Khơi dậy ngọn lửa tinh thần 'Ba sẵn sàng” trong thế hệ trẻ Việt Nam

Trong lịch sử phong trào thanh niên Việt Nam thế kỷ XX có một cuộc vận động có sức lôi cuốn mạnh mẽ, rộng khắp của tuổi trẻ Hà Nội, sau đó trở thành phong trào chung của cả nước, đó là phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”: “Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến”.

58 năm từ khi được phát động, phong trào “Ba sẵn sàng” đã hun đúc nên lớp lớp thế hệ thanh niên với những phẩm chất tốt đẹp, đó là lòng yêu nước, biết hy sinh, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Đó cũng chính là cơ sở, nền tảng tinh thần để Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào “Thanh niên tình nguyện”, để thanh niên thời đại mới tiếp bước cha anh, gánh vác sứ mệnh lịch sử, với bản lĩnh “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

 Thanh niên miền Bắc sôi nổi hưởng ứng phong trào Ba sẵn sàng (1969). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Dấu son trong lịch sử chiến đấu của thanh niên Việt Nam

Năm 1964, thanh niên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có phong trào “Tam bất kỳ”. Lúc đó, đất nước ta đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Vừa làm nhiệm vụ chiến đấu chống Mỹ - ngụy ở miền Nam, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam. Từ khí thế sôi nổi của các cơ sở Đoàn, Ban Chấp hành Đoàn trường đã phát động phong trào “Tam bất kỳ” với ba nội dung cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến việc sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ công tác của sinh viên sau khi tốt nghiệp: “Bất kỳ đi đến nơi nào mà Tổ quốc cần đến. Bất kỳ làm nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân yêu cầu. Bất kỳ chế độ hưởng thụ nào cũng chấp nhận.”

Năm 1964-1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn miền Nam, tiến hành đánh phá miền Bắc Việt Nam. Với tinh thần cả nước là chiến trường, thanh niên, học sinh, sinh viên ở miền Bắc vừa học tập, phục vụ xây dựng miền Bắc, vừa sẵn sàng chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Nhận thấy phong trào “Tam bất kỳ” trước đây không còn phù hợp nữa, tháng 4/1964, Đoàn trường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã mở rộng thành phong trào “Ba sẵn sàng” với ba nội dung: Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng nhập ngũ; sẵn sàng làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.

Phong trào sau đó được đoàn viên, thanh niên các trường đại học khác và nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội hưởng ứng sôi nổi. Đêm 7/8/1964, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã họp bất thường, quyết định phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với các nội dung: Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến. Đêm 9/8/1964, khoảng 500 đoàn viên và trên 2 vạn thanh niên tập trung ngoài phố giương cao khẩu hiệu “Ba sẵn sàng”. Thành đoàn Hà Nội đã đọc lời kêu gọi và được thanh niên đáp lại “sẵn sàng, sẵn sàng, sẵn sàng” vang động cả góc trời. Ngày 9/8/1964 đi vào lịch sử phong trào thanh niên Thủ đô như một dấu son của tuổi trẻ.

Chỉ sau một tuần phát động, đã có 240.000 thanh niên ghi tên nguyện “Ba sẵn sàng”, trong đó có 80.000 thanh niên xung phong ra trận. Nhiều khẩu hiệu xuất hiện trên đường phố: “Đâu có giặc là ta cứ đi”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”... Tòng quân, đi thanh niên xung phong trở thành nguyện vọng thiết tha của tuổi trẻ Thủ đô và trên mọi miền đất nước lúc bấy giờ.

Phong trào “Ba sẵn sàng” đã phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu, đến với tất cả các đối tượng thanh niên. Được nhiều địa phương trong cả nước hưởng ứng, thậm chí nhanh chóng vượt ra khỏi biên giới, nhiều du học sinh đã viết đơn xin về nước để chiến đấu nếu Tổ quốc cần. Tháng 3/1965, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ Thủ đô và bổ sung thêm nội dung của phong trào, đó là: “Sẵn sàng chiến đấu và gia nhập lực lượng vũ trang. Sẵn sàng học tập và lao động xây dựng cuộc sống mới. Sẵn sàng đi tới nơi nào mà Tổ quốc cần đến”.

Lúc này, nhiệm vụ trung tâm của cả nước là tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ, vì vậy “Ba sẵn sàng” gồm cả nhiệm vụ chiến đấu, sản xuất, học tập, xây dựng cuộc sống. Kể từ đó, “Ba sẵn sàng” đã trở thành một trong những phong trào hành động cách mạng lớn nhất của tuổi trẻ Thủ đô và tuổi trẻ Việt Nam trong thế kỷ XX, tạo nên một đội quân tình nguyện đông đảo nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc: Hơn 5 triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia, trong đó gần 1,5 triệu người con ưu tú đã ngã xuống. Hàng vạn thanh niên đã để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường khốc liệt. Chính lớp thanh niên “Ba sẵn sàng” ra đi ngày ấy đã sát cánh chiến đấu quên mình cùng với lớp thanh niên “Năm xung phong” từ các vùng nông thôn, thành thị, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là dấu son trong lịch sử chiến đấu vẻ vang của thanh niên Hà Nội và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. 

Cháy mãi ngọn lửa của tinh thần tình nguyện

Phong trào “Ba sẵn sàng” trong những năm tháng chống Mỹ được ví như "mồi lửa" thắp sáng tinh thần cách mạng của thanh niên, học sinh, sinh viên vốn đã như "củi khô" chờ được đốt cháy. Ngọn lửa ấy vẫn sáng mãi đến hôm nay, với những phong trào thi đua xung kích được tuổi trẻ cả nước đẩy mạnh triển khai trong nhiều năm qua. Trong đó, có thể nói phong trào Thanh niên tình nguyện là sự phát huy, kế thừa hiệu quả, thiết thực nhất từ phong trào “Ba sẵn sàng”, khơi dậy tinh thần xung kích, tự nguyện của thanh niên trong đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước.

Từ nhiều năm nay, phong trào “Thanh niên tình nguyện” đã trở thành một nét văn hóa đẹp thể hiện tinh thần cống hiến của hàng triệu đoàn viên, thanh niên Việt Nam. Lớp lớp đoàn viên, thanh niên đã xung phong đảm nhận những việc mới, việc khó, đến những nơi xa xôi hẻo lánh, góp sức trẻ của mình với mong muốn dựng xây đất nước trở nên giàu đẹp, hùng cường. Trong những dấu ấn nổi bật của phong trào Thanh niên tình nguyện qua các năm, phải kể đến Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè.

“Chiến dịch Mùa hè học sinh - sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” năm 2000 là cột mốc đầu tiên đánh dấu chặng đường lịch sử với những mùa hè tình nguyện của thanh niên cả nước. Năm 2001, chiến dịch được đổi tên thành “Chiến dịch Thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện hè” nhằm thu hút, tập hợp đông đảo thanh niên trong xã hội tham gia vào các hoạt động tình nguyện. Từ năm 2009 đến nay, tên gọi của chiến dịch được khát quát, rút gọn thành “Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè”.

Từ năm 2014, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè có sự đổi mới về mặt định hướng nội dung, đối tượng, được tổ chức gồm một chương trình và bốn chiến dịch, gồm Chương trình “Tiếp sức mùa thi”, Chiến dịch tình nguyện “Mùa Hè xanh” với nòng cốt là đoàn viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học viện, có sự tham gia đối ứng của lực lượng thanh niên địa bàn; Chiến dịch tình nguyện “Hoa phượng đỏ” dành cho đối tượng chính là học sinh và có sự tham gia của giáo viên trẻ; Chiến dịch tình nguyện “Kỳ nghỉ hồng” dành cho đối tượng là cán bộ, công nhân, viên chức trẻ; Chiến dịch tình nguyện “Hành quân xanh” dành cho đối tượng đoàn viên, thanh niên, cán bộ trẻ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Qua hơn 20 năm triển khai chiến dịch, đã có hơn nửa triệu công trình thanh niên được thực hiện. Các đội tình nguyện đã sửa chữa và làm mới hàng vạn ki lô mét đường giao thông nông thôn và sửa chữa, xây mới nhà ở cho người dân...

Năm 2022, 67/67 tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc đã tổ chức ra quân Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè với tổng số 39.100 đoàn viên, thanh niên tham gia. Chỉ riêng trong đợt 1 của Chiến dịch, toàn đoàn tổ chức 14.648 đội hình với sự tham gia của 543.385 đoàn viên thanh niên tham gia các phần việc trong các chương trình, chiến dịch nhánh.

Các hoạt động chủ yếu được tổ chức gồm: Dọn dẹp vệ sinh; tổ chức tập huấn phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ; khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân; khởi công xây dựng nhà tình thương, trao học bổng, sách giáo khoa; tổ chức các lớp tập huấn chuyển đổi số; khởi công các công trình thắp sáng đường quê… Trong đó, một số chỉ tiêu đạt kết quả tốt có thể kể đến như: Xây dựng mới các tuyến phố khu vực đô thị; tư vấn tâm lý cho đoàn viên, thanh thiếu nhi; xây mới nhà nhân ái, điểm vui chơi cho trẻ em; tập huấn kiến thức khởi nghiệp... Các địa bàn trọng tâm được các tỉnh, thành đoàn tiến hành khảo sát và triển khai các đội hình, hoạt động là tại 74 huyện nghèo; 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; làng thanh niên lập nghiệp; Đảo Thanh niên.

Là một trong những đơn vị luôn đi đầu trong triển khai Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, năm nay, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các chương trình, hoạt động. Bên cạnh những nội dung thường niên, các chiến sỹ tình nguyện còn triển khai các hoạt động chăm lo cho các đối tượng thuộc diện chính sách, hộ nghèo, thanh niên khuyết tật, người già neo đơn, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19…; tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân và thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; triển khai đội hình tình nguyện hỗ trợ bệnh nhân tại các bệnh viện; vận động hiến máu; đẩy mạnh các đội hình tình nguyện tuyên truyền, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người dân Thành phố hậu COVID-19.

Bí thư Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thanh Phương cho biết, điểm đặc biệt của Chiến dịch năm 2022 là lần đầu tiên Thành đoàn Thành phố triển khai chương trình “Gia sư áo xanh” với đội hình 500 gia sư tình nguyện. Trong đợt cao điểm hè, chương trình đã hỗ trợ cho 332 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, với 6.320 buổi phụ đạo tương ứng 12.640 giờ lên lớp trực tuyến và trực tiếp. Bên cạnh việc dạy kèm các môn học văn hóa, đội ngũ gia sư còn tổ chức các hoạt động sinh hoạt thiếu nhi, dạy các môn năng khiếu, thể dục và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...

Tình nguyện, cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc, ngọn lửa của tinh thần “Ba sẵn sàng” dù cách đây hơn nửa thế kỷ song vẫn luôn sáng mãi, nhắc nhở thế hệ thanh niên ngày nay không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.

TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều