|
Thanh niên miền Bắc sôi nổi hưởng ứng phong trào Ba sẵn sàng (1969). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, thành công của phong trào “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc và cùng với phong trào “Năm xung phong” ở miền Nam đã khơi dậy, hun đúc và khuyến khích tinh thần của tuổi trẻ, đưa hàng triệu thanh niên đi vào tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để lại một biểu tượng sáng ngời cho đến ngày nay.
Bản hùng ca trong những năm chống Mỹ
Đầu những năm 60, trong bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ngày càng diễn ra ác liệt, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước sâu sắc đã khiến gần 100 chi đoàn sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dấy lên tinh thần xung phong, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng, Đoàn và nhà trường giao phó. Từ khí thế sôi nổi của các cơ sở Đoàn, Ban Chấp hành Đoàn trường đã phát động phong trào “Tam bất kỳ” với ba nội dung cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến việc sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ công tác của sinh viên sau khi tốt nghiệp: “Bất kỳ đi đến nơi nào mà Tổ quốc cần đến. Bất kỳ làm nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân yêu cầu. Bất kỳ chế độ hưởng thụ nào cũng chấp nhận.”
Phong trào “Tam bất kỳ” sau đó đổi tên thành “Ba bất kỳ”, rồi “Ba sẵn sàng”, đã hình thành một khí thế mới trong đông đảo sinh viên nhà trường. Tối ngày 30/4/1964, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Lễ phát động phong trào “Ba sẵn sàng”, với sự tham gia của gần 7.000 đoàn viên, thanh niên và lời thề:
“Sẵn sàng nhập ngũ, chiến đấu đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược!
Sẵn sàng hy sinh bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước!
Sẵn sàng làm bất cứ việc gì, đi bất cứ nơi nào mà Đảng, nhân dân, Tổ quốc cần đến mà không đòi hỏi đãi ngộ!”
Phong trào sau đó được đoàn viên, thanh niên các trường đại học khác và nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội hưởng ứng sôi nổi. Đêm 7/8/1964, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã họp bất thường, quyết định phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với các nội dung: Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến. Đêm 9/8/1964, khoảng 500 đoàn viên và trên 2 vạn thanh niên tập trung ngoài phố giương cao khẩu hiệu “Ba sẵn sàng”. Thành đoàn Hà Nội đã đọc lời kêu gọi và được thanh niên đáp lại “sẵn sàng, sẵn sàng, sẵn sàng” vang động cả góc trời. Ngày 9/8/1964 đi vào lịch sử phong trào thanh niên Thủ đô như một dấu son của tuổi trẻ.
Chỉ sau một tuần phát động, đã có 240.000 thanh niên ghi tên nguyện “Ba sẵn sàng”, trong đó có 80.000 thanh niên xung phong ra trận. Nhiều khẩu hiệu xuất hiện trên đường phố: “Đâu có giặc là ta cứ đi”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”... Cả Hà Nội như rực lửa. Tòng quân, đi thanh niên xung phong trở thành nguyện vọng thiết tha của tuổi trẻ Thủ đô và trên mọi miền đất nước lúc bấy giờ. Đó là những ngày mà thanh niên Hà Nội không ai muốn đứng ngoài, ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước. Hình ảnh hàng ngàn chàng trai, cô gái Hà Nội hào hoa, duyên dáng giữa phơi phới tuổi xuân nửa đêm lên đường xuất quân tại Quảng trường Ngân hàng Trung ương, Quảng trường Nhà hát Lớn rực ánh lửa; tiếng những thanh niên dõng dạc đọc lời thề “Ba sẵn sàng” trong buổi tiễn đưa những chàng trai, cô gái Hà thành vào Nam chiến đấu, “chia lửa với miền Nam ruột thịt”, tiễn đưa các đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước... là dấu ấn không thể xóa nhòa của tuổi trẻ Hà Nội trong một giai đoạn lịch sử vẻ vang, oanh liệt.
Phong trào “Ba sẵn sàng” đã phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu, đến với tất cả các đối tượng thanh niên. Được nhiều địa phương trong cả nước hưởng ứng, thậm chí nhanh chóng vượt ra khỏi biên giới, nhiều du học sinh đã viết đơn xin về nước để chiến đấu nếu Tổ quốc cần. Tháng 3/1965, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ Thủ đô và bổ sung thêm nội dung của phong trào, đó là: “Sẵn sàng chiến đấu và gia nhập lực lượng vũ trang. Sẵn sàng học tập và lao động xây dựng cuộc sống mới. Sẵn sàng đi tới nơi nào mà Tổ quốc cần đến”.
Lúc này, nhiệm vụ trung tâm của cả nước là tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ, vì vậy “Ba sẵn sàng” gồm cả nhiệm vụ chiến đấu, sản xuất, học tập, xây dựng cuộc sống. Kể từ đó, “Ba sẵn sàng” đã trở thành một trong những phong trào hành động cách mạng lớn nhất của tuổi trẻ Thủ đô và tuổi trẻ Việt Nam trong thế kỷ XX, tạo nên một đội quân tình nguyện đông đảo nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc: Hơn 5 triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia, trong đó gần 1,5 triệu người con ưu tú đã ngã xuống. Hàng vạn thanh niên đã để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường khốc liệt. Chính lớp thanh niên “Ba sẵn sàng” ra đi ngày ấy đã sát cánh chiến đấu quên mình cùng với lớp thanh niên “Năm xung phong” từ các vùng nông thôn, thành thị, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là dấu son trong lịch sử chiến đấu vẻ vang của thanh niên Hà Nội và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Cũng từ đây đã sản sinh những tập thể, cá nhân anh hùng đã đi vào lịch sử. Đó là sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã Ba Đồng Lộc; của 12 cô gái ở tiểu đội "thép" khi làm nhiệm vụ ở nơi bị địch đánh phá ác liệt - Truông Bồn (Nghệ An); của những thanh niên công nhân Nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội) khi “Cảm tử bảo vệ dòng điện”... ; Anh hùng Trịnh Tố Tâm - 53 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”; Anh hùng Lê Mã Lương với câu nói nổi tiếng “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến diệt quân thù”; các anh hùng liệt sỹ: Bùi Ngọc Dương, Vũ Xuân Thiều, Đặng Thùy Trâm... và nhiều tấm gương anh hùng khác. Tất cả những tấm gương thanh niên sống, chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc trong phong trào “Ba sẵn sàng” là những hình mẫu tiêu biểu của một thế hệ thanh niên anh hùng trong một dân tộc anh hùng.
Nền tảng để tiếp bước của phong trào Thanh niên tình nguyện
|
57 sinh viên Trường Đại học Yersin Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, tình nguyện lên đường hỗ trợ tỉnh Bình Dương phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN |
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) diễn ra khi đất nước vừa kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đại hội nhấn mạnh: “Một trong những bài học thành công của Việt Nam thời chống Mỹ là công tác thanh vận của Đảng thông qua phong trào “Ba sẵn sàng” của miền Bắc và phong trào “Năm xung kích” của miền Nam đã đưa hàng triệu thanh niên đi vào mũi nhọn của cuộc chiến đấu, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”. Phong trào “Ba sẵn sàng” trở thành động lực phát huy lòng yêu nước của tuổi trẻ, tạo điều kiện, môi trường để mỗi người có cơ hội bộc lộ lòng yêu nước bằng hành động thực tiễn. Chính phong trào “Ba sẵn sàng” đã góp phần làm lên lịch sử của cả dân tộc và như một thiên anh hùng ca của tuổi trẻ Việt Nam thế kỷ XX.
Phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thành quả của sự nghiệp giáo dục chủ nghĩa yêu nước, gắn bó mật thiết với những phong trào thi đua yêu nước mà các tổ chức Đoàn đã dày công thực hiện với chức năng cao quý là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, thực hiện chức năng giáo dục gắn với tổ chức hành động, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ thông qua việc sáng tạo ra tên các phong trào và khẩu hiệu hành động…
Phong trào “Ba sẵn sàng” trong những năm tháng chống Mỹ được ví như "mồi lửa" thắp sáng tinh thần cách mạng của thanh niên, học sinh, sinh viên vốn đã như "củi khô" chờ được đốt cháy. Ngọn lửa ấy vẫn sáng mãi đến hôm nay, với những phong trào thi đua xung kích được tuổi trẻ cả nước đẩy mạnh triển khai trong nhiều năm qua: “Thanh niên lập nghiệp”; “ “Tuổi trẻ sáng tạo”; “Tuổi trẻ thi đua tình nguyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Thanh niên tình nguyện”; “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; “Chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Hướng về biển, đảo quê hương”...
Trong đó, có thể nói phong trào Thanh niên tình nguyện là sự phát huy, kế thừa hiệu quả, thiết thực nhất từ phong trào “Ba sẵn sàng”, khơi dậy tinh thần xung kích, tự nguyện của thanh niên trong đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước, tình nguyện đảm nhận những việc rất mới, rất khó, đến những nơi xa xôi hẻo lánh, thể hiện nhiệt huyết của thế hệ trẻ Việt Nam trong bất cứ thời kỳ nào.
Khi đất nước cần, bằng sức trẻ, trí tuệ, với phương châm "biến tình yêu thành hành động", những đội thanh niên, đội phản ứng nhanh phòng, chống COVID-19 được hình thành; hàng trăm y bác sĩ trẻ lao mình vào tâm dịch với mục tiêu góp phần chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19... Hằng năm, những công trình thanh niên ở khắp nông thôn và thành thị được xây dựng; những chương trình “Hiến máu tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật đỏ” lan tỏa rộng khắp... Tất cả đều ngập sắc màu áo xanh của tuổi trẻ, của những khát khao cống hiến vì đất nước. Kế thừa truyền thống, sự tâm huyết của thế hệ cha anh đi trước, lớp cán bộ Đoàn và thế hệ thanh niên hôm nay đã và đang có những cách thức hành động để đưa thanh niên Việt Nam gắn bó hơn với các phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp dựng xây đất nước giàu đẹp, hùng cường.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, phong trào “Ba sẵn sàng” đã hun đúc nên một thế hệ thanh niên với những phẩm chất tốt đẹp, đó là lòng yêu nước, biết hy sinh, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Phong trào “Ba sẵn sàng” không chỉ có ý nghĩa to lớn trong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc mà vẫn luôn phát huy giá trị trong thanh niên thời bình. Tinh thần “Ba sẵn sàng” nhắc nhở thế hệ thanh niên ngày nay không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để gánh vác sứ mệnh của tuổi trẻ trong thời đại mới, với bản lĩnh “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.
Theo Hiền Hạnh (TTXVN)