Ô nhiễm nguồn nước trầm trọng ở Ấn Độ (Ảnh: Governance Today)
Trên thực tế, hơn 80% nguồn nước ở Ấn Độ bị ô nhiễm nặng. Trong đó, Ganga và Yamuna là hai con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất.
Nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước
Nguyên nhân gây ô nhiễm chính là do tốc độ đô thị hóa nhanh và thiếu kiểm soát. Trong một thập kỷ qua, tốc độ đô thị hóa ở Ấn Độ đã tăng lên nhanh chóng, thậm chí nó còn để lại những dấu vết không thể xóa bỏ đối với các nguồn thủy sản của quốc gia này. Điều này đã dẫn đến những ảnh hưởng về môi trường lâu dài như sự thiếu hụt nguồn nước, thu gom nước thải…
Việc xử lý nước thải cũng là một vấn đề lớn. Những khu vực gần các con sông đã mọc lên nhiều thị trấn, thành phố, đi kèm với đó là ngày càng nhiều các vấn đề nổi cộm liên quan đến nguồn nước.
Người dân Ấn Độ sử dụng nước ô nhiễm trên sông Ganga (Ảnh: Ganga Action Parivar)
Sự đô thị hóa thiếu kiểm soát ở những khu vực này dẫn tới việc nước thải tràn lan, không được xử lý. Ở khu vực đô thị, nước lấy từ sông, hồ, suối, ao, giếng được sử dụng cho các mục đích công nghiệp, sinh hoạt. 80% lượng nước sử dụng cho sinh hoạt trở thành nước thải. Trong hầu hết các trường hợp, lượng nước thải này không được xử lý đúng cách có thể dẫn đến ô nhiễm tầng nước mặt.
Nước bẩn sẽ chảy qua tầng bề mặt và gây ô nhiễm tầng nước ngầm. Theo ước tính, dân số đô thị hơn 100.000 người sẽ thải ra khoảng 16.662 triệu lít nước thải trong một ngày. Mặc dù, 70% người dân ở các thành phố sống trong điều kiện có cơ sở hạ tầng thoát nước thải, nhưng dân cư ở các thành phố và thị trấn nằm bên bờ sông Ganga vẫn thải ra đến 33% lượng nước thải của Ấn Độ.
Một số nguyên nhân quan trọng khác làm gia tăng mức độ ô nhiễm nguồn nước ở Ấn Độ bao gồm: Xử lý chất thải công nghiệp không hợp lý; sản xuất nông nghiệp không đúng cách; giảm lượng nước trên các con sông ở đồng bằng; rò rỉ dầu từ các con tàu; mưa axit; sự nóng lên toàn cầu; hiện tượng phú dưỡng nước (suy giảm chất lượng nước); khử nitơ; ảnh hưởng ô nhiễm nước ở các vùng lân cận.
Ảnh hưởng của ô nhiễm nước
Ô nhiễm nước có thể gây ra nhiều ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe của con người và tất cả các sinh vật sống khi sử dụng nước bị ô nhiễm. Ở một mức độ nhất định, nước bị ô nhiễm có thể gây hại cho cây trồng và làm giảm khả năng sinh sản của đất, do đó nó tác động đến ngành nông nghiệp nói riêng và cả quốc gia nói chung. Khi nước biển bị ô nhiễm có thể gây tác động xấu đến các sinh vật đại dương một cách tồi tệ. Tác động cơ bản nhất có thể thấy của ô nhiễm nguồn nước là đối với chất lượng nguồn nước. Chất lượng nước thấp có thể dễ dàng dẫn đến một số căn bệnh nguy hiểm.
Bọt bẩn tràn đầy mặt sông Yamuna (Ảnh: Planet Custodian)
Trên thực tế, tại Ấn Độ, vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng là một trong những yếu tố chính dẫn đến chất lượng sức khỏe thấp của người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn. Nước ô nhiễm có thể dẫn đến các bệnh như tả, lao, kiết lị, vàng da, tiêu chảy. Theo thống kê, khoảng 80% bệnh nhân mắc bệnh dạ dày ở Ấn Độ đều do nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm.
Giải pháp cho vấn đề ô nhiễm nước
Cách tốt nhất để giải quyết những vấn đề ô nhiễm chính là ngăn chặn nó. Giải pháp đầu tiên trong bối cảnh này là việc bảo tồn đất. Xói mòn đất có thể góp phần gây ô nhiễm nguồn nước. Một số biện pháp có thể được áp dụng để bảo tồn đất bao gồm trồng cây xanh, quản lý xói mòn đất hiệu quả hơn và sử dụng phương pháp canh tác đất tốt hơn. Bên cạnh đó, việc xử lý chất thải độc hại đúng cách cũng vô cùng quan trọng. Người dân Ấn Độ được khuyến khích sử dụng các sản phẩm có ít hàm lượng chất hữu cơ dễ bay hơi. Ngay cả trong trường hợp sử dụng các chất độc hại như sơn, chất tẩy rửa, chất làm sạch vết ố người dân cũng cần xử lý đúng cách.
Sự rò rỉ dầu từ ô tô, xe máy và máy móc cũng là một nguồn gây ô nhiễm nước. Do đó, người dân cần thường xuyên kiểm tra, bảo trì các thiết bị máy móc, các phương tiện đi lại để đảm bảo không có sự rò rỉ dầu xảy ra. Một điều quan trọng nữa là sau khi người dân làm việc tại các cơ sở, đặc biệt là trong các nhà máy hay các đơn vị sản xuất dầu, cần phải làm sạch dầu trên các máy móc, thiết bị và sử dụng lại nguyên liệu này nếu có thể.
Bên cạnh những biện pháp trên, Ấn Độ còn áp dụng những biện pháp khác để ngăn chặn ô nhiễm nước bao gồm: làm sạch đường thủy và các bãi biển, tránh sử dụng vật liệu không phân hủy sinh học như nhựa và áp dụng đồng thời nhiều biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm nước.
Hồng Nhung (Theo Maps of India)