Vũ Quang là huyện biên giới miền núi vùng sâu, vùng xa thuộc phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh với tổng diện tích tự nhiên 63.766 ha, có trên 28.485 người. Huyện có 10 xã, 1 thị trấn, trong đó có 7/12 xã thuộc chương trình 135 giai đoạn II và là huyện thuộc diện được hưởng một số cơ chế chính sách đặc thù Chương trình giảm nghèo 30A của Thủ tướng Chính phủ. Huyện có Vườn quốc gia Vũ Quang, trong đó 37.000 ha thuộc địa phận huyện Vũ Quang, chiếm 75% đất tự nhiên của huyện. Vũ Quang nằm xa trung tâm kinh tế, văn hoá, xa tỉnh lỵ, có đường biên giới dài trên 46,61 km giáp với huyện Khăm Cợt (tỉnh Bô Ly Khăm Xay - Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào). Vũ Quang có hồ chứa nước Ngàn Trươi với diện tích lớn thứ ba cả nước, là nơi hứa hẹn một tiềm năng du lịch sinh thái hấp dẫn.
Trong bối cảnh một huyện có xuất phát điểm thấp, thuần nông và nghèo, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, thiên tai lại diễn ra liên miên gây nhiều khó khăn cản trở cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Thu nhập bình quân đầu người so với mặt bằng chung cả tỉnh còn thấp. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề, giáo dục phổ thông, dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện. Nhiều vấn đề trong quản lý nhà nước, bảo vệ môi trường, gìn giữ tài nguyên khoáng sản thực hiện chưa hiệu quả. Hạ tầng kinh tế - xã hội, đời sống dân cư còn rất khó khăn, đòi hỏi Vũ Quang cần có những chính sách đi đầu vượt trội, ưu tiên các nguồn lực để xây dựng mô hình nông thôn mới.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được ban hành, Vũ Quang triển khai thực hiện trên địa bàn toàn huyện. Trước khi xây dựng nông thôn mới, Vũ Quang là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn tỉnh (đầu năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của huyện 45,85%; trung bình chung toàn tỉnh 23,91%). Bên cạnh đó, số tiêu chí bình quân/xã chỉ đạt 2,1 tiêu chí/xã, xã cao nhất đạt 4 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 1-2 tiêu chí, không có xã đạt trên 5 tiêu chí. Sau 5 năm thực hiện Chương trình cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, tỉnh; sự đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng với sự đồng thuận, tham gia tích cực của Nhân dân nên đã đạt được kết quả khá toàn diện, cả chiều rộng và chiều sâu. Các mô hình kinh tế ngày càng được phát triển, nhân rộng, đời sống Nhân dân được nâng lên đáng kể, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Kết quả xây dựng nông thôn mới, Vũ Quang là 1/41 huyện của cả nước được tặng cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ nhân dịp Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Từ kết quả ban đầu xây dựng nông thôn mới, cán bộ và Nhân dân đã nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua mọi khó khăn để đạt được những thành tựu đáng tự hào. Đến năm 2020 đã có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có 54/73 thôn đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, hơn 1.000 vườn mẫu, xây dựng được 1.845 mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; 65 doanh nghiệp, 53 hợp tác xã và 155 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả. Thu nhập bình quân của người dân đạt 39,97 triệu đồng/năm, tăng 4,38 lần so với cuối năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo từ 45,85% năm 2010 giảm xuống còn 1,38%.
Dựa trên kết quả đạt được, ngày 29/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận huyện Vũ Quang đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đây là niềm vinh dự và tự hào của cán bộ, Nhân dân toàn huyện. Vũ Quang cũng là huyện miền núi biên giới đầu tiên được công nhận huyện nông thôn mới. Với thành tích đó, ngày 29/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Vũ Quang.
Sau khi Chương trình mục tiêu xây dựng thôn thôn mới được tỉnh triển khai, Vũ Quang đã kịp thời thành lập Ban chỉ đạo thực hiện từ huyện đến cơ sở và hoạt động quyết liệt, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân, Ban chỉ đạo và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã thường xuyên, liên tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, làm việc với cơ sở để nắm bắt tiến độ, đưa ra các giải pháp, xây dựng khung kế hoạch thực hiện các tiêu chí; chỉ đạo phát triển sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế, mô hình khu dân cư kiểu mẫu... Ban Thường vụ huyện ủy phân công mỗi người phụ trách một xã, các phòng, ban phụ trách thôn. Hàng năm, huyện có chương trình kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những hạn chế trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2011 đến nay, huyện đã xây dựng và phát sóng được 7.280 tin, bài, phóng sự phát thanh, truyền hình; 550 tin, bài đăng trên báo Hà Tĩnh và trang Web Nông thôn mới của tỉnh; 6.100 tin, bài đăng trên Cổng thông tin điện tử huyện; các nội dung tin bài sau khi được biên tâp phê duyệt đều được đăng tải và phát kịp thời trên sóng truyền thanh, truyền hình từ huyện đến xã cũng như ghi âm, in ấn phát lại tại các thôn, chuyển tải lên các ứng dụng các trang mạng xã hội. Huyện đã cấp phát 6.240 đĩa tuyên truyền, 13.870 tờ rơi, 15.000 pano, 1.800 khẩu hiệu, 36.000 cờ các loại về xây dựng nông thôn mới, xây dựng các mô hình điển hình.
Thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp, các phòng, ngành chuyên môn đã tổ chức 5.230 cuộc tuyên truyền, nội dung chủ yếu là tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, hướng dẫn bộ tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu; tuyên truyền, triển khai các đề án, khung kế hoạch từ huyện đến cơ sở và thôn, xóm, từ đó vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân đồng thuận, hưởng ứng và đóng góp ngày công, vật liệu, hiến đất, hiến cây để thực hiện.
Huyện đã tổ chức 55 cuộc thi tìm hiểu về chương trình xây dựng nông thôn mới và hơn 1.000 đợt tuyên truyền cho hơn 66.000 lượt người. Qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền được triển khai thực hiện, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến rõ rệt, tạo sức lan tỏa và xây dựng được ý thức, vai trò chủ thể của người dân, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong xây dựng nông thôn mới.
Trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo huyện luôn theo phương châm chọn việc dễ, đối tượng tích cực làm trước; việc khó, đối tượng khó vận động, khó nguồn lực làm sau. Đặc biệt, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, thực hiện trước của cán bộ, đảng viên, từ đó, là cơ sở để tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân hưởng ứng và thực hiện với phương châm “lấy sức dân để làm cho dân”.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tổ chức nhiều phong trào thi đua tạo nên khí thế sôi nổi trong quá trình xây dựng nông thôn mới, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Hiến đất xây dựng hạ tầng nông thôn”; Hội Phụ nữ với phong trào “5 không, 3 sạch”, hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các cấp Hội duy trì tốt công tác vệ sinh môi trường, xây dựng được 69 tổ "Nhà sạch, vườn đẹp” và mô hình 10 hộ liền kề 3 sạch; vận động, giúp đỡ cải tạo 1.230 vườn tạp, chỉnh trang 1.920 vườn hộ, xây dựng 246 vườn mẫu đạt chuẩn, 65 đoạn đường phụ nữ tự quản.
Cùng với việc chú trọng công tác tuyên truyền, Vũ Quang cũng rất coi trọng công tác đào tạo, tập huấn. Công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã được chú trọng và triển khai bài bản với mục tiêu nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành và thực thi cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới; đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã tổ chức 150 lớp đào tạo và cấp chứng chỉ từ sơ cấp nghề trở lên cho 4.800 học viên là lao động nông thôn; 839 lớp tập huấn với 42.300 lượt người tham gia với nội dung tập trung theo các nhóm chuyên đề của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Hà Tĩnh về xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, Chương trình mỗi xã một sản phẩm và hướng dẫn nghiệp vụ quy trình, thủ tục, hồ sơ; tư vấn kỹ năng xây dựng mô hình kinh tế, tư vấn định hướng về cách xây dựng kỹ năng sống, giá trị sống trong văn hóa nông thôn.
Huyện đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh, sớm ban hành các cơ chế chính sách phù hợp, ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ thỏa đáng cho việc phát triển các loại mô hình kinh tế. Là huyện được hưởng chính sách 30 A và có 7/12 xã được hưởng chính sách 135, Vũ Quang đã dành nguồn vốn này chủ yếu để xây dựng kết cấu hạ tầng và xây dựng các mô hình kinh tế.
Là huyện miền núi, thu ngân sách hàng năm thấp nhất tỉnh, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, ngoài nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới và ngân sách các cấp, Vũ Quang đã chủ động lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để thực hiện, trong đó, việc huy động người dân và cộng đồng dân cư đóng góp xây dựng nông thôn mới được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và không có tình trạng huy động quá sức dân, vì vậy đã tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của người dân trong đóng góp tiền, ngày công, hiến đất và các tài sản trên đất cho xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các địa phương linh hoạt trong huy động sự đóng góp của con em xa quê, các mạnh thường quân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nên cơ bản đã huy động được nguồn lực đáp ứng nhu cầu thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới.
Với địa hình chủ yếu là rừng núi, Vũ Quang đã biết chọn mũi nhọn để đột phá, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Huyện xác định thế mạnh của địa phương là kinh tế vườn đồi và chăn nuôi. Trên cơ sở đó, đã tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích động viên Nhân dân xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với khả năng về vốn và điều kiện tự nhiên. Về trồng trọt, ngoài lúa, ngô, huyện hướng cho Nhân dân trồng cây ăn quả có múi như cam, bưởi, chanh. Riêng trồng cam ở Vũ Quang ngày càng phát triển, có thương hiệu trên toàn quốc với quy mô ngày càng lớn và chất lượng ngày càng cao. Cam Vũ Quang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ thương hiệu dưới hình thức Nhãn hiệu tập thể và ngày càng có vị trí trên thị trường trong nước.
Về chăn nuôi, ngoài trâu, bò, lợn, gà, cá, Vũ Quang đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật và nhanh chóng trở thành một nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và đã cho thu nhập khá, góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành sản phẩm hàng hoá chủ lực của địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân. Mật ong được xem là đặc sản của Hà Tĩnh nói chung và Vũ Quang nói riêng. Huyện đã linh hoạt vận dụng các cơ chế, chính sách và lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ người chăn nuôi (Dự án SRDP, Chương trình giảm nghèo bền vững,...). Người nuôi ong đã chuyển từ nuôi truyền thống sang hàng hóa. Tổng đàn ong hiện nay có 8.500 đàn với sản lượng mật 40-45 ngàn tấn/năm và cho giá trị kinh tế gần 100 tỷ đồng/năm. Đến nay, mật ong đã xây dựng thương hiệu và được Cục sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể “Mật ong Vũ Quang”. Toàn huyện có 3 tổ hợp tác, 6 hợp tác xã, 1 liên hiệp và rất nhiều hộ gia đình nuôi ong. Về trồng rừng, các hộ gia đình chủ yếu trồng cây keo trên đồi, núi và đã mang lại nguồn thu nhập ổn định đáng kể cho người dân.
Nguyên nhân đưa đến những thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Vũ Quang không thể không nói đến sự đoàn kết, nhất trí, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ chủ chốt nói riêng và cán bộ các cấp nói chung. Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, huyện đã triển khai, tổ chức thực hiện một cách chủ động, bài bản, quyết liệt ngay từ đầu. Huyện ủy đã ban hành nhiều nghị quyết để chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân huyện, Ban chỉ đạo, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể đã ban hành các chương trình kế hoạch, đề án và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện; đặc biệt là đã ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy rằng trong 10 năm, cán bộ chủ chốt của huyện có nhiều lần thay đổi nhưng người đến sau kế thừa và phát triển thành quả của người đi trước tạo thành một chuỗi phát triển liên tục, không ngừng. Mỗi người cán bộ chủ chốt ở các cấp cho đến mỗi người dân đều một lòng quyết tâm để đưa Vũ Quang trở thành một vùng quê trù phú và tươi đẹp.
Tất cả những điều đó góp phần phát huy sức sáng tạo mọi nguồn lực trong toàn dân để sớm thực hiện hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 4, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra: phấn đấu xây dựng Vũ Quang đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2020 và đến nay, điều đó đã thành hiện thực. Huyện Vũ Quang đang phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Để đạt mục tiêu, huyện tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tất cả các khâu, lĩnh vực. Đồng thời, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức và cá nhân từ huyện đến cơ sở. Bên cạnh đó, huyện sớm ban hành nghị quyết xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao cùng các cơ chế, chính sách và lộ trình, khung kế hoạch cụ thể theo từng năm. Tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng đồng bộ, đạt chuẩn; tiếp tục lấy Nhân dân làm chủ thể, khơi dậy nội lực, sức mạnh toàn dân trong xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Thị Lan
TS, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An