|
Trung úy Triệu Tiến Ngân, Đồn biên phòng Pha Long thắp hương và chăm sóc phần mộ Liệt sĩ Nguyễn Xuân Hạnh hy sinh ngày 17/2/1979 đang nằm tại nghĩa trang Pha Long. |
Trong cái rét ngọt của những ngày đông lạnh giá, tôi cắn chặt môi để ngăn những giọt lệ ngưng rơi không phải vì rét mà vì thương nhớ các anh, những người lính biên phòng đã hy sinh trong những ngày chống trả quân xâm lược.
Lặng nhìn hàng bia mộ liệt sĩ trong nghĩa trang Mường Khương, Pha Long (Lào Cai), chúng tôi càng thấu hiểu từng tên núi, tên sông dọc tuyến biên giới phía Bắc đều gắn với những chiến tích lẫy lừng của quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc. Trong hàng triệu bức điện mật xuyên suốt từ thời chiến đến thời bình, phần lớn các bức điện nhằm duy trì thông tin liên lạc, chỉ đạo, chỉ huy của lãnh đạo. Nhưng cũng có những bức điện mật là lời chào, lời từ biệt gửi tới đồng đội; phản ánh sự khốc liệt của những năm tháng chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Một trong số đó là bức điện mật cuối cùng của chiến sĩ cơ yếu đồn Pha Long, với những lời từ biệt đồng đội:
“... Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí”.
Tại Lào Cai, kẻ địch dùng 2 trung đoàn bộ binh bất ngờ tấn công đồn Pha Long, nhằm triển khai ý đồ chiến thuật cắt rời mảnh đất hình tam giác này ra khỏi thế trận liên hoàn toàn tỉnh Hoàng Liên Sơn. Đồn Pha Long rơi vào thế cô lập, bị bao vây. Với tinh thần cách mạng, các chiến sĩ đã chiến đấu phòng ngự trong suốt 4 ngày đêm chống trả số lính thiện chiến, có sự yểm trợ của pháo binh và đông gấp nhiều lần bên ta.
9 giờ ngày 18/2/1979, địch tập trung lực lượng lớn tiếp tục áp sát đồn, kêu gọi chiến sĩ ta đầu hàng. Cán bộ chiến sĩ đồn Pha Long vẫn bình tĩnh ngoan cường nổ súng vào đầu quân xâm lược.
Hồi tưởng lại ngày này cách nay 43 năm về trước, bà Sềnh Mây Dín (sinh năm 1958) ở xã Pha Long, huyện Mường Khương (Lào Cai) vẫn không thể quên buổi sáng 17/2/1979.
Quân địch tràn qua biên giới bắn phá bản làng làm thương vong nhiều người dân, trong đó có nhiều người thân của bà Dín. Cả làng phải chạy loạn, tránh đạn pháo cối của quân địch. Cả dãy phố, bản làng chìm trong khói lửa, cháy trụi, tiếng trẻ em khóc lẫn tiếng súng nổ, người già, phụ nữ chạy náo loạn. Những ngôi nhà gỗ cháy như ngọn đuốc do đạn pháo bắn vào.
Bà Dín kể lại: “Ngày đó, tôi mới 21 tuổi, đang mang thai con trai đầu được 5 tháng. Bụng mang dạ chửa, nghe tiếng súng nổ tôi vơ vội mấy bộ quần áo chạy theo dân làng. Những loạt đạn pháo bắn vào cuối làng làm tôi ngã dúi dụi vào bụi lau ven đường. Vừa chạy vừa gọi to tìm bố chồng cùng hai chú em chồng còn nhỏ. Chồng tôi thì không biết đi lạc lúc nào. Một khung cảnh loạn lạc cả bản làng Pha Long”.
Giao tranh ác liệt giữa quân và dân Pha Long chiến đấu với quân thù, chiến sĩ Nguyễn Duy Mạc, nhân viên Cơ yếu Đồn Biên phòng Pha Long (Hoàng Liên Sơn) vẫn liên tục một tiếng, rồi ba mươi phút một lần mã điện báo cáo cấp trên và Bộ Tư lệnh. Quyết tâm chiến đấu của cán bộ chiến sĩ đồn Pha Long đã được chiến sĩ Mạc chuyển đi ngay trưa 18/2/1979: “Đồn Pha Long bị bao vây, địch đã chiếm hết các chốt của ta, lực lượng thương vong nhiều. Nhưng anh em chúng tôi còn lại kiên quyết không rời vị trí chiến đấu. Dù còn một người cũng chiến đấu”.
Không chỉ ở Lào Cai, trên tuyến biên giới Quảng Ninh, Pò Hèn là nơi ghi dấu một trong những trận chiến đấu ác liệt trên toàn tuyến biên giới phía Bắc hồi 43 năm trước và là nơi tưởng niệm 86 người con của đất nước đã anh dũng nằm xuống để giữ gìn cương vực lãnh thổ ngàn đời cha ông để lại. Vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 17/2/1979, Đồn Biên phòng 209 Pò Hèn bất ngờ bị tấn công. Nối sau những trận pháo kích dữ dội là bộ binh địch vượt qua biên giới tràn sang. Cán bộ, chiến sĩ ở trong đồn và các điểm chốt nổ súng đánh trả địch quyết liệt.
Cuộc chiến đấu không cân sức giữa cán bộ, chiến sĩ Đồn 209 và quân xâm lược diễn ra ác liệt ngay từ đầu. Địch dùng chiến thuật "biển người" ồ ạt tấn công, lớp này bị đánh tan, lớp khác lại điên cuồng xông lên. Cứ như vậy cho đến một cuộc chiến đấu giáp lá cà giữa các chiến sỹ ta và địch. Dù tạm chiếm được đồn của ta, nhưng quân địch đã phải trả giá đắt bằng máu, 250 tên địch bị giết, hàng trăm tên khác bị thương. Còn đồn Pò Hèn, 45 cán bộ, chiến sỹ, một nhân viên thương nghiệp cụm Pò Hèn và 27 công nhân lâm trường Hải Sơn hy sinh.
Chia sẻ ký ức về lửa đã cháy và máu đã đổ trên dải đất biên cương, ông Loan Thanh Lộc, dân tộc Dao, nguyên Trưởng Công an xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) - người đã cầm súng giáng trả quân xâm lược trên mảnh đất Đông Bắc hồi tháng 2 năm 1979, xót xa nhắc tới những đồng đội, đồng chí người còn, người mất, người nằm ở bờ khe, thung sâu, sườn núi chưa được quy tập về các nghĩa trang.
Chia sẻ về những năm tháng đau thương đó, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 316, người tham gia chiến đấu trực tiếp ở biên giới phía Bắc trong giai đoạn 1979 - 1989 cho biết: “Sau những năm tháng xung đột, ngày 13/3/1989, quân đội đối phương bắt đầu rút khỏi các vị trí chiếm đóng trên biên giới phía Bắc. Với những người lính chúng tôi, đó chính là ngày chiến thắng. Chúng tôi ngẩng cao đầu quay về phía Nam của Tổ quốc với niềm tự hào đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nhiệm vụ với khát vọng im tiếng súng, khát vọng về một biên giới hòa bình, hữu nghị”.
43 năm đã trôi qua, nhiều câu chuyện đã thuộc về lịch sử. Màu xanh đã phủ lên “Lò vôi thế kỷ” cũng như các quả đồi, cánh rừng, hố đạn nơi biên thuỳ phía Bắc năm xưa. Nhưng những chứng tích của cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc vẫn còn vẹn nguyên đó.
Theo V.T/Báo Tin tức