Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Quân đội nhân dân Việt Nam

(Mặt trận) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài của Đảng, của dân tộc Việt Nam. Là người trực tiếp tổ chức thành lập, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng quân đội trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Ngay từ khi còn hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực chuẩn bị cho sự ra đời của một quân đội cách mạng. Từ năm 1925 đến năm 1927, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc mở các lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Kết thúc khóa học, Người trực tiếp lựa chọn các học viên tiêu biểu tiếp tục đi học ở trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, đầu tháng 12/1944, tại Pác Bó (Cao Bằng), Người đã triệu tập đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vũ Anh đến để nghe báo cáo về tình hình phong trào cách mạng của ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng và chủ trương phát động chiến tranh du kích Liên tỉnh uỷ. Người chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công tác thành lập lực lượng vũ trang tập trung.

Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay) ra đời ở khu rừng Trần Hưng Đạo (thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gồm có 34 đội viên, được biên chế thành một trung đội gồm 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên. Tuy lực lượng ít, vũ khí trang bị thô sơ, nhưng chỉ mấy ngày sau, Đội đã đánh thắng liên tiếp hai trận ở Phai Khắt (25/12/1944) và Nà Ngần (26/12/1944). Những chiến công đó đã tạo ra một luồng sinh khí mới cổ vũ, khích lệ phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật của nhân dân ta và mở đầu cho truyền thống “đã ra quân là đánh thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là một bước ngoặt lịch sử trên con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Quá trình hình thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên quân đội ta đã được nhân dân gọi với cái tên rất thân mật, nhưng cũng rất đỗi tự hào: “Bộ đội Cụ Hồ”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Quân đội nhân dân phải theo nguyên tắc “Quân sự phục tùng chính trị”. Trong bài nói chuyện tại Trường Chính trị Trung cấp Quân đội (ngày 25/10/1951), Người chỉ rõ: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”1. Báo cáo tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khoá II (4/1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Trong việc chỉnh huấn bộ đội, phải lấy chính trị làm gốc”2. Theo Người, đường lối chính trị quyết định đường lối quân sự, là cơ sở nền tảng cho việc thực hiện đường lối quân sự. Chỉ có trên cơ sở đường lối chính trị đúng đắn thì đường lối quân sự mới có sức sống, mọi hoạt động quân sự mới có sức mạnh. Trên cơ sở đường lối chính trị đúng đắn, Đảng đề ra đường lối quân sự đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức mọi hoạt động quân sự nhằm phục vụ mục tiêu của cách mạng.

Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định bản chất cách mạng, sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”3. Có sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta luôn luôn lấy việc xây dựng về chính trị làm cơ sở để nâng cao sức mạnh chiến đấu, thường xuyên tăng cường hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị.

Về tổ chức quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật”4, “nếu không có tổ chức thì không phải là một đội quân cách mạng, không thể đánh thắng được”5, kết cục sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ và tan rã. Người chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xác định đúng đắn mối quan hệ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Vận dụng sáng tạo nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng vào xây dựng quân đội cách mạng, Người chỉ rõ, có tổ chức mạnh mới có con người mạnh. Con người mạnh làm cho tổ chức mạnh, Đảng bộ trong quân đội làm nòng cốt và hạt nhân lãnh đạo, vừa có hệ thống lãnh đạo, vừa có hệ thống chỉ huy, xác định rõ lãnh đạo là tập thể, chỉ huy là trách nhiệm cá nhân. Đồng thời, quân đội phải có kỷ luật sắt “quân lệnh như sơn” đi đôi với thực hiện dân chủ, phê bình, tự phê bình từ dưới lên, chống quan liêu, quân phiệt, độc đoán, chống tự do vô kỷ luật.

Về bản chất, Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Vì vậy, phải luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, có thái độ chính trị đúng đắn trước những mối quan hệ chính trị cơ bản: Với nhân dân, quân đội ta là người phục vụ trung thành, cùng nhân dân bảo vệ độc lập chủ quyền, chế độ xã hội, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền làm chủ của nhân dân. Với đất nước, quân đội ta là công cụ để bảo vệ độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc… Với bè bạn quốc tế, quân đội ta thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản, ủng hộ sự nghiệp đấu tranh cho độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới. Với nội bộ, thực hiện toàn quân một ý chí, kỷ luật, tự giác, nghiêm minh, dân chủ, bình đẳng về chính trị.

Trong xây dựng quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu phải lấy việc bồi dưỡng xây dựng con người là chính. Chiến lược “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên một đội ngũ cán bộ quân đội trung thành, có trí tuệ, đáp ứng yêu cầu khắc nghiệt của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến kiến quốc. Đối với cán bộ trong quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải có các phẩm chất: “Trí, Dũng, Liêm, Trung”. Trong các phẩm chất đó, Người đặt “Trí” lên hàng đầu, vì theo Người, cán bộ quân sự trước hết phải là người có trí tuệ, không ngừng trau dồi tri thức, nâng cao trí tuệ, mới hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, cán bộ phải có giác ngộ chính trị hơn quần chúng, vì vậy, phải có trình độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật quân sự; nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng mới tự giác phấn đấu theo đường lối cách mạng mà Đảng đã vạch ra, có niềm tin thắng lợi, dựa vào căn cứ khoa học, có lý luận để thuyết phục quần chúng, có khả năng tổng kết thực tiễn, phát huy sức sáng tạo của quần chúng để góp phần cụ thể hóa, bổ sung đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ các cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam phải chịu khó học tập, không ngừng nâng cao trí tuệ, văn hóa để có phương hướng đúng cho việc trau dồi đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ, với cán bộ việc học ở trường, ở sách vở và trong thực tiễn đấu tranh cách mạng đều rất quan trọng. Theo Người, học phải đi đôi với hành, lời nói phải đi đôi với việc làm. Người coi trọng quá trình xây dựng quân đội nhân dân phải là quá trình rèn luyện lâu dài chiến đấu với kẻ thù, trong đấu tranh chính trị, trong vận động quần chúng, trong xây dựng nâng cao sức mạnh chiến đấu. Bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu của mỗi quân nhân trong quân đội không chỉ là sự tích luỹ một hàm lượng trí tuệ, mà còn là kết quả của sự đấu trí giữa ta và địch. Quá trình xây dựng và chiến đấu, Quân đội ta đã bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ quân sự tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, giỏi thao lược, đánh thắng mọi kẻ thù. Trong quân đội, có nhiều cán bộ cao cấp từ công nhân, nông dân, trí thức cách mạng trưởng thành lên. Đó là một thành công lớn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã hoàn thành nhiệm vụ trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh thắng quân đội nhà nghề của hai đế quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn ta nhiều lần, thắng lợi đó là thắng bằng trí tuệ, bằng tài thao lược, kế thừa truyền thống đánh giặc của tổ tiên, tiếp thu có chọn lọc nghệ thuật quân sự của nhân loại, có phương pháp xem xét đúng, hiểu rõ sức mạnh quân đội của các nước, sáng tạo cách đánh hay. Quân đội ta cũng đã góp phần tích cực xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, làm tròn trách nhiệm của một đội quân cách mạng.

Hiện nay, trong bối cảnh tình hình mới, đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta đang đứng trước thời cơ, vận hội mới và những khó khăn, thách thức mới. Theo đó, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng có bước phát triển mới, phải bảo vệ được hoà bình, góp phần tạo môi trường ổn định để công nghiệp hóa, hiện đại hoá, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, biên giới hải đảo của Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng và Nhà nước, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc, lợi ích quốc gia, chống lại các thế lực thù địch với các thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ và sẵn sàng đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới của kẻ thù.

Quán triệt và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam phải tiếp tục nâng cao trình độ về mọi mặt ngang tầm với nhiệm vụ, trước hết và cơ bản nhất là trình độ, bản lĩnh chính trị. Để cán bộ quân đội có nhãn quan chiến lược mới, hiểu rõ tình thế của đất nước, đặc điểm, tính chất của cuộc đấu tranh trong điều kiện mới nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, cần khẳng định vị trí chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam, chủ động trong mọi tình huống, góp phần tích cực, có hiệu quả vào việc ổn định, phát triển đất nước, ngăn chặn và loại trừ những nguy cơ do các thế lực thù địch gây nên.

Theo đó, phải nắm vững nguyên tắc lấy xây dựng chính trị làm cơ sở xây dựng vững mạnh toàn diện, vừa kế thừa, vừa đổi mới nội dung công tác Đảng, công tác chính trị, nhận thức rõ sự thống nhất giữa bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công cuộc hòa bình của nhân dân, ngăn ngừa chiến tranh. Đồng thời, sẵn sàng đánh bại các loại hình chiến tranh xâm lược, “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Mặt khác, Quân đội nhân dân Việt Nam phải được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Nhiệm vụ đó đặt ra yêu cầu đầu tư hơn nữa vào công tác huấn luyện bộ đội, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chỉ huy, quản lý giỏi, sáng tạo cách đánh và tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học quân sự, vận dụng sáng tạo vào quá trình xây dựng học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại mới, góp phần vào việc đổi mới phong cách lãnh đạo chỉ huy quân đội; tiếp tục thể chế hoá đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về xây dựng quân đội; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quân đội, giải quyết tốt nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân trong Nhà nước pháp quyền do Đảng lãnh đạo…, để quân đội ta mãi xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”6.

Cao Văn Trọng

TS, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

()

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều