GS Trần Đại Nghĩa - Tấm gương về nghị lực, nhân cách và sự cống hiến hết mình

Cuộc đời hoạt động và cống hiến của Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã nêu một tấm gương về nghị lực, nhân cách, sự cống hiến hết mình trong lao động, nghiên cứu khoa học.
 Bác Hồ làm việc với Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Ảnh tư liệu
Lịch sử dựng nước và giữ nước đã ghi nhận một truyền thống hết sức đặc thù của người Việt Nam về tính tự lực, tự cường làm ra binh khí để chống giặc ngoại xâm. Ở thời đại Hồ Chí Minh, một trong những người có công lớn trong việc giữ lửa và truyền ngọn lửa của bản sắc tự tôn dân tộc, đó chính là Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Ông còn được tôn vinh là cánh chim đầu đàn của ngành Công nghiệp Quốc phòng nước ta.

Tuổi trẻ và hoài bão lớn

Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913, tại xã Xuân Hiệp, Vang Bình, Vĩnh Long, Nam Bộ, trong một gia đình nhà giáo nghèo, có truyền thống yêu nước.

Mồ côi cha lúc 6 tuổi, mẹ và chị gái đã tần tảo nuôi em vượt khó ăn học. Phạm Quang Lễ luôn ghi nhớ lời căn dặn cuối cùng của cha trước khi đi xa: “... phải lo học hành đến nơi đến chốn,… phải biết mang hiểu biết của mình giúp ích cho đời”.

Sau này, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã viết: “Tuổi trẻ thật là quý giá. Khi đã định hướng là khi ta không đánh mất mình trong dòng đời trôi nổi. Tuổi trẻ đủ sức mạnh giúp ta đứng dậy mỗi khi bị sức mạnh phũ phàng đánh ngã. Tuổi trẻ đủ dũng khí vượt lên trên con đường lẻ loi, âm thầm để đi tới tương lai. Tuổi trẻ khát khao tình yêu và cuộc sống, song khi đã có chí hướng, tuổi trẻ lại có thể dồn toàn bộ khát vọng cho tình yêu lớn. Bây giờ tôi muốn nói lại với các con tôi và tất cả các bạn trẻ như vậy. Đó là kinh nghiệm sống của đời tôi”.

Năm 1933, chàng thanh niên 20 tuổi, Phạm Quang Lễ đã đỗ xuất sắc hai bằng tú tài: Tú tài tây và Tú tài bản xứ.

Tháng 9 năm 1935, nhận được học bổng du học bên Pháp của Hội ái hữu trường Chasseloup Laubat. Trong hàng nghìn người Việt Nam sang Pháp du học, có lẽ chỉ duy nhất Phạm Quang Lễ có quyết tâm nghiên cứu về vũ khí. Song đây là lĩnh vực bí mật và cấm tuyệt đối người dân thuộc địa. Chỉ cần để lộ ra ý định này, ông sẽ bị trục xuất ngay khỏi nước Pháp. Vì vậy trong 11 năm ở Pháp, ông chỉ có thể tự mò mẫm và bí mật học hỏi, sưu tầm tài liệu về các loại vũ khí.

Muốn đi vào lĩnh vực này cần phải giỏi về khoa học cơ bản, toán học, cơ học, hóa học và kỹ thuật. Vì vậy, Phạm Quang Lễ đã thi lấy bằng cử nhân khoa học ở Trường Đại học Sorbonne, bằng kỹ sư cầu đường ở Trường Cầu cống quốc gia, bằng kỹ sư điện tại Trường Đại học Điện và bằng kỹ sư hàng không tại Học viện Kỹ thuật hàng không, đồng thời thi lấy chứng chỉ ở Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Mỏ. Ngoài ra, ông còn tự học tiếng Đức để đọc các tài liệu của Đức từ nguyên bản.

Năm 1939, Phạm Quang Lễ làm việc tại Hãng điện khí Thomson rồi Viện Nghiên cứu chế tạo máy bay và vũ khí của Pháp. Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong Xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí, kỹ thuật hàng không. Sau đó ông trở lại Pháp làm việc ở một hãng nghiên cứu chế tạo máy bay của Pháp.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Ngày 22/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris. Đứng trong đoàn đại biểu Việt kiều ra đón Bác, Phạm Quang Lễ ngạc nhiên thấy vị Chủ tịch nước ăn mặc rất giản dị với nét mặt hiền từ, vui vẻ, khiêm tốn và đôi mắt rất sáng. Qua bác sĩ Hoàng Xuân Mãn (em ruột Giáo sư Hoàng Xuân Hãn), Chủ tịch Hội Việt kiều ở Pháp, chỉ ba ngày sau khi Hồ Chủ tịch đến Paris, kỹ sư Phạm Quang Lễ được tiếp kiến Người.

Những ngày Bác ở trên đất Pháp và trên đường về nước, ông được thường xuyên đi theo Bác. Chính điều này đã có ảnh hưởng quyết định đối với cuộc đời cách mạng của ông. Một lần, Bác Hồ hỏi Phạm Quang Lễ: “Nguyện vọng của chú lúc này là gì?”. Ông trả lời ngay điều đã ôm ấp từ buổi đầu xuất ngoại: “Dạ thưa, nguyện vọng cao nhất là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lại hỏi: Đời sống ở trong nước còn đang rất khó khăn, chú về nước có chịu nổi không? Phạm Quang Lễ trả lời: Thưa, tôi chịu nổi. Ở trong nước không có kĩ sư, công nhân về vũ khí, máy móc thiếu, liệu chú có làm việc được không? Phạm Quang Lễ trả lời: Thưa, tôi tin là làm được vì tôi đã chuẩn bị mười một năm ở bên Pháp.

Về đến Hà Nội chỉ được nghỉ có bảy ngày, kỹ sư Phạm Quang Lễ phải lên ngay xưởng quân giới Giang Tiên ở Thái Nguyên nghiên cứu chế tạo súng chống xe tăng, dựa theo mẫu súng Bazoka của Mỹ với hai viên đạn dự trữ do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu cung cấp. Công việc mới bắt đầu được ít ngày thì ông nhận được điện của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu gọi về Hà Nội gấp để gặp Hồ Chủ tịch.

Ngày 5/12/1946, trước ngày toàn quốc kháng chiến, tại Bắc Bộ Phủ, ông được Bác Hồ giao cho một trọng trách. Bác nói: "Kháng chiến sắp đến nơi rồi. Hôm nay, Bác quyết định giao cho chú nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới. Chú sẽ chăm lo vũ khí cho quân đội. Đây là việc đại nghĩa. Vì thế, từ nay Bác đổi tên cho chú là Trần Đại Nghĩa...".

Đến những phát minh lay chuyển cục diện chiến trường

Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, sự hy sinh của những chiến sĩ quyết tử ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch đã thôi thúc ông phải nhanh chóng nghiên cứu, hoàn chỉnh loại vũ khí chống xe chiến đấu cho quân ta.

Và ngày 3/3/1947 đã trở thành một mốc son của ngành Quân giới Việt Nam trong việc chế tạo khí tài, súng đạn. Đó là ngày chiếc bazoka do Cục trưởng Trần Đại Nghĩa chế tạo, lần đầu tiên ra trận và đánh thắng, tiêu diệt ngay 2 xe tăng địch sau hai phát đạn đầu tiên. Bazoka do ông chế tạo có tầm bắn xa tới 600 m, mức xuyên đạt 75 cm trên tường gạch, tương đương với sức nổ xuyên của đạn bazoka do Mỹ chế tạo ở Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong chiến dịch Thu Đông năm 1947, bazoka còn bắn chìm cả tàu chiến Pháp trên sông Lô. Bazoca trở thành thứ vũ khí đáng sợ đối với quân viễn chinh Pháp.

Trước việc thực dân Pháp dốc thêm người và của vào cuộc chiến xâm lược Việt Nam, để đối phó với kẻ thù được trang bị hiện đại hơn, Trần Đại Nghĩa, lúc này đã được phong quân hàm Thiếu tướng, quyết định nghiên cứu và chế tạo súng không giật SKZ - một loại súng trọng lượng nhẹ có thể vận chuyển, mang vác dễ dàng, nhưng lại có sức công phá ngang đại bác và bom bay. Kiểu đầu tiên trong hệ thống SKZ là SKZ 60 cm, đã được sử dụng trong các chiến dịch năm 1949. SKZ đã khiến quân địch hoảng sợ, buộc chúng phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống công sự, đồn bốt. Trong cuốn sách “Chiến tranh Đông Dương”, Lucien Bodard đã viết: “Chỉ cần vài quả là đủ tiêu diệt tháp canh của chúng tôi. Dưới tác dụng của các quả đạn lõm, tất cả đều sụp đổ”.

Sau SKZ, ông tiếp tục nghiên cứu và chế tạo thành công loại tên lửa nặng 30 kg, có thể đánh phá các mục tiêu cách xa 4 km. Tất cả những nghiên cứu đó của ông đã góp phần làm nên thắng lợi quan trọng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, đồng thời đưa trí tuệ Việt Nam vươn tới đỉnh cao của nền khoa học thế giới, một kỳ tích phi thường của quân và dân ta trong điều kiện khó khăn thiếu thốn lúc bấy giờ.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, một lần nữa, dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Trần Đại Nghĩa, ta đã chế tạo thành công nhiều loại vũ khí bằng vật liệu có sẵn, với công nghệ đơn giản như: Ngòi thủy lôi áp suất ABS, các loại mìn, thủ pháo dù cho đặc công đánh hiểm; đặc biệt là những cải tiến trên pháo phản lực ĐKB-H12 của Liên Xô.

Từ những năm 1950 cho đến cuối đời, nhà khoa học Trần Đại Nghĩa được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục pháo binh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại biểu Quốc hội khóa II, III.

Dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực, với các cương vị, chức vụ công tác khác nhau, nhưng ở bất cứ đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao. Cuộc đời hoạt động và cống hiến của Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã nêu một tấm gương về nghị lực, nhân cách, sự cống hiến hết mình trong lao động, nghiên cứu khoa học.

Với những cống hiến to lớn đối với nhân dân, với đất nước, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Danh hiệu Anh hùng Lao động tại Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất năm 1952. Năm 1966, ông được bầu làm Viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Năm 1996, Giáo sư Trần Đại Nghĩa được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (bazooka, súng không giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954.

Ngày 9/8/1997, Giáo sư Trần Đại Nghĩa từ giã cõi đời. Sinh thời, ông từng nói “Bạn bè của tôi ở lại bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy đủ hơn tôi rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có gì cả”. Và đúng như tên Bác Hồ đặt cho ông, cả cuộc đời, ông đã sống trọn cho khát vọng cống hiến tâm sức của mình cho sự nghiệp đại nghĩa của dân tộc.

Tên ông đã gắn liền với nhiều giải thưởng, tên đất, tên đường, tên trường học. Tấm gương của Giáo sư Trần Đại Nghĩa sẽ còn tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ về nghị lực và sự dấn thân vì khoa học, quyết tâm gắn khoa học với phục vụ những yêu cầu thiết thực và cấp bách nhất đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều