Những năm Hợi đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam

Suốt chiều dài lịch sử, dân tộc ta đã trải qua nhiều thăng trầm trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019, xin điểm lại một số sự kiện mang tính bước ngoặt diễn ra trong năm Hợi qua các thời kỳ.

Tượng đài Ngô Quyền tại di tích lịch sử Từ Lương Xâm, phường Nam Hải, quận Hải An, Hải Phòng. Nguồn: haiphong.gov.vn

Năm Kỷ Hợi  939: Chấm dứt 1.000 năm chống Bắc thuộc

Sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử (năm 938) đánh tan quân Nam Hán, năm Kỷ Hợi (939) Ngô Quyền lên ngôi vua (xưng vương), đóng đô ở Cổ Loa.

Sự kiện này chấm dứt thời kỳ hơn 1.000 năm chống Bắc thuộc, bắt đầu mở ra thời kỳ phát triển của quốc gia phong kiến độc lập và lớn mạnh nhanh chóng của dân tộc Việt Nam.

 

Phục dựng Lễ tịch điền (năm 2016). Nguồn: dangcongsan.vn

Năm Đinh Hợi 987: Lễ tịch điền khai mở mùa vụ mới

Mùa xuân năm 987, vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) cùng văn võ bá quan ra cày ruộng ở Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam ngày nay) với dụng ý  khuyến khích dân chúng chăm lo việc cấy cày, phát triển nông nghiệp. Kể từ đó, hằng năm vào đầu xuân, nhà vua đích thân ra đồng cày ruộng, khai mở mùa vụ mới. Tục này được gọi là Lễ tịch điền.

Sau một thời gian dài gián đoạn, từ năm 2009, phong tục tốt đẹp này được phục hồi. Năm 2017, lễ hội này được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm Đinh Hợi  1287:  Cuộc kháng chiến chống Nguyên  Mông lần thứ 3

Sau 2 lần thất bại trước quân dân nhà Trần (1258, 1285), nhà Nguyên Mông vẫn nuôi dã tâm xâm chiếm nước ta lần nữa.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, mùa xuân năm Đinh Hợi 1287, Thoát Hoan lại mang 50 vạn quân  xâm lược nước Đại Việt.

Lúc này đất nước ta vào thời hưng thịnh, thế nước vững vàng, trăm họ yên vui, quân binh tinh nhuệ, lương thảo dồi dào, nội lực sung mãn. Chính vì vậy khi vua Trần Nhân Tông hỏi kế phá giặc, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn trả lời: “Năm nay đánh giặc nhàn”.

Quả đúng thế, chỉ sau 4 tháng (từ cuối tháng 12/1287 đến tháng 4/1288), quân dân nhà Trần đã một lần nữa khiến quân Nguyên Mông thảm bại bằng chiến thắng lừng danh muôn thuở: Cuộc đại thủy chiến trên sông Bạch Đằng.

Sau trận thua ở Bạch Đằng, nhà Nguyên phải từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta.

Năm Tân Hợi 1911: Bác Hồ bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước

Tháng 6/1911, từ cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) lên con tàu  Latouche Tréville của Pháp làm nghề phụ bếp với tên “Văn Ba”. Từ đây, Người bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm đường cứu nước.

Sau 30 năm bôn ba nước ngoài, mùa Xuân năm 1941, Người về nước và cùng với các đồng chí của mình lãnh đạo thành công công cuộc giành độc lập dân tộc vào tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là CHXHCN Việt Nam).

Năm Đinh Hợi 1947: Chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông

Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947 (từ 7/10 đến 22/12/1947) là một chiến dịch quân sự do quân đội Pháp thực hiện nhằm phá tan cơ quan đầu não kháng chiến và tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta ở chiến khu Việt Bắc.

Với tinh thần quả cảm, quân và dân ta đã đập tan âm mưu chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp. Đây cũng là chiến thắng lớn ở cấp chiến dịch đầu tiên của quân, dân ta trong 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Năm Kỷ Hợi 1959: Bước ngoặt của cách mạng miền Nam

Cuối năm 1958 đầu năm 1959, cách mạng miền Nam gặp nhiều tổn thất do chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” của Mỹ-Diệm. Lúc này phương châm đấu tranh chính trị đơn thuần hay chính trị kết hợp với vũ trang tự vệ không còn phù hợp.

Trước tình hình đó, tháng 1/1959, Ðảng triệu tập Hội nghị lần thứ 15, quyết định một vấn đề quan trọng: Chuyển cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang.

Nghị quyết 15 như một luồng sinh khí mới thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của nhân dân miền Nam mà đỉnh cao là phong trào Đồng khởi (cuối năm 1959 đầu năm 1960).

Đây là bước ngoặt của cách mạng miền Nam trên con đường tiến tới thống nhất đất nước.

Năm Ất Hợi 1995: Việt Nam gia nhập ASEAN

Ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 ở Brunei, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này.

Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN; đóng góp tích cực và góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ASEAN.

 

Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy và Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển trao đổi văn kiện Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam. Ảnh tư liệu TTXVN

Năm Đinh Hợi 2007: Việt Nam gia nhập WTO

Kết thúc tiến trình đàm phán trong hơn 10 năm (1995-2006), trong đó có những cuộc đàm phán với những đối tác lớn (EU, Hoa Kỳ), ngày 7/11/2006, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) triệu tập phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng tại Geneva (Thụy Sĩ) để kết nạp Việt Nam là thành viên thứ 150 của WTO.

Cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển và Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy đã ký Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam.

Ngày 11/1/2007,  WTO nhận được được quyết định phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO của Quốc hội Việt Nam.

Kể từ dấu mốc lịch sử này, Việt Nam chính thức trở thành thành viên đầy đủ của WTO.

Theo Thanh Xuân (tổng hợp)/Báo Chính phủ

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều