Hà Nội 12 ngày đêm: Càng đau thương, càng vững vàng trên trận tuyến

Những ngày cuối năm 1972, Hà Nội là mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, nhưng quân dân Hà Nội càng sống trong đau thương thì lại càng vững vàng trên trận tuyến đánh quân thù.

Không chỉ những nhân chứng làm nên lịch sử mà kể cả những người chứng kiến thời khắc ác liệt đó cũng không thể nào quên những ký ức đau buồn và cả thời khắc oai hùng xông lên “tiếp bước cha ông, gìn giữ non sông…”.

Là một công dân Thủ đô, nhạc sỹ Phú Quang được chứng kiến trọn vẹn 12 ngày đêm ác liệt ở Hà Nội. Ông còn nhớ rất rõ, chỉ sau một đêm mưa bom B52 (đêm 26/12/1972), cả phố Khâm Thiên và vùng lân cận thành một đống đổ nát. Ông không thể nào quên cảm giác bàng hoàng khi từ nhà ông tới Đê La Thành, trống trơn không còn một mái nhà. Sự tàn phá của bom B52 gây nên nỗi đau cho biết bao gia đình.

Nhạc sỹ Phú Quang nhớ lại: “Buổi sáng, khi chứng kiến cảnh mọi người dọn xác trong nhà của một người cắt tóc ở ngay cạnh nhà mình, tôi đã thấy một cụ bà đứng như một pho tượng, trên tay cụ là 1 viên gạch vỡ. Cụ đứng nhìn cảnh người ta lần lượt mang 26 người con và cháu của mình ra khỏi đống đổ nát. Tôi không thấy cụ khóc, nhưng tôi đã khóc”.

Bà Phạm Thị Viễn bên bức ảnh thời tuổi trẻ của mình khi còn là nữ pháo thủ quấn khăn tang trực chiến bên mâm pháo. (Ảnh Nguyên Nhung)

Đau đớn hơn, bà Phạm Thị Viễn - pháo thủ thuộc đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động khi đang trực chiến nhận được tin bố bị trúng bom B52. Trước đó, năm 1967, mẹ của bà cũng qua đời bởi bom đạn Mỹ. Vừa tìm trong đống đổ nát thi thể của bố mình, vừa trực tiếp tìm những đồng chí đồng đội, nỗi đau chồng nỗi đau, nhưng bà Viễn khi đó - một thiếu nữ hơn 20 tuổi đã nén đau thương, quyết tâm vững vàng bên mâm pháo để trả nợ nước, thù nhà. Và trận địa pháo tầm thấp mà bà tham gia chiến đấu đã nổ súng bắn rơi chiếc F111A của giặc Mỹ.

Người nữ pháo thủ quấn khăn tang trực chiến trên mâm pháo ngày nào, kể lại: “Sau khi biết bố mất, 3 ngày chị em tôi mới tìm thấy một phần thi thể nhỏ của bố. Sau đấy, tôi lại tiếp tục lên trận địa trực chiến. Mỹ đã ném bom xuống khu tập thể của nhà máy tôi đêm 21/12/1972. Tôi là người trực tiếp bê những thi thể bị bom Mỹ sát hại, trong đó có 3 mẹ con trong một gia đình và con em của cán bộ công nhân nhà máy. Xuất phát từ sự căm thù đó, tôi tiếp tục đứng vững trên trận địa để sẵn sàng chiến đấu cùng với quân dân Thủ đô Hà Nội”.

Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội nghe các nhân chứng lịch sử trò chuyện. (Ảnh Nguyên Nhung)

Càng đau thương, ý chí chiến đấu của quân và dân Hà Nội càng mạnh mẽ. Chỉ người già và trẻ em mới chịu đi sơ tán, bất chấp hiểm nguy, người người sẵn sàng tham gia chiến đấu. Những người nằm xuống trở thành động lực cho những người còn sống tiếp tục xông lên.

Trung tướng, anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Tuân, phi công trực tiếp tham gia chiến đấu kíp đêm đánh B52 nhớ lại: “Năm 1968, Đại đội 5 được thành lập. Đây là đại đội chỉ đánh ban đêm và được giữ lại cho đến cuối chiến tranh. Chúng tôi nôn nóng chỉ muốn được đi đánh bởi không quân mà không bắn rơi được máy bay Mỹ là kém”.

12 ngày đêm đánh phá Hà Nội, đế quốc Mỹ không thể dập tắt được ý chí quật cường của quân và dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, lực lượng Phòng không không quân là nòng cốt tổ chức hiệp đồng tác chiến giữa quân và dân, dệt nên lưới lửa phòng không, tiêu diệt 81 máy bay địch, làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Sống lại những ngày đau thương, oai hùng đó để tự hào và trân quý hơn thành phố vì hòa bình hôm nay.

Theo Nguyên Nhung/VOV

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều