Giao ban báo chí với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

(Mặt trận) - Sáng 17/10, tại Hà Nội, Ban Tổ chức giải “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đã họp giao ban lần thứ 2 nhằm đánh giá tiến độ thực hiện và hưởng ứng của các phóng viên, cơ quan báo chí khi giải phát động. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu chủ trì cuộc họp.

Theo ông Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, giải “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đã được thông báo rộng rãi tới các cấp Hội và hệ thống tổ chức Mặt trận trong cả nước, động viên hội viên, thành viên tham dự giải. Qua công tác điểm báo hàng tuần của Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từ tháng 3/2017 đến nay, số lượng tác phẩm đúng mảng đề tài của giải là 1.500 tác phẩm, trong đó có hơn 500 tác phẩm báo in, 1.000 tác phẩm báo điện tử và 32 tác phẩm truyền hình. Riêng các tác phẩm phát thanh đang trong quá trình thu nhận thông tin và tác phẩm. Đến nay, Ban tổ chức đã nhận được hơn 100 tác phẩm gửi về dự giải.

Đồng thời, Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tạo fanpage của giải trên Facebook nhằm có thêm kênh để chia sẻ thông tin về giải cũng như các tác phẩm báo chí thuộc mảng đề tài này. Đến nay, fanpage đã thu hút được sự quan tâm theo dõi thường xuyên của gần 500 thành viên, trong đó đa số là các nhà báo và công chúng quan tâm đến báo chí. Đồng thời, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục có Công văn để nhận tiếp tác phẩm dự thi dịp cao điểm.

Nhà báo Vũ Văn Tiến, Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận cho rằng: Các tác phẩm đoạt giải phải đánh giá được hiệu quả, tác động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Mấu chốt sâu xa ở Giải báo chí với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là phải tìm ra hướng động viên riêng, để ngòi bút của các tòa soạn báo khi viết tham dự giải có chỗ dựa, sự tin tưởng, để những tác phẩm đó thực sự là hưởng ứng, tham gia xu thế, phong trào phòng, chống tham nhũng, để mỗi bài báo được đăng tải có ảnh hưởng xã hội.

“Mỗi bài báo phản ánh đều phải có tiếng vang, người dân nhìn vào đấy đúng là những tác phẩm báo chí tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí”, Nhà báo Vũ Văn Tiến chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, thời gian nhận giải chỉ còn hơn 1 tháng, để chuẩn bị cho công tác chấm giải, chọn lọc, Ban tổ chức cần tiếp tục thông báo rộng rãi đến các phương tiện thông tin đại chúng, các tác giả gửi tác phẩm tham dự, từ đó thành lập Hội đồng sơ khảo, chọn ra những tác phẩm có hiệu ứng tốt đối với bạn đọc.

Tuy nhiên, cũng theo Ban tổ chức, hiện nay, các tuyến bài về phản ánh vụ việc vẫn chiếm phần lớn trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng mà thiếu những bài viết biểu dương về các tấm gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống tham nhũng.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh, Phó Ban Chỉ đạo giải cho rằng, Mặt trận phải huy động cán bộ ở địa phương, cơ sở phát hiện những hiện tượng tham nhũng, lãng phí để từ đó tập trung tuyên truyền.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho rằng, hiện nay, đang có một trở ngại là khi phát hiện, người dân ko dám nêu tên cụ thể vì khi người dân phản ánh các hiện tượng trên thì nhận được hiệu ứng tiêu cực. Do đó, theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh, cần phải có giải pháp để hệ thống Mặt trận ở cơ sở phát hiện hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nhiều hơn nữa. “Mặt trận cần khuyến khích, biểu dương cán bộ Mặt trận ở cơ sở, người uy tín, tiêu biểu phát hiện và tố cáo tiêu cực, tham nhũng, lãng phí tại địa phương mình”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nêu.

Đánh giá cao sự vào cuộc của Ban tổ chức, đặc biệt là 1.500 tác phẩm báo chí viết về lĩnh vực này, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, thời điểm này đã là giai đoạn nước rút trong việc tổ chức giải nên mong mỏi có nhiều hơn nữa những tác phẩm xuất sắc về đấu tranh phòng, chống tham nhũng được gửi về tham dự giải. “Từ các kết luận kiểm tra, kiểm toán, thanh tra được công khai thì vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được nhân lên. Đây là điều kiện báo chí vào cuộc viết những tin bài phản ánh công tác phòng, chống tham nhũng trong cả nước.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được đề cập cụ thể tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ sáu diễn ra hồi tháng 1/2017. Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho rằng, năm 2017 và những năm tiếp theo, UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch.  

Ngay tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ sáu, MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam phát động Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Sau khi phát động, báo chí đã vào cuộc với quy mô lớn, phản ánh sâu sắc và mức độ bài báo đăng về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Trong đó đã có những bài viết gây được tiếng vang, những bài viết tạo hiệu ứng xã hội, góp phần cùng các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết nhiều vụ việc.

Như vụ việc tại Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (KTTN&MT) Bạc Liêu, thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bạc Liêu. Từ những phản ánh, kiến nghị của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm KTTN&MT Bạc Liêu về vụ việc lùm xùm kéo dài tại đây, báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, Báo Đại đoàn kết đã ghi nhận những kiến nghị, tâm tư, bức xúc này và theo đuổi vụ việc bằng hàng loạt bài viết. Từ những phản ánh trên, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có công văn kiến nghị gửi Tỉnh ủy Bạc Liêu chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc. 

 “Báo chí là kênh quan trọng để lắng nghe nhân dân. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có khối báo chí với nhiều tờ báo có số lượng phát hành lớn với uy tín và tính phản biện mạnh. Đây là thế mạnh cần liên kết các tờ báo để tuyên truyền hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết.

Hiện nay, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam đã thông báo rộng rãi tới các cấp Hội và hệ thống tổ chức Mặt trận trong cả nước, động viên hội viên, thành viên tham dự giải.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tin tưởng, thời gian tới, các cơ quan báo chí luôn đồng hành cùng MTTQ và Hội Nhà báo trong việc hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thông qua các bài viết tạo được hiệu ứng xã hội và tiếp tục đưa tin về quy mô, tổ chức và công việc triển khai trong thời gian tới, góp phần tổ chức giải lần đầu tiên thành công tốt đẹp, từ đó làm tiền đề cho các giải tiếp theo.

 “Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam luôn luôn sát cánh cùng cơ quan báo chí; bảo vệ đúng quyền, nghĩa vụ, lợi ích của cơ quan báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, tham gia giám sát, phản biện xã hội góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Lễ trao Giải báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí sẽ được tổ chức vào lúc 20h ngày 2/1/2018, và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam. Đài Truyền hình TP HCM và Đài Truyền hình TP Cần Thơ sẽ tiếp sóng trực tiếp chương trình này.

Hương Diệp - Ảnh Kỳ Anh

Bình luận

Quang Thắng - 22:58 17/10/2017

Quan điểm củ Nhà báo vũ Văn Tiến rất đúng, tiêu chí cảu các bài báo đạt giải phải lấy hiệu quả là thước đo và bút pháp như thế nào để tác động đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nó như bản án viết hay có giá trị vừa giáo dục vừa dăn đe

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều