểm đó, có chuyến thăm lịch sử tới nước Mỹ vào năm 2005. Chuyến đi đó đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên một cấp độ mới, góp phần chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao APEC tại Hà Nội vào năm 2006, cũng như kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), khai thông con đường đưa nước ta tham gia tổ chức này và hưởng quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn.
Phát triển lý tưởng cách mạng, tạo đột phá trong tư duy chiến lược gắn với khát vọng đổi mới, phát triển đất nước
Không chỉ năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Thủ tướng Phan Văn Khải còn là một con người có tầm nhìn chiến lược, dự báo được nhiều vấn đề lớn mà cho đến ngày nay, chúng ta vẫn đang tiếp tục thực hiện quan điểm của đồng chí. Sự vượt trước, sáng tạo trong tư duy của Thủ tướng được thể hiện trong các bài nói, tác phẩm mà đồng chí để lại và qua thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là quãng thời gian gần hai nhiệm kỳ là người đứng đầu Chính phủ (1997 - 2006).
Đồng chí nhận thức được tầm quan trọng, vai trò của thể chế, chính sách, pháp luật, nguồn lực to lớn từ nhân dân. Do vậy, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành Chính phủ, đồng chí rất quan tâm và dành nhiều thời gian cho quá trình xây dựng pháp luật, để góp phần cởi trói, giải phóng các nguồn lực. Minh chứng cho điều này là trong thời kỳ làm Thủ tướng, một loạt cơ chế, chính sách quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội đã được ban hành, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp và việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là kinh tế tư nhân. Đồng chí hiểu được những khó khăn, thách thức của quá trình đổi mới, nhưng trong thực hiện chức trách của mình, Thủ tướng Phan Văn Khải luôn tâm niệm lời dạy trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công việc đất nước sau ngày kháng chiến thắng lợi. “Đây là cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Do vậy, ông đã kiên trì và quyết tâm cùng tập thể Chính phủ có gắng tập trung xây dựng thể chế, chính sách, mặc dù đã “động chạm” tới không ít các bộ, ngành.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thể hiện quan điểm về việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, hiệu lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế; chủ trương kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, xây dựng một số doanh nghiệp nhà nước đầu đàn về công nghệ và chất lượng sản phẩm, có năng lực cạnh tranh cao; đồng thời, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp không có vai trò quan trọng, làm ăn thua lỗ.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997 gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế thế giới, Thủ tướng Phan Văn Khải chủ trương và tập trung đổi mới, lành mạnh hóa hệ thống tài chính - tiền tệ, đặc biệt là việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm sự vận hành an toàn của hệ thống tài chính - tiền tệ. Trong nhiệm kỳ của mình, đồng chí cũng tập trung lãnh đạo đổi mới mạnh mẽ chính sách tài chính - tiền tệ hướng vào mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, bảo đảm nguồn thu của Nhà nước, đồng thời tăng sức cạnh tranh và độ an toàn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với khu vực và thế giới.
Trong định hướng, tầm nhìn, đồng chí đặc biệt chú ý đến việc xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Định hướng chương trình hành động của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới trình bày tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa X, ngày 30-9-1997, ông nhấn mạnh: Chính phủ sẽ dành nhiều công sức để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, hình thành đầy đủ, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi kinh tế và thị trường ngầm, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh giữa mọi doanh nghiệp; xác định những lĩnh vực và ngành cần bảo đảm nhất quán sự quản lý tập trung thống nhất của Trung ương, đồng thời đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương; tinh giản cơ quan hành chính địa phương(9).
Trong bài phát biểu cuối cùng trước Quốc hội, ông một lần nữa nhấn mạnh đến việc phân cấp, phân quyền trong các cơ quan nhà nước. Theo đó, cần phân cấp mạnh hơn cho các bộ và chính quyền địa phương, đồng thời bổ sung, hoàn chỉnh hành lang pháp lý để bảo đảm sự thống nhất về thể chế khi đã phân cấp. Theo ông, để đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ phải sớm khắc phục được tình trạng Thủ tướng và các Phó Thủ tướng bị sa vào quá nhiều vụ, việc cụ thể, không dành đủ thời gian, tâm sức cho những nhiệm vụ quan trọng, những vấn đề cơ bản và lâu dài; việc gì của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, còn việc gì phải phân cấp mạnh hơn thì chúng ta mới lo được những vấn đề có tính chất chiến lược, lâu dài(10).
Để phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế, ông đặc biệt chú ý đến việc bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người cả về thể chất, trí tuệ và tâm hồn, vun đắp khát vọng, ý chí vươn lên và tạo điều kiện để mọi người phát huy hết khả năng hoạt động, vì lợi ích của mình và của quốc gia. Đó là nguồn lực to lớn nhất và không bao giờ ngừng cạn của sự phát triển đất nước(11). Và để phát huy nhân tố con người, trong nhiều việc phải làm thì nâng cao trí tuệ và thực hành dân chủ là hai mặt quan trọng nhất và đang cần được đặt thành trọng tâm trong công cuộc đổi mới, để tạo sức bật của đất nước.
Những quan điểm của Thủ tướng Phan Văn Khải so với hiện tại không phải là mới, nhưng đề cập ở thời điểm cách đây 20 năm trước thì lại rất mới, sáng tạo và hiện nay, Đảng và Nhà nước vẫn đang tiếp tục thực hiện quan điểm phát triển đó.
Nhờ sự năng động, sáng tạo trong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cũng như tư duy, tầm nhìn vượt trước ở nhiều vấn đề chiến lược, đồng chí đã cùng với Chính phủ lãnh đạo đất nước vượt qua giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong 9 năm trên cương vị Thủ tướng Chính phủ (1997 - 2006), kết quả của sự lãnh đạo quyết liệt, tâm huyết của đồng chí là tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt 7%/năm, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nợ công không quá 50% GDP.
Quá trình kết tinh, hội tụ, chọn lọc và không ngừng nâng tầm tư duy năng động, sáng tạo của Thủ tướng Phan Văn Khải
Kết quả quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động của Thủ tướng Phan Văn Khải trong quá trình công tác, nhất là trong gần hai nhiệm kỳ giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ đã chứng minh cho sự năng động, sáng tạo của đồng chí. Câu hỏi đặt ra là, nguyên nhân hay yếu tố nào làm nên sự năng động, sáng tạo, tư duy đổi mới, vượt trước của Thủ tướng Phan Văn Khải? Nghiên cứu lịch sử quá trình công tác, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trên các cương vị công tác của Thủ tướng Phan Văn Khải, có thể lý giải qua một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, đồng chí là người được đào tạo bài bản, có hiểu biết sâu rộng về lý luận và thực tiễn.
Thủ tướng Phan Văn Khải được Nhà nước cử đi đào tạo về kinh tế kế hoạch tại Đại học Kinh tế quốc dân Mát-xcơ-va (Liên Xô). Ông sống, học tập và hoạt động cách mạng ở cả hai miền Nam, Bắc, trải qua nhiều cương vị, ở nhiều cơ quan khác nhau, nhưng gắn bó nhiều nhất với ngành kế hoạch. Bản thân ông là người ham học, ham đọc, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, do vậy, đồng chí rất am hiểu lý luận. Đây là cơ sở, tiền đề rất quan trọng để đồng chí có những tư duy, cách thức, cũng như những quyết định đầy sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành.
Đặc biệt, đồng chí sống, làm việc nhiều năm ở Thành phố Hồ Chí Minh, đô thị năng động, phát triển nhất cả nước, cũng là nơi khởi nguồn của nhiều cơ chế, chính sách mới trong cả nước. Tại đây, ông được gần gũi, học tập, làm việc và dìu dắt của nhiều cán bộ giỏi, trách nhiệm, tâm huyết với sự phát triển của Thành phố và cả nước. Đây là những điều kiện ban đầu rất quan trọng góp phần hình thành và phát triển những tố chất lãnh đạo của ông. Đặc biệt, sau này, trong những năm 1985 đến tháng 3-1989, khi là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông có điều kiện phát huy năng lực, tư duy sáng tạo của mình trong những quyết sách đối với sự phát triển của Thành phố. Từ tháng 4-1989 đến tháng 6-1991, ông làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Kinh qua các vị trí công tác này giúp đồng chí có nhiều cơ hội tiếp xúc và thấu hiểu các vấn đề kinh tế nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Có thể nói, ở các cương vị này đã góp phần quan trọng để ông trưởng thành về mặt tư duy, trang bị tri thức lý luận và thực tiễn, trong đó có sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành khi trở thành Phó Thủ tướng, đặc biệt là giai đoạn đảm nhận chức vụ Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, ông luôn trăn trở, tâm huyết vì sự phát triển của đất nước và cuộc sống của nhân dân.
Trên các cương vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ông luôn trăn trở, tâm huyết, tìm tòi vì sự phát triển của đất nước và cuộc sống của nhân dân. Sự lo toan, trăn trở, suy nghĩ tìm lối ra, con đường phát triển và nâng cao đời sống của nhân dân góp phần hình thành và phát triển tư duy năng động, sáng tạo của ông trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, ra các quyết sách quan trọng trong điều hành kinh tế - xã hội.
Không chỉ trăn trở trong lãnh đạo, quản lý, mà đồng chí cũng trăn trở, day dứt về những điều chưa làm được hoặc làm chưa tốt trong nhiệm kỳ của mình. Thủ tướng Phan Văn Khải nói: “Điều tôi trăn trở là vì sao nhiều mặt yếu kém về kinh tế - xã hội và bộ máy công quyền đã được nhận thức từ lâu, đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp khắc phục, nhưng sự chuyển biến rất chậm, thậm chí có những mặt diễn biến xấu hơn”(12).
Thứ ba, đồng chí thành lập Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, với những chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm để giúp tham mưu nhiều quyết sách trong quá trình điều hành đất nước.
Đồng chí thành lập Ban Nghiên cứu của Thủ tướng (tiền thân là Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định thành lập năm 1993, đến năm 1996 đổi tên thành Tổ Nghiên cứu đổi mới kinh tế - xã hội và hành chính), tập trung nhiều chuyên gia đầu ngành, có tư duy đổi mới, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hầu hết thành viên của Ban Nghiên cứu đều chuyên làm công tác nghiên cứu, không giữ chức vụ trong bộ máy hành chính nhà nước, một số đã về hưu. Do đó, các thành viên trong Ban làm việc với tinh thần khách quan, cởi mở, thẳng thắn, cầu thị khi thảo luận với nhau cũng như khi báo cáo kiến nghị với Thủ tướng.
Ngay từ khi thành lập, Ban Nghiên cứu đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, không qua trung gian. Các thành viên làm việc với tư cách chuyên gia, có thể báo cáo và kiến nghị với Thủ tướng ý kiến riêng của mình, kể cả ý kiến đó khác với Trưởng Ban và các thành viên khác. Thủ tướng Phan Văn Khải trực tiếp nghe, đọc báo cáo, kiến nghị và đề ra yêu cầu cho Ban Nghiên cứu. Trong chỉ đạo, điều hành Chính phủ, trước những vấn đề lớn của đất nước, đồng chí đều tham khảo ý kiến đóng góp của Ban Nghiên cứu. Phần lớn các kiến nghị của Ban Nghiên cứu được Thủ tướng chấp thuận, được cụ thể hóa thành các quyết định hành chính để đi vào cuộc sống.
Có thể nói, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng đã thực hiện được nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng, đặc biệt là trong việc nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị với Thủ tướng nhiều quan điểm, cơ chế, chính sách đổi mới, đột phá về kinh tế - xã hội. Nhờ đó, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành Chính phủ, nhiều ý tưởng mới, đột phá đã được hình thành từ Ban Nghiên cứu, được Thủ tướng ủng hộ, đồng tình, chuyển thành các quyết định chính sách; ngược lại, có nhiều tư tưởng, quan điểm đổi mới của Thủ tướng có sự thẩm định, đóng góp ý kiến của Ban Nghiên cứu.
Thứ tư, ông được thừa hưởng, học tập các thế hệ lãnh đạo tiền bối, đặc biệt là từ Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Thủ tướng Phan Văn Khải có thời gian dài gần gũi, làm việc, là cấp dưới của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nên có điều kiện học hỏi, quan sát và chịu ảnh hưởng từ tư duy, phong cách lãnh đạo và cũng là người phát huy những dấu ấn quan trọng do các Thủ tướng khác để lại, nhất là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng nâng lên một tầm cao mới, hội nhập sâu rộng hơn. Từ năm 1976, khi đồng chí được Trung ương phân công trở lại Thành phố Hồ Chí Minh và được cử giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Thành phố cho ông Võ Văn Kiệt (khi đó là Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Thành phố Hồ Chí Minh). Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, khi Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt xuống cơ sở ủng hộ xé rào, bản thân ông được tạo điều kiện cùng đi khảo sát cơ sở . Trong các cuộc làm việc này, sau khi lắng nghe ý kiến của các giám đốc nhà máy và ban, ngành phát biểu, đồng chí Võ Văn Kiệt thường yêu cầu đồng chí Khải có ý kiến trước khi đưa ra kết luận. Từ Sài Gòn cho đến Bách Thảo, ông Phan Văn Khải luôn là một cộng sự tốt của ông Võ Văn Kiệt(13).
Chính Thủ tướng Phan Văn Khải từng tâm sự: “Đối với tôi thì có thể nói đồng chí Võ Văn Kiệt đi làm việc ở đâu trong quá trình chúng ta đổi mới thì chỗ làm việc doanh nghiệp nào cũng có tôi đi theo. Tôi đi theo nghe đồng chí có ý kiến mới thì về tôi hình thành ra những văn bản, ra những chỉ thị, ra những quyết định của ủy ban rồi mới thi hành được. Trong quá trình đó, có thể nói, đồng chí Võ Văn Kiệt có vai trò quan trọng với tôi, giúp tôi hình thành những ý tưởng về đổi mới và biến những ý tưởng đó thành những cơ chế, thành những chính sách, thành những quyết định, thành những chủ trương của Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, tôi thấy rằng cũng có những đóng góp của mình vào sự nghiệp đổi mới của Thành phố Hồ Chí Minh và sau này Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm cho đổi mới của cả nước chúng ta”(14).
Với 85 tuổi đời (1933 - 2018), hơn 70 năm hoạt động cách mạng, 55 tuổi Đảng, những cống hiến và đóng góp của cố Thủ tướng Phan Văn Khải cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc luôn in đậm trong các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng chí không chỉ là một nhà lãnh đạo tài năng, tâm huyết, cẩn trọng, mà còn là một tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hết mực yêu mến. Kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của ông (25-12-1933 - 25-12-2023), chúng ta nguyện học tập, noi gương đồng chí, quyết tâm nỗ lực phấn đấu, góp sức vào công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, mà ông chính là người có công lao lớn trong việc triển khai và hiện thực hóa đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng./.
-------------------
(1) Thủ tướng Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 57
(2) Phan Văn Khải: Phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 23
(3) Xem: Trần Xuân Giá: Những dấu ấn của anh Khải, in trong sách Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo kỹ trị, đổi mới và nhân hậu, Nxb. Thế giới, 2018, tr. 67-70
(4) Phan Văn Khải: Phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Sđd, tr. 170
(5) Trần Đức Nguyên: Thủ tướng của tinh thần đổi mới, in trong sách Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo kỹ trị, đổi mới và nhân hậu, Sđd, tr.27
(6) Phan Văn Khải: Phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Sđd, tr. 144
(7) Phan Văn Khải: Phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Sđd, tr. 143
(8) Phan Văn Khải: Phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Sđd, tr. 144
(9) Phan Văn Khải: Phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Sđd, tr. 35-36
(10) Xem: Bài phát biểu cuối cùng của Thủ tướng Phan Văn Khải trước Quốc hội, năm 2006, in trong sách Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo kỹ trị, đổi mới và nhân hậu, Sđd, tr. 184
(11) Xem: Bài phát biểu cuối cùng của Thủ tướng Phan Văn Khải trước Quốc hội, năm 2006, in trong sách Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo kỹ trị, đổi mới và nhân hậu, Sđd, tr. 175
(12) Xem: Bài phát biểu cuối cùng của Thủ tướng Phan Văn Khải trước Quốc hội, năm 2006, in trong sách Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo kỹ trị, đổi mới và nhân hậu, Sđd, tr. 178
(13) Xem: Nguyễn Văn Kích: Tư duy lớn của một nhà cải cách, in trong sách Thủ tướng Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Sđd, tr. 454-455
(14) Lược ghi lời Thủ tướng Phan Văn Khải trong phóng sự Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tâm sự do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện năm 2014, in trong sách Thủ tướng Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Sđd, tr. 56-57
PGS, TS PHẠM MINH TUẤN
Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản
Theo Tạp chí Cộng sản