Nhà thơ Hoàng Cầm
Nhà thơ Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22-2-1922, tuổi Nhâm Tuất, tại thôn Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, quê gốc của ông ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông xuất thân trong gia đình nhà nho nghèo chuyên làm nghề bốc thuốc ở Bắc Giang. Thuở nhỏ, ông học ở Bắc Giang và Bắc Ninh; đến năm 16 tuổi (năm 1938) ông học ở Trường Thăng Long (thành phố Hà Nội). Sau đấy 2 năm, ông thi đỗ tú tài toàn phần. Từ khi bước vào nghề văn chương, ông lấy tên một vị thuốc bắc đắng là Hoàng Cầm. Ông mất ngày 6-5-2010 tại Hà Nội.
Năm 1944, Hoàng Cầm đưa gia đình về quê gốc (Thuận Thành, Bắc Ninh) sinh sống và ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức Thanh niên Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám, ông sống ở Hà Nội, thành lập Đoàn kịch Đông Phương; đoàn kịch này hoạt động được một thời gian ở các vùng lân cận Hà Nội, rồi giải thể.
Cuối năm 1947, Hoàng Cầm tham gia Vệ Quốc quân ở Chiến khu 12. Cũng vào cuối năm ấy, ông đứng ra thành lập Đội Tuyên truyền văn nghệ - đội văn công quân đội đầu tiên. Đến năm 1952, ông là người đầu tiên được cử làm Trưởng đoàn Văn công của Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng), đi biểu diễn tại nhiều địa phương ở phía Bắc và phục vụ chiến sĩ trên các mặt trận chống Pháp. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, đoàn văn công về Hà Nội, Hoàng Cầm được giao làm Trưởng đoàn Kịch nói.
Năm 1957, Hoàng Cầm rời quân ngũ. Cũng trong năm này, ông là một trong số những người tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam và được bầu vào Ban Chấp hành Hội ngay khóa đầu tiên.
Sự nghiệp cầm bút của ông để lại khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, tiêu biểu như “Hận Nam Quan” (kịch thơ, năm 1944), “Kiều Loan” (kịch thơ, năm 1945), “Tiếng hát quan họ” (trường ca, in chung trong tập “Cửa Biển”, năm 1956), “Men đá vàng” (truyện thơ, viết năm 1973, xuất bản năm 1989), “Trương Chi” (kịch thơ, năm 1993), “Về Kinh Bắc” (tập thơ, năm 1944), “Tương lai” (kịch thơ, năm 1995), “Bên kia sông Đuống” (tập thơ chọn lọc, năm 1993)…
Nhà thơ Hoàng Cầm được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, đợt II, năm 2007 cho các tác phẩm “Lá diêu bông” (trong “Bên kia sông Đuống”, tập thơ chọn lọc, năm 1993), “Về Kinh Bắc” (tập thơ, năm 1994) và “99 tình khúc” (tập thơ tình, năm 1955).
Nhà văn Chu Văn
Nhà văn Chu Văn sinh năm 1922, tuổi Nhâm Tuất, tên thật là Nguyễn Văn Chử, quê ở làng Miễu, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình nhà nho. Ông cũng là một trong số những người tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và được bầu vào Ban Chấp hành Hội khóa III. Ông còn là nhà thơ, nhà viết kịch với nhiều bút danh khác nhau, như Kim Mã, Thạch Mã, Nghĩa Thanh... Nhà văn Chu Văn mất ngày 17-7-1994.
Các tác phẩm chính của Chu Văn gồm có: “Sao đổi ngôi”, “Bão biển”, “Ánh sáng bên hàng xóm”, “Hương cau hoa lim”, “Tiếng hát trong rèm”... Ông nhận được nhiều giải thưởng cao quý, như Giải thưởng truyện ngắn “Con đường lầy” của Tạp chí Văn nghệ năm 1958; Giải Nhì truyện ngắn “Con trâu bạc” trong cuộc thi truyện ngắn năm 1959 - 1960 của Tuần báo Văn học, nay là Tuần báo Văn nghệ. Ngoài ra, ông còn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, năm 1989 và Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, đợt I, năm 2001.
Nhà thơ Vũ Cao
Vũ Cao tên thật là Vũ Hữu Chỉnh, sinh năm 1922, tuổi Nhâm Tuất, tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nhà nho và hoạt động văn học khá sớm. Những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm việc tại Báo Chiến sĩ ở Liên khu IV, rồi làm phóng viên của Báo Vệ quốc quân, tiền thân của Báo Quân đội nhân dân ngày nay. Năm 1957, ông về làm biên tập viên của báo này, rồi làm tổng biên tập trong nhiều năm. Từ sau năm 1975, ông làm Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam.
Các tác phẩm chính của ông gồm có: “Sớm nay” (thơ, năm 1962), “Đèo trúc” (thơ, năm 1973), “Núi Đôi” (thơ, năm 1990), “Từ một trận địa” (năm 1973)... Nhà thơ Vũ Cao được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, đợt I, năm 2001. Ông mất năm 2007 tại Hà Nội.
Nhà thơ Duy Khán
Nhà thơ Duy Khán có tên thật là Nguyễn Duy Khán, sinh ngày 6-8-1934, tuổi Giáp Tuất, tại thôn Sơn Trung, xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Thuở nhỏ, ông học tại các trường trong vùng thực dân Pháp kiểm soát, nhưng do ảnh hưởng của hai người anh trai là Nguyễn Đình Thư và Nguyễn Đình Thả, năm 15 tuổi, ông bỏ dở việc học, trốn ra vùng Việt Minh kiểm soát để nhập ngũ.
So với nhiều người cùng thời, vốn tri thức của Duy Khán khá hơn, nên được đơn vị phân công dạy học cho cán bộ, chiến sĩ thay vì trực tiếp tham gia chiến đấu. Sau đó ông trở thành phóng viên chiến trường, chuyên viết bài cho Chương trình Phát thanh Quân đội của Đài Tiếng nói Việt Nam. Trên cương vị công tác mới, ông có mặt trong hầu hết các chiến dịch lớn, từ Điện Biên Phủ đến đường Chín - Nam Lào. Sau chiến dịch đường Chín - Nam Lào, năm 1972, ông về làm biên tập viên tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội và từng có mặt ở quần đảo Trường Sa trong một thời gian dài. Trước lúc nghỉ hưu, ông được phong quân hàm Đại tá, rồi về sống với gia đình tại phố Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Ông mất ngày 29-01-1993 tại Hải Phòng.
Trong cuộc đời cầm bút, ông đã để lại một số tác phẩm văn chương tiêu biểu, như “Trận mới” (thơ, năm 1972), “Một tiếng Xa-ma-khi” (thơ, năm 1981, in chung với Xuân Miễn và Phạm Ngọc Cảnh), “Tâm sự người đi” (thơ, năm 1984). Ông từng nhận được nhiều giải thưởng văn chương cao quý, như Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm “Tuổi thơ im lặng” (hồi ký, năm 1987); Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, đợt III, năm 2012…
Nhà văn Chu Lai
Nhà văn Chu Lai có tên khai sinh là Chu Văn Lai, sinh ngày 05-02-1946, tuổi Bính Tuất, tại xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, hiện đã về hưu với quân hàm Đại tá và đang sống ở Hà Nội. Ông là con trai của nhà viết kịch nổi tiếng Học Phi. Trong chiến tranh chống Mỹ, Chu Lai công tác trong Đoàn Kịch nói của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ít lâu sau, ông trở thành chiến sĩ đặc công, hoạt động chủ yếu ở vùng Sài Gòn - Gia Định. Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (năm 1973), Chu Lai về làm trợ lý tuyên huấn ở Quân khu 7. Một thời gian sau, ông được cử đi học tại một lớp sáng tác của Tổng cục Chính trị, tiếp theo là tại Trường Viết văn Nguyễn Du, khóa I, cùng với Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Phạm Hoa, Nguyễn Trọng Tạo... Ra trường, Chu Lai về làm biên tập viên và sáng tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho đến lúc nghỉ hưu.
Cuộc đời hoạt động văn chương của ông đã để lại một gia tài tương đối lớn, tiêu biểu như “Nắng đồng bằng”, “Đêm tháng hai”, “Sông xa”, “Gió không thổi từ biển”, “Vòng tròn bội bạc”, “Bãi bờ hoang lạnh”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Phố”, “Hà Nội đêm trở gió”, “Người Hà Nội”, “Hà Nội 12 ngày đêm”...
Nhà văn Chu Lai từng nhận được nhiều giải thưởng cao quý, như Giải thưởng của Hội Nhà văn cho tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng”, năm 1993; Giải thưởng Văn học của Bộ Quốc phòng, năm 1994; Giải thưởng của Nhà xuất bản Hà Nội cho tiểu thuyết “Phố”, năm 1993; Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết “Mưa đỏ”, năm 2016; Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, đợt II, năm 2007.
Nhà thơ Thanh Thảo
Thanh Thảo có tên khai sinh là Hồ Thành Công, sinh năm 1946, tuổi Bính Tuất, tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là học sinh miền Nam tập kết, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, Thanh Thảo vào công tác ở chiến trường miền Nam cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tuy nhiên, công chúng biết đến ông với tư cách là một nhà thơ hiện đại từ một số tác phẩm viết về chiến tranh và hậu chiến công bố sau năm 1975, tiêu biểu như “Những người đi tới biển” (năm 1977), “Dấu chân qua trảng cỏ” (năm 1980), “Những ngọn sóng mặt trời” (năm 1994), “Khối vuông ru-bích” (năm 1985), “Từ một đến một trăm” (năm 1988)...
Thanh Thảo đã nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam các năm 1979, 1995; Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, đợt I, năm 2001 và Giải thưởng Văn học ASEAN, năm 2014.
Theo Đỗ Ngọc Yên/Tạp chí Cộng sản