Hợp tác 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia có nhiều khởi sắc (Ảnh: VOV World)
Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục theo đuổi chính sách phát triển quốc gia và lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội của Quốc gia - Kế hoạch 5 năm lần thứ 8, giai đoạn (2016-2020), Chiến lược Phát triển đến năm 2025 và Tầm nhìn đến năm 2030.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã khẳng định lập trường của Chính phủ tại kỳ họp thứ 71 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức tại New York, Hoa Kỳ, tháng 9/2016. Trong đó việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững là nghĩa vụ quốc tế của quốc gia này.
Chính phủ Lào tập trung vào việc đạt được các mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội Quốc gia lần thứ 8. Đó là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, giảm đói nghèo và thoát khỏi tình trạng quốc giá kém phát triển.
Thêm vào đó, Chính phủ Lào cũng đã thông qua mục tiêu bổ sung: Đảm bảo cuộc sống an toàn từ Chương trình khắc phục hậu quả bom mìn và vật liệu chưa nổ (UXO). Mục tiêu của Lào cụ thể là đảm bảo rằng vào năm 2030, các hoạt động UXO còn lại được thực hiện và tất cả ô nhiễm UXO ở các khu vực nghèo đói có mức độ ưu tiên cao đều được làm sạch. Số thương vong hàng năm do tai nạn bom mìn được giảm tối đa trong phạm vi có thể.
Một người nông dân Lào tưới rau trên cánh đồng (Ảnh: Food Security)
Lào là quốc gia kém phát triển, phải đối mặt với nhiều thách thức và trở ngại trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực có chất lượng, do đó đòi hỏi phải tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith tin tưởng rằng, với quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ cùng với sự hợp tác và hỗ trợ liên tục của cộng đồng quốc tế, Lào sẽ đạt được những mục tiêu phát triển bền vững này.
Chính phủ Lào khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu. Chính phủ Lào đã đệ trình các quyết định về thay đổi khí hậu tổng thể, giảm thiểu rủi ro thiên tai vào Kế hoạch Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia.
Vào năm 2016, Lào đã vinh dự được đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm đầu tiên Cộng đồng ASEAN được thành lập. Chủ đề mà Lào đưa ra khi đảm nhận vai trò này là Chuyển tầm nhìn thành hiện thực cho một Cộng đồng ASEAN năng động, với mục đích thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Những mục tiêu phát triển bền vững của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã góp phần đáng kể vào việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Trong khi đó, những năm qua, Vương quốc Campuchia đã có những tiến bộ đáng kể trong tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Để đạt được mức thu nhập trung bình, một điều quan trọng đó là quỹ đạo phát triển của Campuchia phải dựa trên nền tảng phát triển bền vững.
Tuy nhiên, việc đạt được một số Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc đã đặt ra từ nhiều năm trước, nhằm giảm một nửa tình trạng đói nghèo toàn cầu còn nhiều hạn chế. Để đạt được những mục tiêu này, Campuchia cần tăng cường hoạt động của các cơ quan Chính phủ cũng như duy trì tăng trưởng kinh tế. Campuchia đã đặt ra những mục tiêu chưa sát với thực tế trong quá khứ, đặc biệt với các vấn đề liên quan đến nữ giới. Việc bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vẫn chưa thành công ở vương quốc này.
Tuy nhiên, Campuchia đã đạt được những thành công trong việc phòng chống một số bệnh tật bao gồm HIV, AID, sốt rét.
Nông dân Campuchia trồng lúa (Ảnh: VOA)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Campuchia cho biết, những mục tiêu chính đã đạt được mặc dù mục tiêu về môi trường bền vững vẫn là thách thức lớn nhất đối với Campuchia.
Tình trạng đói nghèo vẫn là vấn đề nổi cộm ở đất nước này, mặc dù nhiều người đã thoát khỏi mức cực nghèo, nhưng đời sống của họ cũng chỉ ở mức vừa đủ.
Để hoàn thành các kế hoạch trong Mục tiêu Phát triển Bền vững, Campuchia cần có sự quản trị tốt hơn, khi đó tất cả các cơ quan làm việc cùng nhau để thu thập và phổ biến thông tin. Đồng thời cho so sánh kết quả với các nước khác và phản ánh hoạt động của Chính phủ.
Trong tam giác phát triển Việt Nam, Lào, Campuchia đang tồn tại các hạn chế và khiếm khuyết của liên kết bình đẳng giới và phát triển bền vững nói chung và phát triển nông nghiệp thông minh nói riêng. Phụ nữ và trẻ em gái có thể và sẽ là chìa khóa để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững, tuy nhiên, cần có những chính sách và môi trường để vai trò của họ được phát huy đầy đủ và thực chất.
Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững ở các quốc gia Tiểu vùng Mekong, trong đó có 3 nước Lào, Campuchia, Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến phát triển nông nghiệp thông minh trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu và khả năng hạn chế về công nghệ và vốn tại các quốc gia Tiểu vùng Mekong, lồng ghép giới trong phát triển nông nghiệp thông minh cũng như các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Lào, Campuchia và Việt Nam có mối quan hệ lịch sử lâu dài và có nét tương đồng về kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, các bên cần phối hợp và xây dựng chính sách hợp tác đa phương, song phương với mục tiêu phát triển kinh tế tập trung vào tăng trưởng xanh, tích cực chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phối hợp ngăn ngừa các tác động xấu của biến đổi khí hậu, nguồn nước và môi trường, coi trọng vai trò của văn hoá trong phát triển bền vững, nhất là việc giao lưu văn hoá làm cho nhân dân ba nước ngày càng hiểu biết, gần gũi với nhau hơn trong ngôi nhà chung của khu vực và thế giới.
Hồng Nhung