Sẵn sàng chiến đấu để tự vệ
TS. Trần Văn Thức, Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng phân tích, cuối tháng 11.1946, thực dân Pháp đã đẩy chiến tranh xâm lược ra toàn cõi Việt Nam đến nấc cuối cùng; nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trẻ tuổi đứng trước thử thách hiểm nghèo.
Trước tình hình đó, ngày 26.11.1946, Trung ương Đảng chỉ rõ: “Sự thật đã chứng minh rằng thực dân Pháp ngang nhiên khiêu hấn. Chúng định dùng võ lực bắt ta phải nhượng bộ. Nhưng không khi nào ta chịu. Tạm ước 14.9 là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc!”. Và kêu gọi: "Hỡi toàn quốc đồng bào! Những hành động của Pháp xâm phạm chủ quyền Việt Nam rất có thể lan rộng. Tình thế vô cùng nghiêm trọng. Hãy sẵn sàng chiến đấu để tự vệ bất cứ nơi nào và chỗ nào! Mỗi người dân Việt Nam lúc này phải hăng hái gánh nhiệm vụ thiêng liêng: bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Đoàn kết phấn đấu nhất định chúng ta sẽ thắng".
|
Nhân dân Thủ đô Hà Nội dựng chiến lũy chống giặc tại phố Mai Hắc Đế. Ảnh: TL
|
"Thắng lợi của 60 ngày đêm tại mặt trận Hà Nội mở đầu kháng chiến toàn quốc là sự cổ vũ rất lớn để quân và dân ta liên tiếp đánh thắng thực dân Pháp bằng Chiến dịch Việt Bắc - Thu đông (1947), Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952), Chiến dịch Thượng Lào (1953) và đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược".
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng,
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
|
Đến ngày 12/12/1946, Trung ương Đảng ra chỉ thị "Toàn dân kháng chiến", chỉ rõ mục đích, tính chất và đường lối chung chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau đó 1 ngày, Trung ương Quân ủy, Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy triệu tập Hội nghị các chính ủy (từ Chiến khu 4 trở ra), bàn công tác chuẩn bị chiến đấu. Hội nghị nhất trí với yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy đặt ra là quyết giành được thế chủ động bất ngờ, tiến công địch ngay khi có lệnh nổ súng trong toàn quốc, đánh rộng trong thành phố, kết hợp với bao vây địch, bảo tồn lực lượng ta.
Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ngày 18 - 19/12/1946 tại làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cũng đã kịp thời hạ quyết tâm phát động toàn quốc kháng chiến, chủ động mở cuộc giao chiến lịch sử, trước khi thực dân Pháp thực hiện màn kịch đảo chính quân sự ở Hà Nội. Tối 19 rạng sáng 20.12.1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó khẳng định: "Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"...
"Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, là lời hịch cứu quốc, thể hiện ý chí và quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, thống nhất quốc gia; là sự tiếp nối hợp logic bản Tuyên ngôn độc lập do chính Người đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy", PGS.TS. Nguyễn Văn Sự, Học viện Chính trị, khẳng định.
“Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội đi đầu, nổ súng tấn công quân Pháp, mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Đêm 19.12.1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ cũng là lúc cuộc chiến tranh nhân dân của quân, dân Hà Nội bắt đầu. Người dân thủ đô mọi tầng lớp, già, trẻ, trai, gái, giàu, nghèo, tùy theo điều kiện, tình hình cụ thể đều nhiệt tình tham gia kháng chiến: người đào hầm, đào hố; người đắp chiến luỹ; người ngả cây, ngả cột điện; người đi tiếp tế, làm cứu thương; người đi dán khẩu hiệu; người tổ chức tản cư…
Theo TS. Trần Văn Thức, rút kinh nghiệm từ cuộc chiến đấu tại các thành phố như Sài Gòn (tháng 9.1945), Nha Trang (tháng 10.1945) và nhất là Hải Phòng (tháng 11.1946), Hà Nội thực hiện không đánh trận địa với địch, không đương đầu với hỏa lực mạnh của địch, không thủ hiểm ở chỗ nào lâu, không rõ được địch không đánh, không có kế hoạch rõ ràng, chắc chắn không đánh. “Với phương án tác chiến trùng độc chiến, trong đánh ngoài vây, trong ngoài cùng đánh, Hà Nội đã chủ động đánh địch ở khắp nơi, tạo sự liên hoàn, hỗ trợ cho nhau. Tại đây, nhân dân giữ vai trò quan trọng trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bám địch mà đánh, buộc chúng phải phân tán, dàn mỏng lực lượng đối phó ở khắp nơi”.
Cuộc kháng chiến tại Hà Nội cũng được nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô, Thiếu tướng Nguyễn Thế Kết nhận định “là biểu hiện sinh động của tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, là bức tranh hoành tráng khắc họa đậm nét cuộc chiến tranh nhân dân của thủ đô Hà Nội”. Nhờ vậy, trong gần 200 trận lớn nhỏ với nhiều cách đánh sáng tạo, linh hoạt, quân và dân Hà Nội loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 quân địch, giam chân địch dài ngày để các địa phương trong cả nước có thời gian triển khai thế trận kháng chiến lâu dài.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến với tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, kéo dài thời gian bám trụ chiến đấu trong lòng Hà Nội vượt xa dự tính ban đầu, bảo vệ được các cơ quan Trung ương di chuyển lên căn cứ Việt Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan dân, chính, đảng địa phương về đóng ở những nơi tạm thời an toàn và bảo vệ cho hàng vạn đồng bào tản cư. Đồng thời, cổ vũ, động viên mạnh mẽ tinh thần kháng chiến của quân và dân các địa phương trong cả nước, góp phần vượt qua khó khăn ác liệt, giành thắng lợi trong những ngày đầu kháng chiến.
Thiếu tướng Nguyễn Thế Kết đánh giá, làm nên “60 ngày đêm khói lửa” (19.12.1946 - 17.2.1947), quân và dân thủ đô đã viết lên khúc tráng ca hào hùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần làm tỏa sáng giá trị văn hóa nghìn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Theo Hương Sen/Báo Đại biểu nhân dân