Từ khóa: .
Cụ Bùi Bằng Đoàn (1889 - 1955), sinh ra trong một gia đình nho học tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Cụ Bùi (Bùi Bằng Đoàn) nguyên là quan Thượng thư Bộ Hình dưới Triều vua Bảo Đại. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ Bùi đã tham gia vào chính quyền cách mạng theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cụ Bùi Bằng Đoàn là người học rộng, hiểu sâu, năm 17 tuổi đã đỗ cử nhân dưới Triều vua Thành Thái. Sau đó cụ vào học trường Hậu bổ và đỗ thủ khoa, được bổ nhiệm giữ các chức Tri huyện, Tri phủ, Án sát rồi đến Thượng thư Bộ Hình. Trong thời gian làm quan dưới Triều Nguyễn, cụ Bùi Bằng Đoàn được người đương thời gọi là ông quan đức độ, thanh liêm, chính trực, thương dân.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ đã hai lần viết thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia làm cố vấn riêng cho mình.
Bức thư đề ngày 17/11/1945, Bác Hồ gửi cụ Bùi Bằng Đoàn như sau:
Thưa Ngài
Tôi tài đức ít ỏi và trách nhiệm nặng nề, thấy Ngài học vấn cao siêu kinh nghiệm phong phú. Vậy nên tôi mời ngài làm cố vấn cho tôi để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ họa cho nước nhà, dân tộc. Cám ơn và chúc ngài Mạnh khỏe.
Kính thư
Hồ Chí Minh1
Theo ông Vũ Mão kể lại thì cả hai lần nhận thư của Bác Hồ, cụ Bùi đều lưỡng lự, xin cáo từ, đến lần thứ ba, Bác Hồ cử ông Vũ Đình Huỳnh (Thư ký riêng của Bác) về tận Hà Đông (quê của cụ Bùi) để trao tận tay bức thư riêng của Người. Trong thư có câu thơ cổ 7 chữ: “Thu thủy tàn hà thính vũ thanh” (Dòng nước thu, bông sen tàn nghe tiếng mưa rơi lại nở). Câu thơ này có nhiều luận giải khác nhau. Nhưng có lẽ, Bác Hồ và cụ Bùi là hai bậc nho gia am tường sâu sắc và hiểu được ý nhau. Sau khi đọc thư này, cụ Bùi đã vui vẻ nhận lời mời của Bác Hồ2.
Từ đó trở đi, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham gia vào các hoạt động của chính quyền cách mạng ngày càng sâu sắc và quan hệ giữa Bác Hồ với cụ Bùi Bằng Đoàn cũng ngày càng gắn bó.
Ngày 22/11/1945, cụ Bùi được đón về nhà số 8 phố Lê Thái Tổ, Bác Hồ đã đợi cụ Bùi ở cửa phòng khách. Sau khi gặp gỡ, Bác Hồ và cụ Bùi đã cùng đi dạo trong vườn, trò chuyện tâm đắc như đôi bạn cố tri lâu ngày mới gặp lại.
Trong phiên họp ngày 14/11/1945, khi bàn đến vấn đề tập hợp nhân tài, Bác Hồ đã đề nghị Hội đồng Chính phủ cử một Ban Cố vấn riêng cho Người gồm 10 vị, trong đó có cụ Bùi Bằng Đoàn3.
Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 64, thiết lập Ban Thanh tra đặc biệt có toàn quyền nhận các đơn khiếu nại của nhân dân; điều tra xem xét các tài liệu giấy tờ của Ủy ban nhân dân, của cơ quan Chính phủ cần thiết cho công tác giám sát, đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi4.
Ngày 31/12/1945, Bác Hồ ký Sắc lệnh số 78, thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết. Ủy ban này gồm 40 vị là những trí thức, nhân sĩ, các bộ trưởng, thứ trưởng, trong đó có cụ Bùi Bằng Đoàn5.
Cũng trong ngày 31/12/1945, Bác Hồ ký Sắc lệnh số 80, cử các ông Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Chánh Nhất, Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra đặc biệt theo Sắc lệnh 64 trước đó. Trong Ban này, cụ Bùi Bằng Đoàn giữ chức Trưởng ban. Điều đó thể hiện Bác Hồ luôn tin tưởng sâu sắc vào đức tài của cụ.
Tháng Giêng năm 1946, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham gia ứng cử tại tỉnh Hà Đông và đã trúng cử vào Quốc hội đầu tiên của nước VNDCCH.
Ngày 2/3/1946, Quốc hội nước VNDCCH họp kỳ thứ nhất bầu Ban Thường trực Quốc hội do cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban và 2 ủy viên chính thức, trong đó có cụ Bùi Bằng Đoàn.
Ngày 7/11/1946, Quốc hội nước VNDCCH họp kỳ thứ hai. Trong kỳ họp này Quốc hội đã bầu lại Ban Thường trực gồm 18 vị, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu là Trưởng ban (tương tự như chức Chủ tịch Quốc hội hiện nay). Ban Thường trực Quốc hội có quyền góp ý với Chính phủ, phê phán Chính phủ nếu Chính phủ có những việc làm trái với lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực thi những nhiệm vụ mà Quốc hội giao phó. Cụ Bùi đã có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng bộ máy nhà nước còn non trẻ sau Cách mạng tháng Tám.
Để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường lực lượng cách mạng, theo chủ trương của Đảng, cần thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Một ban vận động thành lập Hội gồm 27 vị đã hình thành và ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam đã chính thức thành lập (gọi tắt là Liên Việt) trong đó có cụ Bùi.
Vào năm 1947-1948, các cơ quan nhà nước đều chuyển lên Chiến khu Việt Bắc. Bác Hồ và cụ Bùi Bằng Đoàn đều cùng làm việc tại An toàn khu (ATK) thuộc tỉnh Tuyên Quang. Mặc dù nơi ở của Bác Hồ ở ATK là tuyệt mật, công việc của Bác rất bận, nhưng Bác vẫn dành thời gian thỉnh thoảng tới thăm và đàm đạo thơ văn với cụ Bùi.
Vào đầu năm 1948, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đã và đang giành được nhiều thắng lợi. Bác Hồ rất vui, Người đã làm thơ tặng cụ Bùi để chia sẻ niềm vui ấy. Bài thơ viết nguyên văn bằng chữ Hán, dịch theo âm Hán - Việt như sau:
TẶNG BÙI CÔNG
Khán thư sơn điểu thê song hãn,
Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì,
Tiệp báo tần lai lao dịch mã,
Tư công tức cảnh tặng tân thi.
Dịch nghĩa là:
TẶNG CỤ BÙI
Khi xem sách, chim rừng đậu ở song cửa sổ
Lúc phê công văn, đóa hoa xuân soi bóng trong nghiên mực
Luôn luôn phải về báo tin thắng trận, con ngựa trạm cũng vất vả.
Nhớ cụ vừa tức cảnh thành bài thơ tặng cụ.
Dịch thơ:
TẶNG CỤ BÙI BẰNG ĐOÀN
Xem sách chim rừng vào cửa đậu,
Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi.
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa,
Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài 6.
Nhận được thơ của Bác Hồ, cụ Bùi đã họa lại, nguyên văn bằng chữ Hán, dịch theo âm Hán - Việt như sau:
Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc
Giang sơn vạn lý thủ thành trì.
Tri công quốc sự vô dư hạ,
Thao bút nhưng thành thóa lỗ thi.
Dịch nghĩa như sau:
Sắt đá một lòng nâng đỡ nòi giống,
Non sông muôn dặm giữ cõi bờ.
Biết cụ bận việc nước, không còn thì giờ rảnh
Nhưng cầm đến bút vẫn thành những câu thơ đẩy lùi được quân giặc.
Dịch thơ như sau:
Sắt đá một lòng vì chủng tộc,
Non sông muôn dặm giữ cơ đồ
Biết Người việc nước không hề rảnh,
Vung bút thành thơ đuổi giặc thù 7.
Qua 2 bài thơ xướng - họa thể hiện Bác Hồ và Cụ Bùi đều rất am tường Nho học, cụ Bùi rất vui, rất cảm phục và quí mến đức, tài của Bác Hồ. Hai cụ là hai người bạn tâm đầu ý hợp, là đôi bạn già tri kỷ.
Nghe hai cụ (cụ Hồ và cụ Bùi) xướng họa, thứ trưởng Bộ giao thông - Thủy lợi Đặng Phúc Thông bình luận: “Ôi hai trái tim cao cả cùng nhịp đập!”
(X. Vũ Đình Hòe: Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, tập 1).
Năm 1948, khi cụ Nguyễn Văn Tố mất do bị giặc giết hại, Bác Hồ đã viết dự thảo Lời điếu cụ Nguyễn Văn Tố. Sau đó Bác Hồ đã gửi tới cụ Bùi Bằng Đoàn Lời điếu này và kèm theo bức thư như sau:
“Kính gửi cụ Bùi,
Trưởng Ban Thường vụ Quốc hội.
Tôi muốn có một bài truy điệu cụ Tố. Nhưng nhờ người viết thì không biết nhờ ai. Tự viết lấy thì viết không được, vì xưa nay tôi chưa hề tập viết văn tế.
Vậy tôi cứ bạo dạn thảo ra đây, trình cụ xem. Nếu không thể sửa thì ta làm văn xuôi vậy.
Khi tôi thảo xong, đọc lại nghe khá trướng tai. Vì đối với cụ, tôi không dám dấu dốt, cho nên cứ gửi để cụ xem.
Mong kỳ hội đồng sau sẽ được gặp cụ. Kính chúc cụ mạnh khỏe và xin cụ chuyển lời tôi hỏi thăm cụ Phan và cụ Vi (Cụ Phan Kế Toại và cụ Vi Văn Định - NĐH).
Chào thân ái và quyết thắng
Tháng 5 năm 1948
HỒ CHÍ MINH” 8
Bức thư của Bác Hồ thể hiện sự khiêm nhường, chân thực, thẳng thắn và thể hiện sự tôn trọng, yêu mến, tin tưởng; sự gắn bó sâu sắc của Bác Hồ đối với cụ Bùi Bằng Đoàn.
Ngày 19/4/1947, trong lúc Hội đồng Chính phủ họp ở Mỏ Giác, châu Tự Do, Bác Hồ thoáng thấy vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt cụ Bùi Bằng Đoàn do bệnh cũ tái phát. Thấy vậy, Bác Hồ đã cho gọi bác sĩ tới khám bệnh ngay cho cụ Bùi.
Ngày 12/8/1948, Bác Hồ nhận được tin cụ Bùi bị tai biến mạch máu não. Bác Hồ liền cử ngay ông Phan Mỹ - Chánh Văn phòng Chủ tịch phủ và bác sỹ riêng Lê Văn Chánh đến kiểm tra trực tiếp bệnh tình của cụ. Thấy ở ATK không có đủ thuốc men, Bác Hồ quyết định chuyển cụ về quê, ở gần Hà Nội để chữa trị.
Đầu năm 1949, cụ Bùi Bằng Đoàn được chuyển vào vùng Tự do Thanh Hóa để yên tâm chữa bệnh. Khi đặc phái viên Trần Đăng Ninh vào Thanh Hóa công tác, Bác Hồ đã ủy quyền cho ông Ninh đến thăm sức khỏe và tặng cụ Bùi bộ quần áo bằng lụa Hà Đông làm qùa tặng sinh nhật lần thứ 60 của cụ, cũng là để cụ đỡ nhớ nhà.
Trong thời gian chữa bệnh, tuy xa Trung ương, xa Bác Hồ, nhưng cụ Bùi Bằng Đoàn vẫn thường xuyên được Bác Hồ thăm hỏi và tạo điều kiện để cụ liên hệ với Chiến khu Việt Bắc. Do đó, Cụ Bùi vẫn thường xuyên gửi thư góp ý cho Trung ương, cho Chính phủ và luôn tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Hồ Chủ tịch.
Sau khi Hà Nội được giải phóng, Cụ Bùi Bằng Đoàn được Trung ương đón về ở tại nhà số 10 phố Trần Hưng Đạo, gần Bệnh viện Quân đội 108 để tiện chữa bệnh. Từ khi cụ Bùi chuyển về Hà Nội, tuần nào Bác Hồ cũng đến thăm cụ Bùi một lần. Có hôm hai cụ đàm đạo tới tận khuya.
Cụ Bùi Bằng Đoàn đã qua đời tại Bệnh viện Quân đội 108 vào ngày 13/4/1955 do bệnh nặng, tuổi già sức yếu.
Sáng ngày 13/4/1955, Bác Hồ đã đến Bệnh viện Quân đội 108 viếng cụ Bùi Bằng Đoàn.
Ngày 14/4/1955, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 224-SL truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho cụ Bùi Bằng Đoàn.
Các sự kiện trên đây cho chúng ta thấy, từ khi Bác Hồ viết thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia giúp đỡ công việc quốc gia đại sự, cho đến khi cụ Bùi đau ốm và qua đời, Bác Hồ đã luôn quan tâm giúp tạo điều kiện để cụ Bùi làm việc giúp dân, giúp nước và Bác Hồ đã rất chú ý chăm sóc sức khỏe của cụ Bùi cả về vật chất và tinh thần.
Như vậy, từ việc cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia công tác trong chính quyền cách mạng đến việc xướng họa, trao đổi thơ văn với Bác Hồ, sự giúp đỡ, chăm sóc chu đáo tận tình của Bác Hồ đối với cụ Bùi, chúng ta thấy quan hệ giữa Bác Hồ với cụ Bùi Bằng Đoàn rất sâu sắc. Đó là mối quan hệ ý hợp tâm đầu, tri âm, tri kỷ trong hai tâm hồn đồng điệu yêu nước thiết tha, cao đẹp, một lòng vì nước, vì dân đến trọn đời!
Từ trong mối quan hệ ấy, chúng ta thấy có sự chuyển biến vô cùng quan trọng của cụ Bùi Bằng Đoàn. Xuất thân từ một quan Thượng thư Bộ Hình của Triều đình Nhà Nguyễn, đã trở thành một cán bộ quan trọng trong bộ máy của chính quyền nhân dân, trung thành với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, tận tụy vì nước, vì dân cho đến khi qua đời. Đó cũng là thành công của Bác Hồ trong việc trọng dụng nhân tài.
Từ trong mối quan hệ ấy, chúng ta càng thấy rõ đạo đức cao cả và tấm lòng nhân ái bao dung sâu sắc của Bác Hồ. Bác đã xóa bỏ mặc cảm, tin tưởng vào đức tài của cụ Bùi, khéo mời cụ Bùi tham gia xây dựng chính quyền cách mạng. Đồng thời trong mối quan hệ ấy, chúng ta cũng thấy sự tinh tế, khéo léo, tài tình trong việc trọng dụng nhân tài của Bác Hồ.
Với đạo đức cao cả và lòng nhân ái bao dung cùng với sự tinh tế, khéo léo, tài tình trong việc trọng dụng nhân tài đã giúp cho Bác Hồ thu phục được các nhân sĩ, trí thức yêu nước tham gia vào sự nghiệp cách mạng, trong đó không chỉ có cụ Bùi Bằng Đoàn, mà còn thu phục được nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước khác như: cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại, Vi Văn Định, Phạm Khắc Hòe… làm nhiều việc có ích cho dân, cho nước.
Đây là bài học vô cùng sâu sắc, vô cùng quan trọng đối với Đảng và Nhà nước ta trong quá trình thực thi chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và chính sách cán bộ trong công cuộc đổi mới hiện nay.
Nguyễn Đức Hùng
Nguyên Giảng viên chính Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Chú thích:
1, 2. Theo lời kể của ông Vũ Mão do Ngọc Quang ghi trong bài: Từ vị quan thanh liêm trong triều đình phong kiến trở thành Chủ tịch Quốc hội. http://giaoduc.net.vn
3, 4, 5. Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, HN. 2006, tr.76, 84, 112.
6, 7. Tuyển tập văn thơ Hồ Chí Minh, Nxb. QĐND, HN.2008, tr.609.
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, HN.2009, t5, tr. 433.