Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ khi ông rời động Vũ Lâm, tỉnh Ninh Bình vào núi Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh tu hành khổ hạnh (tháng 8/1299). Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (được coi là Đạo Phật Việt Nam) có cốt cách, sắc thái văn hóa dân tộc, tâm tư tình cảm, phong tục tập quán của người Việt Nam, không chấp nhận sự lệ thuộc các hệ phái Thiền và văn hóa ngoại lai.
Với sự ra đời, phát triển và tồn tại của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử hơn 700 năm qua, người Việt Nam ta rất tự hào vì ở châu Á đâu chỉ có Ấn Độ và Trung Hoa là “trung tâm văn hóa”, “cái nôi văn minh” của nhân loại mà ở Việt Nam, một dân tộc hào hùng, bất khuất đã thực sự trở thành một cái nôi tư tưởng Phật học Trúc Lâm.
Về tư tưởng tu hành của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không cầu tha lực. Phật ở ngay trong tâm mình, không phải ở trên cao, trên cõi trời xa xôi, không hẹn kiếp khác. Nếu biết sống cho tâm mình an định, sáng suốt; buông xả mọi vọng niệm, tham sân si trong tâm để sống với bản tâm thanh tịnh, sáng suốt thì tuệ giác phát sinh, vô minh phủi sạch, phiền não diệt trừ và từ đó làm được nhiều điều lợi ích cho nhân sinh, xã hội. Phật chính là mình, không phải tìm đâu xa.
|
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh và thành phố Uông Bí phối hợp tổ chức Lễ khai hội xuân Yên Tử năm 2023. ẢNH: QUANG VINH |
Phật giáo Trúc Lâm thực sự lấy con người làm gốc, tôn trọng con người, đề cao giá trị của con người. Thiền Phái Trúc Lâm dạy con người tự tu tâm dưỡng tính, sống đời lương thiện, an vui bằng cách giữ Ngũ giới và tu Thập thiện. Để bảo vệ sinh mạng của con người, Phật giáo Trúc Lâm khuyên giữ giới không sát sinh; để bảo vệ tài sản cho người, khuyên chúng sinh giữ giới không trộm cướp; để bảo vệ hạnh phúc của gia đình, khuyên chúng sinh giữ giới không tà dâm; để bảo vệ uy tín và giá trị con người, khuyên chúng sinh giữ giới không nói dối; để bảo vệ sức khỏe và trí tuệ cho người, khuyên chúng sinh không uống rượu.
Từng con người tốt thì gia đình mới tốt. Từng gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Ngũ giới và Thập thiện là chuẩn mực đạo đức mà Đạo Phật Việt Nam thời Trần hướng cho dân Đại Việt thực hành, xây dựng nền đạo đức xã hội tốt đẹp.
Tinh thần nhập thế đặc sắc của Phật giáo thời Trần biểu hiện rõ nhất từ lời dạy của Quốc Sư Phù Vân đối với vua Trần Thái Tông “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng”; “Phàm đã làm vua trong thiên hạ phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nếu bệ hạ thực lòng hiểu Phật thì không gì bằng lo cho hạnh phúc của trăm họ, giảm nhẹ hình án, chăm lo cây đức của mọi nhà mãi mãi sum xuê. Duy có một điều là khi bệ hạ đã về thì đừng có lúc nào quên nhãng việc giảng cứu kinh sách Phật!” .
Qua lời khuyên trên, tinh thần nhập thế của Quốc sư Phù Vân thể hiện ở sự quan tâm đến vấn đề chính trị, định hướng, giúp nhà vua hiểu rõ mối quan hệ Đạo - Đời: Phật ở trong Tâm. Đạo không tách đời. Đạo với đời là một. Sống tốt đời chính là làm đẹp đạo. Tâm từ bi của đạo Phật được truyền thụ thành tư tưởng chính trị cho bậc quân vương qua lời khuyên ấy và trở thành kim chỉ nam hành động cho các đời vua mộ Đạo đầu triều Trần: Thái Tông (1225-1258), Thánh Tông (1258-1278), Nhân Tông (1278-1293)...
Mọi người đều có thể liễu ngộ giá trị cốt lõi của đạo Phật ngay giữa cuộc đời, bất luận là tu sĩ xuất gia, hay tại gia, nam hay nữ chỉ cần sống thiện, thuận lẽ tự nhiên là được. Điều đó có nghĩa là nó cũng có ảnh hưởng tương tác với lịch sử tư tưởng dân tộc từ đó trở về sau. Chính tư tưởng tu hành và giác ngộ ngay giữa trần tục đã hình thành nên mẫu người Phật tử biết đem đạo ứng dụng vào đời. Chính vua Trần Thái Tông là người sống trong thế giới danh lợi, nhưng ông vẫn giải thoát và là người chủ trương đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam ra đời.
Không chỉ vua Trần Thái Tông mà một loạt thiền sư xuất gia, tại gia của giai đoạn này đều tích cực tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị của đất nước. Họ có thể là nhà tư tưởng, tướng cầm quân, nhà tri thức lớn, nhà thơ nhà văn, thầy thuốc tùy theo sự phân công và khả năng mà sẵn lòng tham gia cống hiến, sống đúng đạo lý “tốt đời, đẹp đạo”.
Việc định hướng bảo vệ chủ quyền dân tộc, mở rộng biên cương, chấn hưng văn hóa Đại Việt của nhà Trần đều mang dấu ấn quan điểm Phật giáo, nhất là tư tưởng tùy duyên mà vui với đạo của Thiền phái. Sự thành công của nhà Trần là nhờ vua lãnh đạo đất nước biết vận dụng tư tưởng “Cư trần lạc đạo” tức “Ở đời vui đạo” để huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân.
Tiềm lực dân tộc trước hết nằm ở lòng yêu nước của toàn dân để xây dựng Đại Việt thành một quốc gia hùng cường mà không có một thế lực nào ngăn cản được. Biểu hiện sinh động nhất của dòng thiền này là chủ trương nhập thế tích cực hơn bao giờ hết để phật tử vừa xây dựng một đời sống theo đạo lý Thiền, vừa làm tròn trách nhiệm của một công dân đối với việc xây dựng và phát triển đất nước.
Tinh thần nổi bật của Phật giáo Trúc Lâm là kết hợp hài hòa giữa Đạo và Đời để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đạo đức, tâm linh. Con người muốn hoàn thành bổn phận công dân một cách vinh quang và sống đời giải thoát trọn vẹn là phải hiểu đạo, phát triển và hoàn thiện sự ngộ đạo qua thực tiễn gắn liền với nhiệm vụ con người trong đời sống thực tiễn. Con người biết sống Đạo sẽ sống để cống hiến cho lợi ích cộng đồng, an vui cho mọi người, lợi lạc cho quốc gia và an nhiên tự tại trước mọi hoàn cảnh.
Tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam trở thành một trong những đặc trưng nổi bật của Thiền tông Việt Nam khi nhìn nhận nó trong dòng chảy lịch sử nước nhà. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã trở thành biểu tượng về tinh thần nhập thế của Phật giáo Trúc Lâm. Ở Ngài, Đạo với Đời là một.
Từ lúc đản sinh đến khi viên tịch, tư tưởng và hành động của Ngài rất khó tách bạch đâu là phàm, đâu là thánh. Khi Ngài làm vua, khó phân biệt ở Ngài hành trạng nhà vua hay hành trạng Thiền sư, bởi Ngài là một minh quân mang Tâm Phật. Và khi xuất gia, Ngài là một vị Bồ-tát thị hiện mang sứ mệnh cao cả của bậc quân vương dũng lược và minh triết.
Với tư cách của một vị Phật Hoàng, người đã gây dựng một Thiền phái để thu hút mọi người, đồng thời tự mình cũng trở thành một tấm gương mẫu mực về tu tập cho thần dân noi theo. Gây dựng một phái tôn giáo nhưng lại không vì tôn giáo ấy, mà chính vì cuộc sống. Đó cũng là một biểu hiện của “phi tôn giáo hóa tôn giáo”, là đưa tôn giáo đến với cuộc đời chứ không phải đưa cuộc đời vào tôn giáo.
Vì vậy, Phật giáo càng có sức lan tỏa ảnh hưởng trong xã hội, giúp đất nước có một đầu mối để lòng người quy tụ về, từ đó tạo ra sức mạnh đoàn kết cho cả dân tộc, giúp định hình những tính cách như: “yêu nước thương nòi”, yêu hòa bình, độc lập, tự do, tự chủ, tự cường, coi trọng đạo đức, yêu thương, đùm bọc, “lá lành đùm lá rách”... cho con người Việt Nam.
Khi đất nước có chiến tranh, vua Trần Nhân Tông trực tiếp cầm quân ra trận, làm Tổng chỉ huy tối cao ở chiến trường, không ngồi trong cung ban mệnh lệnh, kể cả những lúc gian nguy nhất. Trong mối quan hệ bang giao với nước ngoài, Ngài thể hiện quan điểm và chính sách ngoại giao rộng mở, mềm dẻo nhưng cương quyết, kiên định lập trường tôn trọng chủ quyền dân tộc. Ngài đã từng điều hai vạn quân và 500 chiến thuyền chi viện cho Chiêm Thành chống giặc Nguyên, gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm, xây dựng nền bang giao Đại Việt - Chiêm Thành; xây dựng tình hòa hiếu với Ai Lao, Chân Lạp..., song, mỗi khi nước có giặc xâm lăng, Ngài lãnh đạo toàn dân kiên quyết đuổi chúng ra khỏi bờ cõi, thể hiện gia phong Nhà Phật và khí chất dân tộc Việt Nam.
Với tư tưởng hòa hợp, từ bi của đạo Phật, khi đất nước hòa bình, Ngài thực thi chính sách hòa hiếu với nhà Nguyên, Chiêm Thành, Ai Lao…, xây dựng quan hệ hòa bình trên nền tảng tư tưởng Phật giáo.
Phong cách sống từ bi, hòa hợp, “Cư trần lạc đạo” của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm giúp xã hội nhà Trần “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước gắng sức” trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ mà đỉnh cao là hai lần đánh tan giặc Nguyên Mông xâm lược (1285 và 1288), xây dựng đất nước thịnh vượng.
Các vua đời sau như: Trần Anh Tông (1293-1314), Trần Minh Tông (1314-1329) cũng trở thành những bậc minh quân hết lòng vì dân, “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, ban hành nhiều chính sách thân dân..., xây dựng nước ta trở thành một quốc gia hùng mạnh, khiến nhà Nguyên phải dẹp bỏ mưu đồ xâm lược Đại Việt lần thứ tư.
Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử gắn với nền Phật giáo thế sự, lấy chủ trương tùy tục để nhập thế. Xuất thế được xác lập theo tinh thần duyên sinh vô ngã: “Chỉ xem ngũ uẩn đều không, tứ đại vô ngã, chân tâm không tướng, không đến không đi”. Quy định nội dung xuất thế như thế, con người không nhất thiết xuống tóc xuất gia, chỉ cần ngộ cái lý năm uẩn là không, chân tâm không tướng… thể nhập đời trong mối tương quan mà có thái độ sống thích hợp, cống hiến cho đời là cho đạo.
Huống nữa, Thiền phái còn y cứ kinh Pháp Hoa làm cơ sở lý luận cho việc nhập thế thì quan điểm Phật giáo đi vào đời đã trở thành nét đặc trưng với lời dạy nổi tiếng về nhiệm vụ của một vị Phật “khai thị ngộ nhập Phật tri kiến cho chúng sinh”. Và quan điểm vào đời tùy thời, tùy yêu cầu từng giai đoạn của lịch sử giao phó mà Phật giáo tham gia đóng góp cho nước nhà. Đạo Phật nhập thế trở nên có một thế nhập lớn trong lòng dân tộc.
Tinh thần “Tri hành hợp nhất”. Đó chính là sự thấy biết rõ ràng, minh bạch, đúng lẽ thật, ích đạo, lợi đời và thực hành, ứng dụng lẽ thật đó vào đời sống hàng ngày. Tu hành chính là chỗ đang sống hàng ngày, không kể tại gia hay xuất gia và sống tức là tu và tu tức là sống. Lý và sự tương dung, nói điều mình làm, mình thấy, rõ đúng lẽ thật lợi đạo, ích đời chứ không nói điều mình hiểu một cách chủ quan, kiến thức vay mượn của người khác.
Người có tinh thần này thường ít nói, nhưng đã nói là đúng Pháp, đã nói thì nỗ lực làm; nói được làm được; nói và làm đều hướng về lợi ích cho Nhân dân, cho Đạo pháp và Dân tộc, đó chính là tinh thần nhập thế tiến bộ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử hiện nay.
Tinh thần, “Dụng tâm giác ngộ cứu độ nhân sinh”. Tâm giác ngộ chính là tâm sáng suốt, thanh tịnh, vô nhiễm, vô cấu, vô ngã - vị tha, “Bồ Đề tâm”. Những người thực hành theo con đường này sẽ dùng chính “Bản tâm này” để dấn thân cống hiến, phục sự Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội. Theo giáo lý đạo Phật, ngũ dục thế gian là: tài vật, sắc đẹp, danh vọng, ăn dùng và ngủ nghỉ, nó là bản chất của tồn tại thế gian, nó kéo lôi con người trong đau khổ và luân hồi. Không thể dùng sức chịu đựng hay các kỹ thuật thế tục mà có thể chiến thắng được ngũ dục.
Chỉ khi con người tu hành thấy rõ được tâm tánh chân thật nơi chính mình rồi chính năng lực này khiến cho chúng ta vốn tự vô nhiễm. Khi chiến thắng được năm tham muốn ấy thì đời sống tự thanh thoát, cao thượng. Đây cũng chính là tính chất cốt lõi xuất thế mà cũng là vừa nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam hiện nay.
Ngày nay, hệ thống các thiền viện của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được phát triển rộng khắp tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đã góp phần khẳng định giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam trên trường quốc tế; các thiền viện cũng là nơi hội tụ tinh thần Đại Việt, từ nghệ thuật kiến trúc độc đáo, thuần Việt, gần gũi, hòa hợp với thiên nhiên, bảo vệ môi sinh; phương pháp tu học trong các thiền viện giản dị, thanh khiết, thực tu - thực chứng - thực dụng, có giá trị giáo dục nhân văn, nhân bản, văn hóa, đạo đức xã hội cao. Hơn nữa các thiền viện hiện nay đều là địa điểm tham quan, du lịch lý tưởng, thu hút nhiều khách du lịch thăm quan, chiêm bái, học hỏi, qua đó góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại địa phương.
Có thể thấy tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam là một sản phẩm tinh thần mang tính thuần Việt, văn hóa Việt và cốt cách Việt. Tinh thần nhập thế nói riêng, tinh thần Trúc Lâm nói chung đã góp phần giải quyết một loạt vấn đề lịch sử đặt ra vào thời đại đó, kéo dài tới ngày nay và đồng hành cùng lịch sử văn hóa dân tộc tới mai sau. Có thể khẳng định, tinh thần nhập thế độc đáo, đặc sắc của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chính là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo, phù hợp với thời cuộc, trong mỗi giai đoạn lịch sử, nhưng không xa rời giá trị cốt lõi, giữ tròn bổn phận Đạo - Đời dung thông.
Tinh thần nhập thế của Phật giáo Trúc Lâm bắt nguồn, hội tụ từ tinh hoa truyền thống nhập thế của Phật giáo nói chung, đặc biệt từ sự kế thừa và phát huy cao độ tinh thần nhập thế của Phật giáo Đại Việt thời Lý - Trần, trải qua các bước thăng trầm của lịch sử, được phát huy, lan tỏa trong thời đại mới, tất cả “vì hạnh phúc cho quần sinh, vì an lạc cho quần sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”.
Có thể nói sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam đã tạo nên trường lực hấp dẫn mạnh mẽ, tạo đà thúc đẩy sự ra đời hàng trăm ngôi chùa lớn, nhiều tầng lớp tăng chúng cùng quy hướng theo một dòng tu hành in đậm sắc thái Phật giáo dân tộc. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam ra đời đã góp phần cổ vũ tinh thần người dân Việt Nam về khả năng phát triển những giá trị văn hóa bản địa, nội sinh trong lòng dân tộc. Đây cũng chính là sự đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của mỗi cộng đồng người ở từng thời đại, giai đoạn lịch sử cụ thể, đã kịp chuyển hóa, thấm sâu trong đời sống tinh thần dân chúng và trở thành những giá trị văn hóa bền vững trước thời gian.
Đây là một minh chứng sâu sắc cho khả năng tồn tại và phát triển của một di sản văn hóa, bất chấp năm tháng và mọi thăng trầm thế sự. Theo một nghĩa rộng, di sản này đã tỏa sáng thành “tâm thức Trúc Lâm” trong lòng mỗi con người thuộc mọi thế hệ, ở khắp mọi vùng đất nước, và cho đến ngày nay. Danh pháp Trúc Lâm đã được đặt thành tên cho nhiều ngôi chùa, thiền viện khắp trong Nam ngoài Bắc. Tất cả những điều đó cho thấy sức sống mãnh liệt của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam khi đã đạt tới giá trị văn hóa, khi đã hòa nhập được vào đời sống tinh thần dân tộc và đến với muôn vạn tấm lòng.
Lịch sử dân tộc đã ghi nhận nhiều đóng góp tích cực của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Để phát huy tốt tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có những quan tâm đặc biệt cho sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử hiện nay và có những đánh giá, chỉ rõ những giá trị vượt trội của Thiền phái, đề xuất những giải pháp hữu hiệu để kề thừa, phát huy, những giá trị độc đáo, đặc sắc, phù hợp của Thiền phái trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Nguyễn Hoàng Tuấn - Thạc sĩ, Ban Tôn giáo,
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam