Các đồng chí: PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng chủ trì tọa đàm.
Các đồng chí chủ trì tọa đàm - ảnh: HM
Tọa đàm nhằm tiếp tục làm rõ những cống hiến của đồng chí Võ Chí Công - người chiến sỹ cộng sản kiên cường, suốt đời phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân và vì lý tưởng cộng sản, một nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người có cuộc đời gắn liền với quá trình cách mạng và những sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng của Đảng và nhân dân ta.
Báo cáo đề dẫn Tọa đàm, PGS.TS Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng Cho biết: Đồng chí Võ Chí Công sinh ngày 7/8/1912 trong một gia đình yêu nước ở làng Khương Mỹ, tổng Phú Mỹ, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Từ tham gia các hoạt động yêu nước trong những năm hai mươi của thế kỷ XX, đồng chí trở thành người cộng sản vào năm 1935. Đó là thời điểm đồng chí phải đối diện ngay với các cuộc khủng bố trắng hết sức tàn khốc của chế độ thực dân, phong kiến nhằm sát hại những người cộng sản, xóa bỏ hệ thống tổ chức vừa mới hình thành sau khi Đảng mới ra đời, để dập tắt phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cả nước nói chung và ở Quảng Nam nói riêng.
Ngay sau khi xuất hiện với tư cách là người Cộng sản, đồng chí Võ Chí Công đã bắt đầu ngay việc lãnh đạo tổ chức đấu tranh chống lại sự đàn áp của địch, khôi phục tổ chức Đảng, giữ vững phong trào cách mạng ở địa phương. Khi chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ năm 1939, thực dân Pháp tiến hành hàng loạt những đợt khủng bố với phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta. Trước tình hình Đảng bộ tỉnh Quảng Nam liên tục bị vỡ, nhiều cán bộ chủ chốt và đảng viên ở các địa phương bị địch bắt, đồng chí Võ Chí Công đã thoát ly gia đình để hoạt động và trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Trải qua quá trình đấu tranh cách mạng, đồng chí dần trưởng thành. Tháng 1/1940 đồng chí là Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ; tháng 3/1940 đồng chí đảm trách Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Quảng Nam, tháng 10/1941, đồng chí trên cương vị ủy viên Xứ ủy Trung kỳ rồi trực tiếp làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam 1/1943. Trong thời gian này đồng chí đã bí mật đi khắp miền Trung đấu tranh chống lại các đợt khủng bố liên tục của địch.
Tháng 10/1943, đồng chí bị địch bắt và kết án tù chung thân, sau giảm xuống 25 năm tù khổ sai, năm 1945 sau khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí thoát khỏi nơi ngục tù và tìm cách trở về và trực tiếp tham gia chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám trong Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam. Năm 1954 khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí tình nguyện trở về miền Nam, trực tiếp tham gia tổ chức, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ. 21 năm (1954- 1975) kiên cường bám trụ, đồng chí đã góp phần lãnh đạo quân và nhân dân miền Nam nói chung, khu V nói riêng, giữ vững ý chí và tổ chức đấu tranh vượt qua mọi thủ đoạn và hành động khủng bố man rợ tột cùng của kẻ thù, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu khẳng định, trong suốt quá trình tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Chí Công không chỉ trung kiên với lý tưởng của Đảng mà còn khẳng định bản lĩnh của một nhà lãnh đạo cách mạng bởi sự xuất hiện và thành công của đồng chí khi phải vượt qua các thử thách nghiệt ngã nhất trong thời kỳ vận động cách mạng giải phóng dân tộc (1930 - 1945), tới công cuộc bảo vệ chế độ mới (1945 - 1946), qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc (1945 - 1975), thống nhất đất nước. Ở mỗi giai đoạn cách mạng, đồng chí đều biểu thị trên thực tiễn thái độ trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân để đối diện và làm thay đổi những quan niệm, những phương thức hoạt động, những phương án có sẵn hoặc những quan điểm cũ kỹ, giáo điều, xa rời thực tiễn, thậm chí đi ngược lại với lợi ích của nhân dân bằng sự sáng tạo cùng với trí tuệ khoa học và cách mạng, sự tin tưởng vô biên vào sức mạnh nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân. Với những cống hiến đặc biệt, góp phần thúc đẩy sự phát triển lịch sử dân tộc trong sự nghiệp giải phóng, đồng chí Võ Chí Công thật xứng đáng là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các đại biểu tham luận tại tọa đàm - ảnh: HM
Các đại biểu tham dự đều nhất trí cho rằng, cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú và những cống hiến của đồng chí Võ Chí Công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp đổi mới, với công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay.
Đồng chí Võ Chí Công có sự tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh vô địch và trí tuệ sáng tạo vĩ đại của nhân dân đối với Đảng và cách mạng. Bắt nguồn từ chủ nghĩa nhân văn sâu sắc vì con người, vì dân tộc, đồng chí Võ Chí Công luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, sẵn sàng và dám hy sinh cá nhân vì lợi ích của dân tộc và đồng bào; chấp nhận kỷ luật nhưng quyết không để đồng bào chết đói; kiên quyết đấu tranh với những sai lầm giáo điều, chủ quan duy ý chí cả trong đấu tranh với những sai lầm giáo điều, chủ quan duy ý chí cả trong đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ, xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở nắm vững nguyên tắc, mục tiêu, đồng chí đã thể hiện một ý chí và quyết tâm vô cùng to lớn, dám nghĩ dám làm, quả quyết mở đường mà đi, táo bạo và sáng tạo để thúc đẩy sự nghiệp cách mạng nước ta đi đến thắng lợi. Theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Chí Công đã xác định: “Người chiến sỹ cộng sản phải luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng lên trên hết, trước hết, có như vậy mới được nhân dân tin yêu, kính trọng. Trong giai đoạn cách mạng mới, tuy còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng vững bước trên con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy những truyền thống tốt đẹp được hình thành trong lịch sử lâu dài của dân tộc, nhân dân ta nhất định sẽ đi tới ấm no, hạnh phúc”.
Theo Hoàng Mẫn/Báo Điện tử Đảng Cộng sản