Giá trị và ý nghĩa Đại hội toàn quốc đầu tiên của Mặt trận

(Mặt trận) - Trong lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt được coi là lần đầu tiên có một kỳ Đại hội Mặt trận công khai dân chủ, tính từ khi nước ta có hình thức tổ chức Mặt trận đầu tiên ra đời. Đại hội được tổ chức từ ngày 3 đến ngày 7/3/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Tuyên Quang ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951) tuyên bố Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam.

Đây là Đại hội toàn quốc đầu tiên có nhiều sự kiện lịch sử hết sức quan trọng, ngoài việc tổ chức công khai dân chủ, Đại hội có đông đủ đại biểu cả nước đại diện cho các đảng phái, tôn giáo, các giới đồng bào, các ngành… tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất về dự. Dự Đại hội còn có các đoàn khách quốc tế như Hoàng thân Xupha Nuvông, Nuhắc, đại diện cho Mặt trận Ítxala của Lào; Sơn Ngọc Minh, Tuxamút, đại điện cho Mặt trận Ítxarắc của Campuchia.

Ngoài việc đưa ra bàn và quyết định nhiều nội dung quan trọng có tính chất nền tảng của Mặt trận do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II vừa chỉ ra, tại buổi khai mạc Đại hội Mặt trận, Đảng Lao động Việt Nam đã làm lễ ra mắt trước các đại biểu toàn dân tộc Việt Nam và xin gia nhập làm thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cũng tại Đại hội Mặt trận này, câu nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra lần đầu và ghi bút tích trong cuốn sổ danh dự của Đại hội (báo Cứu quốc ra ngày 2/4/1951 đã chụp và đăng bút tích này).

Đại hội Mặt trận thống nhất Việt Nam được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Kim Hùng/TTXVN 

Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt có chủ đề xuyên suốt là phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất. Việc tổ chức Đại hội là để cụ thể hoá một bước đường lối cách mạng Việt Nam, đề ra các chủ trương, biện pháp công tác Mặt trận đã được Đại hội Đảng vừa kết thúc trước đó chỉ ra, góp phần đưa cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc mau chóng đi đến thắng lợi. Ngay trước thềm Đại hội, trong báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác Mặt trận do đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng trình bày tại Đại hội Đảng đã phân tích và đi đến kết luận, Mặt trận là vấn đề thời sự và công tác Mặt trận phải được đặt thành vấn đề cấp thiết lúc này và cần phải thấm nhuần cho được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết để ai nấy cũng đều ý thức sâu sắc và có tinh thần kiên quyết thực hiện công tác Mặt trận.

Chính vì vậy, chỉ riêng việc có mặt đông đủ các đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, các giới đồng bào, thành phần xã hội về tham dự Đại hội Mặt trận đã nói lên tất cả ý nghĩa của chủ trương lớn về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất. Với sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất xúc động bày tỏ: “Lòng sung sướng ấy là chung của cả toàn dân, của cả Đại hội, nhưng riêng cho tôi là một sự sung sướng không thể tả. Một người đã cùng các vị tranh đấu bấy nhiêu năm cho khối đại đoàn kết toàn dân. Hôm nay, trông thấy rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, và nó có một cái tương lai “Trường xuân bất lão”1.

Qua gần 5 năm, tính từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (20/12/1946), Nhân dân ta đã đạt được nhiều thành tích không chỉ trên chiến trường mà ngay cả trong xây dựng chế độ dân chủ mới, mở rộng các phong trào thi đua ái quốc và vận động Nhân dân thực hiện cải cách ruộng đất, giảm tô… đặc biệt phát triển phong trào Mặt trận, các đoàn thể để tiến tới thống nhất Việt Minh - Liên Việt. Sang đầu năm 1950, Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 của Đảng (từ ngày 21/1 đến ngày 3/2/1950) đã bổ sung những chủ trương, biện pháp về thống nhất Việt Minh - Liên Việt và đề ra nhiệm vụ toàn diện cho công tác Mặt trận giai đoạn chuyển hướng chiến lược quân sự, tích cực chuẩn bị để chuyển sang tổng phản công nhằm đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Ở thời điểm này, nhờ có chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Trung ương về việc thống nhất Việt Minh - Liên Việt phải hội đủ 4 điều kiện như: Hai bên có hành động chung; hội viên và Nhân dân đã được tuyên truyền, giải thích; các đoàn thể trong Việt Minh được củng cố và sắp xếp cán bộ Ban Chấp hành Liên Việt đã xong. Chỉ trong một thời gian ngắn, việc thống nhất Việt Minh - Liên Việt ở cấp tỉnh, cấp khu cơ bản đã xong. Bên cạnh những chuyển biến trong công tác Mặt trận như chấn chỉnh, củng cố tổ chức, hoạt động Mặt trận như nói trên thì công tác Mặt trận trong các tổ chức thành viên của Mặt trận như: Tổng Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Liên hiệp Phụ nữ, Nông dân cứu quốc đến các ngành, các cấp đều được quán triệt sâu rộng và đẩy mạnh hoạt động, công tác lên một bước.

Hơn thế, Việt Minh - Liên Việt không chỉ đẩy mạnh cổ động phong trào như Chỉ thị “Toàn dân tham gia kháng chiến” đề ra trước đây mà còn cùng với Chính phủ mới điều phối các phong trào thi đua yêu nước; cụ thể và hiện thực hoá đường lối kháng chiến kiến quốc toàn dân, toàn diện. Tuy nhiên, trước yêu cầu đòi hỏi mới của cuộc kháng chiến, vấn đề củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển Mặt trận Dân tộc thống nhất giai đoạn này cũng bộc lộ những hạn chế. Chính vì vậy, trong Báo cáo chính trị cũng như các chính sách cụ thể đề ra trong Cương lĩnh do Đại hội lần thứ II của Đảng vạch ra đều nhấn mạnh đến tính đúng đắn, sáng tạo của chính sách đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và yêu cầu cần được quán triệt đến mọi cấp và cán bộ công tác Mặt trận.

Những nội dung cơ bản của chính sách đại đoàn kết dân tộc và phát triển Mặt trận lúc này được cụ thể là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để Mặt trận phải tiến dần đến thật dân chủ; Mặt trận cần có một kỷ luật tự giác mà mỗi tổ chức, cá nhân thành viên đều phải tuân theo; sự hoạt động của Mặt trận phải nhằm vào những điểm chính để tránh việc gì cũng làm, nhưng ít việc làm chu đáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh các đảng phái, đoàn thể và nhân sỹ trong Mặt trận cần phải đoàn kết chặt chẽ, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ nhằm tạo sức mạnh về tổ chức và phong trào Mặt trận làm chỗ dựa vững chắc cho Nhà nước dân chủ nhân dân non trẻ; củng cố mối liên hệ mật thiết với đông đảo quần chúng nhân dân, động viên Nhân dân thi hành chính sách của Chính phủ.

Để thực hiện được chủ trương lớn nói trên, Mặt trận Dân tộc thống nhất lúc này cần chấn chỉnh về cả ba mặt: tư tưởng, tổ chức và công tác. Việc xác định lại Chương trình, Điều lệ Mặt trận, xác định rõ nội dung công tác Mặt trận, phương châm, phương pháp công tác Mặt trận, kể cả chấn chỉnh, xác định rõ các nguyên tắc sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận đã được đưa vào nội dung bàn bạc, thảo luận ngay tại Đại hội Mặt trận.

Về tổ chức thống nhất Việt Minh - Liên Việt trong toàn quốc, được Đại hội quan tâm bàn bạc giải quyết theo hướng điều kiện đã thay đổi nên tổ chức và cách làm việc của Mặt trận cũng phải thay đổi, tạo điều kiện cho các giới, các tổ chức thành viên của Mặt trận dễ dàng hoạt động. Điều quan trọng được tập trung nhấn mạnh là tổ chức Mặt trận cần thật sự tiêu biểu cho các tầng lớp nhân dân, theo đó, Mặt trận cũng cần có một cương lĩnh cụ thể; điều lệ và kỷ luật của Mặt trận cũng cần thật rõ ràng, ngoài xây dựng vững chắc các tổ chức chính trị - xã hội của Mặt trận như công đoàn, nông dân, phụ nữ, thanh niên, Mặt trận phải hướng quan tâm mở rộng phát triển thêm các tôn giáo, tầng lớp tư sản, trí thức, nhân sỹ, các dân tộc thiểu số, nhất là ở những vùng địch còn tạm chiếm, vùng mới giải phóng để đưa họ tham gia vào Mặt trận.

Việc sửa đổi cách làm việc của Mặt trận cũng là một trong những nội dung được Đại hội quan tâm bàn bạc, trước hết cần đặt Mặt trận trong tình hình chung của tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân. Có ba yếu tố mới ảnh hưởng trực tiếp đến việc phải thay đổi vai trò công tác Mặt trận là chính quyền đã trưởng thành, các đoàn thể nhân dân đã lớn mạnh và Đảng ra hoạt động công khai lãnh đạo cách mạng. Trong hoàn cảnh lúc này cần khắc phục cho được tư tưởng lầm tưởng rằng vai trò Mặt trận không còn cần thiết nữa. Vấn đề Đảng lãnh đạo Mặt trận đã được Đại hội nêu ra bàn bạc làm rõ để một lần nữa khẳng định Đảng lãnh đạo Mặt trận và là động lực của khối đại đoàn kết dân tộc.

Trong bài phát biểu kết thúc lễ ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam ngay tại Đại hội này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu chân thành cảm ơn sự hoan nghênh yêu chuộng Đảng của các vị đại biểu dự Đại hội Mặt trận và tóm tắt những điều cốt yếu: Mục đích của Đảng có thể gồm trong 8 chữ “ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC”2; nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng cũng được tóm tắt trong 8 chữ “KHÁNG CHIẾN THẮNG LỢI, KIẾN QUỐC THÀNH CÔNG”3 và chính sách của Đảng nêu trong bản Tuyên ngôn, Chính cương cũng được Người đúc kết thành 8 chữ: “ĐỘC LẬP - THỐNG NHẤT - DÂN CHỦ - PHÚ CƯỜNG”4.

Có thể nói, đây là những lời tâm huyết thể hiện rõ quyết tâm của Đảng. Đảng đã tự nguyện gia nhập Mặt trận, là thành viên của Mặt trận, càng cho thấy Đảng không chỉ tôn trọng Mặt trận, mà còn cùng chí hướng, quyết tâm phấn đấu vì một mục tiêu chung phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Bởi vậy, ngay trong bài phát biểu kết thúc lễ ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, ngoài nói rõ vấn đề tôn giáo, để tránh hiểu lầm, Người đã nói: “Đối với các đảng phái, các đoàn thể bạn trong Mặt trận dân tộc thì Đảng lao động Việt Nam chủ trương: Đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết lâu dài, cùng nhau tiến bộ”5.

Về tình đoàn kết quốc tế, nhằm thắt chặt và tăng cường hơn nữa liên minh đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, đưa sự nghiệp cách mạng của Việt Nam - Lào - Campuchia vững bước tiến lên, ngày 11/3/1951, tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang, Hội nghị liên minh ba nước Đông Dương đã được tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị với tư cách là Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch danh dự Mặt trận Liên Việt. Đây là sự kiện điển hình trong công tác đối ngoại của Mặt trận Liên Việt. Tại Hội nghị, đồng chí Tôn Đức Thắng, đại diện Mặt trận Liên Việt trình bày bản Báo cáo chung và Đề án tổ chức, chương trình hoạt động. Các đại biểu thảo luận về tình hình thế giới; tình hình Việt Nam, Lào, Campuchia, quan hệ giữa nhân dân ba nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cùng một số vấn đề khác mà các bên quan tâm.

Hội nghị đã nhất trí thành lập khối liên minh nhân dân Việt Nam - Miên- Lào theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau; đề ra chương trình hành động chung và cử Ủy ban liên minh nhân dân ba nước Đông Dương gồm các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Minh Giám (Việt Nam); Xupha Nuvông, Nuhắc Phumxavẳn (Lào); Sơn Ngọc Minh, Tuxamút (Campuchia). Ủy ban liên minh nhân dân ba nước Đông Dương có nhiệm vụ thực hiện quyết nghị của Hội nghị và tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa nhân dân ba nước.

Ngay trong bài phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt cho Đảng, Mặt trận cảm ơn và khẳng định hai dân tộc anh em là Lào và Campuchia đã đem đến niềm tin đoàn kết cho Đại hội, làm cơ sở tiến đến thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt - Miên - Lào “Thế là dân tộc Việt đại đoàn kết, dân tộc Miên đại đoàn kết, dân tộc Lào đại đoàn kết. Rồi đây chúng ta nhất định đi đến Việt - Miên - Lào đại đoàn kết”. Ngay sau khi kết thúc Đại hội, ngày 11/3/1951, Hội nghị liên minh ba nước Đông Dương được tổ chức đã đánh giá cao những thắng lợi của nhân dân ba nước, khẳng định ý nghĩa quan trọng của sự đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa ba dân tộc và ra Nghị quyết thành lập Ủy ban Liên minh cùng bản Tuyên ngôn của nhân dân ba nước Việt - Miên - Lào, lên án, vạch trần âm mưu của thực dân Pháp; khẳng định những nguyên tắc phát huy vai trò của liên minh đấu tranh giành độc lập, tự do thật sự cho ba dân tộc, góp sức bảo vệ hoà bình thế giới.

Sau 5 ngày làm việc, Quyết nghị của Đại hội đã nhiệt liệt hoan nghênh chủ trương thống nhất Việt Minh - Liên Việt và trịnh trọng ghi công Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, đồng thời nêu rõ việc hoàn thành thống nhất Việt Minh - Liên Việt thành Mặt trận Dân tộc thống nhất lấy tên là Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Mặt trận Liên Việt. Đây không chỉ là thắng lợi của “cách mạng vận động”, là đường lối chỉ đạo cách mạng tài tình của Đảng mà còn thể hiện sự phát triển tư duy lý luận về mô hình tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam theo một quy trình phát triển phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn cách mạng, từ củng cố Việt Minh, phát triển Liên Việt tiến tới thống nhất hoà Việt Minh vào Liên Việt theo một mô hình mới độc đáo riêng có của cách mạng Việt Nam.

Chính cương mới của Mặt trận Liên Việt được thông qua, một lần nữa khẳng định: Đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân yêu nước, lấy lực lượng công nông và trí thức làm nền tảng để kháng chiến, kiến quốc; thực hiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc, kháng chiến phải trường kỳ, kiến quốc trước hết phải nhằm vào những việc thiết thực để đưa cuộc kháng chiến mau chóng đi tới thành công. Nhờ chủ trương rộng mở đó của Mặt trận cũng đã giúp cho việc củng cố chính quyền dân chủ mới ngày một mở rộng, thu nạp thêm được các thành phần của Chính phủ liên hiệp kháng chiến; thu hút được nhiều nhân sỹ, trí thức tài đức, các thành phần dân tộc, tôn giáo, củng cố làm vững chắc thêm nền tảng khối đại đoàn kết dân tộc.

Đoàn kết xung quanh Mặt trận đã thực sự là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước dân chủ nhân dân mới. Hơn thế, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam có lớn mạnh mới đủ sức đảm đương, gánh vác sứ mệnh lịch sử, vai trò quyết định trong khối liên minh Việt - Miên - Lào. Đây cũng chính là sự kết hợp tinh thần ái quốc chân chính với tinh thần quốc tế vô sản, phối hợp kháng chiến Việt Nam với cuộc kháng chiến của Miên - Lào, góp phần vào phong trào bảo vệ hoà bình thế giới.

Việc tổ chức Đại hội Mặt trận đã khép lại, nhưng lại mở ra một chương mới cho hoạt động, công tác Mặt trận. Đại hội đã nhất trí suy tôn cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự và cử cụ Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Mặt trận. Hoàn thành Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt có ý nghĩa lịch sử hết sức trọng đại không chỉ góp phần làm nên thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của Nhân dân ta ở giai đoạn này, mà còn có ý nghĩa là cơ sở nền tảng cho các giai đoạn phát triển tiếp theo trong sự nghiệp củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chú thích:

1.     Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia. H. 2011. tập 6. tr. 181.

2,3,4,5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd. tập 6, tr. 183, 184, 184, 184, 181.

NGUYỄN QUANG DU - Tiến sĩ, Nguyên Giám đốc

Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận.

**VŨ HẢI VÂN - Tiến sĩ, Học viện An ninh nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều