Vấn đề già hóa dân số ở các nước phát triển

(Mặt trận) - Dân số thế giới đang già đi nhanh chóng, những người trên độ tuổi 60 đang chiếm 12,3% dân số toàn cầu. Đến năm 2050, con số này được dự đoán sẽ tăng lên đến 22%. Mặc dù việc tuổi thọ của người dân tăng chứng minh cho thành công trong các lĩnh vực dinh dưỡng, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và kinh tế, nhưng nó cũng trở thành thách thức đối với kinh tế và xã hội. Điều này đòi hỏi những chính sách cấp bách và hợp lý của từng quốc gia.
 

Già hóa dân số là một hiện tượng toàn cầu (Ảnh: The Slovenia Times)

Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã có những hoạt động cụ thể để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề già hóa dân số, khai thác những cơ hội, đồng thời giải quyết những thách thức đặt ra. UNFPA đã hỗ trợ việc nghiên cứu và thu thập thông tin để cung cấp cơ sở dữ liệu vững chắc cho việc đề ra các chính sách, kế hoạch và đảm bảo rằng vấn đề già hóa dân số được lồng ghép vào các chương trình phát triển quốc gia và chiến lược xóa đói giảm nghèo.

Dân số già một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế kỷ XXI. Cứ 8 người trên thế giới thì sẽ có 1 người ở độ tuổi 60 trở lên. Chừng nào mà tỷ lệ sinh tiếp tục giảm, tuổi thọ tiếp tục tăng thì số người già vẫn sẽ tăng theo tỷ lệ dân số. Mặc dù, già hóa dân số là một hiện tượng toàn cầu nhưng tiến trình này xảy ra nhanh hơn ở các quốc gia đang phát triển, bao gồm cả những quốc gia có dân số trẻ đông hơn.

Sự đóng góp của người già cho xã hội là vô giá. Rất nhiều những đóng góp của họ không thể đo đếm về mặt kinh tế như sự chăm sóc, tình nguyện và việc truyền lại truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Người già còn giữ vị trí quan trọng như những người lãnh đạo, thường nắm vai trò trong việc giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình, xã hội và ngay cả trong những trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, họ cũng là đối tượng dễ bị tổn thương bởi mạng lưới hỗ trợ xã hội yếu kém, thu nhập thấp hay là nạn nhân của nạn phân biệt đối xử, lạm dụng. Đặc biệt, phụ nữ lớn tuổi dễ bị tổn thương bởi sự phân biệt trong xã hội, bị từ chối quyền thừa kế tài sản. Bên cạnh đó, phụ nữ có xu hướng sống thọ hơn nam giới, do đó, họ có thể phải chịu đựng cuộc sống thiếu thốn, đói nghèo trầm trọng hơn khi họ già đi.

Mặc dù, nhiều người cao tuổi hiện nay đã có sức khỏe tốt hơn, nhưng tuổi tác cùng với những thay đổi về sinh lý cũng làm tăng nguy cơ bệnh tật và tàn tật. Các chính sách và chương trình cộng đồng cần giải quyết thêm nhu cầu của những người cao tuổi nghèo khó và không có khả năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Ngoài ra, các môi trường thân thiện cũng rất cần thiết để đảm bảo sự an toàn, sức khỏe và sự độc lập cho người cao tuổi. Ví dụ như nhà ở giá phải chăng và phương tiện giao thông dễ tiếp cận có thể giúp người cao tuổi trở thành thành viên tích cực của xã hội. Việc ngăn ngừa, điều tra và giải quyết những vấn đề liên quan đến sự kỳ thị, lạm dụng hay bạo lực đối với người cao tuổi cũng vô cùng quan trọng.

Nhiều người cao tuổi cần sự chăm sóc, trách nhiệm này thường thuộc về gia đình của họ. Nhưng sự suy giảm tỷ lệ sinh và việc đô thị hóa nhanh chóng cũng làm thay đổi quan hệ gia đình truyền thống, đôi khi gánh nặng đặt vào mạng lưới hỗ trợ xã hội. Khi số người cao tuổi tăng lên, các gia đình sẽ cần sự hỗ trợ chăm sóc họ và sự bảo trợ xã hội ngày càng trở nên cần thiết hơn đối với người cao tuổi. Các khoản lương hưu có thể giúp giảm đói nghèo đối với rất nhiều người cao tuổi, nó không chỉ hỗ trợ người cao tuổi mà còn cho cả gia đình họ, thậm chí giúp phá vỡ chu kỳ đói nghèo liên thế hệ. Lương hưu còn giúp nâng cao vị trị của người cao tuổi, giúp cân bằng các mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình.

Nhật Bản có dân số già nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Vào cuối thập niên này, tỷ lệ cứ một đứa trẻ dưới 15 tuổi sẽ tương ứng với 3 người về hưu và trong 6 người Nhật Bản sẽ có 1 người trên 80 tuổi. Dân số quốc gia này sẽ sớm giảm gần 1 triệu người mỗi năm và nhiều người dự đoán rằng một lúc nào đó trong thế kỷ tới, người Nhật Bản cuối cùng cũng sẽ “chết”.

Nhiều quốc gia đang khuyến khích việc nhập cư để giải quyết vấn đề về dân số. Tuy nhiên, Nhật Bản không áp dụng giải pháp này, thay vào đó họ đã phát triển một loạt các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao.

Người cao tuổi ở Nhật Bản nắm giữ một nửa tài sản của đất nước (Ảnh: Slate Magazine)

 Người cao tuổi ở Nhật Bản nắm giữ một nửa tài sản của đất nước. Một nền kinh tế được chi phối bởi ngành dược phẩm, chăm sóc sức khỏe và trang thiết bị y tế đang thịnh hành xung quanh họ. Có thể kể đến những thiết kế đồ nội thất và thiết bị hỗ trợ thông minh dành riêng cho người cao tuổi đã và đang được sử dụng phổ biến ở Nhật Bản. Nhà vệ sinh thông minh được lắp đặt thiết bị cảm biến y tế đo lượng đường trong máu dựa trên nước tiểu và huyết áp của người sử dụng. Thiết kế ô tô thông minh có thể hạn chế bất kỳ hoạt động bất thường và nguy hiểm của người lái. Hệ thống chăm sóc y tế thông qua máy tính, bác sĩ và các y tá sẽ tương tác với bệnh nhân từ xa thông qua các công nghệ hiện đại. Robot thú cưng có thể biểu hiện các cảm xúc như bất ngờ, hạnh phúc hay tức giận giúp kích thích phản ứng cho những người cao tuổi bị chứng sa sút trí nhớ. Những chiếc giường có thể biến thành xe lăn giúp hỗ trợ người cao tuổi gặp khó khăn trong việc di chuyển…

Chính phủ Nhật Bản cũng có những biện pháp để giải quyết những vấn đề liên quan đến sự già hóa dân số của quốc gia này. Đối với vấn đề thiếu hụt lực lượng lao động, Chính phủ đã kêu gọi các công ty kinh doanh tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn và thúc đẩy họ lên những vị trí cao. Việc khuyến khích phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động của đã nhận được những thành công nhất định. Đối với vấn đề suy giảm về mức sinh, một số người cho rằng một nguyên nhân gây ra tình trạng này là do văn hóa truyền thống Nhật Bản chưa chấp nhận việc trẻ em sinh ra từ các bà mẹ chưa lập gia đình. Xu hướng kết hôn muộn và không sinh con đầu lòng cho tới độ tuổi cuối 30 cũng là một nguyên nhân. Ngay cả khi có một sự thay đổi mang tính cách mạng trong thái độ truyền thống của Nhật Bản cũng phải mất nhiều năm để người dân thích nghi giúp tăng tỷ lệ sinh và hướng đến sự ổn định dân số.

Việc suy giảm số người trẻ tuổi cũng gây ảnh hưởng đến sự hoạt động của các tường trung học, đại học cũng như cho ngành công nghiệp và thương mại. Điều này cũng có nghĩa là việc duy trì quỹ lương hưu cho người cao tuổi cũng trở nên khó khăn hơn. Một cách để đối phó với số lượng lao động trẻ đang giảm là tăng nhập khẩu hàng hóa thành phẩm từ các quốc gia có mức thu nhập tương đối thấp. Cán cân thanh toán của Nhật Bản có thể cho phép duy trì việc này trong một thời gian. Một cách khác để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động là việc tăng cường sử dụng robot trong sản xuất và cung cấp dịch vụ. Việc này sẽ dần loại bỏ các công việc nhất định.

Một quốc gia ở châu Âu cũng phải đối mặt với tính trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, đó là Thụy Điển. Theo dự báo, trong hai thập kỷ tới, số người trên 80 tuổi ở Thụy Điển sẽ tăng từ khoảng 500.000 - 800.000 người. Thay đổi nhân khẩu học được cho là một trong những thay đổi về mặt xã hội lâu dài và quan trọng nhất xảy ra ở quốc gia này.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến cho người già ở Thụy Điển (Ảnh: Daily Sabah)

Xu hướng kéo dài tuổi thọ trở thành một thách thức đối với mô hình phúc lợi xã hội của Thụy Điển. Khi tỷ lệ người cao tuổi tăng, nhu cầu về các dịch vụ phúc lợi xã hội cũng gia tăng theo. Sẽ là một nhiệm vụ khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn lực để chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Để giải quyết những thách thức đặt ra, Chính phủ Thụy Điển đã tìm kiếm và chú trọng phát triển các giải pháp tích cực và hiện đại. Trong đó công nghệ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến xu hướng toàn cầu hóa khi mà những loại dược phẩm mới và phương pháp chăm sóc sức khỏe tiên tiến có thể chữa được nhiều bệnh cấp tính đang được phát triển. Các sáng kiến về chăm sóc sức khỏe đóng vai trò cần thiết trong việc giải quyết thách thức về dân số, các loại thuốc sinh học hiện đại có thể cung cấp cho nhiều người dân Thụy Điển. Một ví dụ điển hình khác ở quốc gia này đó là những nỗ lực tuyệt vời đã được thực hiện để tạo ra máy trợ thính tốt hơn. Ngoài việc hỗ trợ thính giác, nó còn giúp giảm nguy cơ gia tăng các chứng bệnh liên quan đến tuổi tác khác như chứng sa sút trí nhớ.

Bên cạnh đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng của Thụy Điển từ nhiều năm nay đã được biết đến trên toàn thế giới. Mục tiêu cốt lõi của hệ thống y tế công cộng là khuyến khích mọi người dân giữ được sức khỏe tốt suốt cả cuộc đời. Trên thực tế, y học và công nghệ thông tin hiện đại đang ngày càng có thể phát hiện được các loại bệnh tật có thể ảnh hưởng đến các cá nhân ngay trước khi bệnh phát tác. Giống như nhiều hình thức đầu tư khác, chăm sóc sức khỏe ở Thụy Điển thường có thể đạt được nhiều hơn ở một mức chi phí thấp.

Ngoài ra, Thụy Điển đã có những chính sách để khuyến khích các gia đình sinh thêm con thứ 2, 3 hoặc 4. Một chương trình được tài trợ bởi liên bang dành cho các bậc cha mẹ Thụy Điển tham gia nhận nuôi các trẻ em mồ côi ở châu Phi hay ở các nước phát triển. Nhờ chương trình này, số lượng trẻ em tại Thụy Điển sẽ tăng lên, hứa hẹn số người sắp tham gia vào lực lượng lao động nhiều hơn.

Một giải pháp tiềm năng khác là một chính sách nhập cư mở cửa. Có rất nhiều đàn ông và phụ nữ trên toàn thế giới ở độ tuổi lao động nhưng hiện không có việc làm. Nếu họ được khuyến khích đến Thụy Điển thì lực lượng lao động ở quốc gia này sẽ tăng lên đáng kể. Điều này có sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu tiền để vận hành quỹ chăm sóc sức khỏe và trợ cấp người cao tuổi, đồng thời giải quyết khủng hoảng tài chính ở lĩnh vực dịch vụ cho người cao tuổi. Thêm vào đó, khuyến khích việc nghỉ hưu muộn để duy trì một cộng đồng lao động to lớn cũng là một giải pháp đáng chú ý.

Đức, một cường quốc kinh tế của châu Âu cũng đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số. Trong 15 năm tới, Đức có thể mất 5 triệu người trong lực lượng lao động. Tuy nhiên, dự báo về nhân khẩu học cũng cần phải có những thay đổi đáng kể, bởi số người nhập cư của quốc gia này đang dao động mạnh mẽ và khó dự đoán được.

Nhập cư là một giải pháp cho vấn đề già hóa dân số ở Đức (Ảnh: Livemint)

Một trong những giải pháp được đưa ra là chính sách nhập cư. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ giải quyết được phần nào vấn đề này. Hạn chế về việc dịch chuyển lao động từ các nước thành viên EU ở Đông Âu cuối cùng đã được dỡ bỏ, Berlin hy vọng việc này sẽ giúp tăng thêm 100.000 lao động trong những năm tới.

Một giải pháp cũng gây tranh cãi ở Đức đó là việc nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 67. Những thay đổi này được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2012-2029.

Đối với Đức, vấn đề già hóa dân số còn tạo ra nhiều áp lực lên lực lượng lao động hơn cả vấn đề thất nghiệp ở thanh niên. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Đức là 7,9%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Anh 20% hay Tây Ban Nha 40%.

Vào năm 2015, lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua, tỷ lệ sinh ở Đức đã tăng lên là 1,5 trẻ/một bà mẹ. Đây có thể là thành công nhờ sự hỗ trợ tập trung của các gia đình và nền kinh tế tăng trưởng. Tỷ lệ sinh của quốc gia này được dự kiến sẽ tương đối ổn định trong tương lai gần. Bên cạnh đó, tuổi thọ trung bình trong những thập kỷ gần đây liên tục tăng nhanh hơn sự mong đợi của các nhà nhân khẩu học.

Nếu như Đức giữ được mức tăng trưởng kinh tế hiện tại trong những thập kỷ tới, thì 3 yếu tố thúc đẩy sự gia tăng dân số là nhập cư, sinh đẻ và tuổi thọ trung bình cũng sẽ theo chiều hướng tăng, dẫn đến dân số tương đối ổn định. Trong trường hợp này, nếu Đức có thể đưa người nhập cư tham gia vào lực lượng lao động và tăng tỷ lệ tham gia làm việc của người cao tuổi thì đây sẽ là cơ hội tốt để gia tăng tài trợ cho các chương trình phúc lợi xã hội hiện có.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều