Thế giới trong nỗ lực xóa mù chữ

Chủ đề của Ngày quốc tế xóa mù chữ (8/9/2023) là “Khuyến khích biết đọc và viết trong bối cảnh thế giới đang thay đổi: Nền tảng của xã hội bền vững và hòa bình”. Mục tiêu phát triển bền vững được xác định tập trung vào năm trụ cột: Con người (phát triển xã hội); Hành tinh (bảo vệ môi trường); Thịnh vượng (kinh tế thịnh vượng); Hòa bình và Quan hệ đối tác. Điều này tạo cơ hội để củng cố và điều chỉnh con đường mà chúng ta cần đi, để nắm bắt các mối quan hệ qua lại giữa sự phát triển về kỹ năng đọc, viết và tính toán với các lĩnh vực khác nhau nằm trong mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo hòa bình.
Thế giới cùng nhau nỗ lực xóa mù chữ.    ẢNH: GLOBAL GIVING

Theo dữ liệu gần đây của Viện Thống kế của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), toàn thế giới đã đạt được tiến bộ lớn trong công cuộc xóa mù chữ với 86% dân số thế giới biết đọc, viết so với 68% vào năm 1979. Mặc dù vậy, trên toàn thế giới vẫn có ít nhất 763 triệu người trưởng thành không có kỹ năng đọc, viết; và hai phần ba trong số này là phụ nữ; 250 triệu trẻ em cũng chưa đạt được kỹ năng này.

Việc học chữ không phải là hành động chỉ diễn ra một lần. Vượt xa khái niệm truyền thống về kỹ năng đọc, viết và tính toán, hiện nay, khả năng đọc, viết được hiểu như một phương tiện để nhận dạng, hiểu, diễn giải, sáng tạo và truyền đạt trong một thế giới kỹ thuật số.

Biết chữ là quá trình học tập liên tục và thành thạo trong việc đọc, viết và tính toán trong suốt cuộc đời và là một phần của tập hợp các kỹ năng cao hơn, bao gồm kỹ năng sử dụng công nghệ kỹ thuật số, hiểu biết về truyền thông, giáo dục để hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo quyền công dân toàn cầu cũng như các kỹ năng cần thiết dành riêng cho từng nghề nghiệp.

Xóa mù chữ còn mang ý nghĩa trao quyền và giải phóng con người. Ngoài việc khẳng định một phần quyền được giáo dục, khả năng đọc, viết còn giúp cải thiện cuộc sống bằng cách mở rộng cơ hội phát triển, thoát khỏi đói nghèo, tăng cường khả năng tham gia vào thị trường lao động và các tác động tích cực đến sức khỏe cũng như phát triển bền vững.

Phụ nữ được trao quyền nhờ khả năng đọc, viết sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong cuộc sống của bản thân, cũng như các tác động tích cực ngay lập tức tới sức khỏe, giáo dục của gia đình họ, đặc biệt là việc giáo dục trẻ em gái.

Thông qua một mạng lưới toàn cầu, các văn phòng và viện nghiên cứu, các quốc gia thành viên và đối tác, UNESCO đã tích cực trong việc nâng cao trình độ đọc, viết trong khuôn khổ học tập suốt đời và giải quyết mục tiêu xóa mù chữ nằm trong Mục tiêu phát triển bền vững và Khung hành động giáo dục 2030.

Chiến lược xóa mù chữ cho thanh thiếu niên và người trưởng thành (giai đoạn 2020-2025), đặc biệt chú trọng đến các quốc gia thành viên của Liên minh toàn cầu về xóa mù chữ, nhắm tới 20 quốc gia có tỷ lệ người biết chữ dưới 50% và các quốc gia trong nhóm E9 (gồm Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nigeria và Pakistan) cũng như 17 quốc gia châu Phi. Trọng tâm là thúc đẩy xóa mù chữ trong môi trường chính quy cũng như không chính quy với bốn lĩnh vực ưu tiên: tăng cường các chiến lược quốc gia và phát triển chính sách về xóa mù chữ; giải quyết nhu cầu của các nhóm người chịu thiệt thòi, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái; sử dụng công nghệ số để mở rộng và cải thiện kết quả giảng dạy; và theo dõi sự tiến bộ cũng như đánh giá các kỹ năng đọc, viết.

Phụ nữ và trẻ em gái ở nhiều khu vực gặp khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục. ẢNH: SAVE THE CHILDREN

Năm nay 2023, đánh dấu nửa chặng đường của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, bao gồm 17 mục tiêu chung về phát triển bền vững mà cộng đồng quốc tế đã cùng nhau cam kết vào 8 năm trước. Với quyết tâm đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự, các quốc gia và đối tác của họ đã hình dung ra viễn cảnh của một thế giới hòa bình, công bằng, toàn diện và không còn nghèo đói trong tương lai.

Tuy nhiên, như đã được nhấn mạnh trong một báo cáo gần đây của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, các Mục tiêu phát triển bền vững đang phải đối mặt với những thách thức sâu sắc. Bất chấp tiến bộ trong nhiều lĩnh vực, theo đánh giá sơ bộ về khoảng 140 mục tiêu có số liệu chi tiết thì chỉ có khoảng 12% trong số này là đi đúng hướng; gần một nửa, mặc dù có tiến bộ nhưng đang đi chệch hướng ở mức độ từ vừa phải tới nghiêm trọng; và khoảng 30% trong số này không có chuyển biến nào, thậm chí tụt xuống dưới mức cơ sở năm 2015.

Hậu quả của đại dịch Covid-19 cùng với những thách thức khác như biến đổi khí hậu, số hóa, bất bình đẳng gia tăng, sự phân cực trong xã hội và xung đột đã ngày càng có ảnh hưởng rõ rệt đến các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội cũng như hành tinh của chúng ta. Những mục tiêu phát triển bền vững thuộc lĩnh vực giáo dục và học tập suốt đời cũng không phải là ngoại lệ. Những mục tiêu này đang phải đối mặt với những thách thức dai dẳng có liên quan đến công bằng, hòa nhập và bình đẳng cũng như chất lượng và sự phù hợp.

Vào năm 2020, có ít nhất một trong bảy thanh niên và người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên trên toàn cầu thiếu các kỹ năng đọc, viết và tính toán cơ bản. Ngoài ra, một số lượng đáng kể trẻ em đang đi học không đạt được các kỹ năng trên, trong khi 244 triệu trẻ em và thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 6-18 không được đến trường.

Cuộc khủng hoảng do Covid-19, cùng với các thách thức toàn cầu khác đã làm trầm trọng thêm những thách thức về giáo dục và xóa mù chữ mà hàng triệu trẻ em, thanh niên và người trưởng thành, chủ yếu là những người vốn đã bị gạt ra ngoài lề xã hội, phải đối mặt trước đại dịch. Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, ước tính tỷ lệ trẻ em 10 tuổi không đọc được một văn bản đơn giản đã tăng từ 57% vào năm 2019 lên 70% vào năm 2022. Tổn thất giáo dục toàn cầu do đại dịch Covid-19 có thể khiến thế hệ học sinh này giảm sút khoảng 21 nghìn tỷ USD thu nhập cả đời.

Việc thực hiện cam kết với các Mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm các mục tiêu về kỹ năng đọc, viết và tính toán cho trẻ em, thanh niên và người trưởng thành trên thế giới, đồng thời định hình một tương lai xanh hơn, tốt đẹp hơn, an toàn hơn không chỉ đòi hỏi việc tăng cường nỗ lực mà còn cả những thay đổi căn bản trong tư duy, cách tiếp cận cũng như hành động của chúng ta.

Trong một báo cáo năm 2021 có tựa đề “Tái tưởng tượng tương lai của chúng ta: Một khế ước xã hội mới về giáo dục”, do Ủy ban Quốc tế về tương lai giáo dục của UNESCO thực hiện, đã đề cập đến sự cần thiết phải chuyển đổi giáo dục để tái thiết một tương lai hòa bình, công bằng và bền vững hơn.

Bên cạnh đó, Hội nghị Quốc tế lần thứ bảy về giáo dục người trưởng thành diễn ra ở Marrakech, Maroc vào tháng 6/2022, đã làm sáng tỏ tầm quan trọng của quan điểm học tập suốt đời, Hội nghị thượng đỉnh về giáo dục chuyển đổi do Tổng Thư ký Liên hợp quốc triệu tập vào tháng 9/2022 tại New York đã tạo ra một phong trào toàn cầu với hơn 130 quốc gia và đối tác cùng cam kết chuyển đổi giáo dục hướng tới Hội nghị thượng đỉnh tương lai sẽ diễn ra tại New York vào tháng 9/2024.

Chủ đề của Ngày quốc tế xóa mù chữ (8/9/2023) là “Khuyến khích biết đọc và viết trong bối cảnh thế giới đang thay đổi: Nền tảng của xã hội bền vững và hòa bình”. Có thể thấy biết chữ là yếu tố trọng tâm cần thiết giúp các cá nhân trang bị kiến thức, kỹ năng và năng lực liên quan, chuyển đổi nền giáo dục và hình thành các xã hội tiên tiến hơn. Khả năng đọc và viết trong toàn bộ phạm vi của Mục tiêu phát triển bền vững được xác định tập trung vào năm mục tiêu trụ cột, đó là Con người (phát triển xã hội); Hành tinh (bảo vệ môi trường); Thịnh vượng (kinh tế thịnh vượng); Hòa bình và Quan hệ đối tác.

Được giáo dục là quyền của tất cả mọi công dân trên thế giới. ẢNH: NESS KERTON

Việc biết chữ sẽ trao quyền cho con người, nâng cao lòng tự trọng, tính sáng tạo và tư duy phản biện của mỗi cá nhân. Nó giúp con người tiếp thu kiến thức, kỹ năng, thái độ và các giá trị cần thiết để phát triển trong môi trường xã hội hiện nay. Như vậy, khả năng đọc, viết không chỉ góp phần tạo ra lợi ích cá nhân, như điều kiện kinh tế và phúc lợi tốt hơn mà còn nâng cao những lợi ích xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa và môi trường. Một bằng chứng cho thấy các chương trình xóa mù chữ giúp nâng cao các giá trị dân chủ, chung sống hòa bình và đoàn kết cộng đồng.

Bằng cách trao quyền cho mọi người dân, đặc biệt thông qua cách tiếp cận mang tính phản biện và giải phóng, khả năng đọc, viết có thể giúp con người tham gia và đảm nhận vai trò tích cực ở cả địa phương, khu vực và quốc tế để cùng đối mặt và giải quyết các thách thức toàn cầu, đồng thời đóng vai trò là tác nhân chuyển đổi xã hội trở nên hòa bình và bền vững hơn.

Mặt khác, tiến bộ trong các lĩnh vực khác như y tế, nông nghiệp, năng lượng, giao thông… có thể cải thiện các điều kiện và môi trường sống, làm việc và học tập của con người. Nhiều tài liệu, sách vở, thư viện và các cơ hội học tập dưới nhiều hình thức sẵn có có thể giúp ích cho việc học đọc, viết, xóa mù chữ. Đồng thời, những môi trường mới được tạo ra sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm hơn cho người dân.

Khi xem xét các mối quan hệ qua lại này, chúng ta cần lưu ý rằng không phải tất cả những sự phát triển mới đều tạo ra những điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền được giáo dục cho mọi người dân, trong đó giáo dục kỹ năng đọc, viết là một phần quan trọng. Ví dụ như sự tiến bộ của công nghệ số có thể là con dao hai lưỡi.

Mặc dù tiềm năng mở rộng khả năng dạy và học của nó đã được kiểm chứng gần đây nhất từ đại dịch Covid-19, nhưng nhiều vấn đề cũng nảy sinh, khoảng cách kỹ thuật số đã khắc sâu thêm bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ. Những người bị gạt ra ngoài lề xã hội gần như không có khả năng tiếp cận nền giáo dục có chất lượng.

Trên cả nước Việt Nam hiện vẫn còn hơn 1 triệu người trong độ tuổi 15-60 mù chữ mức độ 1 và hơn 2 triệu người mù chữ mức độ 2, tập trung chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nữ giới. Về công tác xóa mù chữ trong năm học 2022 - 2023, cả nước đã huy động được 17.367 người học các lớp xóa mù chữ giai đoạn 1 (tăng 6.366 người so với năm học 2021 - 2022) và 15.125 người học các lớp xóa mù chữ giai đoạn 2 (tăng 6.268 người so với năm học 2021 - 2022).

Hồng Nhung biên dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều